Lý thuyết GDCD 8 Chân trời sáng tạo Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Giáo dục công dân 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn GDCD 8.
Lý thuyết GDCD 8 Chân trời sáng tạo Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
1. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
a. Khái niệm:
- Môi trường là các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người (không khí, nước, độ ẩm, sinh vật,…) ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến các hoạt động sống của con người.
- Tài nguyên thiên nhiên là những của cải có sẵn trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng phục vụ cuộc sống (mỏ khoáng sản, dầu khí, động vật,…)
b. Vai trò của môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Môi trường và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước:
+ Môi trường trong lành góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
+ Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước.
2. Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
a. Khái niệm
- Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, đảm bảo cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường; ngăn chặn, khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra.
- Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; phục hồi, tái tạo thiên nhiên có thể phục hồi được.
b. Ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên giúp cân bằng sinh thái và đảm bảo cho con người tồn tại trong môi trường trong lành, thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội,
- Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là bảo vệ chính chúng ta.
3. Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Quy định cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:
+ Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
+ Bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lí tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
+ Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
+ Bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch.
+ Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chỉ trà, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
4. Một số biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Một số biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:
+ Nâng cao ý thức mọi người chung tay bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
+ Khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên
+ Tuyên truyền, vận động mọi người tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
5. Trách nhiệm của học sinh
- Học sinh có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên bằng những việc làm phù hợp với lứa tuổi như:
+ Không xả rác bừa bãi;
+ Hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa;
+ Tiết kiệm điện, nước,...
+ Phê phán, đấu tranh, góp ý với những hành vi gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài nguyên thiên nhiên (phá rừng, săn bắt động vật trái phép,...).