Địa Lí 12 Bài 26: Thực hành: Tìm hiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó - Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm giải bài tập Địa Lí 12 Bài 26: Thực hành: Tìm hiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi & làm bài tập Địa 12 Bài 26.
Giải Địa Lí 12 Bài 26: Thực hành: Tìm hiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó - Cánh diều
I. Chuẩn bị
- Bản đồ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Các tư liệu thu thập từ các nguồn khác nhau như sách, báo, các website, internet,…
II. Nội dung thực hành
Thu thập và viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp ứng phó.
III. Gợi ý
1. Gợi ý các nội dung bài báo cáo
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Đối với tự nhiên.
+ Đối với kinh tế - xã hội.
- Các giải pháp ứng phó:
+ Nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (cơ cấu mùa vụ; cơ cấu cây trồng, vật nuôi,…).
+ Nhóm giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu (trong sản xuất, giáo dục, tuyên truyền,…).
2. Gợi ý thu thập tài liệu
- Các báo cáo liên quan đến khí hậu và biến đổi khí hậu ở các địa phương.
- Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 04 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trả lời:
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đồng bằng phì nhiêu, được coi là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của đất nước, nhưng ĐBSCL lại đang đứng trước nạn hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở do biến đổi khí hậu gây ra.
Tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL diễn ra ngày càng khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của ĐBSCL. Tiếp đến là tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng dọc theo bờ biển ĐBSCL, với chiều dài bờ biển khoảng 744 km, nhưng hiện nay ĐBSCL có khoảng 286 km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Xói lở bờ biển làm thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và mất nhà cửa, tài sản và sinh kế của người dân, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng các tỉnh ĐBSCL.
Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu:
- Tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hoá giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản.
- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thuỷ nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", khai thác lợi thế để phát triển bền vững.
- Xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; kiểm soát khai thác nước ngầm và tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hoà nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.
- Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ biển, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững;Xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng; phát triển rừng ngập mặn và các đa dạng sinh học ven biển gắn với bảo đảm đa dạng sinh học và sinh kế bền vững; Hoàn thiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp công trình kết hợp sơ tán dân phòng chống lũ, bão.
Các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu:
- Tăng diện tích rừng tràm và cỏ biển; phục hồi rừng ngập mặn tăng hấp thụ carbon; tiếp tục chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây rau quả. Thúc đẩy công nghệ tiên tiến để sản xuất nông nghiệp bền vững đặc biệt là trồng trọt. Nâng cao nhận thức về phát thải khí nhà kính xây dựng các biện pháp chặt chẽ giữa người sản xuất và chính quyền địa phương. Cần phát triển cơ sở dữ liệu và tăng cường giám sát rừng ngập mặn bao gồm giám sát carbon, sinh khối, lập bản đồ khu vực phù hợp để bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn.
- Truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…