Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 15: Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm KTPL 11 để học tốt môn Giáo dục KTPL 11.
Lý thuyết KTPL 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo
1. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo
- Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
♦ Khiếu nại
- Quyền của người khiếu nại:
+ Tự mình khiếu nại hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đều có thể uỷ quyền cho luật sư khiếu nại.
+ Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại.
+ Yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp.
+ Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.
+ Được khôi phục quyền, lợi ích bị xâm hại.
- Nghĩa vụ của người khiếu nại:
+ Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
+ Đưa ra chứng cứ, thông tin, tài liệu về việc khiếu nại, trình bày trung thực sự việc.
+ Chấp hành quyết định, hành vi bị khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
♦ Tố cáo
- Quyền của người tố cáo:
+ Thực hiện tố cáo;
+ Được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác;
+ Được thông báo về việc thụ lí hoặc không thụ lí tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
+ Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;
+ Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
+ Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Quyền rút lại tố cáo.
- Nghĩa vụ của người tố cáo:
+ Cung cấp thông tin cá nhân;
+ Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
+ Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
+ Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Tố cáo phải đúng sự thật
2. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo
- Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo sẽ gây nên nhiều hậu quả tiêu cực.
+ Đối với xã hội: ảnh hưởng đến tinh tôn nghiêm của pháp luật và trật tự quản lý nhà nước; có thể gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hoạt động của cán bộ, cơ quan, tổ chức nhà nước...
+ Đối với cá nhân: xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, công việc, kinh tế của công dân;...
- Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của công dân
- Nắm được quy định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo.
- Không lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Có ý thức tự giác thực hiện quy định pháp luật về khiếu nại tố cáo và vận động mọi người cùng thực hiện.