Em hãy lựa chọn và thực hiện bài thuyết trình về những cơ hội và thách thức


Em hãy lựa chọn và thực hiện bài thuyết trình về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ký kết một hiệp định kinh tế.

Giải Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12 Chuyên đề 3: Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế - Chân trời sáng tạo

Vận dụng trang 42 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Em hãy lựa chọn và thực hiện bài thuyết trình về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ký kết một hiệp định kinh tế.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

► Vài nét khái quát về CPTPP

       Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 01-2017, các nước thành viên còn lại (TPP-11) thành lập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11-2017.

       Mặc dù Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất, quan trọng nhất không tham gia, song CPTPP vẫn là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm cả 3 châu lục: châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương với thị trường khoảng 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP và hơn 15% tổng thương mại toàn cầu.

Cơ hội đối với Việt Nam

       Dù Mỹ không tham gia CPTPP, nhưng với thị trường khoảng 500 triệu dân, quy mô kinh tế của nhiều nền kinh tế trong CPTPP tương đối lớn, đem lại lợi ích rõ rệt đối với Việt Nam.

       Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

       Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, CPTPP giúp Việt Nam tăng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030(1), thậm chí, tăng trưởng có thể lên tới 3,5% GDP nếu có kích thích tăng năng suất. Ngoài tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, CPTPP có vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang cản trở tăng trưởng thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang và có nguy cơ lan rộng

       Ngoài ra, Việt Nam còn được tiếp cận những thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và những thị trường mà hiện Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại, như Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Chi-lê và Pê-ru. Hiệp định sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

       Thứ hai, CPTPP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

       Là một nền kinh tế mở với quy mô xuất, nhập khẩu cao, việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn, như Nhật Bản, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Mê-hi-cô... cùng với lộ trình giảm thuế xuất khẩu xuống còn 0% - 5% giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả sản phẩm. Việc giảm thuế sang các quốc gia nhập khẩu giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên. Giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm khi về Việt Nam cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm chủng loại hàng hóa mới để mở rộng quy mô hàng hóa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tạo ra một “sân chơi” công bằng, minh bạch, là cơ sở, nền tảng để các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững. Tham gia CPTPP là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ và phát triển sản xuất, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

       Thứ ba, CPTPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại.

       Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và CPTPP sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, từ đó các doanh nghiệp có thể thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với giá trị lớn hơn, có được kinh nghiệm quản lý điều hành và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn nước ngoài. Tham gia CPTPP giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ở khu vực và trong khối, từ đó hạn chế sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường.

       Đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn, dẫn tới việc xây mới hoặc thuê các khu công nghiệp để phục vụ sản xuất. Nhờ sự vận động này, nhóm doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng sẽ có đà phát triển trong trung và dài hạn. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam giúp thay đổi ngành công nghiệp hỗ trợ và Việt Nam sẽ thu hút các doanh nghiệp FDI ngành công nghiệp hỗ trợ chứ không phải là đơn thuần lắp ráp. Các doanh nghiệp FDI sản xuất linh phụ kiện ngay tại Việt Nam, đáp ứng được yếu tố “nguồn gốc xuất xứ” giúp giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

       Đầu tư tăng làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Tăng trưởng đầu tư nước ngoài kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

       Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, do vậy khi Hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam có điều kiện tốt hơn để thu hút FDI từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại tự do, như Ca-na-đa, Mê-hi-cô...

       Thứ tư, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

       Tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước. Dệt may và da giày được cho là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất về tăng thêm quy mô sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu. Tốc độ xuất khẩu tăng thêm của dệt may sẽ ở mức cao, từ 8,3% đến 10,8% bởi đây là ngành có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được các thị trường chủ lực là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tham gia CPTPP sẽ là cơ hội lớn để ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối, nhất là những thị trường tiềm năng, như Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa - hai thị trường có mức tiêu thụ khoảng 10 tỷ USD/năm trong khi thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam vào các thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD. Vì vậy, dung lượng mở rộng thị phần rất lớn, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hơn 10% của ngành dệt may.

       Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế từ hơn 90%, thậm chí lên đến 95%. Lợi ích từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và Mê-hi-cô.

       Thứ năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo thêm nhiều việc làm.

       Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhiều lợi ích xã hội, tạo ra khoảng 17.000 - 27.000 việc làm từ năm 2020. Tham gia CPTPP không chỉ tạo thêm số lượng việc làm mà còn hứa hẹn sẽ đem lại điều kiện làm việc, mức lương tốt hơn cho người lao động. Mặc dù mức việc làm tạo ra chỉ bằng 1/2 so với TPP, nhưng CPTPP tạo cơ hội mới cho cả người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người lao động, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), CPTPP giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo.

       Thứ sáu, tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế.

       Bên cạnh việc tận dụng cơ hội CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, CPTPP còn tạo áp lực thúc đẩy cải cách thể chế để mở rộng thị trường, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Cải cách thể chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nên vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia “sân chơi chung”. Việt Nam phải duy trì được đà cải cách liên tục và có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP. Nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt tới các cấp cơ sở thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại.

► Một số thách thức từ CPTTP

       Bên cạnh những thuận lợi, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam bởi nhiều điều khoản có lợi cho những nước công nghiệp phát triển hơn là cho các nước đang phát triển như Việt Nam:

       Thứ nhất, áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

       Sự cạnh tranh diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường Việt Nam trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

       Các doanh nghiệp nước ngoài, với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu sẽ nhanh hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, do tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam yếu, sự liên kết với nhau kém nên sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn. Việc phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường Việt Nam đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”, điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác ngay tại thị trường nội địa. Do khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trong nước cũng vì thế gia tăng.

       Việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh giữa các nước thành viên gia tăng, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, cơ cấu lại phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được những điều này, nhiều doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Hậu quả là nhiều lao động có thể bị mất việc và sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng.

       Thứ hai, thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.

       Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đòi hỏi các quốc gia phải chủ động và linh hoạt trong cải cách thể chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng; các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh, coi trọng hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... để phát triển sản xuất, kinh doanh.

       Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động... Tuy nhiên, sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định sẽ vượt qua được bởi phần lớn những cam kết tuy mới nhưng phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước (ví dụ như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn. Trong khi, cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ) lại được “tạm hoãn” do Mỹ không tham gia.

       Thứ ba, thách thức đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của FTA thế hệ mới.

       Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ, do vậy, tham gia Hiệp định này không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao... CPTPP đưa ra một số quy định rất khó khăn, đặc biệt quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào đối với ngành dệt may (sợi phải được nhập từ các nước thành viên CPTPP).

       Thứ tư, thách thức về giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

       Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm doanh thu của nhà nước, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru là chưa có FTA với Việt Nam, nhưng thương mại với 3 nước hiện còn khiêm tốn. Sức ép thương mại song phương với 3 nước không lớn bởi cơ cấu xuất, nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh đối với cơ cấu xuất, nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước.

       Thứ năm, thách thức về ổn định lao động - xã hội.

       Thách thức liên quan đến sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để bảo đảm hoạt động của các tổ chức luôn tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc “tuân thủ pháp luật của nước sở tại”, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do cơ cấu xuất, nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên tác động này có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

► Triển vọng với Việt Nam trong thời gian tới

       Mở rộng thêm quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra thế giới. CPTPP nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như Thái Lan, Anh, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Đài Bắc (Trung Hoa) và Phi-líp-pin... Thái Lan đang cạnh tranh mạnh mẽ với 2 thành viên CPTPP của ASEAN là Ma-lai-xi-a và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, nông sản và hải sản. Hàn Quốc mong muốn gia nhập các hiệp định đa phương và chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Sau khi chính thức rời khỏi EU (Brexit) vào tháng 3-2019, Anh đang tìm hiểu để tham gia CPTPP. Càng có nhiều quốc gia gia nhập CPTPP, Việt Nam càng có nhiều cơ hội được tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

       Mỹ và 28 nước trong EU cũng muốn đàm phán lại với nhóm các nước CPTPP trên cơ sở đa phương hoặc song phương để xin gia nhập. Khả năng Mỹ sẽ tái nhập CPTPP cao bởi một số lý do sau:

       Thứ nhất, tất cả 11 quốc gia trong CPTPP đều có quan hệ đối tác với Mỹ.

       Thứ hai, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đưa thêm yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế cũng là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với các cường quốc chưa tham gia CPTPP.

       Thứ ba, nhiều nền kinh tế khác, như Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Hoa và một số nước Đông Nam Á đang tìm hiểu để tham gia CPTPP.

       Do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% vào năm 2035 so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng bình quân 4,32%/năm và thị trường xuất khẩu được đa dạng hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 311,1 tỷ USD (năm 2030) so với mức ước tính 179,5 tỷ USD (năm 2017). CPTPP tạo thêm 20.000 - 26.000 việc làm/năm. Tham gia CPTPP sẽ mở ra dư địa mới cho Việt Nam trong gia tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. /.

 

Lời giải Chuyên đề Giáo dục KTPL 12 Chuyên đề 3: Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Kinh tế Pháp luật 12 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác: