Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 21: Thương mại và du lịch - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 21: Thương mại và du lịch sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 21: Thương mại và du lịch - Kết nối tri thức
I. THƯƠNG MẠI
1. Nội thương
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng nhanh và liên tục, dự báo tăng nhanh hơn.
- Thương mại phát triển đa dạng loại hình: chợ truyền thống, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại. Hệ thống bán buôn bán lẻ mở rộng và hiện đại hóa, xuất hiện các trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài.
- Phương thức buôn bán hiện đại mở rộng, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, trở thành kênh phân phối quan trọng, phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong nước. Sự phát triển các hình thức thương mại hiện đại còn hạn chế.
- Hoạt động nội thương khác nhau giữa các vùng, các khu vực. Sôi động nhất ở những vùng kinh tế phát triển: Đông Nam Bộ, ĐB sông Hồng. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trung tâm buôn bán trong nước lớn nhất.
2. Ngoại thương
- Trị giá xuất – nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, năm 2021 đạt 669 tỉ USD, cán cân thương mại xu hướng cân bằng hơn, năm 2021 xuất siêu 3,2 tỉ USD.
- Xuất khẩu:
+ Năm 2021, trị giá xuất khẩu chiếm 50,2% tổng trị giá xuất – nhập khẩu.
+ Mặt hàng xuất khẩu đa dạng, một số nhóm hàng có vị trí cao trên thị trường thế giới là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử.
+ Cơ cấu hàng hóa chuyển dịch tích cực: giảm tỉ trọng nhóm hàng sơ chế, nguyên liệu thô, tăng tỉ trọng nhóm hàng chế biến ⇒ tạo điều kiện hàng hóa tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
+ Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU,… Đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng: Liên Bang Nga, Đông Âu, Bắc Âu,…
- Nhập khẩu:
+ Năm 2021, trị giá nhập khẩu chiếm 49,8% tổng trị giá xuất nhập khẩu.
+ Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị hiện đại, hàng điện tử, máy tính và linh kiện có trị giá nhập khẩu lớn nhất (2021).
+ Thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước có trình độ khoa học – công nghệ tiên tiến: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,…
II. DU LỊCH
1. Sự phát triển ngành du lịch
- Du lịch nước ta được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Doanh thu và số khách du lịch tăng nhanh trong giai đoạn 2000 – 2019. Sau khó khăn do dịch bệnh trên toàn cầu, từ năm 2022, doanh thu và số khách du lịch đang dần phục hồi.
- Một số loại hình du lịch nổi bật của nước ta là du lịch biển đảo, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái. Các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch đô thị và du lịch khám phá đang phát triển nhanh.
- Thị trường khách quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng, quan trọng nhất là từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương. Các thị trường mới, nhiều tiềm năng đang được quan tâm phát triển như Trung Đông, Nam Âu, Nam Á.
- Nước ta chú trọng phát triển du lịch bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đồng thời phát huy giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc. Quá trình chuyển đổi số trong du lịch, phát triển du lịch thông minh,... cũng được đẩy mạnh.
2. Phân hóa lãnh thổ du lịch
- Nước ta gồm 7 vùng du lịch, các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch. Các trung tâm du lịch lớn của cả nước là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tổ chức không gian du lịch tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước.
Vùng du lịch |
Sản phẩm du lịch đặc trưng |
Trung du và miền núi Bắc Bộ |
Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hệ sinh thái núi cao, hang động, nghỉ dưỡng núi, nghỉ cuối tuần, thể thao, khám phá, du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu. |
ĐB sông Hồng và duyên hải Đông Bắc |
Du lịch văn hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, biển đảo, sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch cuối tuần, vui chơi giải trí cao cấp. |
Bắc Trung Bộ |
Tham quan di sản, di tích lịch sử văn hóa, biển đảo, tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái, du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu. |
Duyên hải Nam Trung Bộ |
Du lịch biển đảo, tham quan di tích kết hợp du lịch nghiên cứu bản sắc văn hóa. |
Tây Nguyên |
Tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nghỉ dưỡng núi, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu và tam giác phát triển. |
Đông Nam Bộ |
Du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí, nghỉ dưỡng biển, giải trí cuối tuần, thể thao, mua sắm, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu. |
ĐB sông Cửu Long |
Du lịch sinh thái, biển đảo, văn hóa, lễ hội. |
3. Du lịch với sự phát triển bền vững
- Du lịch tác động tổng hợp đến kinh tế, xã hội, môi trường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát huy lợi thế của địa phương và tăng cường liên kết vùng. Du lịch làm tăng giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Du lịch thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo an sinh và giải quyết các vấn đề xã hội. Góp phần gìn giữ và sử dụng hiệu quả tài nguyên sinh thái, di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Phát triển bền vững giúp du lịch phát triển hiệu quả, lâu dài. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống người dân tăng lên, thúc đẩy nhu cầu và hiện đại hóa ngành du lịch. Các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian, sự đa dạng sinh thái được bảo tồn làm đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị hoạt động du lịch. Môi trường xanh, sạch góp phần phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.
PHẦN 4 – ĐỊA LÍ CÁC VÙNG KINH TẾ