Top 10 Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 10 bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 1)
- Dàn ý Viết bài văn kể lại một chuyến đi
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 2)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 3)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 4)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 5)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 6)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 7)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 8)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 9)
- Viết bài văn kể lại một chuyến đi (mẫu 10)
Top 10 Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 1
Cuộc đời mỗi con người là những chuyến đi dài ngắn khác nhau. Sau mỗi chuyến đi ấy, chúng ta lại đón nhận thêm được nhiều điều mới mẻ. Tôi may mắn được tham gia rất nhiều chuyến tham quan, nhưng chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan Mai Châu – Hòa Bình năm ngoái. Chuyến đi giúp chúng tôi khám phá vẻ đẹp quê hương đất nước và bồi dưỡng tình cảm với mảnh đất xinh đẹp này.
Thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm học lớp 7, lớp chúng tôi tổ chức một chuyến đi tham quan xa 2 ngày 1 đêm. Thông báo đột ngột đến khiến cả lớp bất ngờ và vô cùng vui sướng. Đứa nào đứa ấy đều nôn nóng, rối rít chuẩn bị đồ đạc. Hai ngày sau đó, chúng tôi xuất phát. Xe du lịch chầm chậm rời khỏi nội thành thủ đô, ánh nắng khuất dần sau những tòa nhà cao chót vót. Khói bụi và tiếng còi xe ồn ào cũng biến mất dần ở phía sau, xe đưa chúng tôi băng qua những con đường bóng cây xanh rợp mắt.
Đến gần trưa, núi đồi và những rừng cây xanh mát nhanh chóng choáng ngợp trước tầm mắt háo hức của chúng tôi. Hòa Bình đã chập chững bước chân sang mùa đông nên càng lên cao, những hạt mưa li ti càng lất phất. Chúng tôi nghỉ chân tại Đào Thung Khe (Đèo đá trắng). Đứng trên đèo nhìn xuống, tôi nhìn thấy toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Bác tài còn nói, một ngày ở Thung Khe cũng như trải qua 4 mùa trong năm vậy. Xe lại lăn bánh, bác tài xế vừa cẩn thận cầm lái vừa giải thích một chút địa hình nơi này, những dãy núi đá đỏ gạch kia, mỗi lần mưa bão lại sụp xuống, gây bao nguy hiểm cho người đi đường và người dân nơi đây.
Xe đi qua những dãy đồi trồng mía, trồng cam – giống cam Cao Phong nổi tiếng, những ngôi nhà sàn rồi dừng lại ở một dãy nhà sàn được dùng cho du khách đến tham quan. Dưới sư hướng dẫn của cô chủ nhiệm, thầy phụ trách và các bác phụ huynh, chúng tôi thu dọn đồ đạc và nghỉ ngơi một chút.
Chiều đến, một thiếu nữ xinh xắn mặc trang phục người Mèo đến hướng dẫn đoàn tham quan chúng tôi. Chị ấy mặc váy xòe rực rỡ, nói giọng miền Bắc lại vô cùng tốt. Lần lượt dẫn chúng tôi đến các điểm tham quan. Mai Châu vào tháng 10, 11, 12 ngập tràn những cánh rừng hoa đào, hoa mận trắng xóa. Địa điểm đầu tiên là Bản Lác và bản Poom Coọng - 2 làng du lịch lớn nhất và đông đúc nhất ở Mai Châu. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức đặc sản Mai Châu, mua quà lưu niệm và khám phá những nét văn hóa, đời sống, lễ hội của người dân Mai Châu. Đi hết hai bản này trời cũng sập tối, đoàn trở về nhà sàn, ăn uống, vui chơi. Trong đêm hôm ấy, lũ chúng tôi lần đầu tiên nằm cạnh bên nhau, thì thầm nhỏ to những câu chuyện bí mật.
Sáng sớm hôm sau, tôi giật mình nghe tiếng gà như tiếng gà ở những miền quê, không khí Mai Châu yên bình và trong lành vô cùng. Chúng tôi đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi lại lên những chiếc xe điện, tiếp tục tham quan. Nơi chúng tôi đến là Hang Mỏ Luông và Hang Chiều - 2 quần thể hang động lớn và đặc sắc ở Mai Châu. Bước vào hang động, tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi, nhiều hình thù và màu sắc cực đẹp, không thua gì nhũ đá ở Phong Nha Kẻ Bàng.
Xe điện chầm chậm chạy qua những bản làng của người dân tộc, những cánh đồng lúa bao la dần ngả vàng, người dân nơi đây dõi mắt theo xe. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Nhìn những thiếu nữ còn ít tuổi đã hai tay ôm hai đứa trẻ, lòng tôi trào dâng niềm thương cảm. Trên con đường về nhà sàn, chúng tôi gặp cả những gia đình người nước ngoài, họ vui vẻ đạp xe, thân thiện vẫy tay chào chúng tôi.
