Bài tập Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở vi sinh vật có lời giải


Bài tập Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở vi sinh vật có lời giải

I/ Bài tập tự luận

Câu 1: Em hãy cho một số ví dụ về môi trường tự nhiên có vi sinh vật phát triển.

Trả lời : Vi sinh vật có thể sống trong các môi trường tự nhiên như : sữa bò tươi cho vi khuẩn lactic lên men, dịch quả cho nấm men lên men rượu tạo rượu vang, vỏ cam quýt cho mốc xanh phát triển, ruột bánh mì cho mốc trắng sinh sôi,… Ngoài ra còn có một dạng môi trường tự nhiên đặc biệt, là nơi sống của nhiều vi sinh vật, đó chính là cơ thể động vật, thực vật, con người (ví dụ trong khoang miệng ở người chứa nhiều vi khuẩn lactic, dạ dày người là nơi trú ngụ của vi khuẩn Hp…).

Câu 2: Bình đựng nước thịt lâu ngày sẽ có mùi như thế nào ? Vì sao ?

Trả lời : Bình đựng nước thịt để lâu ngày sẽ có mùi thối vì nước thịt là môi trường thiếu cacbon và thừa nitơ và khi vi sinh vật hoạt động trong môi trường này, chúng sẽ khử amin, đồng thời sử dụng axit hữu cơ làm nguồn cacbon. Quá trình trên sẽ làm phát sinh và phát tán amoniac (NH3) – một loại khí có mùi hôi thối.

Câu 3: Em hãy so sánh 3 kiểu chuyển hoá vật chất : lên men, hô hấp hiếu khí và hô hấp kị khí.

Trả lời :

a. Giống nhau :

- Đều là quá trình phân giải cacbohiđrat

- Đều có sự tham gia của các enzim

- Đều trải qua giai đoạn đường phân

- Đều nhằm mục đích tạo ra các chất đơn giản, làm nguyên liệu cho quá trình đồng hoá (tổng hợp) và sản sinh năng lượng phục vụ cho hoạt động sống của sinh vật.

b. Khác nhau :

Chỉ tiêu so sánhLên menHô hấp hiếu khíHô hấp kị khí
Điều kiện xảy raTrong điều kiện kị khíTrong điều kiện có ôxi phân tửTrong điều kiện kị thí
Chất nhận điện tử cuối cùngChất hữu cơ (glucôzơ)Ôxi phân tửChất vô cơ (nitrat, sunfat, khí cacbônic)
Sản phẩm cuối cùngCác chất hữu cơ trung gian (axit lactic, rượu êtilic, axit axêtic,…) và khí cacbônicNước và khí cacbônicTạo ra các chất hữu cơ trung gian và các chất vô cơ
Hiệu suất tạo năng lượng (ATP)Thấp Cao Thấp

Câu 4: Quá trình lên men rượu và lên men lactic có những điểm gì sai khác ?

Trả lời :

Khi phân tích tiến trình lên men rượu và lên men lactic, chúng ta có thể nhận ra một số điểm khác biệt của chúng như sau :

Đặc điểm so sánhLên men rượuLên men lactic
Loại vi sinh vậtNấm men rượu, một số loại nấm mốc và vi khuẩnVi khuẩn lactic đồng hình hoặc dị hình
Sản phẩmSản phẩm chủ yếu là rượu êtilic và khí cacbônic, ngoài ra vi khuẩn và nấm mốc còn tạo ra các chất hữu cơ khácSản phẩm chủ yếu là axit lactic, ở lên men lactic dị hình còn có thêm khí cacbônic, rượu êtilic và một số axit hữu cơ
Nhận biếtCó mùi rượuCó mùi chua
Số ATP tế bào thu được từ 1 mol glucôzơ- Nấm men tạo ra 2 mol ATP- Vi khuẩn hoặc nấm mốc tạo ra 1 – 2 mol ATP tuỳ từng đối tượng- Lên men đồng hình tạo ra 2 mol ATP - Lên men dị hình tạo ra 1 mol ATP

Câu 5: Vì sao dưa muối để lâu ngày thường xuất hiện lớp váng trắng và dễ bị hư hỏng ?

Trả lời : Khi dưa muối đã chua, nếu để lâu và không đậy kín thì rất có thể xuất hiện lớp váng trắng trên bề mặt nước dưa. Đây là một loại nấm có sẵn trong không khí. Khi xâm nhập vào nước dưa, chúng sẽ phát triển trên bề mặt và phân giải axit lactic thành khí cacbônic, nước làm cho pH của dưa muối dần trở về trung tính (pH tăng cao). Chính nồng độ pH tăng cao đã tạo ra cơ hội để các loại vi khuẩn hoại sinh xâm nhập vào và gây hư hỏng dưa.

Câu 6: Vì sao ăn kẹo lại rất dễ bị sâu răng ?

Trả lời : Với độ pH trung tính, độ ẩm cao và là nơi đi vào của nhiều chất dinh dưỡng, khoang miệng trở thành môi trường sống lý tưởng của nhiều loài vi sinh vật. Đặc biệt trong số đó là vi khuẩn lactic. Khi chúng ta ăn kẹo thì vi khuẩn lactic sẽ biến phần đường dư thừa thành axit lactic thông qua quá trình lên men. Hợp chất hữu cơ này sẽ ăn mòn chân răng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập vào tuỷ răng gây viêm sưng, đau nhức (nhóm triệu chứng được gọi chung là sâu răng). Do vậy chúng ta nên hạn chế ăn kẹo nói riêng và đồ ngọt nói chung, nếu có thì nên đánh răng sau khi ăn để bảo vệ răng lợi.

II/ Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Loại thực phẩm nào dưới đây không được tạo ra nhờ quá trình lên men pôlisaccarit ?

A. Nước tương

B. Kim chi

C. Rượu êtilic

D. Nem chua

Câu 2: Chất nào dưới đây không phải là nguyên liệu trong tổng hợp nuclêôtit - đơn phân của ADN ?

A. Bazơ nitơ

B. Glixêrol

C. Đường 5 cacbon

D. Axit phôtphoric

Câu 3: Để phân giải nhanh xác thực vật, người ta thường chủ động cấy vào chúng vi sinh vật có khả năng tiết hệ enzim

A. xenlulaza.

B. prôtêaza.

C. saccaraza.

D. prôtêaza.

Câu 4: Chọn từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu sau : Aflatoxin là tên gọi của một độc tố do một loại ... tiết ra.

A. vi khuẩn

B. nấm

C. virut

D. tảo

Câu 5: Có bao nhiêu loại sản phẩm được tạo ra trong lên men lactic đồng hình ?

A. 1 loại

B. 2 loại

C. 3 loại

D. 4 loại

Câu 6: Con người thường sử dụng loại enzim nào lấy từ nấm mốc để thủy phân tinh bột thành đường đơn ?

A. Amilaza

B. Mantaza

C. Saccaraza

D. Kitinaza

Câu 7: Có bao nhiêu thực phẩm dưới đây được tạo ra nhờ quá trình phân giải pôlisaccarit ?

1. Sirô

2. Cà muối

3. Sữa chua

4. Nước mắm

5. Trà sữa

A. 2

B. 3

C. 5

D. 4

Câu 8: Mục đích của việc cho thêm nấm men khi làm bánh bao là gì ?

A. Để bánh bao bảo quản được lâu hơn

B. Để bánh bao có màu trắng

C. Để bánh bao bông xốp hơn

D. Để bánh bao có vị ngọt đậm

Câu 9: Hiện nay trên thế giới, lượng rượu êtilic được sản xuất bằng con đường lên men chiếm tỉ lệ khoảng bao nhiêu ?

A. 40%

B. 95%

C. 60%

D. 80%

Câu 10: Thức uống nào dưới đây thực chất là dịch quả lên men rượu không qua chưng cất ?

A. Xá xị

B. Vang

C. Bia

D. Rượu

Đáp án và hướng dẫn giải

Câu 12345678910
Đáp ánABABAABCDB

Xem thêm lý thuyết trọng tâm Sinh học 10 và các dạng bài tập có đáp án hay khác: