Tức nước vỡ bờ - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Tức nước vỡ bờ - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Tức nước vỡ bờ Ngữ văn lớp 8, bài học tác giả - tác phẩm Tức nước vỡ bờ trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Tức nước vỡ bờ
* Tóm tắt văn bản:
Gia đình chị Dậu là một gia đình nghèo khó sống ở thôn Đoài. Đến ngày sưu thuế thì chị phải chạy vạy khắp nơi để đóng thuế sưu cho anh Dậu. Vì thiếu sưu mà anh bị lôi ra đình đánh đập và khi được trả về chỉ còn là một thân xác rũ rượi. Được bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu nấu cháo cho anh Dậu ăn. Nhưng anh chưa kịp ăn thì tên cai lệ và người nhà lí trưởng đến đòi sưu. Chị Dậu van xin chúng tha cho anh nhưng chúng không nghe mà còn đánh chị và sấn đến định trói anh Dậu mang đi. Quá phẫn nộ, chị đã liều cự lại và chống trả quyết liệt, quật ngã hai tên tay sai.
B. Tìm hiểu tác phẩm Tức nước vỡ bờ
1. Tác giả
- Ngô Tất Tố (1893- 1954), quê ở Lộc Hà – Bắc Ninh nay là Đông Anh – Hà Nội
- Là nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8 – 1945.
- Là nhà văn có tư tưởng tiến bộ, giàu tính chiến đấu, ông thường viết về cuộc sống người nông dân trong xã hội phong kiến.
2. Tác phẩm
a, Xuất xứ:
- Văn bản “Tức nước vỡ bờ” trích từ chương XVIII của tiểu thuyết “Tắt đèn” .
- “Tắt đèn” là tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
b, Bố cục: 2 phần
- Phần 1: Từ đầu → ăn có ngon miệng không: Chị Dậu chăm sóc chồng.
- Phần 2: Còn lại: Chị Dậu chống lại cai lệ và người nhà lí trưởng.
c, Thể loại: Tiểu thuyết.
d, PTBĐ: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
e, Ý nghĩa nhan đề: Tức nước vỡ bờ
- Chân lí dân gian: Có áp bức, có đấu tranh
- Chân lí cuộc sống: Con đường của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh tự giải phóng, không có con đường nào khác.
f, Giá trị nội dung:
- Đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng cực khổ, khiến họ phải liều mạng chống lại.
- Toát lên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nông dân giàu tình yêu thương, có sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
g, Giá trị nghệ thuật:
- Tình huống truyện đặc sắc, có kịch tính cao.
- Khắc họa rõ nét nhân vật qua miêu tả diễn biến tâm lí, hành động, lời nói.
- Nghệ thuật tương phản, liệt kê, tăng tiến làm nổi bật tính cách nhân vật.
- Ngòi bút hiện thực sinh động, ngôn ngữ đối thoại đặc sắc.
C. Sơ đồ tư duy Tức nước vỡ bờ
D. Đọc hiểu văn bản Tức nước vỡ bờ
1. Nhân vật chị Dậu
a. Hoàn cảnh gia đình: là hạng cùng đinh trong làng, chạy vạy khắp nơi để nộp sưu, phải bán gánh khoai, đàn chó và con mới đủ tiền nộp sưu cho chồng.
b. Chị Dậu khi chăm sóc chồng:
- Cháo chín, múc ra bát, quạt cho chóng nguội.
- Rón rén bưng một bát đến chỗ chồng, ngồi chờ xem chồng ăn có ngon miệng không.
→ Là người phụ nữ hiền dịu, yêu thương chồng con.
c. Khi đối phó với bọn tay sai:
- Lúc đầu:
+ run run, thiết tha
+ xưng hô: cháu – ông
→ Nhẫn nhục, van xin, lễ phép, cố khơi gợi từ tâm và lương tri của "ông cai".
- Khi chúng đánh trói anh Dậu:
+ liều mình cự lại → nghiến hai hàm răng
+ Xưng hô: tôi – ông → mày – bà
+ Dùng lý lẽ: chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ → hành động : đánh tên cai lệ ngã chỏng quèo, tên người nhà lý trưởng bị túm tóc lẳng ngã nhào.
→ Chuyển từ đấu lý sang đấu lực.
- Hình ảnh đối lập, miêu tả với sắc thái hài hước, chân thực, hợp lí, sống động.
→ Làm nổi bật sức mạnh và tư thế ngang tàng của chị Dậu.
=> Là người phụ nữ dịu dàng mà cứng cỏi, đầy vị tha nhưng không yếu đuối; có một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng, quyết liệt
2. Nhân vật cai lệ và người nhà lí trưởng.
- Tróc nã sưu, đánh trói người là nghề của hắn.
- Cử chỉ, hành động: sầm sập tiến vào, gõ đầu roi xuống đất, trợn ngược hai mắt, giật phắt cái thừng, sấn đến, bịch, tát đánh bốp, nhảy vào.
- Ngôn ngữ: quát, thét, chửi, mắng, hầm hè.
- Bản chất: hung dữ, thô bạo, độc ác, tàn nhẫn, táng tận lương tâm, không chút tính người.
- Bị chị Dậu đánh ngã nhào
→ Sử dụng nhiều động từ mạnh kết hợp với việc miêu tả, xây dựng tình huống hấp dẫn, ngôn ngữ đúng tính cách nhân vật.
→ Là những tên tay sai chuyên nghiệp, một thứ công cụ đắc lực của xã hội phong kiến tàn bạo.
=> Vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời.