Giáo án Sinh học 12 Bài 48: Ôn tập
Sau khi học xong bài này học sinh cần đạt được những yêu cầu sau:
Giáo án Sinh học 12 Bài 48: Ôn tập
I. Mục tiêu:
Sau khi học xong bài này học sinh cần đạt được những yêu cầu sau:
1. Kiến thức:
- Khái quát được toàn bộ nội dung kiến thức của toàn chương trình theo các cấp của sự sống.
- Nhận biết được các đặc điểm cơ bản của từng cấp bậc tổ chức của sự sống từ cấp tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái và sinh quyển.
- Hiểu được cơ chế tiến hóa của sinh giới theo quan niệm của thuyết tiến hóa tổng hợp.
- Nhận biết được các mối quan hệ hữu cơ giữa các bậc tổ chức của sự sống.
2.Các kĩ năng sống cơ bản được giáo dục trong bài:
- Kĩ năng thể hiện sự tự tin khi trình bày ý kiến trước nhóm, tổ , lớp.
- Kĩ năng lắng nghe tích cực, trình bày suy nghĩ/ ý tưởng.
- Kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin về: toàn bộ nội dung kiến thức của toàn chương trình theo các cấp của sự sống.
3.Thái độ :
- Nâng cao quan điểm khoa học, duy vật biện chứng về thế giới sống, nâng cao ý thức hướng nghiệp, áp dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
II. Phương pháp giảng dạy:
- Ôn tập củng cố.
III. Phương tiện dạy học:
- SGK và SGV lớp 10, 11,12.
IV. Tiến trình lên lớp:
1. Khám phá:
*Ổn định lớp:
*Kiểm tra bài cũ:
2. Kết nối:
- Hệ sống là hệ mở gồm nhiều cấp tổ chức liên quan với nhau và liên quan với môi trường sống. Hệ sống là hệ mở tồn tại và phát triển nhờ trao đổi chất, năng lượng và thông tin với môi trường. Hệ sống là hệ luôn tiến hóa và kết quả tạo nên hệ đa dạng về tổ chức và chức năng.
Hoạt động 1. Ôn tập Sinh học tế bào và vi sinh vật
Tế bào là đơn vị tổ chức cơ bản về cấu trúc và chức năng của hệ sống, sinh học tế bào.
1. So sánh tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực.
Cấu trúc | Tế bào nhân sơ | Tế bào nhân thực |
---|---|---|
Màng sinh chất |
Màng lipoprotein theo mô hình khảm động |
Màng lipoprotein theo mô hình khảm động. |
Tế bào chất |
Chưa phân vùng, chưa có các bào quan phức tạp. |
Được phân vùng, chứa nhiều bào quan phức tạp có chức năng khác nhau. |
Nhân |
Chưa phân hóa, chưa có màng nhân. Là phân tử ADN trần dạng vòng nằm trực tiếp trong tế bào chất. |
Phân hóa thành nhân tách khỏi tế bào chất bằng màng nhân. Nhân có cấu trúc phức tạp gồm NST (ADN có dạng thẳng liên kết với histon). |
2. So sánh tế bào động vật và tế bào thực vật. (SGV)
3. Vi sinh vật:
a. Chứng minh virut là dạng sống chưa có cấu tạo tế bào.
- Virút không có cấu tạo tế bào nên không có bộ mãy trao đổi chất và năng lượng riêng cho mình. Virut chỉ thể hiện chức năng như chuyển hóa vật chất,năng lượng, sinh sản...trong tế bào chủ. Virut không sống ở trạng thái tự do ngoài tế bào, chúng sẽ bị phân giải ngoài môi trường tự do.
b. Đặc tính sinh học và ý nghĩa kinh tế của vi khuẩn. (SGV).
Hoạt động 2. Ôn tập Sinh học cơ thể
Sinh học cơ thể đa bào, thực vật và động vật.
1. So sánh về phương thức chuyển hóa vật chất và năng lượng ở thực vật và động vật. (SGV)
2. Cảm ứng ở thực vật và động vật. (SGV).
3. Sinh trưởng và phát triển ở thực vật và động vật. (SGV).
4. Sinh sản ở thực vật và động vật. (SGV).
Hoạt động 3. Ôn tập Sinh học quần thể, quần xã và hệ sinh thái.
1. Các bằng chứng tiến hóa.
Các bằng chứng | Vai trò |
---|---|
Cổ sinh vật học |
Các hóa thạch trung gian phản ánh mối quan hệ giữa các ngành, các lớp trong quá trình tiến hóa. |
Giải phẫu so sánh |
Các cơ quan tương đồng, thoái hóa phản ánh mẫu cấu tạo chung của các nhóm lớn, nguồn gốc chung của chúng. |
Phôi sinh học so sánh |
Sự giống nhau trong quá trình phát triển phôi của các loài thuộc những nhóm những nhóm phân loại khác nhau cho thấy mối quan hệ về nguồn gốc của chúng. Sự phát triển cá thể lặp lại sự phát triển rút gọn của loài. |
Địa sinh vật học |
Sự giống nhau trong hệ động vật, thực vật của các khu địa lí có liên quan với lịch sử địa chất. |
Tế bào học và sinh học phân tử |
Cơ thể mọi sinh vật đều được cấu tạo từ tế bào. Các loài đều có axit nucleic cấu tạo từ 4 loại nucleotit, mã di truyền thống nhất, protein cấu tạo từ trên 20 loại aa. |
2. So sánh các thuyết tiến hóa.
Chỉ tiêu so sánh | Thuyết Lamac | Thuyết Đacuyn | Thuyết hiện đại |
---|---|---|---|
Các NTTH |
Thay đổi của ngoại cảnh. Tập quán hoạt động của động vật. |
Biến dị, di truyền, chọn lọc tự nhiên. |
Đột biến, di nhập gen, giao phối không ngẫu nhiên, CLTN, biến động di truyền. |
Hình thành đặc điểm thích nghi |
Các cá thể cùng loài phản ứng giống nhau trước sự thay đổi từ ngoại cảnh, không có đào thải. |
Đào thải các biến dị bất lợi, tích lũy các biến dị có lợi cho SV dưới tác dụng của CLTN. Đào thải là mặt chủ yếu. |
Dưới tác dụng của 3 nhân tố chủ yếu: đột biến, giao phối và chọn lọc tự nhiên. |
Hình thành loài mới |
Dưới tác động của ngoại cảnh, loài biến đổi từ từ, qua nhiều dạng trung gian. |
Loài mới được hình thành dần dần qua nhiều dạng trung gian dưới tác dụng của CLTN theo con đường phân li tính trạng từ một gốc chung. |
Hình thành loài mới là quá trình cải biến thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng thích nghi, tạo ra kiểu gen mới, cách li sinh sản với quần thể gốc. |
Chiều hướng tiến hóa |
Nâng cao trình độ tổ chức từ đơn giản đến phức tạp. |
Ngày càng đa dạng. Tổ chức ngày càng cao. Thích nghi ngày càng hợp lí. |
Như quan niệm của Đacuyn và nêu cụ thể chiều hướng tiến hóa của các nhóm loài. |
3. Vai trò các nhân tố tiến hóa trong tiến hóa nhỏ.
Các NTTH | Vai trò |
---|---|
Đột biến |
Tạo nguồn nguyên liệu sơ cấp (đột biến) cho tiến hóa và làm thay đổi nhỏ tần số alen. |
GP không ngẫu nhiên |
Làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng giảm dần tỉ lệ thể dị hợp và tăng dần tỉ lệ thể đồng hợp. |
Chọn lọc tự nhiên |
định hướng sự tiến hóa, qui định chiều hướng và nhịp điệu biến đổi tần số tương đối của các alen trong quần thể. |
Di nhập gen |
Làm thay đổi tần số tương đối các alen, gây ảnh hưởng tới vốn gen của quần thể. |
Các yếu tố ngẫu nhiên |
Làm thay đổi đột ngột tần số tương đối các alen, gây ảnh hưởng lớn tới vốn gen của quần thể. |
4. Các đặc điểm cơ bản trong quá trình phát sinh sự sống và loài người.
Sự PS | Các giai đoạn | Đặc điểm cơ bản |
---|---|---|
Sự sống |
- Tiến hóa hóa học. - Tiến hóa tiền sinh học. - Tiến hóa sinh học. |
- Quá trình phức tạp hóa các hợp chất cacbon: C -> CH -> CHO -> CHON. - Phân tử đơn giản -> phân tử phức tạp -> đại phân tử -> đại phân tử tự tái bản (ADN). - Hệ đại phân tử -> tế bào nguyên thủy -> tế bào nhân sơ -> đơn bào nhân thực. - Từ tế bào nguyên thủy -> tế bào nhân sơ, nhân thực |
Loài người |
- Người tối cổ. - Người cổ. - Người hiện đại. |
- Hộp sọ 450 – 750 cm3, đứng thẳng, đi bằng 2 chân sau. Biết sử dụng công cụ (cành cây, hòn đá,mảnh xương thú) để tự vệ. - Homo habilis (người khéo léo): Hộp sọ 600 – 800 cm3, sống thành đàn, đi thẳng đứng, biết chế tác và sử dụng công cụ bằng đá. - Homo erectus (người đứng thẳng): Thể tích hộp sọ 900 – 1000 cm3, chưa có lồi cằm, dùng công cụ bằng đá, xương, biết dùng lửa. - Homo neanderthalensis: Thể tích hộp sọ 1400 cm3, có lồi cằm, dùng dao sắc, rìu mũi nhọn bằng đá silic, tiếng nói khá phát triển, dùng lửa thông thạo. Sống thành đàn. Bước đầu có đời sống văn hóa. - Thể tích hộp sọ 1700 cm3, lồi cằm rõ, dùng lưỡi rìu có lỗ tra cán, lao có ngạnh móc câu, kim khâu. Sống thành bộ lạc, có nền văn hóa phức tạp, có mầm mống mĩ thuật và tôn giáo. |
6. Quan hệ cùng loài và khác loài.
Quan hệ | Cùng loài | Khác loài |
---|---|---|
Hỗ trợ |
Quần tụ, bầy đàn. |
Hội sinh, hợp sinh, cộng sinh. |
Cạnh tranh-đối kháng |
Cạnh tranh, ăn thịt nhau. |
Hãm sinh, cạnh tranh, con mồi – vật dữ, vật chủ – vật kí sinh. |
7. Đặc điểm các cấp tổ chức sống.
Các cấp | Khái niệm | Đặc điểm |
---|---|---|
Quần thể |
Gồm những cá thể cùng loài, cùng sống trong một khu vực nhất định, ở một thời điểm nhất định, giao phối tự do với nhau tạo ra thế hệ mới. |
Có các đặc trưng về mật độ, tỉ lệ giới tính, thành phần tuổi...Các cá thể có mối quan hệ sinh thái hỗ trợ hoặc cạnh tranh. Số lượng cá thể có thể biến động có hoặc không theo chu kì, thường được điều chỉnh ở mức cân bằng. |
Quần xã |
Gồm những quần thể thuộc các loài khác nhau, cùng sống trong một không gian xác định, có mối quan hệ sinh thái mất thiết với nhau để tồn tại và phát triển ổn định theo thời gian. |
Có các tính chất cơ bản về số lượng và thành phần các loài, luôn có sự khống chế tạo nên sự cân bằng sinh học về số lượng cá thể. Sự thay thế kế tiếp nhau của các quần xã theo thời gian là diễn thế sinh thái. |
Hệ sinh thái |
Gồm quần xã và khu vực sống của nó, trong đó các sinh vật luôn có sự tương tác với nhau và với môi trường tạo nên các chu trình sinh địa hóa và sự biến đổi năng lượng. |
Có nhiều mối quan hệ nhưng quan trọng là về mặt dinh dưỡng thông qua chuỗi và lưới thức ăn. Dòng năng lượng trong hệ sinh thái được vận chuyển qua các bậc dinh dưỡng của chuỗi thức ăn: SV sản xuất -> SV tiêu thụ -> SV phân giải. |
Sinh quyển |
Là một hệ sinh thái khổng lồ và duy nhất trên hành tinh. |
Gồm những khu sinh học đặc trưng cho những vùng địa lí, khí hậu xác định, thuộc 2 nhóm trên cạn và dưới nước. |
3. Thực hành / Luyện tập:
- Nhận xét, đánh giá hoạt động của các nhóm.
4. Vận dụng:
- Yêu cầu HS về nhà tích cực ôn tập để chuẩn bị cho bài kiểm tra học kì II.