X

Địa lí 9 Chân trời sáng tạo

Địa Lí 9 Bài 18: Thực hành: Vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên - Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải bài tập Địa Lí 9 Bài 18: Thực hành: Vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 dễ dàng trả lời câu hỏi & làm bài tập Địa 9 Bài 18.

Giải Địa Lí 9 Bài 18: Thực hành: Vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên - Chân trời sáng tạo

1. Yêu cầu

Dựa vào kiến thức đã học và tìm kiếm thông tin, hãy lựa chọn và trình bày một trong những vấn đề về môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên:

- Vấn đề khai thác, phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng.

- Vấn đề môi trường trong khai thác khoáng sản.

- Vấn đề môi trường trong khai thác tài nguyên nước.

2. Tìm kiếm thông tin

a) Tìm kiếm thông tin

Thực hiện tìm kiếm thông tin qua Bài 17 trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa Lí 9 (phần Địa lí) - Bộ sách Chân trời sáng tạo, sách, báo, tạp chí, internet,…

b) Xử lí thông tin

- Chọn lọc thông tin từ các nguồn thu thập được.

- Sắp xếp các thông tin vừa tìm kiếm được cho phù hợp với nội dung thực hành.

3. Gợi ý thực hiện

Hoàn thành nội dung trình bày theo gợi ý dưới đây:

Địa Lí 9 Bài 18: Thực hành: Vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên - Chân trời sáng tạo

Trả lời:

VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Ở TÂY NGUYÊN

1. Thực trạng vấn đề môi trường

Tây Nguyên là vùng đất có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng. Thời gian qua, cùng với nạn khai thác trái phép, việc cấp phép và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, làm biến dạng địa hình đặc thù của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật như vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng... gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để. Tính đến năm 2012, diện tích đất đai sử dụng cho hoạt động khoáng sản trong vùng khoảng gần 2.000 ha, chiếm 0,06% diện tích tự nhiên toàn vùng, giá trị đóng góp vào GDP của 5 tỉnh xấp xỉ 1%.

Nhưng do buông lỏng quản lý, tình trạng khai thác tràn lan vàng sa khoáng, cát, đá chẻ... theo kiểu “quặng tặc” đã trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và ổn định xã hội ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Nghiêm trọng nhất là việc khai thác các loại khoáng sản trái phép còn diễn ra ở những cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đơn cử như khu vực Vườn Quốc gia Bi Đúp - Núi Bà, Khu danh lam thắng cảnh Thung lũng Tình Yêu (Lâm Đồng) trở thành các điểm nóng đào đãi thiếc trái phép. Còn tỉnh Kon Tum chuyển 1.668 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Rây sang rừng sản xuất để khai thác mỏ wolfram... Các vùng mỏ quặng bô-xít nằm ở các vùng phòng hộ đầu nguồn của nhiều sông suối và các khu vực đa dạng sinh học, nên sẽ có những tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất, hệ sinh thái rừng đầu nguồn; vấn đề cân bằng nước, quặng thải, nước thải, ổn định xã hội không những ở vùng Tây Nguyên mà cả vùng hạ lưu các tỉnh ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ.

2. Giải pháp giải quyết vấn đề môi trường

- Cần có lộ trình nâng cao năng lực quản lý cho địa phương, từng bước thực hiện phân quyền cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản cho địa phương (trừ các mỏ khoáng sản chiến lược và phân bố liên tỉnh) ở Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung.

- Phải thực hiện định giá tài nguyên và tổ chức đấu thầu khai thác khoáng sản. Việc đấu giá thăm dò - khai thác khoáng sản cần phải chuẩn bị đủ điều kiện về định giá tài nguyên và cơ chế quản lý. Hạn chế tối đa (hoặc bỏ hẳn) việc phân cấp và cấp giấy phép khai thác khoáng sản tràn lan ở cấp tỉnh.

- Vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh trong vùng cần được nhanh chóng xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển từng loại khoáng sản đảm bảo tính đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến phù hợp với nhu cầu nền kinh tế và chấm dứt xuất khẩu sản phẩm thô. Đồng thời công khai hóa việc trích nguồn thu từ hoạt động khoáng sản và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhân dân vùng có khoáng sản khai thác. Các Sở Tài nguyên và Môi trường 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã kiến nghị cần đầu tư thăm dò chi tiết, khoanh định diện tích phân bố, đánh giá trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản. Qua đó sẽ giúp cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng địa phương sâu sát và hiệu quả hơn, sẽ xử lý triệt để tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép...

- Chỉ nên khai thác khoáng sản khi đã hội tụ đủ điều kiện về tiếp cận công nghệ, trình độ kỹ thuật, quản lý và xử lý kiểm soát được các vấn đề về môi trường. Đặc biệt là Chương trình bô-xít Tây Nguyên cần phải đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của việc khai thác thời gian vừa qua. Qua đó xây dựng định hướng và chính sách tiếp theo đối với bô-xít ở Tây Nguyên để khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững.

Xem thêm lời giải bài tập Địa Lí lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: