Câu hỏi ôn tập bài Bàn luận về phép học chọn lọc - Ngữ văn lớp 8


Câu hỏi ôn tập bài Bàn luận về phép học chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Bàn luận về phép học Ngữ văn lớp 8 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Bàn luận về phép học này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 8 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 8.

Câu hỏi ôn tập bài Bàn luận về phép học chọn lọc - Ngữ văn lớp 8

Câu hỏi: Văn bản “Bàn luận về phép học” được viết theo kiểu văn bản nào?

Trả lời:

- Kiểu văn bản: nghị luận

Câu hỏi: Văn bản “Bàn luận về phép học” đã triển khai những hệ thống luận điểm nào?

Trả lời:

Các luận điểm:

- Mục đích của việc học

- Bàn luận về cách học

- Tác dụng của việc học.

Câu hỏi: Bài tấu “Bàn luận về phép học” có đoạn bàn về "phép học", đó là những "phép học" nào? Tác dụng và ý nghĩa của những phép học ấy? Từ thực tế việc học của bản thân, em thấy phương pháp học tập nào là tốt nhất? Vì sao?

Trả lời:

Bài tấu có bàn về "phép học" và tác giả đã đưa ra một số phép học đó là:

- Học theo trình tự, từ thấp đến cao để có một cái nền kiến thức rộng

- Học cho rộng nhưng phải nắm cho gọn tức là phải nắm chắc, hiểu sâu vấn đề

- Đặc biệt là phải học đi đôi với hành, biến lý thuyết trên sách vở thành hành động trong thực tiễn, có như thế, kiến thức học được mới không phải là kiến thức chết.

Từ thực tế việc học của bản thân, em thấy phương pháp học tập học đi đôi với hành là hiệu quả nhất. Vì phương pháp ấy có thể giúp em biến kiến thức học được trên lớp một cách thụ động thành bài thực hành trong cuộc sống một cách chủ động

Câu hỏi: Từ văn bản “Bàn luận về phép học”, em hãy nêu suy nghĩ về phương pháp học tập đúng

Trả lời:

Văn bản “Bàn luận về phép học” được viết từ thế kỉ XVIII nhưng đã thể hiện những quan điểm vô cùng tiến bộ, đúng đắn về phương pháp học tập. Tác giả đã nêu ra phương pháp học tập đúng đắn là cần học tuần tự từ thấp đến cao, đó chính là quá trình để mỗi người tích lũy tri thức cho bản thân, là nền tảng để hiểu những kiến thức sâu hơn. Học cũng là quá trình tìm hiểu sâu rộng nhưng mỗi người cần tóm lược, thu gọn và đúc rút cho bản thân những tri thức cần thiết. Và điều quan trọng hơn cả, học cần đi đôi với hành, đi đôi với việc áp dụng vào thực tiễn. Bởi nếu chỉ học mà không hành thì học là vô ích, lí thuyết vô nghĩa. Còn nếu thực hành nhưng khi học chưa kĩ, kiến thức lí thuyết lơ mơ, chưa hiểu thấu đáo sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Những tư duy của tác giả khiến chúng ta cần nhìn lại phương pháp học của chính bản thân mình. Phương pháp đúng đắn sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, học tập hiệu quả và hứng thú. Mỗi người cần lựa chọn cho mình cách học phù hợp, đúng đắn bởi học tập chính là con đường để chúng ta trưởng thành hơn, trở thành con người có ích cho xã hội.

Câu hỏi: Phân tích sự cần thiết và tác dụng của phương pháp “Học đi đôi với hành” qua văn bản “Bàn luận về phép học”.

Trả lời:

Bác Hồ từng có lời dạy vô cùng sâu sắc và thấm thía với thế hệ học sinh: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Qua đó, ta thấy được vai trò quan trọng giữa học và hành. Học là hoạt động nắm bắt kiến thức lí thuyết, hành là hoạt động vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tiễn. Bởi vậy khi đã nắm được rõ những kiến thức lí thuyết mà không áp dụng gì vào thực tế thì học chẳng để làm gì, lí thuyết suông ấy sẽ xa rời thực tế. Ngược lại nếu thực hành mà lí thuyết không nắm vững thì sẽ lúng túng, khó khăn, thậm chí là sai lầm. Do đó học và hành là mối quan hệ bổ sung, gắn bó mật thiết với nhau. Khi học đã nắm vững kiến thức thì cần áp dụng lí thuyết đó vào thực tế, như vậy chúng ta sẽ nhớ kiến thức lâu hơn, Đồng thời, khi thực hành sẽ giúp chúng ta đúc kết được những kinh nghiệm cho bản thân mình, từ đó khắc sâu hơn kiến thức đã học. Vì vậy, học và hành là hai quá trình mà chúng ta không nên xem nhẹ mặt nào.

Câu hỏi: Giá trị nội dung và nghệ thuật văn bản “Bàn luận về phép học”.

Trả lời:

- Nội dung: Bài tấu giúp ta hiểu được mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, góp phần xây dựng đất nước chứ không phải học để cầu danh lợi. Học tốt phải có phương pháp học, học rộng nắm gọn, học phải đi đôi với hành.

- Nghệ thuật:

+ Lời bàn luận chân thật, thẳng thắn, lập luận chặt chẽ, lí lẽ rõ ràng

+ Ngôn ngữ giản dị, rõ ràng, ý tứ bộc lộ trực tiếp giàu sức thuyết phục

Câu hỏi: Tác giả đã phê phán những lối học lệch lạc, sai trái nào trong “Bàn luận về phép học”? Tác hại của lối học đó là gì?

Trả lời:

Tác giả đã phê phán những lối học lệch lạc, sai trái:

- Lối học chuộng hình thức (lối học thuộc lòng từng chữ mà không hiểu nội dung)

- Học vì mục đích thực dụng, cầu danh lợi (học để có danh tiếng, để được trọng vọng, được nhàn nhã, nhiều lợi lộc) chứ không vì mục đích chân chính của việc học.

Câu hỏi: Theo quan điểm của Nguyễn Thiếp trong “Bàn luận về phép học”, điều quan trọng nhất trong việc học là gì?

Trả lời:

- Theo quan điểm của Nguyễn Thiếp, điều quan trọng nhất trong việc học đó là học vì mục đích cao quý: “Biết rõ đạo”. Học để “biết rõ đạo”, nghĩa là học để làm người, học để sống tốt, cư xử đúng chuẩn mực. Qua việc học, con người được tu dưỡng về đạo đức, có tri thức vừa giúp tự hoàn thiện mình, vừa góp phần phụng sự đất nước.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 8 chọn lọc, hay khác: