Giải Chuyên đề Vật lí 10 Chân trời sáng tạo trang 81
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời Giải Chuyên đề Vật lí 10 trang 81 trong Bài 10: Ô nhiễm môi trường sách Chân trời sáng tạo. Với lời giải hay , chi tiết hy vọng sẽ giúp các học sinh dễ dàng nắm được cách làm bài tập Chuyên đề Lí 10.
Chuyên đề Vật lí 10 trang 81 Chân trời sáng tạo
Câu hỏi 4 trang 81 Chuyên đề Vật lí 10: Trình bày những tác hại của mưa acid đến hệ sinh thái.
Lời giải:
Những tác hại của mưa acid đến hệ sinh thái:
- Nước mưa acid gây bỏng da cho con người và sinh vật khi tiếp xúc trực tiếp.
- Nước mưa acid bào mòn lớp màng bảo vệ trên lá, gây “cháy” lá, làm giảm khả năng quang hợp của cây, giảm năng suất cây trồng.
- Nước mưa acid phá hủy các di tích đá vôi, đá cẩm thạch, thắng cảnh,..
- Mưa acid phá hủy thảm thực vật làm cây và mầm thực vật chết khô.
- Mưa acid ăn mòn các bề mặt công trình tiếp xúc làm mất thẩm mĩ, giảm tuổi thọ công trình.
Câu hỏi 5 trang 81 Chuyên đề Vật lí 10: Những địa phương nào của Việt Nam đã từng có mưa acid? Những tác hại của các trận mưa acid này là gì?
Lời giải:
Đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và lập bản đồ phân bố lắng đọng acid ở Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Ngô Thị Vân Anh năm 2015 đã cho thấy mưa acid đã xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau.
- Ở khu vực phía Bắc của Việt Nam mưa acid xảy ra thường xuyên và mức độ khá nghiêm trọng như tại Cúc Phương 44%, Bắc Giang 37%, Thái Nguyên 40%, Việt Trì 30%.
- Miền Trung tại Vinh 60%, Huế 47%, Đà Lạt 35%, Nha Trang 31%, Pleiku 32%.
- Khu vực miền Nam cũng xảy ra mưa acid như tại Tây Ninh 37% và Cần Thơ 35%.
(Các số liệu ở trên là số phần trăm chiếm bởi số lần mưa acid xuất hiện trong tổng số lần mưa được đo tại các trạm quan trắc)
Những tác hại của các trận mưa acid:
- Gây ngứa, rát da khi tiếp xúc với nước mưa.
- Nước mưa làm cháy lá cây non.
- Nước mưa làm xuống cấp bề mặt các công trình xây dựng.
Câu hỏi 6 trang 81 Chuyên đề Vật lí 10: Giải thích nguyên nhân xuất hiện của mưa acid.
Lời giải:
Nguyên nhân xuất hiện của mưa acid: các loại nhiên liệu hóa thạch chứa lượng lớn sulfur và nitrogen. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, khai khoáng, phương tiện giao thông…tạo ra lượng lớn sulfur dioxide (SO2) và các oxide của nitrogen (NOx). Các khí này hòa tan với hơi nước trong không khí sẽ tạo thành acid sulfuric (H2SO4) và acid nitric (HNO3). Các hạt acid này hòa lẫn vào nước mưa, làm giảm độ pH của nước mưa và gây mưa acid.
Luyện tập trang 81 Chuyên đề Vật lí 10: Chúng ta có nên sử dụng nước mưa đầu mùa trong sinh hoạt không? Tại sao?
Lời giải:
Chúng ta không nên sử dụng nước mưa đầu mùa trong sinh hoạt vì:
- Các hạt acid tích tụ lâu ngày trong không khí quyển, nước mưa dễ dàng hòa tan các hạt acid này. Do đó, trong các trận mưa đầu mùa có tính acid cao.
- Cùng với các hạt acid, bụi bẩn cũng tích tụ lâu ngày trong không khí quyển. Nước mưa cuốn theo bụi bẩn nên nước mưa đầu mùa cũng chứa nhiều tạp chất hơn.
Vận dụng trang 81 Chuyên đề Vật lí 10: Từ nguồn tư liệu sách, báo hoặc internet, các em hãy tìm những giải pháp hạn chế và khắc phục hậu quả do mưa acid tác động đến môi trường.
Lời giải:
Những giải pháp hạn chế và khắc phục hậu quả do mưa acid tác động đến môi trường:
Những giải pháp hạn chế mưa acid:
- Sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hạn chế các khí thải gây mưa acid.
- Phát triển các giải pháp công nghệ lọc khí thải nhằm giảm phát thải sulfur dioxide (SO2) và các oxide của nitrogen (NOx) cũng như các khí thải độc hại khác.
Những giải pháp khắc phục hậu quả mưa acid:
- Rắc vôi bột để khử chua cho đất.
- Dùng nước vôi trong để trung hòa acid trong nước.
- Sử dụng bể lọc để lọc nước trước khi dùng làm nước ăn uống sinh hoạt.
- Mưa acid có tính acid cao thường để lại hậu quả nặng nề cho con người, sinh vật, cảnh quan và rất khó khắc phục. Do đó việc cắt giảm nguồn phát thải khí thải gây mưa acid có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Lời giải bài tập Chuyên đề học tập Vật lí 10 Bài 10: Ô nhiễm môi trường Chân trời sáng tạo hay khác: