Soạn bài Thực hành sân khấu hóa tác phẩm văn học - Cánh diều


Haylamdo sưu tầm và biên soạn bài Thực hành sân khấu hóa tác phẩm văn học trong Chuyên đề 1 Ngữ văn 10 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Cánh diều.

Soạn bài Thực hành sân khấu hóa tác phẩm văn học - Cánh diều

Soạn bài Thực hành sân khấu hóa tác phẩm văn học - Cánh diều

1. Thực hành biên soạn kịch bản văn học (Tập làm nhà biên kịch)

Đọc kĩ phần II. Quy trình sân khấu hoá tác phẩm văn học, đặc biệt là các yêu cầu của việc biên soạn kịch bản văn học (biên kịch) để vận dụng vào hoạt động thực hành chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu với hai hình thức hoạt cảnh và tiểu phẩm. Các văn bản văn học dựa vào Chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn 10.

Bài tập thực hành 1 (trang 45, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Chọn một trong các tác phẩm dưới đây, biên soạn kịch bản văn học dưới dạng một hoạt cảnh ngắn để biểu diễn trên lớp học vào tiết học ấy:

- “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.

- “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến.

- “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.

- “Lính đảo hát tình ca trên đảo” của Trần Đăng Khoa.

Trả lời:

Hoạt cảnh “Lính đảo hát tình ca trên đảo” của Trần Đăng Khoa.

- Thời lượng: 5 - 7 phút.

- Hình ảnh hoặc video clip: sóng, gió, những người lính Trường Sa đầu trọc; những bãi “đá trọc đầu” lô nhô; cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo;…

- Bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” (in sẵn, trang trí trên phông, nền đẹp).

- Mô tả nội dung hoạt cảnh: đọc bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” trên nền minh họa bằng cách chiếu các hình ảnh hoặc video clip về Biển Đông và Quần đảo Trường Sa. Tính toán độ dài của bài thơ và bố trí các ảnh minh họa phù hợp với từng nội dung cụ thể mà bài thơ nói tới. Chú ý hình ảnh mở đầu và hình ảnh kết thúc.

Bài tập thực hành 2 (trang 45, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều):

Chọn một truyện hoặc đoạn trích tiểu thuyết để biên soạn một kịch bản văn học dưới dạng một tiểu phẩm. Các tác phẩm gồm:

- “Hê-ra-clét đi tìm táo vàng” (trích thần thoại Hy Lạp).

- “Chiến thắng Mtao Mxây” (trích sử thi “Đăm Săn”, Việt Nam).

- “Ra-ma buộc tội” (trích sử thi Ấn Độ).

- “Kiêu binh nổi loạn” (trích “Hoàng Lê nhất thống chí” – Ngô gia văn phái).

- “Hồi trống Cổ Thành” (trích “Tam quốc diễn nghĩa” – La Quán Trung).

- “Người ở bến sông Châu” (Sương Nguyệt Minh).

Trả lời:

CHIẾN THẮNG MTAO MXÂY

(Trích sử thi Đăm Săn)

(Nhà Mtao Mxây cột sàn hiên đẽo hình mặt trăng, đầu cầu thang đều đẽo hình chim ngói. Cầu thang rộng một lá chiếu, người nối đuôi nhau lên xuống mà khiêng một ché đuê vẫn không sợ chật).

ĐĂM SĂN: Ơ diêng, ơ diêng, xuống đây! Ta thách người đọ dao với ta đấy!

MTAO MXÂY: Ta không xuống đâu diêng ơi! Tay ta đang còn bận ôm vợ (của) hai chúng ta ở trên nhà này cơ mà.

ĐĂM SĂN: Xuống, diêng! Xuống, diêng! Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiện của nhà ngươi ta bổ đôi, ta sẽ lấy cái cầu thang của nhà người chẻ ra kéo lửa, ta hun cái nhà của ngươi cho mà xem!

MTAO MXÂY: Khoan, diêng, khoan! Để ta xuống. Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó, nghe!

ĐĂM SĂN: Sao ta lại đâm ngươi khi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến cả con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta còn không thèm đâm nữa là!

MTAO MXÂY: Ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm.

ĐĂM SĂN: Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi nhỉ? Ngươi xem, đến con trâu của nhà ngươi trong chuồng, ta cũng không thèm đâm nữa là!

(Mtao Mxây phải đi ra. Khiên hắn tròn như đầu cú. Gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần. Hắn đóng một cái khố sọc gấp bó múi, mặc một cái áo dày nút, đi từ nhà trong ra nhà ngoài, dáng tần ngần do dự, mỗi bước mỗi đắn đo, giữa một đám đông mịt mù như trong sương sớm).

ĐĂM SĂN: Ngươi múa trước đi, ơ diêng!

MTAO MXÂY: Ngươi mới là người múa trước, ơ diêng! Ta như gà làng mới mọc cựa kliê, như gà mới mọc cựa êchăm, chưa ai dẫm phải mà đã gãy mất cánh.

ĐĂM SĂN: Ngươi cứ múa đi, ơ diêng!

(Mtao Mxây rung khiên múa vậy. Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô. Hắn múa một mình, Đăm Săn không nhúc nhích.)

ĐĂM SĂN: Ngươi múa một mình, múa kêu lạch xạch như quả mướp khô. Miếng múa ấy ngươi học ai vậy? Ngươi múa chơi đấy phải không, diêng?

MTAO MXÂY: Ta học ai à? Có cậu, ta học cậu. Có bác, ta học bác. Có thần Rồng, ta học thần Rồng.

ĐĂM SĂN: Thế ư? Ta thì đâu có cậu mà học cậu, đâu có bác mà học bác. Chỉ có hai ta đây, ngươi múa đi ta xem nào!

MTAO MXÂY: Thế ngươi không biết ta đây là một người đã quen đi đánh thiên hạ, bắt tù binh, xéo nát đất đai thiên hạ hay sao?

ĐĂM SĂN: Vậy thì ngươi hãy xem ta đây!

(Đăm Săn vung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây. Còn Mtao Mxây thì bước cao bước thấp, chạy hết bãi tây sang bãi đông. Hắn vung đao chém phập một cái, nhưng chỉ vừa trúng một cái chão cột trâu.)

ĐĂM SĂN: Sao ngươi lại chém cái chão cột trâu? Còn khoeo chân ta, ngươi dành làm gì?

(Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quăng cho hắn một miếng trầu, nhưng Đăm Săn đã đớp được miếng trầu. Chàng nhai trầu, sức chàng tăng lên gấp bội.)

ĐĂM SĂN: Bớ diêng, bây giờ ngươi lại chạy, ta đuổi coi!

(Đăm Săn lại múa. Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung. Cây giáo thần, cây giáo dính đầy những oan hồn của chàng, nhằm đùi Mtao Mxây phóng tới, nhưng không thủng. Chàng đâm vào người Mtao Mxây, cũng không thủng. Đến lúc này, Đăm Săn đã thấm mệt. Chàng vừa chạy vừa ngủ, mộng thấy ông Trời.)

ĐĂM SĂN: Ôi chao! Chết mất thôi, ông ơi! Cháu đâm mãi mà không thủng hắn!

ÔNG TRỜI: Thế ư, cháu? Vậy thì cháu lấy một cái chày mòn ném vào vành tai hắn là được.

(Đăm Săn bừng tỉnh, chộp ngay một cái chày mòn, ném trúng vành tai kẻ địch. Cái giáp của Mtao Mxây tức thì rơi loảng xoảng. Mtao Mxây tháo chạy. Hắn tránh quanh chuồng lợn, Đăm Săn phá tan chuồng lợn. Hắn tránh quanh chuồng trâu, Đăm Săn phá tan chuồng trâu. Cuối cùng hắn ngã lăn quay ra đất.)

2. Thực hành đạo diễn (Tập làm đạo diễn)

Bài tập thực hành (trang 47, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều):

Từ kịch bản đã biên soạn, thực hành làm đạo diễn với hai hình thức: hoạt cảnh và | tiểu phẩm.

Trả lời:

a) Bài trí sân khấu

- Hình ảnh nhà của tù trưởng Mtao Mxây (cột sàn hiên đẽo hình mặt trăng, đầu cầu thang đều đẽo hình chim ngói. Cầu thang rộng).

- Trước nhà là Đăm Săn, đám đông người dân.

b) Trình tự phân cảnh và các hoạt động

- Cảnh 1: Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây, kêu Mtao Mxây đi xuống.

- Cảnh 2: Đăm Săn giao tranh với Mtao Mxây.

- Cảnh 3: Đăm Săn nhờ tới sự trợ giúp của Ông Trời, chiến thắng Mtao Mxây.

c) Phân vai: Giao nhiệm vụ diễn xuất cho từng người theo các nhân vật.

d) Sửa cử chỉ, nét mặt, lời thoại cho diễn viên.

e) Chỉnh sửa kịch bản (nếu cần)

3. Thực hành biểu diễn (Tập làm diễn viên)

Biểu diễn trên sân khấu là công việc của diễn viên. Muốn biểu diễn tốt, học sinh tham gia cần:

- Nghiên cứu kịch bản.

- Tập dượt theo hướng dẫn của đạo diễn.

- Liên hệ với những hiểu biết, trải nghiệm của cá nhân để có những sáng tạo về việc thể hiện nhân vật trong kịch bản mà mình được phân công.

Tham khảo các bài soạn Chuyên đề Ngữ văn 10 Chuyên đề 2: Sân khấu hóa tác phẩm văn học Cánh diều hay khác:

Xem thêm lời Giải bài tập Chuyên đề Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, ngắn gọn khác: