Lý thuyết Chuyên đề Lịch Sử 12 Chuyên đề 3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Chuyên đề Sử 12 Chuyên đề 3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Chuyên đề học tập Lịch Sử 12.
Lý thuyết Chuyên đề Lịch Sử 12 Chuyên đề 3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam - Kết nối tri thức
1) Toàn cầu hoá
a) Khái niệm toàn cầu hoá
- Toàn cầu hoá là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình gia tăng mạnh mẽ của những mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau, tác động giữa các quốc gia, dân tộc và khu vực trên phạm vi toàn cầu.
- Toàn cầu hoá đã tạo ra một cộng đồng toàn cầu, nơi mọi người có thể giao tiếp và hợp tác vượt ra ngoài biên giới quốc gia một cách thuận tiện. Quá trình này làm cho mọi người trên thế giới dễ dàng tiếp cận với nhau hơn, tạo ra một thị trường toàn cầu với những cơ hội mới cho sự phát triển.
b) Những biểu hiện của toàn cầu hoá
- Gia tăng vai trò của các tập đoàn xuyên quốc gia: Các tập đoàn xuyên quốc gia có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thế giới nói chung và của từng quốc gia nói riêng. Vai trò đó được thể hiện qua hoạt động thương mại đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học, kĩ thuật.
- Tăng cường vai trò của các tổ chức liên kết khu vực và toàn cầu: Sự hình thành và phát triển của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính khu vực và toàn cầu như: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF),... đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, giải quyết các thách thức toàn cầu như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố,...
- Mở rộng thị trường và thương mại toàn cầu: Toàn cầu hoá đã mở ra thị trường mới, rộng lớn hơn cho hàng hoá và dịch vụ. Từ đó tạo cơ hội tăng cường thương mại giữa các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia chuyên môn hoá sản xuất phù hợp với điều kiện của mình.
- Tăng cường trao đổi văn hóa toàn cầu:
+ Toàn cầu hoá dẫn đến việc tăng cường trao đổi, giao lưu văn hoá giữa các quốc gia.
+ Khi các quốc gia ngày càng kết nối nhiều hơn với nền kinh tế toàn cầu, tất yếu dẫn đến sự gia tăng trao đồi ý tưởng, giá trị và thực hành văn hoá, góp phần hình thành các xã hội đa văn hoá, tăng cường lòng khoan dung và chấp nhận sự đa dạng.
- Gia tăng di cư toàn cầu: Với nền kinh tế toàn cầu hiện nay, việc di cư của con người là điều tất yếu. Bên cạnh đó, di cư toàn cầu còn xuất phát từ các nguyên nhân: yếu tố địa lí, chính trị, môi trường...
c) Tác động của toàn cầu hoá
♦ Tác động tích cực
- Về kinh tế:
+ Thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế, đầu tư và dòng vốn giữa các quốc gia, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế.
+ Thông qua toàn cầu hoá, với lợi thế về tài nguyên, lao động, thị trường... nhiều quốc gia có thể tham gia vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn cầu, tạo ra những hàng hoá - dịch vụ không thể thiếu trên thị trường thế giới.
- Về chính trị:
+ Thúc đẩy hợp tác và ổn định chính trị để đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
+ Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế làm giảm khả năng xảy ra xung đột vì các quốc gia đều có quyền lợi nhất định trong việc duy trì quan hệ hoà bình.
- Về văn hoá - xã hội:
+ Tạo điều kiện trao đổi văn hoá giữa các quốc gia, tăng cường hiểu biết giữa các cộng đồng có nền văn hoá khác nhau.
+ Tác động tích cực đến các vấn đề xã hội như: giáo dục, y tế, cơ hội việc làm,... đặc biệt là giảm đói nghèo trên toàn thế giới.
- Về khoa học - công nghệ: gia tăng nhanh chóng các hoạt động trao đổi khoa học - công nghệ giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho sự tiến bộ trên các lĩnh vực giáo dục, y học, kĩ thuật và công nghệ.
♦ Tác động tiêu cực
- Về kinh tế:
+ Gia tăng cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia, trong đó các quốc gia phát triển hơn sẽ có lợi thế về công nghệ và nguồn lực, kết quả là nhiều nước đang phát triển không thể cạnh tranh với các nước phát triển, dẫn đến tụt hậu về kinh tế.
+ Sự ràng buộc, chi phối lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia khiến các cuộc khủng hoảng kinh tế dễ dàng lan từ quốc gia này sang quốc gia khác, dẫn đến những nguy cơ mất ổn định.
- Về chính trị:
+ Toàn cầu hoá đã dẫn đến sự phát triển của các tổ chức và thoả thuận quốc tế làm giảm quyền lực của các quốc gia - dân tộc trong điều chỉnh chính sách, nhất là các chính sách kinh tế.
+ Toàn cầu hoá cũng dẫn đến những thách thức toàn cầu mới như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên biên giới.
- Về văn hóa: Toàn cầu hoá đã và đang tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc: tập quán, thực hành văn hoá truyền thống bị thu hẹp)...
- Về môi trường: Toàn cầu hoá đã dẫn đến nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng, khiến việc khai thác, sử dụng tài nguyên một cách không bền vững, dẫn đến sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, huỷ hoại môi trường,...
2. Hội nhập quốc tế
a) Khái niệm hội nhập quốc tế
- Hội nhập quốc tế là quá trình một quốc gia chủ động hợp tác, liên kết sâu rộng với các quốc gia khác trên nhiều lĩnh vực, dựa trên sự chia sẻ lợi ích, nguồn lực, chấp nhận và tuân thủ các quy định chung trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế
b) Một số lĩnh vực hội nhập quốc tế
- Hội nhập kinh tế quốc tế: Đây là quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết về kinh tế nhằm đạt hiệu quả tăng trưởng cao hơn.
- Hội nhập quốc tế về chính trị: Đây là quá trình các nước tham gia vào thể chế chính trị song phương, đa phương nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và giải quyết những thách thức chung.
- Hội nhập quốc tế về an ninh - quốc phòng: đây là sự tham gia của quốc gia vào quá trình đảm bảo hoà bình và an ninh thông qua các thoả thuận song phương hay đa phương về an ninh - quốc phòng. Các tổ chức an ninh khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, thúc đẩy sự ổn định và hợp tác giữa các quốc gia thành viên.
- Hội nhập quốc tế về văn hóa: là quá mở cửa, trao đổi văn hoá với các gia khác, chia sẻ các giá trị văn hoá thế giới, tiếp thu các giá trị văn hoá tiến bộ của thế giới để bổ sung và phát nền văn hoá dân tộc.
II. VIỆT NAM HỘI NHẬP KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ
1) Tác động của toàn cầu hoá đối với Việt Nam
a) Tác động tích cực
♦ Về kinh tế
- Tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế thông qua tự do thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.
- Thúc đẩy cơ cấu kinh tế Việt Nam chuyển dịch theo hướng tích cực với mô hình công nghiệp hoá hướng tới xuất khẩu.
♦ Về chính trị
- Quá trình hội nhập quốc tế và khu vực đã tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường ảnh hưởng chính trị, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
♦ Về văn hoá - xã hội: Văn hoá Việt Nam có điểu kiện tiếp thu các giá trị mới và ngày càng trở nên đa dạng, phong phú.
♦ Về khoa học - kĩ thuật và công nghệ:
- Tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp nhận các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới;
- Mang lại nhiều cơ hội để trao đổi, hợp tác và đổi mới;
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của khoa học - kĩ thuật và công nghệ trong nước.
b) Tác động tiêu cực
♦ Về kinh tế
- Tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế. Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty nước ngoài, dẫn đến khả năng mất thị phần trong nước.
- Làm gia tăng sự phụ thuộc vào vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, khiến cho nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tác động tiêu cực bởi các biến động kinh tế toàn cầu.
♦ Về chính trị:
+ Toàn cầu hoá làm gia tăng tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, từ đó, đặt ra những nguy cơ và thách thức nhất định đối với chủ quyền quốc gia.
+ Các hiệp định thương mại, quy định chung về an ninh khu vực và toàn cầu có buộc Việt Nam phải tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế. Các quy tắc, quy chuẩn này có thể không phù hợp hoặc khó thực hiện được trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, đồng thời, ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như quyền lựa chọn của Việt Nam trong các vấn đề chính trị nội bộ và quốc tế.
♦ Về văn hoá - xã hội
- Khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, cũng như giữa các nhóm xã hội khác nhau ngày càng gia tăng.
- Cùng với sự phát triển của hợp tác, giao lưu kinh tế quốc tế, các hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng phát triển ở Việt Nam.
- Việt Nam đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc:
+ Một số giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc bị suy thoái.
+ Một số giá trị đạo đức vốn có vị trí quan trọng trong hệ giá trị văn hoá truyền thống cũng đang có nguy cơ bị mai một;
+ Xuất hiện những lối sống trái với thuần phong mĩ tục...
♦ Về môi trường: việc gia tăng tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên đã phát sinh ra những vấn đề như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu...
2. Quá trình Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế
a) Việt Nam hội nhập khu vực Đông Nam Á, vai trò và đóng góp của Việt Nam trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)
- Sau Đại thắng Xuân năm 1975, quan hệ Việt Nam - ASEAN có khởi đầu mới thông qua những chuyến thăm các nước ASEAN vào cuối năm 1977 và đầu năm 1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh.
- Từ năm 1992 đến năm 1995, Việt Nam tích cực tham gia một số hoạt động của ASEAN dù chưa là thành viên. Ngày 28-7-1995, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây chính thức kết nạp Việt Nam vào ASEAN, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức này.
- Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực.
+ Về chính trị:
▪ Việt Nam tích cực thúc đẩy quá trình mở rộng Hiệp hội ra cả 10 nước trong khu vực;
▪ Đóng vai trò nòng cốt trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN;
▪ Nỗ lực tăng cường vai trò của tổ chức ASEAN trong giải quyết các thách thức khu vực như đại dịch COVID-19,...
+ Về kinh tế:
▪ Việt Nam tham gia vào quá trình xây dựng cấu trúc kinh tế thương mại mới ở khu vực;
▪ Tích cực thúc đẩy thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC);
▪ Tham gia vào các sáng kiến tự do hoá thương mại, góp phần gia tăng dòng chảy thương mại và đầu tư nội khối.
+ Về văn hóa:
▪ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy giao lưu văn hoá trong ASEAN, tổ nhiều sự kiện, lễ hội văn hoá;
▪ Nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng và hiểu biết văn hoá giữa nước thành viên ASEAN.
+ Về an ninh:
▪ Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế, đối thoại an ninh của ASEAN, đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và đóng góp cho sự ổn định khu vực thông đối thoại và ngoại giao;
▪ Hợp tác với ASEAN về các vấn đề an ninh phi truyền thống, m gia vào các nỗ lực của ASEAN nhằm giải quyết các thách thức an ninh hàng hải, biệt là vấn đề Biển Đông.
b) Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế
♦ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc
- Năm 1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết công nhận nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam. Tiếp đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập tổ chức này vào ngày 20 - 9 - 1977.
- Sau khi được kết nạp, Việt Nam đã tham gia vào nhiều cơ quan và tổ chức của Liên hợp quốc, chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hợp quốc.
+ Việt Nam đề cao vai trò của Liên hợp quốc; thúc đẩy việc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; phản đối hành động xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.
+ Việt Nam đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc.
+ Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc; nỗ lực bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, chống nạn buôn người; giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
+ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, tham gia đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
♦ Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)
- Việt Nam gia nhập APEC là một dấu mốc quan trọng trong hội nhập quốc tế của đất nước vào nền kinh tế toàn cầu thông qua một quá trình đàm phán lâu dài.
- Tiến trình gia nhập APEC của Việt Nam:
+ Năm 1996, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập APEC; hoàn thành một số thủ tục dành cho ứng viên.
+ Năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ năm (tại Ca-na-đa) quyết định kết nạp Việt Nam làm thành viên.
+ Năm 1998, Việt Nam nộp cho APEC “Kế hoạch hành động quốc gia"; trở thành thành viên chính thức thứ 21 của tổ chức này.
- Gia nhập APEC đã tạo điều kiện góp phần mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
♦ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
- Quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu từ năm 1995 và kéo dài hơn một thập kỉ với nhiều phiên đàm phán đa phương, song phương về các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại và kinh tế của Việt Nam.
- Trong quá trình đàm phán, Việt Nam có những nhượng bộ, cải cách để thuận lợi cho việc gia nhập tổ chức, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế.
- Tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam:
+ Năm 1995, nộp đơn xin gia nhập WTO
+ Năm 1996-1998, bắt đầu đàm phán với Ban Công tác về việc gia nhập WTO, thảo luận về các
vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường
+ Năm 1998-2002, đàm phán đa phương với Ban Công tác về minh bạch hóa các chính sách thương mại
+ Năm 2002-2006, Đàm phán và kí các hiệp định song phương với một số thành viên WTO; kết thúc đàm phán đa phương; toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam dược thông qua
+ Năm 2006, phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO chính thức kết nạp Việt Nam.
+ Năm 2007, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định gia nhập WTO; Việt Nam trở thành thành viên của WTO
- Là thành viên của WTO, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán của WTO và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển. Việt Nam ủng hộ các nước đang phát triển tăng cường tiếp cận thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.