Lý thuyết Chuyên đề Lịch Sử 12 Chuyên đề 1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Chuyên đề Sử 12 Chuyên đề 1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Chuyên đề học tập Lịch Sử 12.
Lý thuyết Chuyên đề Lịch Sử 12 Chuyên đề 1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam - Kết nối tri thức
I. KHÁI LƯỢC VỀ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO
- Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
- Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lí, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
- Tôn giáo khác tín ngưỡng ở điểm: tôn giáo có hệ thống các (giáo lí), các quy định về kiêng cữ, cấm kị (giáo luật), các hình thức về thờ cúng, lễ bái (lễ nghi) và cơ sở vật chất để thực hiện các nghi lễ tôn giáo (tổ chức giáo đường, cơ sở thờ tự).
II. MỘT SỐ TÍN NGƯỠNG Ở VIỆT NAM
1 Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và Quốc tổ Hùng Vương
a) Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trước hết là việc thờ cúng những người có cùng huyết thống đã mất (cụ kị, ông bà, cha mẹ,...) trong gia đình, dòng họ để tưởng nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng. Đồng thời, ở phạm vi rộng, thờ cúng tổ tiên còn bao gồm thờ cúng những người có công với cộng đồng và sáng lập quốc gia.
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nguồn gốc sâu xa từ thời công xã thị tộc. Về sau, với ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, tín ngưỡng này được củng cố và bổ sung những nhân tố mới.
+ Nho giáo với những quy chuẩn đạo đức răn dạy con người phải biết tôn ti trật tự, hiếu nghĩa với tổ tiên.
+ Phật giáo với những quan niệm nhân quả, luân hồi,... đã làm phong phú quan niệm về “sống, chết” của con người.
+ Đạo giáo đã bổ sung những quan niệm và nghi thức cúng bái, tế tự,...
- Biểu hiện trong đời sống văn hóa - xã hội:
+ Thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình Việt Nam diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào ngày giỗ, dịp lễ, tết,...
+ Ngoài phạm vi gia đình, dòng họ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn mở rộng trong làng xã (thờ tổ làng, tổ nghề) và cả nước (thờ Quốc tổ Hùng Vương).
+ Trong tâm thức người Việt Nam, các Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị tổ dựng nước của dân tộc.
b) Quốc tổ Hùng Vương
- Nguồn gốc:
+ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khởi nguồn từ tục thờ thần tự nhiên, về sau có thờ các Vua Hùng.
+ Từ thời vua Lê Thánh Tông, lễ hội Đền Hùng được coi là lễ tế cấp quốc gia.
+ Từ năm 1917, vua Khải Định chính thức lấy ngày 10 tháng Ba âm lịch làm ngày tế lễ chính.
- Địa điểm: Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).
- Thời gian:
+ Diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 10 tháng Ba âm lịch hằng năm.
+ Tổ chức lễ trọng thể vào ngày chính hội (ngày 10 tháng Ba).
- Hoạt động chính:
+ Lễ dâng hương tại Đến Thượng Đến Trung, Đền Hạ, Đền Giếng; lễ rước kiệu của các làng: Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích.
+ Sau lễ tế, diễn ra hát Xoan (ở Đền Thượng), hát Ca trù (ở Đến Hạ) và nhiều trò chơi dân gian khác.
- Ý nghĩa: Lễ hội Đền Hùng được xem là lễ hội đặc biệt quan trọng của dân tộc nhằm thể hiện ý thức hướng về nguồn cội, phản ánh truyền thống tốt đẹp “uống nguồn” của dân tộc.
2) Tín ngưỡng thờ Mẫu
- Thờ Mẫu là một tín ngưỡng nguyên thuỷ gắn với cư dân nông nghiệp, được hình thành từ nhiều tín ngưỡng bản địa khác nhau (thờ nữ thần trong tự nhiên, thờ Mẫu thân) cùng với những ảnh hưởng của Đạo giáo từ Trung Quốc.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng song đều nằm trong hai hệ thống: Mẫu thân và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
+ Các vị Mẫu thần được thờ ở Việt Nam có nhiều nguồn gốc khác nhau: có Mẫu là thiên thần (được hình thành từ truyền thuyết, huyền thoại); có Mẫu là nhân thần (người có công trong quá trình dựng nước và giữ nước, xuất thân từ tầng lớp quyền quý và cả từ các tầng lớp khác).
+ Tam phủ trong điện thờ Mẫu gồm các vị thần cai quản ba miền: Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Về sau, tục thờ Mẫu Thượng ngàn (Nhạc phủ) được kết hợp thêm vào Tam phủ thành Tứ phủ.
- Các dạng thức thờ Mẫu trong cả nước:
+ Ở miền Bắc:
▪ Trước thế kỉ XV: thờ Mẫu thần như Quốc Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên, Đinh Triều Quốc Mẫu,…
▪ Từ khoảng thế kỉ XV: thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải,...
+ Ở miền Trung: Có cả thờ Mẫu thần và nữ thần (như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành, nữ thần Thiên Y A Na, Pô Na-ga, ... ).
+ Ở miền Nam:
▪ Thờ nữ thần như: Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thủy Long, ...
▪ Thờ Mẫu thần như: Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, ...
- Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện triết lí tôn thờ người phụ nữ, người mẹ, là khát vọng duy trì nòi giống, cầu mong cuộc sống bình yên, có phúc, có lộc.
- Đây là tín ngưỡng chứa đựng giá trị văn hoá nghệ thuật phong phú, thể hiện tính đặc sắc trong văn hoá bản địa Việt Nam.
3. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng
- Thờ Thành hoàng là loại hình tín ngưỡng phổ biến ở nhiều làng xã Việt Nam (đặc biệt là vùng đông bằng Bắc Bộ). Thần Thành hoàng - vị thần hộ mệnh, bảo vệ và ban phúc cho những người dân sinh sống trong làng xã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của mỗi làng xã.
- Các vị thần, nhân vật được thờ làm Thành hoàng ở Việt Nam:
+ Nhiên thần (các vị thần có nguồn gốc tự nhiên, như: núi, sông, đá). Ví dụ: Thần núi Tản Viên, thần Bạch Thạch, thần Tam Điệp Sơn,…
+ Nhân thần, gồm:
▪ Tổ nghề (người có công truyền dạy cho dân làng một nghề thủ công nào đó). Ví dụ: Hứa Vĩnh Kiều (tổ nghề làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng); Nguyễn Công Truyền (tổ nghề đúc đồng làng Đại Bái),…
▪ Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, phát triển văn hóa,… Ví dụ: Bà Trưng, Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Tô Hiến Thành, Nguyễn Trung Ngạn,…
▪ Các nhân vật khác (người có công khai phá lập làng hoặc từ nơi khác đến nhưng hiển linh giúp làng, ... ). Ví dụ: Thoại Ngọc Hầu (có công khai phá vùng đất An Giang); Nguyễn Tạo (có công lập làng Thu Lạc, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình),...
- Tín ngưỡng thờ Thành hoàng xuất hiện ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc và từng bước phát triển thành tín ngưỡng mang đặc trưng riêng của người Việt Nam.
- Tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt thể hiện lòng biết ơn những người có công, phản
ánh ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong của làng xã và tinh thần đoàn kết cộng đồng của nhân dân các địa phương.
4. Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc
- Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc bắt nguồn từ đạo lí “uống nước nhớ nguồn, thể hiện sự biết ơn những người có công với quê hương, đất nước. Đó là việc thờ phụng và ghi nhận vai trò của những người có đóng góp trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, khai hoang lập làng, chữa bệnh cứu dân, dạy học, truyền nghề,...
- Cơ sở thờ tự các anh hùng dân tộc trải dài khắp đất nước với nhiều tên gọi khác nhau như: đền, miếu, nhà thờ, khu tưởng niềm....
- Nghi lễ thờ cúng các anh hùng dân tộc thường được thực hiện vào ngày giỗ của các vị anh hùng và dịp mùa xuân, mùa thu trong năm.
- Tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc không chỉ giúp các thế hệ sau thể hiện lòng biết ơn tiền nhân mà còn giúp họ biết noi gương các bậc anh hùng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất đất nước hiện nay.
III. MỘT SỐ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
1. Nho giáo
- Nguồn gốc: Nho giáo là một hệ thống triết học chính trị - xã hội, giáo dục, đạo đức do Khổng Tử sáng lập vào khoảng thế kỉ VI TCN.
- Quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam:
+ Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc.
+ Dưới thời Lý - Trần, Nho giáo từng bước phổ biến, gắn với chính sách giáo dục, khoa cử của triều đình.
+ Từ thời Lê sơ, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng độc tôn.
- Biểu hiện về ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam:
+ Hoạt động thờ Khổng Tử và các bậc tiên Nho thể hiện truyền thống hiếu học của nhân dân vẫn được duy trì ở nhiều văn miếu, văn từ, văn chỉ.
+ Đạo lí của Nho giáo về hiếu, lễ, nghĩa, trung, tín,... hay quan niệm về “tam tòng, tứ đức” ít nhiều vẫn còn ảnh hưởng khá sâu sắc trong nhận thức và ứng xử của nhân dân, gắn với những ảnh hưởng khá tích cực như lối sống trật tự, khuôn phép, “trên kính, dưới nhường”,…
2. Phật giáo
- Nguồn gốc: Phật giáo ra đời khoảng thế kỉ VI TCN ở Ấn Độ, do Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
- Quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam:
+ Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu Công nguyên và từng bước trở thành tôn giáo phổ biến.
+ Dưới thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Phật giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình và đời sống dân gian, được coi như quốc giáo.
+ Trong tiến trình lịch sử, Phật giáo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Biểu hiện về ảnh hưởng của Phật giáo ở Việt Nam:
+ Chùa là nơi thu hút đông đảo Phật tử và du khách đến tham quan, hành lễ vào các đảo Phật tử và dịp tuần rằm, lễ, tết để cầu mong sự an nhiên, thanh tịnh.
+ Nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo đã trở thành chuẩn mực trong đời sống tình cảm, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của nhân dân như lối sống hướng thiện, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng,...
+ Các hoạt động từ thiện, xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức thường xuyên như: tiến hành quyên góp, cứu trợ đồng bào khi bị thiên tai; xây dựng các trường lớp, nhà dưỡng lão, cơ sở nuôi trẻ mồ côi,... Các hoạt động này đã góp phần vào việc giáo dục cộng đồng, xoá đói giảm nghèo, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
3. Đạo giáo
- Nguồn gốc: Đạo giáo (còn gọi là Lão giáo, đạo Lão,...) được hình thành vào khoảng cuối thế kỉ II, trong phong trào nông dân khởi nghĩa ở vùng Nam Trung Quốc, trên cơ sở nền tảng của Đạo gia - một học phái do Lão Tử và Trang Tử khởi xướng.
- Quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam:
+ Đạo giáo được truyền bá vào Việt Nam khoảng cuối thế kỉ II. Khi vào Việt Nam, Đạo giáo tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng của người Việt nên dễ dàng được tiếp nhận.
+ Dưới thời Bắc thuộc, Đạo giáo chỉ phổ biến trong dân gian.
+ Đến thời quân chủ, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đều coi trọng các đạo sĩ. Bộ máy quan lại trong Triều đình Tiền Lê còn có chức quan Sùng Chân uy nghi phụ trách Đạo giáo. Thời Lý-Trần, Đạo giáo là một trong “Tam giáo”, song hành cùng với Phật giáo và Nho giáo (còn gọi là hiện tượng “tam giáo đồng nguyên”).
+ Từ thời Lê trung hưng, Đạo giáo bắt đầu suy thoái, những đạo quán dần trở thành chùa, bên cạnh tượng các thánh của Đạo giáo còn có thêm tượng Phật. Mặc dù vậy, vào nửa cuối thế kỉ XVIII, một số công trình Đạo giáo vẫn được xây dựng quanh khu vực Hồ Tây.
- Biểu hiện về ảnh hưởng của Đạo giáo ở Việt Nam:
+ Đạo giáo có sự giao thoa và ảnh hưởng tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ăn ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng.
+ Đạo giáo được thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên qua một số nghi lễ thờ cúng, ma chay.... Tôn giáo này cũng có sự tương đồng với tín ngưỡng thờ Mẫu trong quan niệm về hệ thống thần tiên và hình tượng, sắc phục của các vị Mẫu. Trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng, ảnh hưởng của Đạo giáo thể hiện ở thời gian và không gian xuất hiện của các nhân vật trong thần tích.
+ Hiện nay, nhiều dấu tích của Đạo giáo gắn với các đạo quán vẫn tồn tại, phân bố ở Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, một số tỉnh vùng Nam Bộ. Bên cạnh đó, có nhiều đàn cầu Tiên gắn liền với các di tích như: đền Ngọc Sơn, đền Tản Viên (Hà Nội), đền Đào Xá (Hưng Yên),...
+ Trong thực tế đời sống, một số phong tục và hoạt động mang màu sắc của Đạo giáo vẫn tồn tại như: thuật phong thuỷ, một số phương pháp dưỡng sinh, các môn võ thuật, hình thức cúng bái,...
4. Cơ đốc giáo
- Nguồn gốc:
+ Cơ đốc giáo (còn gọi là Ki-tô giáo) do Giê-su sáng lập vào khoảng đầu Công nguyên, tại một vùng đất của người Do Thái.
+ Trong quá trình phát triển, Cơ Đốc giáo phân chia thành các hệ phái khác nhau. Trong đó, Công giáo và Tin Lành là hai hệ phái phổ biến ở Việt Nam.
- Quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam:
+ Công giáo được các giáo sĩ phương Tây truyền bá vào Việt Nam từ thế kỉ XVI. Đến thế kỉ XIX, quá trình truyền bá của Công giáo gặp khó khăn do chính sách cấm đạo của Triểu Nguyễn. Công giáo phát triển ở miền Bắc (từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1954) và có ảnh hưởng tương đối lớn ở miền Nam (từ năm 1954 đến năm 1975). Từ năm 1975 đến nay, Công giáo Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển.
+ Đạo Tin Lành được truyền bá vào Việt Nam khoảng thập kỉ đầu thế kỉ XX. Trước năm 1975, đạo Tin Lành phát triển chủ yếu ở khu vực phía Nam. Từ giữa những năm 1980 đến nay, đạo Tin Lành phát triển rộng khắp ở Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
- Biểu hiện về ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo ở Việt Nam:
+ Hoạt động thờ Chúa, cầu nguyện, đọc Kinh thánh do cá nhân hoặc nhóm thực hiện. Hằng tuần, các tín đồ đến nhà thờ để cùng cầu nguyện, nghe giảng về Kinh thánh,...
+ Thực hành những điều luật của Kinh thánh hoặc lời răn dạy của Chúa trong đời sống, hướng đến việc kính Chúa, yêu thương con người như: hiếu thảo với cha mẹ, làm việc thiện, giúp đỡ lẫn nhau,...
+ Tổ chức các ngày lễ liên quan đến cộng đồng Công giáo, như: lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh,...
+ Đạo Tin Lành luôn chú trọng đến việc truyền giáo, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, như: cứu trợ cho đồng bào thuộc khu vực bị thiên tai, bão lũ; tổ chức các đoàn y tế để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo,...
5. Một số tôn giáo khác
♦ Đạo Cao Đài (tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ)
- Nguồn gốc:
+ Đạo Cao Đài ra đời năm 1926 tại ấp Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức sáng lập và phát triển chủ yếu ở Nam Bộ.
+ Đạo Cao Đài hình thành trên cơ sở kết hợp tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ.
- Ảnh hưởng:
+ Thực hành lối sống đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tu luyện trong quá trình hành đạo theo “tam công”: lập công quả là hi sinh tư lợi để hành đạo vì xã hội, vì đạo; lập công trình là rèn luyện bản thân theo giới luật trở thành người hạnh đức; lập công phu là tu luyện tinh thần tiến hoá về đạo pháp.
+ Duy trì các lễ hội được sáng tạo trên nền tảng văn hoá dân tộc, gồm: lễ vía Đức Chí Tôn (ngày 9 tháng Giêng) và lễ hội Yến Diêu Trì Cung ngày 15 tháng Tám âm lịch).
+ Bảo tồn giá trị độc đáo trong các lĩnh vực như: báo chí, thơ văn, âm nhạc, kiến trúc... Ví dụ, kiến trúc thờ tự của đạo Cao Đài vừa có nét của nhà thờ Công giáo, vừa có nét của chùa Phật giáo.
♦ Phật giáo Hoà Hảo
- Phật giáo Hoà Hảo ra đời ở Nam Bộ từ năm 1939. Đây là một trong những tôn giáo ở Việt Nam có tổ chức hoạt động hợp pháp và có số lượng tín đồ tương đối lớn.
- Người sáng lập đạo là ông Huỳnh Phú Sổ, quê ở làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
- Phật giáo Hoà Hảo được khai sáng trên nền tảng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và lấy Tịnh độ tông làm căn bản tu hành. Phật giáo Hoà Hảo chủ trương học Phật, tu Nhân, tại gia cư sĩ và thực hiện Tứ Ân: Ân tổ tiên cha mẹ Ân đất nước, Ân đất nước, Ân Tam bảo, Ân đồng bào nhân loại.
- Về tổ chức, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo chia làm hai cấp:
+ Cấp toàn đạo có tên gọi là Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hoà Hảo;
+ Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) là Ban Trị sự Phật giáo Hoà Hảo cơ sở.
♦ Hồi giáo
- Đạo I-xlam ra đời ở bán đảo A-rập vào đầu thế kỉ VII, khi truyền bá vào Việt Nam được gọi là đạo Hội (Hồi giáo).
- Hồi giáo bắt đầu được truyền bá vào Việt Nam vào khoảng thế kỉ X. Từ cuối thế kỉ XI Hồi giáo đã có chỗ đứng đáng kể trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân Chăm-pa.
- Cộng đồng cư dân Chăm theo Hồi giáo ở Việt Nam có dòng khác nhau: Chăm I-xlam và Chăm Bà-ni.
- Trong đời sống văn hoá - xã hội của người Chăm, Hồi giáo có những biểu hiện như:
+ Thực hành những điều mà A-la răn dạy các tín đồ Hồi giáo được làm và không được làm như: bố thí rộng rãi cho người nghèo, không giết người, không ngoại tình, không uống rượu, cờ bạc, bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi, cư xử công bằng với mọi người ...
+ Duy trì các nghi lễ vòng đời đậm màu sắc Hồi giáo của người Chăm, bao gồm nghi lễ trong các giai đoạn: sinh ra, trưởng thành và qua đời.
+ Tổ chức các nghi lễ tôn giáo gắn với các hình thức sinh hoạt cộng đồng như: lễ hội Ra-ma-đan, lễ hành hương đến Thánh địa Méc-ca (A-rập Xê-út),…