Cuộc vui nào cũng đến hồi kết, chúng tôi dạo quanh những khu bán đồ của người dân địa phương, mua quà lưu niệm. Những ống cơm lam thơm ngọt ngào, những vật dụng, trang phục thổ cẩm xinh đẹp khiến mọi người nhìn không chớp mắt. Tạm biệt Mai Châu, xe ngược đường quay lại thủ đô. Điều đặc biệt trong chuyến đi ấy là trên đường về, chúng tôi còn được tự tay vào những vườn cam Cao Phong, hái những quả cam tươi để mang về.
Hà Nội náo nhiệt lại gần ngay trước mắt. Chúng tôi mỗi người ôm một món quà của Mai Châu, mang theo một ấn tượng riêng về thiên nhiên và con người Mai Châu, lòng tự nhủ sẽ lần nữa về tham quan nơi bản làng xinh đẹp ấy.
Dàn ý Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)
a. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.
- Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.
b. Thân bài
- Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…).
- Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa đó (thiên nhiên, con người, công trình kiến trúc,…)
c. Kết bài
Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 2
Thông thường, sau những ngày tháng học tập và lao động mệt mỏi, con người thường tìm đến những chuyến du lịch để tìm lại sự cân bằng, thư thái. Đối với em, chuyến du lịch với bạn bè lớp 6A là những kỷ niệm và hành trang đáng nhớ. Đến tận bây giờ, em vẫn không thể nào quên được chuyến du lịch vui vẻ và bổ ích ấy.
Nhân ngày nghỉ Tết dương lịch, lớp em đã tổ chức một chuyến đi du lịch ở khu K9 và Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Cả lớp và cô giáo chủ nhiệm ai cũng vui bởi vì sau kỳ thi căng thẳng chúng em sẽ có những giây phút vui chơi và nô đùa cùng nhau. Tất cả lịch trình và địa điểm em chúng em đều đã nắm rõ, chắc hẳn chuyến du lịch sẽ rất vui và bổ ích.
Buổi tối hôm ấy, em đã rất hồi hộp và chờ đợi chuyến du lịch ngày hôm sau. Những thực phẩm và dụng cụ cần thiết em đã chuẩn bị rất kĩ. Hôm sau, em thức dậy vào lúc 5 giờ để vệ sinh cá nhân, mọi thứ đã sẵn sàng. Đúng 5:30, chúng em bắt đầu đến trường tập trung, chiếc xe du lịch đã đến đón chúng em, cuộc hành trình đã bắt đầu.
Ngồi trên xe, chúng em trò chuyện với nhau rất vui và dự đoán về chuyến du lịch sắp tới. Hướng dẫn viên du lịch của chúng em là chú Minh – một người rất vui tính và thân thiện. Chú đang nói cho chúng em nghe rất nhiều câu chuyện về địa điểm du lịch của lớp, bên cạnh đó, chúng em còn được thư giãn bằng một trò chơi mà chú Minh đã đưa ra, đó chính là “Lắng nghe và ghi nhớ” . Khi nghe chú thuyết trình về địa điểm du lịch, chúng em phải ghi nhớ, những ý chính, rồi khi được chú hỏi lại, bạn nào trả lời đúng sẽ được nhận quà. Em thấy đây là một trò chơi rất bổ ích, giúp chúng em ghi nhớ và có thêm nhiều hiểu biết về những địa điểm du lịch mà chú đã hướng dẫn.
Cuối cùng cũng đến nơi, khung cảnh ở đây thật tuyệt làm sao! Những đồi núi hùng vĩ, cây cối trên núi thì xanh tươi mượt mà, những làn gió lướt nhẹ làm cho chúng đung đưa như đang rì rầm trò chuyện. Chúng em được ghé thăm khu di tích lịch sử K9, ở đó có rất nhiều binh sĩ, các chú trông rất oai phong và trang trọng. Cô giáo chủ nhiệm lớp và chú Minh đã dẫn chúng em đến tham quan ngôi nhà xưa của Bác Hồ, ngôi nhà thật đẹp và đã được sửa sang lại. Sau khi tham quan các khu di tích lịch sử, tất cả các bạn trong lớp đều cảm thấy đói nên chúng em được đi ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúng em được dẫn đến nhà hàng “Quê Hương” để ăn trưa, đồ ăn ở đây rất ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. Sau khi ăn trưa, cả lớp được chú Minh dẫn đến một địa điểm để mua quà lưu niệm và các món đồ ăn vặt, em đã mua một vài món quà xinh xinh để mang về tặng cho gia đình. Sau khi ăn nhẹ và mua quà, chúng em trở về khách sạn đã được thuê để nghỉ trưa kết thúc một buổi sáng thật vui và ý nghĩa.
Một buổi chiều đẹp trời lại đến, lớp chúng em lại được tham quan một địa điểm nữa đó chính là “ Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Vừa đến nơi, chúng em đã được chụp một bức ảnh kỉ niệm. Vào tham quan tháp Chăm, Đền Cổ và một số ngôi nhà của người dân tộc khác. Đi một vòng quanh khu di tích, chúng em đã dừng chân ở một bãi cỏ trống rất xanh và rộng, trên bãi cỏ đó có những đồ dùng cần thiết để cho chúng em chơi – thì ra là cô giáo và chú Minh đã chuẩn bị. Mỗi tổ sẽ tham gia một trò chơi, đội nào thắng cuộc sẽ giành được những món quà. Mọi người ai cũng chơi thật hào hứng và vui vẻ.
Chẳng mấy mà đã kết thúc một ngày, chúng em phải trở về nhà. Trước khi lên xe, chú Minh đã chào tạm biệt chúng em và chúc lớp có thật nhiều thành tích cao trong học tập. Thế là một chuyến du lịch bổ ích đã khép lại, hôm ấy, phải rất muộn em mới về đến nhà. Em đã kể cho mọi người nghe về chuyến du lịch rất vui của mình cùng với các bạn, qua đây em cảm thấy mình trưởng thành và có thêm được nhiều những kiến thức bổ ích. Hi vọng rằng trong tương lai em sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch như vậy cùng với các bạn trong lớp.
Chuyến đi đó đã giúp chúng em của mở rộng tầm hiểu biết của mình, thêm nữa còn tăng thêm tình đoàn kết giữa các bạn trong lớp với nhau. Tất cả sẽ mãi là một kỉ niệm đẹp in dấu trong tâm trí của mỗi thành viên trong lớp. Đối với bản thân em, đây là một chuyến hành trình cũng như một lần trải nghiệm đáng nhớ nhớ mà không bao giờ em quên.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 3
Chiến tranh đã đi qua lâu rồi nhưng những chiến tích và di tích lịch sử vẫn còn đấy. Chúng em đã được đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ – một di tích lịch sử của tỉnh Quảng Ngãi, nơi đã để lại trong chúng em những ấn tượng khó quên.
Hôm ấy là một sáng cuối xuân, trời thật đẹp. Đoàn xe tham quan của trường em chuyển bánh. Những chiếc đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang qua sông Trà Khúc. Chúng em đưa mắt xuống dòng sông. Sông dịu hiền như chiếc áo the xanh duyên dáng. Đi hết cây cầu, đoàn xe rẽ xuống hướng đông.
Xe vẫn bon bon trên con đường nhựa mịn màng, cảnh vật nơi đây thật đẹp, núi Thiên An uy nghi, trầm mặc hướng ra sông. Sông ôm bóng núi và quyện với mây trời. Nhìn núi Ấn sông Trà, ẹm lại càng tự hào về quê hương Quảng Ngãi – nơi đã ghi dấu ấn của một thời oanh liệt, hào hùng. Chúng em cùng nhau ôn lại lịch sử đấu tranh của người dân nơi đây. Ai cũng muốn đi ngược thời gian để tưởng nhớ những người chiến sĩ đã ra đi từ núi sông này. Dòng suy nghĩ chưa dứt thì đoàn xe tham quan đã đến nơi. Như không hẹn trước tất cả cùng nhau hô to:
– Đến nơi rồi! Đến nơi rồi!
Xe giảm tốc độ và dừng lại, đoàn tham quan lần lượt xuống xe. Lá cờ đỏ sao vàng cắm ở trên đầu xe tung bay trong gió. Chúng em xếp hàng ngay ngắn rồi theo cô hướng dẫn viên tiến vào trong khu di tích. Cô hướng dẫn viên đưa chúng em đi thăm nhà lưu niệm. Những hiện vật vẫn còn đó, được lưu giữ rất cẩn thận. Sau vụ thảm sát ngày 16-3-1968 tại đây, 504 người dân vô tội đã ra đi, trong đó phần lớn là cụ già, phụ nữ và trẻ em. Cô hướng dẫn viên còn đưa chúng em ra thắp hương tại tượng đài – hình ảnh một người mẹ đang che chở cho nhũng đứa con khi cái chết cận kề. Ôi! Thật thương tâm – Chúng em không sao kìm được xúc động, căm thù.
Em thầm nghĩ: Đây là một chứng tích phơi bày tội ác man rợ của quân hiếu chiến, cướp nước. Đấy là nơi tưởng niệm đồng bào vô tội đã bị tàn sát dã man trong chiến tranh. Chúng em đi thăm những căn hầm, những chiến hào đã từng che bom chắn đạn, thăm con mương cạn mà quân đội Mỹ đã dồn phụ nữ và trẻ em vào đó để xả súng bắn. Nghe kể lại, tất cả chúng em đều ghê rợn, kinh hoàng. Tận mắt chứng kiến những bức ảnh về vụ thảm sát do một người Mỹ có lương tâm chụp và công bố lá bằng chứng quan trọng, buộc tòa án Mỹ phải đem vụ thảm sát Sơn Mỹ ra xét xử.
Ba giờ đồng hồ trôi qua đoàn tham quan đã thăm viếng hết khu chứng tích, đã chứng kiến những cảnh thương tâm. Ai cũng muốn nói lên lời giã từ quá khứ đau thương, phẫn nộ chiến tranh và ước vọng hòa bình. Chúng em thành kính thắp những nén hương tưởng niệm trước lúc ra về.
Tạm biệt khu di tích Sơn Mỹ, chúng em ai nấy đều hiểu thêm lịch sử về quê hương, đất nước, con người. Chúng em mong sao thế giới này mãi mãi hòa bình.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 4
Mùa hè năm nay, nhân dịp kỉ niệm 35 nặm giải phóng miền Nam, cơ quan bố có tổ chức một tua du lịch xuyên Việt. Điểm đến là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng được coi là hòn ngọc Viễn Đông. Tôi được bố cho đi cùng.
Cho đến lúc này, kỉ niệm về lần tham quan đó vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của tôi. Chuyến đi thật thú vị. Đoàn đã đến Thảo Gầm Viên, khu đù lịch Suối Tiên, khách sạn Ca-ra-ven – nơi diễn ra những trận đánh lừng danh của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn,… Đặc biệt nhất là được tham quan dinh Độc lập, một di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước, kể từ ngày giải phóng miền Nam 30 – 4 – 1975;
Suốt hành trình, tôi có tâm trạng háo hức, nôn nóng. Trong tưởng tượng của tôi dinh Độc lập cũng bí hiểm hệt như Tử Cấm Thành trong phim truyện Trung Quốc, hay cái gì đó đại loại như dinh Bảo Đại ở Đà Lạt vậy. Mong mỏi mãi rồi cuối cùng, đoàn chúng tôi cũng đã có mặt ở nơi đó. Trong cái nắng phương Nam óng vàng rực rỡ, Dinh Độc lập thật tráng lệ.
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch trước 1945, tiền thân của dinh Độc lập là dinh Nô-rô-đôm, được xây dựng từ năm 1868, sau đó, nó lần lượt mang tên dinh Thống đốc, dinh Toàn quyền. Cho đến năm 1955, Ngô Đình Diệm đã đổi thành dinh Độc lập. Ngày 01 tháng 7 năm 1962, dinh mới được khởi công xây dựng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đoạt giải tế Khôi nguyên La Mã, thiết kế.
Phong cách kiến trúc có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; vừa theo thuật phong thuỷ và kiến trúc phương Đông, vừa có sự tiếp nhận những tinh hoa kiến trúc phương Tây hiện đại. Do được đặt ở vị trí đầu rồng nên dinh Độc lập còn có tên gọi là Phủ Đầu rồng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dinh mang tên mới: dinh Thống nhất.
Dinh toạ lạc trong một khuôn viên rộng hàng chục hecta rợp mát bóng cây. Diện tích sử dụng của dinh Độc lập là 20.000 m2 với hơn 100 phòng được bày trí theo các phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Trong đó bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng, phòng làm việc của Tổng thống và Phó Tổng thống, phòng trình quốc thư, phòng đại yến… Mặt tiền của dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc theo phong cách kiến trúc Á Đông, vừa thanh nhặn, vừa chắc chắn.Trước cửa dinh có thảm cỏ xanh mượt hình ô van trông thật mát mắt.
Nơi khuôn viên trước dinh có chiếc máy bay F5E do trung úy phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển đã dội bom xuống dinh Độc lập vào 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975. Sự kiện này đã khiến cho Tổng thống Thiệu lúc ấy vô cùng hoảng loạn. Ớ đó còn trưng bày hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và số hiệu 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 anh hùng. Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, chiếc xe tăng 843 đã húc nghiêng cổng phụ của dinh Độc lập.
Tiếp đó, xe tăng 390 húc tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc đinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh, người thay thế Nguyễn Văn Thiệu, đã đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc 30 năm chiến tranh, mở ra kỉ nguyên độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Ai nấy đều chụp ảnh kỉ niệm bên hại chiếc xe tăng lịch sử.
Tôi còn táo bạo leo lên tháp pháo của chiếc xe tăng 843 lừng tiếng để chụp ảnh! (Chắc là thấy tôi còn nhỏ, không biết lệnh cấm nên các chú trong khu di tích đã miễn tội, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng!). Mỗi hiện vật trong dinh đã làm sống lại không khí rực lửa của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, giúp mọi người được hoà nhập vào thời khắc thiêng liêng của lịch sử và không khỏi tự hào trước những chiến công vang dội của các chiến sĩ quân Giải phóng anh hùng.
Sau khi tham quan hầu hết các phòng ở tầng một, tầng hai, tầng ba, xem dấu vết cuộc oanh kích , bằng máỵ bay của trung úy Nguyễn Thành Trung trên sân thượng củạ dinh, chúng tôi xuống hầm ngầm cố thủ nằm sâu trong lòng đất của Tổng thống Thiệu. Tường hầm được thiết kế bằng thép, dày tới 1,2 mét, chống được bom tấn. Xem ra nhà thiết kế đã tính đến những phương án xấu nhất có thể xảy ra trong chiến tranh. Nhưng điều đó cũng không thể nào cứu vãn được sự sụp đổ tất yếu của chính quyền Sài Gòn cũ.
Ngắm nhìn các hiện vật, tôi tưởng tượng ra những ngày Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu mặc sức làm mưa làm gió, hình dung sự thảm bại của chế độ Mĩ – Ngụy trước bão táp của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tôi hiểu rằng chiến thắng của dân tộc là chiến thắng của khát vọng độc lập tự do, của lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo…
Rời dinh Độc lập trong cảm giác bâng khuâng, bồi hồi, tôi biết rằng phải rất lâu sau này mới có dịp trở lại nơi đây. Có thể, theo thời gian, mọi thứ sẽ đổi thay. Nhưng những gì tội dã thấy, đã nghe và cảm nhận sẽ còn lại trong tâm tưởng của tôi mãi mãi mới mẻ, rực rỡ như sắc nắng của Sài Gòn buổi trưa hè ấy!
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 5
Vào dịp hè năm em chuẩn bị học lớp 3, cô giáo chủ nhiệm lớp em đã tổ chức một chuyến đi tham quan cho cả lớp em đi đến Đồ Sơn. Đó là một chuyến đi mang lại cho chúng em nhiều kỷ niệm đẹp và em không bao giờ có thể quên được.
Sau khi cô giáo căn dặn bọn em cần chuẩn bị những gì khi đi tham quan, về đồ dùng và trang phục. Nhưng do lớp em được đi tham quan trong vòng một ngày nên chuẩn bị cũng không cần quá nhiều. Vào sáng thứ 7, cả lớp em tập trung ở cổng trường lúc 6 giờ để chờ xe ô tô đến. Đi cùng lớp em, ngoài cô giáo chủ nhiệm còn có cả 4 các phụ huynh học sinh để cùng với cô giáo chủ nhiệm chăm sóc cho cả lớp em. Vì đây là chuyến đi đầu tiên của lớp em nên bạn nào bạn ấy cũng đều tỏ ra rất vui và phấn khởi.
Đúng 6 giờ 15 phút, xe đến cổng trường, sau khi bọn em lên xe, ngồi đúng vị trí và đã chuyển đầy đủ đồ lên xe thì xe bắt đầu chuyển bánh. Lúc đi trên xe, cả lớp em cùng nhau hát rất nhiều bài hát cũng như chơi những trò chơi như: Đoán bài hát, hay hát nối câu,… nên tất cả các bạn đều tham gia rất nhiệt tình. Sau 45 phút đi trên xe, cả lớp em đã đến địa điểm đầu tiên, đó là khu di tích Biệt thự vua Bảo Đại.
Theo như cô hướng dẫn viên thì đây là một công trình kiến trúc độc đáo, được xây vào triều nhà Nguyễn mà chính xác hơn là vào thời của vua Bảo Đại. Sau đó, cô còn giới thiệu cho chúng em nghe rất nhiều về lịch sử của công trình kiến trúc độc đáo này. Biệt thự của nhà vua đẹp lắm, nên bọn em đều nhanh tay mang máy ảnh ra chụp và cùng nhau ghi lại những kỷ niệm đẹp tại đây.
Kết thúc chuyến hành trình thăm biệt thự, chúng em được cô dẫn ra Bến tàu không số. Đây là nơi mà rất nhiều những chiếc tàu không số đã chở vũ khí, chở lương thực vào tiếp tế cho đồng bào miền trong như chúng em đã được cô lịch sử dạy ở trên lớp. Nhưng theo thời gian thì đây chỉ còn lại những di tích, đó là những chiếc cọc làm cầu vận chuyển chứ không còn được như trước. Đến đây, chúng em còn được thắp hương để tưởng nhớ những người anh hùng, những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh để có thể bảo vệ cho nền độc lập của Tổ Quốc.
Kết thúc chuyến hành thăm quan của bọn em là chúng em được vào khu tham quan Hòn Dấu resort. Đây là khu vui chơi, giải trí tổng hợp mới được xây dựng của thành phố em. Khi đến đây, ngoài việc được tắm biển, chúng em còn được chơi những trò chơi tốc độ cao cũng như được thử sức tự mình khám phá: vạn lý trường thành thu nhỏ, hay vườn hoa Đà Lạt cũng như được thăm quan sở thú. Ở đây có rất nhiều động vật thú quý hiếm như: gấu, khỉ, cá sấu, hươu,… Nên khi lên đến đây, chúng em quả thật nhưng được lạc vào một xứ sở kỳ diệu với biết bao nhiêu điều mới mẻ và hấp dẫn.
Đến chiều, sau khi đã được cô giáo và các bác phụ huynh chuẩn bị đồ ăn nhẹ, chúng em cùng tạm biệt Đồ Sơn và lên đường trở về nhà. Quả thật đây là một chuyến hành trình rất bổ ích và ý nghĩa, cũng như đem lại cho chúng em thêm nhiều điều mới, nhiều kiến thức mới. Em hy vọng sang năm sau, lớp chúng em sẽ được đi tham quan nhiều địa điểm hấp dẫn hơn nữa.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 6
Cuộc đời mỗi người là sự nối tiếp của những chuyến đi. Mỗi chuyến đi đều mang lại những ý nghĩa, để lại ấn tượng khác nhau. Trong số những chuyến đi ấy, có một chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan khu vực Lăng Bác và khu di tích Phủ Chủ tịch.
Cuối năm học lớp 5, nhà trường bất ngờ tổ chức cho lớp tôi chuyến tham quan Phủ Chủ tịch tại thủ đô Hà Nội vào hai ngày cuổi tuần. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của cả lớp trong suốt năm năm học nên ai cũng háo hức, giờ ra chơi nào cũng tụm đầu lại với nhau, bàn tán sôi nổi về chuyến đi này.
Ngày xuất phát, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Các thầy cô quyết định sắp xếp di chuyển từ trường vào buổi chiều thứ 7 để được viếng Lăng Bác vào sáng chủ nhật hôm sau. Xe lăn bánh, mỗi đứa một ba lô, tạm biệt miền quê giản dị thanh bình để hướng về thủ đô. Xe chạy bon bon suốt 3 tiếng đồng hồ mà cả lũ cứ mở tròn mắt, chỉ chỉ cảnh vật bên đường đầy thích thú. Tới thủ đô thì đã chiều muộn, cả đoàn dừng chân tại khách sạn, ăn cơm rồi tắm rửa và về phòng, nghỉ ngơi để buổi sáng dậy sớm.
Một đêm nhanh chóng qua đi, đúng 6 giờ chúng tôi đã có mặt tại sảnh lớn của khách sạn, ăn mặc quần áo học sinh nghiêm trang, lịch sự. Theo sự hướng dẫn của các thầy cô rồi đi đến lăng Bác. Dù đã liên lạc với người quản lý viếng lăng từ trước nhưng chủ nhật, khách tham quan đến viếng quá đông, chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới được vào lăng viếng Bác.
Người trưởng đoàn đọc bài viếng, giới thiệu tên đoàn xong thì cả đoàn cùng đứng ngay ngắn, chầm chậm bước theo hai người lính gác lăng dâng hoa phía trước tiến vào lăng Bác. Khác hẳn với nhiệt độ bên ngoài nắng chói chang, trong lăng mát lạnh và yên tĩnh, ai cũng tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, bước đi nhẹ nhàng không một tiếng động. Người nằm trên giường ở giữa lăng, ánh sáng nhu hòa màu vàng chiếu lên khuôn mặt hiền từ của Người, yên bình vô cùng…
Mặt trời lên cao thì chúng tôi cũng rời khỏi lăng, theo dòng người đông đúc hướng về khu di tích phủ Chủ tích. Địa điểm đầu tiên là nhà sàn Bác Hồ, căn nhà được phục chế theo nhà sàn mà Bác ở những ngày cuối cuộc đời vĩ đại của mình. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khiêm tốn tại một góc, hòa vào thiên nhiên bình dị, xinh đẹp.
Cô hướng dẫn viên nói, trong nhà những kỉ vật của Bác vẫn còn lưu giữ lại, nơi này nơi kia là nơi Bác ngồi đọc công văn, viết và sửa di chúc, gửi thư cho đồng bào, cho thiếu nhi. Chúng tôi dường như tưởng tưởng ra được hình ảnh Bác trầm ngâm bên khung cửa sổ, nắn nót viết từng dòng chữ chứa đựng tình yêu thương bao la rộng lớn.
Con đường dẫn vào nhà sàn ôm ấp lấy ao cá Bác Hồ với diện tích khá lớn,nước hồ trong veo, cá chép đủ màu sắc thi nhau bơi lội tung tăng trong nước mát. Có những con cá rất to, hai bên miệng còn có râu, cô giáo tôi bảo nó chắc hẳn đã già lắm rồi. Vừa đi, cô hướng dẫn viên vừa giới thiệu về lịch sử của ao cá, kể những câu chuyện của Bác với ao cá ấy. Du khách trong nước và quốc tế xen lẫn với nhau, ai cũng trầm trồ về vẻ đẹp của ao cá.
Vì phải trở về vào buổi chiều nên chúng tôi không được tham quan toàn bộ khu di tích, sau khi tham quan ao cá, địa điểm cuối cùng là Khu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Viện Bảo tàng trang nghiêm, trưng bày rất nhiều hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người của Bác. Bên cạnh mỗi hiện vật đều chú thích tên, thời gian mà Bác sử dụng và những câu chuyện xung quanh. Có rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ nghe đến. Vừa tham quan, chúng tôi vừa cảm thán về cuộc đời và những năm tháng kháng chiến của Người, tiếp thu được bao điều ý nghĩa và thú vị.
Thời gian trôi qua nhanh, chiều đến, chuyến tham quan của chúng tôi cũng phải kết thúc. Cả đoàn cùng chụp một bức ảnh lưu niệm rồi lên xe ra về. Dù chuyến đi ngắn ngủi nhưng để lại rất nhiều ấn tượng, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy một phần cuộc đời của Bác Hồ kính yêu. Để rồi sau này, cảm giác tự hào và xúc động khi vào lăng viếng Bác vẫn còn in đậm mãi trong tôi.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 7
Năm nay, trường tôi đã tổ chức tham quan. Chúng tôi được đến thăm cố đô Huế - một di tích lịch sử nổi tiếng của quê hương. Tôi cảm thấy vô cùng háo hức và mong chờ.
Tối hôm qua, tôi đã chuẩn bị đồ dùng cho chuyến đi. Mẹ còn mua cho tôi bánh kẹo, nước uống nữa. Sáu giờ sáng, học sinh phải tập trung ở trường. Tôi thức dậy từ năm giờ ba mươi phút để chuẩn bị. Sau đó, mẹ đưa tôi đến trường. Đến nơi, tôi thấy rất nhiều xe ô tô đỗ ở cổng trưởng. Sân trường đông đúc, nhộn nhịp vô cùng. Nhiều bác phụ huynh cũng đưa con đến trường. Tôi chào tạm biệt mẹ rồi bước vào trong. Rất nhiều học sinh đang xếp hàng dưới sân trường. Tôi nhanh chóng tìm vị trí của lớp mình. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Chúng tôi xếp thành hàng để lên xe. Khoảng bảy giờ ba mươi, xe bắt đầu xuất phát. Cùng đi có bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh. Ngoài ra, mỗi lớp còn có một hướng dẫn viên đi cùng. Hướng dẫn viên của lớp tôi là chị Thu Hà. Chị rất thân thiện và nhiệt tình. Trên đường đi, chị đã trò chuyện và trao đổi với chúng tôi khá vui vẻ.
Khoảng một mươi phút, xe đã đến nơi. Cả lớp xếp lại thành hai hàng, sau đó đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Ở mỗi điểm tham quan, chúng tôi sẽ được dừng lại để ngắm nhìn và lắng nghe chị hướng dẫn viên thuyết trình về nơi đó. Nhiều bạn còn đặt ra những câu hỏi thú vị và được chị Hà giải đáp khá chi tiết. Theo như chị Hà giới thiệu, Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 - 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 - 1820) lăng Minh Mạng (1820 - 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.
Sau một ngày tham quan, tôi đã biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Chúng tôi cũng chụp được rất nhiều tấm ảnh đẹp.
Chuyến đi thật thú vị và vui vẻ. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để học hỏi thêm những bài học bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 8
Cuộc sống của con người cần có những chuyến đi để tích lũy thêm nhiều kiến thức quý giá cho bản thân. Đặc biệt, chuyến đi tham quan các di tích lịch sử, văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Tôi cũng đã có một chuyến đi như vậy.
Địa điểm mà tôi đến thăm là Bảo tàng dân tộc học. Chiều chủ nhật, tôi cùng chị đã bắt xe buýt đến tham quan. Sáng sớm, tôi thức dậy từ sáu giờ để chuẩn bị. Tôi ăn sáng thật nhanh, chọn một trang phục phù hợp. Sau đó, tôi và chị gái đã ra bến xe buýt để bắt xe. Chúng tôi di chuyển mất khoảng ba mươi phút. Xe buýt đỗ gần cổng bảo tàng. Tôi đứng đợi chị mua vé, rồi cùng chị đi vào theo sự hướng dẫn của bác bảo vệ.
Bước qua cánh cổng bảo tàng, tôi nhìn thấy một khối nhà mái vòm rất lớn. Phía trên có in một dòng chữ bằng đá rất nổi bật: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”. Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời (Vườn Kiến trúc) và tòa Cánh diều (khu trưng bày Đông Nam Á). Chúng tôi lần lượt tham quan các khu trưng bày. Đầu tiên là tòa nhà Trống Đồng là nơi trưng bày, giới thiệu bản sắc năm mươi tư dân tộc. Tại đây có khoảng nhiều hiện vật, thước phim và hình ảnh miêu tả đời sống sinh hoạt, trang phục, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như các tục lệ của đồng bào dân tộc.
Sau khi ra khỏi tòa nhà Trống Đồng, tôi nhìn thấy một khoảng sân lớn, đó chính khu trưng bày ngoài trời. Tôi đã được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của người nhiều dân tộc nhà rông của người Ba-na, nhà sàn dài của người Ê-đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H'mông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu… Tại đây, chúng tôi còn chụp khá nhiều bức ảnh với những ngôi nhà.
Điểm tham quan cuối cùng là khu trưng bày Đông Nam Á. Tòa nhà này gồm có bốn tầng được mô phỏng theo hình Cánh diều. Nơi đây thường trưng bày về các văn hóa ngoài Việt Nam (Văn hóa Đông Nam Á, Tranh kính Indonesia, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới)...; ngoài ra còn có hội trường, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện. Tôi đã được hiểu thêm về văn hóa của các nước trên thế giới.
Kết thúc một buổi sáng, tôi và chị gái đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chuyến tham quan diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 9
Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời là những chuyến đi”. Chúng ta đi để thấy được rằng thế giới thật rộng lớn, còn nhiều điều mà bản thân chưa khám phá hết. Bản thân tôi cũng có những chuyến đi bổ ích như vậy.
Cuối tuần, tôi đã có một chuyến tham quan cùng với các thành viên trong lớp Trường học đã tổ chức cho học sinh toàn trường một chuyến ghé thăm kinh thành Huế. Chúng tôi đã được có thêm nhiều điều bổ ích sau chuyến đi này.
Từ tối hôm trước, mẹ đã giúp tôi chuẩn bị các đồ dùng cần thiết. Tôi đi ngủ thật sớm để sáng hôm sau đến trường cho đúng giờ. Buổi sáng, tôi thức dậy ăn sáng và được mẹ đưa đến trường. Đúng sáu giờ, học sinh của từng lớp phải tập hợp ở sân trường. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Sau đó, chúng tôi xếp thành hàng để lên xe. Khoảng sáu giờ ba mươi phút, xe đã xuất phát. Bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh cũng đi cùng. Chúng tôi cảm thấy hào hứng lắm. Từ Đà Nẵng vào Huế phải đi mất gần hai tiếng mới đến nơi. Trên đường đi, chúng tôi vừa ngắm nhìn đường phố, vừa trò chuyện vui vẻ. Chị hướng dẫn viên còn tổ chức một số trò chơi để bầu không khí thêm sôi động.
Khoảng hai tiếng sau, xe đã đi đến nơi. Chúng tôi theo sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm đã xuống xe. Ai cũng háo hức, mong được nhanh vào tham quan. Chúng tôi xếp thành hai hàng, rồi đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được dừng lại, nghe chị thuyết trình về nơi đó. Một số bạn còn đặt ra những câu hỏi để chị hướng dẫn viên giải đáp.
Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 - 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 - 1820) lăng Minh Mạng (1820 - 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.
Kết thúc buổi tham quan, tôi đã học thêm nhiều kiến thức bổ ích về mảnh đất cố đô. Tôi càng thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Các thành viên trong lớp cũng có được nhiều bức ảnh kỉ niệm đẹp.
Tôi cảm thấy chuyến đi này thật bổ ích. Tôi cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa cùng với bạn bè và thầy cô.
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - mẫu 10
Ở Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Và tôi đã có dịp đến thăm nhà tù Hỏa Lò để biết thêm nhiều kiến thức vô cùng bổ ích.
Chiều chủ nhật, tôi và chị gái đã bắt xe buýt từ nhà để đến thăm nhà tù Hỏa Lò. Xe đi mất khoảng ba mươi phút là đến nơi. Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian” - được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng vô cùng quan trọng của Việt Nam.
Chị gái đã đi mua vé vào cửa. Sau đó, chúng tôi lần lượt có các khu vực nhà giam gồm có một nhà dùng cho việc canh gác; một nhà dùng làm bệnh xá; một nhà dùng làm nhà thương bố thí; hai nhà dùng để giam bị can (chưa thành án); một nhà dùng để làm phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da; năm nhà dùng để giam tù nhân đã thành án; bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù. Ở mỗi khu vực nhà giam đều có những bảng chú thích để người xem hiểu rõ hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng nhất khi đến nhìn tham quan nhà giam dành cho tù nhân phạm tội tử hình. Chiếc máy chém dành cho phạm nhân tử hình sẽ khiến bất cứ ai nhìn thấy phải rùng mình.
Những nhà giam nhỏ bé, chật hẹp với bốn bức tường dày không có gì lọt qua được cũng khiến tôi cảm thấy ám ảnh. Sự tối tăm, tù túng khiến cho tôi cảm nhận được sự khổ cực cũng như sự kiên cường của những chiến sĩ cách mạng khi bị giam giữ ở đây. Từ đó, tôi càng cảm thấy tự hào và biết ơn về công lao to lớn của những người chiến sĩ cách mạng.
Đúng như câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” - chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến tham quan như vậy.