X

Soạn văn 8 Kết nối tri thức

Top 10 Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng


Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 10 bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 10 Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 1

Chúng em đã được học rất nhiều về vua Hùng và quá trình dựng xây đất nước của họ. Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, trường đã tổ chức cho học sinh các khối lớp đi thăm di tích đền Hùng. Chuyến đi kéo dài trong hai ngày đã giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức mới.

Trước chuyến đi, ngay khi nhận được thông báo từ nhà trường, mẹ đã cùng em chuẩn bị rất nhiều thứ. Cảm giác hồ hởi, phấn khích xem lẫn tí thích thú khiến em càng mong chờ đến ngày đi. Chuyến hành trình khá dài, từ Hà Nội lên đến Phú Thọ khiến chúng em hơi mệt. Tuy nhiên, không khí dần được khuấy động bởi các anh chị hướng dẫn viên nhiệt tình. Chúng em bắt đầu lấy lại niềm vui thích ban đầu để hòa mình vào không khí chung.

Đền Hùng là nơi thờ phụng vua Hùng nhiều đời nay, nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Mỗi năm, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, tại đây sẽ được tổ chức lễ hội đền Hùng. Đây là một lễ lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Có khá nhiều khách du lịch thập phương quy tụ về đây để thăm thú, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Vào ngày nay mỗi năm, chúng em cũng được nghỉ để ăn giỗ tổ Hùng Vương.

Chuyện kể rằng, đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh ra bọc trăm trứng. Đây là những con người đầu tiên, là tổ tiên, nguồn cội của mình. Đền Trung là nơi các cuộc họp cấp cao diễn ra giữa vua quan. Mọi quyết định quan trọng đều được xem xét tại đây. Phía trên cùng cao nhất chính là đền Thượng, dùng để thờ cúng các vị thần. Nằm ngay bên cạnh đền này đền Giếng. Truyền thuyết kể rằng, đền Giếng được xây dựng vào thế kỷ XVIII, là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa soi gương. Mỗi cảnh vật đi qua đều đẹp và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong em. Từng khung hình, từng chi tiết em đều muốn ghi nhớ lại không sót một chi tiết nào.

Tiếp theo, đoàn dẫn chúng em vào tham quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý. Mọi thứ đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện, một bài học riêng. Đó là các chiến tích hào hùng của vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược. Đó là tấm gương sáng của người chiến sĩ hy sinh quên mình để bảo vệ vua chúa. Một thời khói lửa có nhiều mất mát, đơn đau nhưng cũng để lại bài học quý giá. Đó là người con gái Mị Châu vì trao nhầm tin yêu cho Trọng Thủy để rồi mất nước và tay giặc ngoại xâm. Còn nhiều lắm những câu chuyện chúng em được nghe kể về các vua Hùng. Xa xa kia là hình ảnh Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang trò chuyện với chiến sĩ thuộc Đại đoàn quân tiên phong. Câu nói của Bác vẫn mãi vang vọng bên tai: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trong chuyến tham quan này, chúng em được khám phá và trải nghiệm nhiều lễ hội vui của đền Hùng. Nào là lễ rước kiệu vua với những lá cờ nhiều màu, hoa và được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống cực đẹp. Lễ dâng hương, chúng em thành kính kính cẩn nghiêng mình, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ. Thầm cảm ơn sự hy sinh, vất vả của vua Hùng để giờ đây chúng em có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chúng em còn trở thành người chơi thực thụ trong các trò chơi như thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi….

Chuyến đi thăm đền Hùng là chuyến đi thú vị và cho em nhiều cảm xúc. Mặc dù thời gian tham quan không nhiều nhưng mỗi học sinh chúng em cũng đã có cho mình những cảm xúc riêng. Chúng ta phải trân quý cuộc sống này, trân quý những giá trị bản sắc văn hóa mà ông cha ta đã dựng xây. Chắc có lẽ, sắp tới đây, bài thu hoạch của em sẽ có khá nhiều điều mới mẻ. Bởi em đã đi và cảm nhận bằng hết những chân thành, nhiệt huyết di tích lịch sử đền Hùng.

Dàn ý Kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng

Mở bài

 

Giới thiệu khái quát về chuyến tham gian đó. Trình bày thời gian, địa điểm và tại sao lại có chuyến đi này.

Thân bài

Nêu các bước chuẩn bị trước khi lên đường đi tham quan. Ví dụ như đồ dùng cá nhân, sách bút để ghi chép. Cảm giác lúc này ra sao?

Chuyến tham quan di chuyển bằng phương tiện gì? Những hoạt động nào đã diễn ra, khái quát đôi nét về chuyến đi.

Trình bày một số ấn tượng về di tích đó.

Kết bài

Nêu lên suy nghĩ của cá nhân về chuyến đi thăm di tích lịch sử. Nó có bổ ích không, em học tập được những gì từ chuyến đi đó?

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 2

Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tôi đã có dịp đến thăm đền Hùng - một di tích lịch sử quan trọng của nằm ở tỉnh Phú Thọ.

Từ sáng sớm, tôi đã thức dậy để chuẩn bị. Khoảng năm giờ, tôi cùng bố mẹ bắt xe để đi đến đến Hùng. Xe đi khoảng gần hai tiếng thì đến nơi. Nơi đây vô cùng đông đúc, rất nhiều người về đền Hùng để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Tôi cùng bố mẹ đến từng địa điểm để dâng hương.

Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Đầu tiên, tôi được đến thăm đền Hạ - theo tìm hiểu đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Kiến trúc kiểu chữ nhị bao gồm Tiền bái và Hậu cung. Kiến trúc đền Hạ đơn sơ, kèo cầu suốt, quá giang đóng trụ, mái lợp ngói mũi. Tương truyền rằng đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng.

Tiếp đến là chùa Thiên Quang, chùa xưa có tên gọi là “Viễn Sơn Cổ Tự” sau đổi thành “Thiên Quang Thiền Tự”. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần đến thế kỷ XV xây dựng lại, thời Nguyễn chùa được đại trùng tu. Rồi đến đền Trung hay còn có tên gọi khác là Hùng Vương Tổ miếu được xây dựng vào thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XV, đền bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất gồm ba gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giáng cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.

Sau đó, chúng tôi lần lượt đến dâng hương tại đền Thượng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ở mỗi địa điểm, tôi lại được bố mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn.

Sau chuyến đi, tôi cảm thấy thêm biết ơn các vua Hùng và càng thêm tự hào về nguồn gốc của dân tộc.

Kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng (mẫu 5)

“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam. Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, hàng vạn người từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về đền Hùng để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Đền Hùng là một khu du lịch nổi tiếng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phúc cách Hà Nội 100km về phía Bắc. Đó là một quần thể kiến trúc bao gồm lăng tẩm, đền, miếu cổ kính. Do những biến động của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, các kiến trúc ở đền Hùng đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1922. Từ chân núi đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi bà Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Qua đền Hạ là đền Trung, nơi các vua Hùng dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ) từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng, nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, thường tới gội đầu tại đó.

Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống… Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.

Góp phần vào sự quyến rũ của ngày lễ hội, ngoài những nghi thức rước lễ còn những hoạt động văn hóa quần chúng đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Vĩnh Phú, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Người hành hương tới đền Hùng không chỉ để vãn cảnh hay tham dự vào cái không khí tưng bừng của ngày hội mà còn vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người hành hương đều cố thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Trẩy hội Đền Hùng là truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong rất nhiều những ngày hội được tổ chức trên khắp đất nước, hội đền Hùng vẫn được coi là hội linh thiêng nhất bởi đó là nơi mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và truyền thống oai hùng, hiển hách của cha ông.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 3

Hè vừa qua trường chúng em có tổ chức đi thăm di tích đền Hùng với mục đích giúp các em học sinh hiểu hơn về lịch sử nước nhà. Chuyến đi rất bổ ích và giúp em cùng các bạn biết thêm nhiều kiến thức mới.

Đền Hùng khu di tích thờ phụng Vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch nơi này tổ chức lễ hội Đền Hùng rất lớn. Bắt đầu từ chân núi đi lên chúng em bắt gặp đền Hạ, tương truyền kể rằng đây là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Tiếp tục di chuyển lên sẽ là đền Trung, vị trí quan trọng nơi tổ chức họp bàn việc nước của vua và quan. Cao nhất là đền Thượng, vị trí tối cao dùng để thờ cúng các vị thần theo tín ngưỡng xưa. Kế bên đó là đền Giếng, ngôi đền xây dựng trong thế ký 18, theo dân gian tương truyền đây là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa soi gương. Trước mỗi cảnh vật bên trong chúng em đều bước đi chậm rãi, bồi hồi trước khung cảnh cổ kính, thiêng liêng.

Điều đặc biệt mà em chú ý nhất là được tham quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật, hình ảnh,tư liệu về Vua Hùng. Các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu các câu chuyện, hiện vật và hình ảnh của nhiều dân tộc thời vua Hùng cũng như những câu chuyện bổ ích về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông. Ấn tượng nhất với chúng em là hình ảnh Bác Hồ trò chuyện với chiến sĩ thuộc "Đại đoàn Quân tiên phong", và căn dặn ân cần các chiến sĩ câu nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Trong thời gian tham quan chúng em còn được biết đến phần lễ quan trọng trong hội Đền Hùng đó là lễ rước kiệu vua gồm có nhiều cờ, hoa, trang phục truyền thống. Lễ dâng hương đền Hùng, trước tiên là lãnh đạo nhà nước và sau đó là những người dân thắp nén hương cho các vua Hùng. Tham gia các trò chơi truyền thống như thi vật, thi kéo co, thi bơi...

Một chuyến đi chỉ vỏn vẹn một buổi nhưng đã để lại nhiều bài học sâu sắc, giúp chúng em hiểu thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đền Hùng là nơi thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến, đó là cội nguồn của mỗi chúng ta.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 4

“Ta về tìm lại ngày xưa
Trời xanh rất vắng, nắng trưa rất vàng
Ta về gom những mơ màng
Tìm trong trầm tích Văn Lang một thời.”

(Trích thơ Văn Việt Trì)

Qua những vần thơ trên đã diễn tả những cảm xúc dạt dào, tha thiết về cội nguồn của dân tộc, về lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, của các vị vua Hùng.

Dù ở bất cứ đâu những người con Việt Nam mãi luôn nhớ về những chiến công vang dội, những công lao to lớn đặt xây nền móng đầu tiên từ lúc sơ khai của đất nước Việt Nam. Hằng năm, cứ đến mồng 10 tháng 3 là con dân ở khắp đất nước, kiều bào đều tụ hội về đền Hùng để tưởng niệm, nhớ ơn, thể hiện tấm lòng thành kính trước tổ tiên, thế hệ đi trước, đây cũng chính là nét văn hóa lâu đời từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

“Cây có cội, nước có nguồn”, cội nguồn của dân tộc Việt Nam là hai tiếng đồng bào thân thương, gắn liền với truyền thuyết xa xưa Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng với 50 người con xuống biển, 50 người con lên non thay nhau cai quản. Nhà nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên ra đời và phát triển trên nền tảng của nền văn hóa sơn vi rực rỡ. Khu di tích Đền Hùng nằm trên vùng đất Đế Đô của nhà nước Văn Lang đã mang trong mình từ chiều dài từ hàng ngàn năm lịch sử. Nằm trong khu vực trung tâm chính của nhà nước Văn Lang, được tọa lạc vị thế độc đáo ngay giữa hai dòng sông biếc bao bọc lấy cố đô.

Đền Hùng được dựng núi Nghĩa Linh giữa vùng đất Phong Châu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trải dài từ chân núi đến đỉnh núi Nghĩa Linh với chiều cao 175 mét. Núi Nghĩa Linh hay còn được gọi là núi Cả hay núi Hùng là ngọn núi cao nhất ở đây. Núi Hùng trông từ xa như một cái đầu rồng lớn đầy uy nghi, hùng vĩ, uốn lượn trong mây trời, ở phía xa xa là dãy núi san sát nối liền nhau xa tít tận chân trời. Tương truyền vua Hùng phải đi khảo sát nhiều nơi, mới có thể tìm ra vùng đất ngút ngàn linh khí, hòa hợp giữa đất trời, thiên nhiên, vạn vật này để định đô, có lẽ vì thế mà dù trải qua hàng nghìn năm nhưng những cảnh sắc, cây cỏ nơi đây vẫn luôn mang sự huyền ảo, rực rỡ, cuốn hút đến vậy.

Đền thấp nhất ở chân núi chỉ cần leo thêm 168 bậc nữa là sẽ đến đền Trung, đây là ngôi đền được biết đến xây dựng vào khoảng thế kỷ 14 và được trùng tu vào những năm 1988. Nhắc đến đền Thượng, người dân xưa thường tương truyền đây là nơi thường diễn ra các buổi tế lễ, cúng kiến cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước thịnh vượng, thái bình. Mộ của vị vua Hùng thứ 6, tương truyền ông là người lãnh đạo nhân dân Văn Lang chống lại sự xâm lược của nhà Ân, được đặt phía bên trái của đền Thượng, mặt lăng qua theo hướng đông nam, vốn là một mộ đất.

“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”, quả thật vậy hoạt động văn hóa, lễ hội như mang tính truyền thống gắn kết của cả một dân tộc, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ chân núi sẽ là nơi thấp nhất gọi là đền Hạ đây là nơi được người xưa kể rằng mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc 100 trứng sinh ra con người Văn Lang. Tiếp lên trên sẽ là đền Trung là nơi bàn chính sự, hội họp, bàn bạc việc quan trọng của vua và các quần thần. Và lên cao nhất ở đỉnh núi đó là đền Thượng, đây cũng chính là nơi thờ của vị vua Hùng thứ 6. Hằng năm, con dân từ khắp đất nước đều tụ hội về đền Hùng trang trọng cung kính biết ơn.

Ngoài nghi thức trang nghiêm này còn có các hoạt động văn hóa đa dạng như lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đây là hình thức lễ hội vô cùng trang nghiệm, kính lễ với các bậc đi trước, những người đã khuất, mọi người sẽ nâng kiệu từ ở dưới chân núi qua các đền và chùa ở trên núi Hùng. Đoàn người nâng kiệu ăn mặc gọn gàng, trang trọng và cẩn thận nhất, mỗi người cầm một loại vũ khí thời xưa để mô phỏng tái hiện lại công lao to lớn của ông cha ta. Tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, đoàn rước kiệu đi đến đầu tiên là “điện kính thiên”, tại đây cả đoàn sẽ tạm dừng để thực hiện nghi lễ dân hương.

Sau nghi thức dâng hương mọi người sẽ tiếp tục di chuyển lên đến ngôi đền cao nhất đền Thượng, vị đại biểu cho nhân dân cả nước sẽ đứng lên phát biểu sự trân trọng, biết ơn đối với các vị vua Hùng, những hy vọng mong ước an lành thịnh vượng của đất nước. Bên cạnh lễ hội truyền thống còn có các sinh hoạt văn hóa cổ xưa như chọi gà, đấu vật, đánh cờ người. Đặc biệt là nghệ thuật hát xoan, chèo, quan họ đặc trưng của dân tộc ta, làn điệu mượt mà như cuốn hút con người về với đất tổ thân thương, hòa mình vào truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc từ ngàn đời. Với đa dạng các hoạt động cổ xưa, truyền thống, mỗi năm cứ đến mùng 10 tháng 3 là lượt khách đến thăm đền Hùng lại vô cùng đông đúc, ai cũng muốn được bày tỏ sự biết ơn của mình, trân trọng sâu sắc.

Lễ hội đền Hùng là một phong tục tập quán có từ ngàn đời, nối gót thế hệ đi trước luôn gìn giữ và phát huy những giá trị đẹp của dân tộc. Ai ai đến đây đều mang trong lòng sự thành kính đối với các vị vua Hùng, làm cho chúng ta càng thêm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, về truyền thuyết bọc trăm trứng từ xa xưa của cả một dân tộc kiên cường, anh hùng. Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào năm 2009 được công nhận là di tích lịch sử đặc biệt quốc gia. Năm 2011, nghệ thuật hát xoan, khúc hát vang dội dấu ấn lịch sử Hùng Vương đã trân trọng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và phát triển.

Giỗ tổ Hùng Vương, là lễ hội lớn của dân tộc ta, về với đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc thân thương, về với những chiến công hiển hách, công lao dựng nước giữ nước của ông cha ta. Đền Hùng đã và đang ngày càng khẳng định nét văn hóa, di sản to lớn đáng tự hào của đồng bào dân tộc Việt Nam qua bao đời thế hệ.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 5

Trên đất nước Việt Nam yêu dấu có rất nhiều cảnh đẹp. Một trong số đó là đền Hùng - nơi thờ các Vua Hùng thời xưa đã có công dựng nước. Đền Hùng là một thắng cảnh đẹp, một di tích lịch sử có ý nghĩa nhất đối với người Việt Nam vì đó là nơi thờ cúng, tưởng niệm của vua Hùng, tổ tiên chung của cả dân tộc.

Đền Hùng nằm ở phía tây bắc Hà Nội, cách Thủ đô chưa đầy 90km. Nơi đây được xây dựng trên núi Hùng (hay còn được gọi là núi Cả, núi Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiêu Sơn…). Núi có độ cao 175m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Văn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Theo truyền thuyết, ba đỉnh núi này là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Phong cảnh nơi đây mới hùng vĩ làm sao! Ở đó núi non trùng điệp, rừng cây bạt ngàn xanh tốt. Vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thấy dòng sông Lô hiền hòa, trong vắt, những xóm làng ẩn hiện trong vườn cây trái như một bức tranh đầy màu sắc. Từ núi Nghĩa Lĩnh có thể “quan sát được cả một vùng rất rộng của trung tâm Bắc Bộ với ngã ba Hạ, nơi sông Lô đổ nước vào sông Hồng, với các dãy núi Tam Đảo, Ba Vì và các dãy đồi lượn sóng xen kẽ giữa những cánh đồng tốt tươi, những vùng quê trù phú của vùng trung du.

Toàn bộ khu di tích gồm bốn đền, một chùa và một lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất đẹp mắt. Cao nhất là Đền Thượng, thấp nhất là Đền Giếng. Các Đền được xây dựng theo một kiến trúc cổ kính. Sau khi qua cổng chính của khu di tích, qua 225 bậc đá, là lên đến đền Hạ. Ở khu vực Đền Hạ có chùa Thiên Quang và cây Thiên Tuế 700 tuổi; gần đó có đền Ngọc và giếng Ngọc. Từ Đền Hạ theo 168 bậc đá nữa là Đền Trung và lên tiếp 102 bận nữa thì lên Đền Thượng và có lăng vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ.

Cổng đền được xây theo kiểu vòm cuốn. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, bốn góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ; giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh - hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

Qua cổng chính là Đền Hạ. Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Ngay chân Đền Hạ là nhà bia, trên đỉnh có đắp hình, nậm rượu. Nơi đây đặt bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19 tháng 9 năm 1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Gần Đền Hạ có ngôi chùa Thiên Quang thiền tự. Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Bác Hồ ngồi nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ. Chùa có một gác chuông được xây dựng vào thế kỉ XVII. Tiếp đến là Đền Trung. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.

Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để cử hành những buổi lễ thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Tiếp đến là Lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng hình vuông, tầng dưới bốn góc đắp bốn con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc”. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, hai bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lãng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài, có mái mui luyện.

Từ Đền Thượng, đi tham quan một đoạn nữa là đến Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh), tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời, cổng Đền Giếng có kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn.

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn). Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.

Ngay dưới chân núi là Bảo tàng Hùng Vương. Trong Bảo tàng có nhiều hiện vật, tranh ảnh, tượng lớn khắc hoạ chủ đề: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

Vào những ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cờ, hoa, biểu ngữ được trang hoàng khắp mọi nơi. Cờ bay đỏ những cành cây, đỏ những mặt hồ. Trong những ngày lễ, Đền Hùng càng đông khách thập phương đến tham quan và thắp hương, tưởng nhớ ghi dấu công ơn của các vua Hùng.

Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử — văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 6

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hoá của dân tộc. Vào những năm chẵn (5 năm một lần), Giỗ Tổ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất chặt chẽ, bao gồm hai phần: lễ và hội.

Lễ hội Rước Kiệu được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc,… được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Từ chiều ngày mồng 9, làng nào được Ban tổ chức lễ hội cho phép rước kiệu dâng lễ đã tập trung tại nhà bảo tàng dưới chân núi, trên kiệu đặt lễ vật. Sáng sớm ngày mồng 10, các đoàn đại biểu tập trung ở một địa điểm tại thành phố Việt Trì, có xe tiêu binh rước vòng hoa dẫn đầu, diễu hành tới chân núi Hùng. Các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau kiệu lễ, lần lượt lên đền theo tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước thềm của “Điện Kính Thiên”, đoàn dừng lại, kính cẩn dâng lễ vào thượng cung đền Thượng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh (năm chẵn là nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu đại diện Bộ Văn hoá), thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước đọc chúc căn lễ Tổ. Toàn bộ nghi thức hành lễ được hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước có thể theo dõi lễ hội. Đồng bào dâng lễ trong các đền, chùa trên núi, ai cũng có tâm nguyện cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ độ trì cho con cháu.

Lễ Dâng Hương sẽ được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá hơn xưa. Các hình thức văn hoá truyền thống và hiện đại được đan xen nhau. Trong khu vực của hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hoá phẩm, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, các khu văn thể,… được tổ chức và duy trì một cách trật tự, quy củ. Tại khu văn thể, các trò chơi văn hoá dân gian được bảo lưu có chọn lọc như: đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, rước kiệu, kéo lửa nấu cơm thi, đánh cờ tướng (cờ người)…. Có năm còn diễn trò “Bách nghệ khôi hài”, “Rước chúa gái”, “Rước lúa thần” và trò “Trám” tại khu vực hội. Cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Hội ngày nay chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hoá giữa các vùng. các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời đóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hoà, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Những làn điệu Xoan – Ghẹo với lời ca tinh tế, mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng Trung du Đất Tổ. Một điểm quan trọng nằm ở giữa trung tâm lễ hội là nhà bảo tàng Hùng Vương, ở đây lưu giữ vô số những cổ vật đích thực của thời đại các Vua Hùng.

Thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sự cao đẹp của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Hàng năm, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần tín ngưỡng của người Việt Nam. Không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo…. Tất cả những người con đang sống trên mọi miền Tổ quốc, những người con xa xứ đều bình đẳng về mộ Tổ, thăm đền và dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 7

Một trong những di tích lịch sử có giá trị của dân tộc, đó là Đền Hùng. Nơi đây đã gợi nhắc con cháu đời sau nhớ về công ơn dựng nước của các vua Hùng.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Xa xưa, vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng.

Đền Hùng nằm trên núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô và sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông. Từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên chầu về Nghĩa Lĩnh. Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại.

Quần thể khu di tích lịch sử đền Hùng gồm: đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu u Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Đầu tiên là đền Hạ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Kiến trúc kiểu chữ nhị bao gồm Tiền bái và Hậu cung. Kiến trúc đền Hạ đơn sơ, kèo cầu suốt, quá giang đóng trụ, mái lợp ngói mũi. Tương truyền rằng đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Sau đó bọc trăm trứng nở thành trăm người con . Năm mươi người con theo Lạc Long Quân xuống biển, năm mươi người con theo Âu Cơ lên rừng. Người con trai trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Truyền thuyết này đã lý giải nguồn gốc của cộng đồng người Việt, nghĩa “đồng bào” (cùng một bọc) được bắt nguồn từ đây.

Tiếp đến là chùa Thiên Quang, chùa xưa có tên gọi là “Viễn Sơn Cổ Tự” sau đổi thành “Thiên Quang Thiền Tự”. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần đến thế kỷ XV xây dựng lại, thời Nguyễn chùa được đại trùng tu. Hiện nay chùa có kiến trúc kiểu chữ công gồm ba toà tiền đường (5 gian) Tam bảo (3 gian) và Thượng điện (3 gian) các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột, kèo suốt cài nóc. Phía ngoài có hành lang xây xung quanh. Mái chùa lợp ngói mũi có đầu đao cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Trước cửa chùa có cây Vạn tuế có tuổi gần tám trăm năm.

Đền Trung hay còn có tên gọi khác là Hùng Vương Tổ miếu được xây dựng vào thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XV, bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất gồm ba gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giáng cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.

Tiếp đến là đền Thượng có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, đến thế kỷ XV đền được xây dựng quy mô, vào thời Nguyễn triều đình cấp tiền, cử quan về giám sát việc đại trùng tu. Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, được xây dựng bốn cấp: Nhà chuông trống, Đại bái, Tiền tế và Hậu cung.

Kế tiếp là đền Giếng có tên chữ là Ngọc Tỉnh. Tương truyền là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái Vua Hùng thứ 18 thường soi gương chải tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai nàng là người có công dạy dân trồng lúa, trị thuỷ nên nhân dân lập đền thờ. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18, đền được xây dựng lên trên giếng nên hiện nay giếng ở bên trong hậu cung của đền bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (tên mỹ là tự là núi Ốc Sơn), thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền có độ cao 170,2m so với mặt biển, nằm trong hệ thống “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn. Đền được xây dựng nhằm thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Tổ Mẫu Âu Cơ người mẹ thiêng liêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng là đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng dưới chân núi Sim vào năm 2006. Trong đền đặt tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tạo thành một quần thể kiến trúc cảnh quan, góp phần bảo tồn, tái tạo hình ảnh lịch sử, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc thờ tự thuỷ tổ dân tộc. Nhằm giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc.

Có thể thấy, khu di tích lịch sử Đền Hùng không chỉ để lại những giá trị về văn hóa, mà còn về cả kiến trúc. Nơi đây cũng gợi nhắc con người hướng tới truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý giá của dân tộc Việt Nam.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 8

Đền Hùng biểu tượng lịch sử của dân tộc Việt Nam, khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ phụng các Vua Hùng những người có công dựng nước từ xa xưa. Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Đền Hùng xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, hiện nay thuộc Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ. Nơi đây là tập hợp lăng tẩm, miếu, thờ các vua Hùng. Nếu du khách đi từ chân núi sẽ bắt đầu khám phá nơi thấp nhất đó là đền Hạ – nơi đây theo dân gian tương truyền mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trứng, nửa còn lại theo cha số còn lại theo mẹ. Tiếp đến du khách sẽ được khám phá đền Trung địa điểm thường tổ chức các cuộc hội họp bàn các vấn đề quốc gia của vua Hùng thử xưa, qua đền Trung sẽ đến đền Thượng nơi thờ vua Hùng thứ 6 đây chính là vị trí cao nhất.

Mỗi năm ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức rất linh đình theo nghi thức quốc gia, Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.

Bên cạnh đó phải nhắc đến lễ Dâng Hương các đền, chùa trên núi. Lễ hội còn giúp người dân tham gia sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Người dân sẽ được xem các trò chơi như đấu vật, chọi gà, rước kiệu, đánh cờ người…. Còn có sân khấu riêng của các đoàn nghệ thuật: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều nơi về đây để trình diễn những làn điệu hát xoan mượt mà, đặc sắc mang đến cho cho lễ hội đền Hùng đặc trưng riêng của Đất Tổ.

Những người đến đây không chỉ là xem lễ hội mà còn thể hiện sự tâm linh, thành kính với quê hương đất Tổ, ai cũng biết đây là nơi gốc gác linh thiêng, cội nguồn của dân tộc. Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân và du khách tham gia trẩy hội đền Hùng, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội rất linh thiêng và thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

Bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng - mẫu 9

Đền Hùng là một quần thể kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng vô cùng quan trọng của người Việt, thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đối với vua Hùng, những người có công dựng nước và giữ nước từ thuở sơ khai của dân tộc.

Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất Phong Châu, là đế đô của nước Văn Lang từ 40.000 năm trước và nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng đất bán sơn địa, chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có cảnh quan đa dạng, vừa có rừng núi, đồi gò, vừa có đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ phong phú.

Đền Hùng được xây dựng trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, đây được biết đến như là ngọn núi cao nhất vùng với cảnh quan trù phú, sinh vật tươi tốt tràn đầy sinh khí. Hơn nữa ngọn núi này cũng là nơi diễn ra các nghi thức tế lễ trời đất của bậc đế quân cùng quần thần với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân được ấm no.

Ngọn núi mang trên mình dáng vẻ hùng vĩ và đồ sộ như thân hình của một con rồng lớn, đầu rồng ngoảnh về nam, thân rồng uốn lượn tạo thành các dãy núi nối tiếp nhau xa tít. Và nằm san sát phía sau con rồng thiêng liên quyền lực ấy lại là hình ảnh của những đàn voi, lũ bầy tôi trung thành đang thi nhau quay mình hướng về đất tổ. Nhưng cái hùng vĩ ấy chưa dừng lại ở đó, tiếp đến ngã ba Bạch Hạc là sự kết hợp sông nước hùng vĩ. Đây là điểm hội tụ của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc, sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Sông nước cuồn cuộn, sóng xô đá cuồn cuộn cuốn nhau chầu về chân núi Nghĩa Lĩnh. Và nếu bạn đứng từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thì có thể bao quát hết cảnh vật, thưởng thức hết vẻ đẹp và khí chất nơi quê cha đất tổ oai hùng bất diệt.

Đền Hùng là quần thể di tích linh thiêng thấm đượm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Khu di tích gồm: đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng vua Hùng.

Điểm bắt đầu của khu di tích đền Hùng đó chính là Đại Môn (cổng đền). Đây là công trình kiến trúc được xây dựng vào năm 1917 theo kiểu vòm uốn với chiều cao 8,5 mét, có hai tầng mái và được lợp giả ngói ống. Bên trên bốn góc tầng mái được trang trí hình rồng và hai con nghê đắp nổi. Nếu bên trên cổng là hình ảnh loài rồng đầy thiêng liêng và sức mạnh thì bên dưới cổng, trên tường lại được đắp nổi phù điêu hai võ sĩ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Một người lẫm liệt tay cầm giáo, một người cầm rìu chiến. Cả hai đều khoác lên mình bộ giáp kiêu sa ẩn chứa vô vàn sức mạnh. Chưa hết choáng ngợp với cảnh sông nước Nghĩa Lĩnh, vậy mà đến cổng đền ta lại được một phen mãn nhãn đến thần hồn điên đảo bởi điểm xuất phát đầu tiên của Đền Hùng.

Địa điểm tiếp theo để tiếp tục cuộc hành trình kỳ thú này là đền Hạ và Thiên Quang Tự. Để đến đây du khách sẽ phải trải qua một hành trình gian nan gồm 225 bậc thang bằng gạch. Đền Hạ đã tồn tại từ thế kỉ 17 - 18 với cấu trúc đơn sơ hình chữ Nhị có hai gian. Gian thứ nhất có tên gọi là Tiền bái, gian thứ hai là Hậu cung. Trước của đền Hạ là cây thiên tuế, đây cũng là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc đã cất lên lời dặn dò bất hủ về sự nghiệp bảo vệ dân tộc: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tương truyền, xưa kia Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ sinh được bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi khai sơn phá thạch. Trong năm mươi người con theo mẹ thì người con trưởng lên nối ngôi, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời trong hơn 2.600 năm (từ năm 2879 đến năm 258 trước Công nguyên).

Nằm kề bên đền Hạ là Chùa Thiên Quang, được xây vào thời Trần. Phía trước chùa có cây vạn tuế gần tám trăm năm tuổi, xung quanh chùa có hành lang bao bọc, mái lợp ngói mũi, đầu đao cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Trước sân chùa là hai tháp sư hình trụ bốn tầng và một gác chuông có tuổi đời vài trăm năm. Trong chùa có trên ba mươi pho tượng: Tam Thế, A Di Đà, Quan âm Nam Hải, Quan âm Tống Từ, Đức Thánh Hiền, Hộ Pháp,... được bài trí trang nghiêm. Kiến trúc hiện nay của chùa theo kiểu chữ Công, gồm Tiền đường năm gian, Tam bảo ba gian, và Thượng điện ba gian.

Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là có thể đến đền Trung, đây là nơi vua quan ngự bàn việc dân việc nước và thưởng thức vẻ đẹp đất trời. Đền Hạ có tên chữ là Hùng Vương Tổ Miếu, đây là ngôi đền cổ tồn tại từ thời Lý - Trần với cấu trúc đơn giản hình chữ Nhất. Tại đây Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng nhân dịp lễ tết và không phụ với ý trời, công sức của chàng đã được đền đáp bằng việc truyền ngôi của vua cha.

Sau một hành trình gian nan cuối cùng du khách cũng đặt chân lên đỉnh Nghĩa Lĩnh, và tại đây có đền Thượng với tên gọi là “Kính Thiên lĩnh điện”. Đây là nơi thờ Thánh Gióng và vua Hùng. Đền Thượng tọa lạc ở trung tâm trời đất và cũng là trung tâm của khu di tích đền Hùng. Ngôi đền có sân rộng và được tôn tạo lại với kiến trúc cổ để du khách tìm về hành lễ nhưng không được đặt chân vào bên trong các gian thờ. Người ta vẫn thường truyền nhau rằng ngôi đền được xây dựng sau khi Thánh Gióng lập nên đại công, đánh đuổi giặc n khỏi quê cha đất tổ. Và sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc, rồi bay lên trời thì vua Hùng đã đem ngài hóa ở ngôi đền bên cạnh, đó chính là Lăng vua Hùng. Lăng ở phía Đông đền Thượng, đây là mộ Hùng Vương thứ sáu với cấu trúc hình vuông có cột liền tường. Trong lăng là khu mộ vua Hùng với kích thước dài 1.3, rộng 1.8, cao 1m.

Điểm đến tiếp theo và cũng là điểm cuối của chuỗi di tích đó chính là đền Giếng, chặng cuối này nằm ở Ðông Nam chân núi Nghĩa Lĩnh. Đền xây vào thế kỷ XVIII, theo kiểu kiến trúc chữ Công gồm gian Tiền bái, ống muống, và Hậu cung. Đây là ngôi đền mà hai cô con gái vua là Tiên Dung và Ngọc Hoa đã từng ngang qua, tại đây họ thường soi gương và chải tóc. Bên trong đền có giếng Ngọc nước trong veo quanh năm.

Một trong những địa điểm đáng để đặt chân đến của khu dích tích đó là Bảo tàng Hùng Vương, nơi đây được thiết kế mô phỏng hình ảnh bánh chưng bánh dày và trưng bày nhiều hiện vật từ thời vua Hùng, bảo tàng đã giới thiệu khái quát sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các vua Hùng thông qua các nội dung trưng bày với các chủ đề khác nhau. Hằng năm cứ vào đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch thì khu di tích Đền Hùng lại long trọng tổ chức giỗ tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động, sự kiện long trọng nhằm bày tỏ lòng biết ơn, gợi nhớ lại công lao của các vị Vua Hùng đã có công lớn trong việc xây dựng nền móng nước nhà. Cùng với thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, thể hiện ý thức nhớ về cội nguồn dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; sự đoàn kết sâu rộng của cộng đồng dân tộc tạo nên tính cộng đồng sâu sắc. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành truyền thống quý báu không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Điều đó đã tạo nên triết lý nhân văn sâu sắc, động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam, hình thành nên nét đặc sắc của văn hóa nhân loại. Thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ dòng tộc giữa các Vua Hùng với mọi thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến mai sau. Đó là sợi dây liên kết các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ thời đại sơ khai của các vua Hùng cho đến thời đại văn minh của Hồ Chí Minh, thể hiện lối sống trọng tình nghĩa, thủy chung, sự biết ơn, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau đậm đà tính dân tộc.

Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng vương được Nhà nước, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, trong đó nghi lễ quan trọng nhất là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng, thể hiện sự biết ơn đối với công lao dựng nước của các vua Hùng. Bên cạnh đó còn có lễ hội đền Hùng với các trò chơi dân gian và các cuộc thi đậm chất truyền thông như hát Xoan, hát Ghẹo, Hội trại văn hóa.

Đến năm 1962 nhà nước ta đã quyết định công nhận Đền Hùng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, đây cũng là một trong 10 di tích được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp Quốc gia” đợt đầu tiên vào năm 2009.

Đền Hùng, khu di tích gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc và ẩn chứa những giá trị về kiến trúc, văn hóa sâu sắc. Chúng ta cần tự hào và ra sức bảo vệ, phát triển và truyền tải niềm tự hào này đến với bạn bè quốc tế.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 8 hay khác: