Lý thuyết Chuyên đề Lịch Sử 12 Chuyên đề 2: Nhật Bản: hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Chuyên đề Sử 12 Chuyên đề 2: Nhật Bản: hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Chuyên đề học tập Lịch Sử 12.
Lý thuyết Chuyên đề Lịch Sử 12 Chuyên đề 2: Nhật Bản: hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay - Kết nối tri thức
1. Thời kì Nhật Bản bị quân đội Đồng minh chiếm đóng (1945 - 1952)
- Sau khi kí văn kiện đầu hàng không điều kiện (2 - 9 - 1945), Nhật Bản quân Đồng minh (chủ yếu là Mỹ) chiếm đóng và thực hiện chế độ quân quản trong những năm 1945 - 1952.
- Mục tiêu của Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh (viết tắt theo tiếng Anh là SCAP) là giải trừ bộ máy chiến tranh, thực hiện cải cách trên các lĩnh vực: an ninh - chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục,... của Nhật Bản.
+ Về an ninh - chính trị: SCAP tiến hành giải tán lực lượng vũ trang của Nhật Bản, xét xử tội phạm chiến tranh, thực hiện dân chủ hoá xã hội Nhật Bản, tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Nghị viện mới ngày 10 - 4 - 1946 và quan trọng nhất là ban hành Hiến pháp 1946.
+ Về kinh tế: SCAP thực hiện chính sách phi quân sự các yếu tố dẫn tới việc khôi phục nền kinh tế chiến kinh tế của Nhật Bản. Những cải cách được tiến hành theo lệnh của SCAP gồm:
▪ Cải cách ruộng đất, Nhà nước trưng mua ruộng đất và bán cho người canh tác với giá ưu đãi;
▪ Giải thể các Dai-bát-xư (những công ty độc quyền mang tính chất gia tộc, có sự liên kết chặt chẽ với giới tài phiệt và chi phối nền kinh tế Nhật Bản trước đó);
▪ Chống độc quyền hàng hoá và thực hiện nguyên tắc tự do cạnh tranh và thị trường tự do, thành lập các tổ chức Công đoàn và ban hành các đạo luật về lao động.
+ Về văn hoá, giáo dục: SCAP đã sửa đổi Chương trình Giáo dục theo hướng thúc đẩy các tư tưởng tự do, dân chủ. Tháng 3 - 1947, Luật Giáo dục cơ bản và Luật Giáo dục trường học được Nghị viện Nhật Bản thông qua.
- Những chính sách cải cách đã: đưa tới những chuyển biến lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Đồng thời, với việc kí kết Hiệp ước Hoà bình và Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản năm 1951, Nhật Bản trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Á.
2. Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973
a) Thành tựu “thần kì” của kinh tế Nhật Bản và nguyên nhân dẫn đến sự phát triển “thần kì”
♦ Thành tựu
- Từ năm 1952 đến năm 1960, kinh tế Nhật Bản có bước phát triển nhanh.
- Từ năm 1960 đến năm 1973 là giai đoạn phát triển “thần kì” của Nhật Bản.
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 10,8 %.
+ Năm 1968, Nhật Bản vươn lên hàng thứ hai thế giới tư bản (sau Mỹ) với tổng sản phẩm quốc dân là 183 tỉ USD.
+ Đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính trong thế giới tư bản, cùng với Mỹ và Tây Âu.
- Nhật Bản đặc biệt coi trọng giáo dục và khoa học - kĩ thuật, tìm cách đẩy nhanh sự phát triển bằng cách mua bằng phát minh sáng chế. Khoa học - kĩ thuật và công nghệ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất ứng dụng dân dụng, đạt được nhiều thành tựu lớn.
♦ Nguyên nhân phát triển “thần kì” của Nhật Bản:
- Sự quyết tâm và tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân Nhật Bản.
- Chính sách quản lí có hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản và vai trò dẫn dắt của các nhà lãnh đạo.
- Quá trình dân chủ hoá cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường tự do theo mô hình Mỹ đã thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng thời, các công ty Nhật Bản có tầm nhìn xa, quản lí hiệu quả, nhạy bén nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới để giành lợi thế trong cạnh tranh,...
- Nhật Bản luôn áp dụng các thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
- Chi phí quốc phòng của Nhật Bản thấp. Nhật Bản tập trung vào việc tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng xuất khẩu.
- Nhật Bản đã tận dụng tốt các yếu tố bên ngoài để phát triển như: nguồn viện trợ của Mỹ, “nguồn thu nhập đặc biệt” và “ngọn gió thần” đến từ các đơn đặt hàng của Mỹ cho cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 - 1953) và Việt Nam (1954 - 1975),...
b) Những nét chính về tình hình chính trị - xã hội Nhật Bản trong những năm 1952-1973
♦ Chính trị: Đảng Dân chủ Tự do (LDP) nắm quyền liên tục ở Nhật Bản kể từ khi thành lập. Dưới thời Thủ tướng I-kê-đa, Nhật Bản chủ trương xây dựng một “Nhà nước phúc lợi chung” nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
♦ Xã hội:
- Dân số Nhật Bản tăng lên nhanh chóng.
- Điều kiện giáo dục, y tế và mức sống của người dân không ngừng được nâng cao.
- Nhật Bản cũng phải đối diện với nhiều thách thức, như: tình trạng ô nhiễm môi trường, khó khăn về nhà ở và quản lí xã hội, tình trạng tham nhũng,...
II. NHẬT BẢN TỪ NĂM 1973 ĐẾN NAY
1. Thời kì khủng hoảng và điều chỉnh (1973 - 2000)
a) Sự phát triển không ổn định về kinh tế
♦ Tình hình
- Giai đoạn 1973 - 1980, kinh tế Nhật Bản suy thoái. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định giảm 10 % mức tiêu thụ dầu trong các ngành sản xuất, đồng thời nỗ lực ngoại giao để tăng nguồn nhập khẩu dầu mỏ và phát triển các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,...
- Giai đoạn 1980 – 1990:
+ Kinh tế Nhật Bản có sự phục hồi, song phát triển không ổn định, thường gọi là “Thời kì kinh tế bong bóng" với các đặc điểm: đồng yên Nhật tăng giá nhanh chóng, GDP tăng trưởng với tốc độ cao, giá trị tài sản cao, sức tiêu dùng mạnh và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Tuy nhiên, việc đồng yên tăng giá đã gây khó khăn cho nền kinh tế vốn chủ yếu dựa trên xuất khẩu của Nhật Bản.
+ Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ về tài chính, khiến nền kinh tế Nhật Bản bị “sốc" mạnh và bắt đầu đi xuống. Thời kì “kinh tế bong bóng” chấm dứt.
- Giai đoạn 1990 - 2000, kinh tế Nhật Bản bước vào thời kì trì trệ kéo dài, thường gọi là “Thập niên mất mát”.
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thường chỉ ở mức trên dưới 1 %/ năm, thậm chí có năm tăng trưởng âm. Từ năm 1998, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu “bơm tiền” vào các ngân hàng, quốc hữu hoá hoặc sáp nhập một số ngân hàng.
+ Mặc dù phát triển không ổn định nhưng Nhật Bản vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới. Đặc biệt, từ nửa sau những năm 80 của thế kỉ XX, Nhật Bản vươn lên trở thành siêu cường tài chính số một thế giới đồng thời là chủ nợ lớn nhất thế giới.
♦ Nguyên nhân tình trạng phát triển không ổn định
- Các chính sách tài chính của Chính phủ Nhật Bản không được tiến hành kịp thời và chưa thực sự hiệu quả để đưa nền kinh tế ra khỏi suy thoái.
- Lợi nhuận từ xuất khẩu không được sử dụng hiệu quả cho thị trường trong nước. Sức sống của nền kinh tế suy giảm, không đủ vốn đầu tư cho những công ty mới.
- Ttình trạng già hoá dân số gia tăng, trước hết là dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản. Sự suy giảm lực lượng lao động dẫn tới giảm lợi nhuận và tác động đến chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư.
b) Tình hình chính trị, xã hội
♦ Về chính trị
- Trong phần lớn thời gian của giai đoạn 1973 - 2000, Đảng Dân chủ Tự do tiếp tục khẳng định vai trò của đảng cầm quyền (1973 - 1993, 1996 - 1998). Chính phủ do LDP cầm quyền đề ra nhiều chiến lược nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và thu được nhiều thành tựu.
- Trong những năm 1973 - 2000, chính sách đối ngoại của Nhật Bản có những điểm nổi bật là:
+ Liên minh chặt chẽ với Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản vẫn coi trọng quan hệ với Tây Âu và mở rộng hoạt động đối ngoại với các đối tác khác trên phạm vi toàn cầu.
+ Nhật Bản thực hiện chính sách đối ngoại mới để vừa duy trì hoà bình và an ninh, phát triển đất nước, vừa thể hiện rõ hơn vai trò tích cực, mang tính xây dựng đối với nền hoà bình và thịnh vượng trên thế giới.
♦ Về xã hội
- Trong những năm 80, tầng lớp trung lưu mới xuất hiện và ngày càng đông đảo trong các thành phố và trung tâm công nghiệp, tuy nhiên, số lượng người bị phá sản, mất việc làm, phải sống bằng trợ cấp xã hội ngày càng nhiều.
- Phong trào nữ quyền ở Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.
2. Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI
a) Cải cách và quá trình phục hồi kinh tế
- Đầu thế kỉ XXI, nền kinh tế Nhật Bản từng bước được phục hồi và chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu (2008 - 2009) đã đẩy nền kinh tế mới hồi phục của Nhật Bản vào một cơn bão suy thoái mới.
- Để đối phó với khủng hoảng, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh, cứu trợ các công ty gặp khó khăn trong sản suất và kinh doanh,... Từ năm 2010, Chính phủ Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng A-bê Sin-dô đã hoàn thành các chính sách cải cách, trong đó nổi bật là chính sách cải cách kinh tế A-bê-nô-míc.
- Việc thực hiện cải cách đã giúp nền kinh tế Nhật Bản từng bước lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị Trung Quốc vượt qua (2010), Nhật Bản vẫn là một trong những nước phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao trên thế giới.
b) Những chuyển biến về chính trị, xã hội
♦ Chính trị
- Từ đầu thế kỉ XXI đến nay, tình hình chính trị của Nhật Bản không ổn định với sự thay đổi Nội các và thủ tướng liên tục.
- Nhật Bản luôn coi quan hệ đồng minh với Mỹ là mối quan hệ quan trọng và hợp tác chặt chẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong quan hệ quốc tế. Quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực được Nhật Bản coi trọng, mà cốt lõi là chiến lược ngoại giao kinh tế.
- Uy tín và vị thế quốc tế của Nhật Bản từng bước được nâng cao. Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lần được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiều nhất.
♦ Về xã hội
- Nhật Bản là nước có chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ bảy thế tuổi thọ trung bình thuộc nhóm cao nhất thế giới (85 tuổi), tỉ lệ lao động thất nghiệp giảm qua các năm.
- Tình trạng dân số già hoá và tỉ lệ sinh thấp là thách thức lớn đối với Nhật Bản. Đây là mối quan tâm hàng đầu trong xã hội Nhật Bản hiện nay.
- Những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội đặt ra trong những năm đầu thế kỉ XXI đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản phải có những quyết sách mang tính bước ngoặt để giải quyết.
III. BÀI HỌC THÀNH CÔNG
- Nhân tố con người:
+ Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển với tỉ lệ mù chữ ở mức thấp nhất thế giới, tỉ lệ sinh viên học đại học, cao đẳng ở mức cao so với các quốc gia châu Á khác.
+ Nguồn nhân lực với trình độ học vấn cao, kĩ năng chuyên nghiệp cùng với đội ngũ cán bộ khoa học - kĩ thuật đông đảo, có ý chí vươn lên, cần cù lao động, để cao kỉ luật và coi trọng tiết kiệm, sử dụng công nghệ mới,... đã góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Nhật Bản.
- Vai trò của Nhà nước:
+ Ở Nhật Bản, Nhà nước đảm nhận chức năng điều phối, vừa là chủ thể quản lí kinh tế và đầu tư, vừa tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế.
+ Chính phủ Nhật Bản đầu tư vào các ngành công nghiệp then chốt, tập trung hỗ trợ và bảo vệ bằng cách đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp lớn hoạt động. Nhờ đó, Nhật Bản đã thành công trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
+ Nhà nước thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển nhanh các ngành kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp mới.
- Hệ thống tổ chức, quản lí sản xuất
+ Nhật Bản là quốc gia có hệ thống tổ chức, quản lí sản xuất mang lại hiệu quả cao.
+ Việc Chính phủ hỗ trợ cho các công ty lớn hoạt động trong các ngành công nghiệp mũi nhọn đã đóng vai trò quyết định cho sự ra đời và phát triển nhiều ngành công nghiệp mới ở Nhật Bản.
+ Để góp phần nâng cao năng suất lao động, các công ty Nhật đều chú trọng đến việc đào tạo tay nghề, các kĩ năng cho công nhân.
- Áp dụng các thành tựu khoa học - kĩ thuật: Nhật Bản chủ trương mua bằng phát minh, sáng chế, áp dụng các thành tựu khoa học, kĩ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng sự cạnh tranh với các nước khác.
- Truyền thống lịch sử, văn hoá:
+ Quá trình đương đầu với những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên ý chí, nghị lực phi thường con người Nhật Bản.
+ Dân tộc Nhật Bản có truyền thống hiếu học và nhạy bén với cái mới, luôn phấn đấu học hỏi để hoàn thiện, mở mang kiến thức và đóng góp cho xã hội, cộng đồng.