Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 4: Thất nghiệp sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KTPL 11.
Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp
1. Khái niệm thất nghiệp và các loại hình thất nghiệp
a) Khái niệm: Thất nghiệp là tình trạng người lao động mong muốn có việc làm nhưng chưa tìm được việc làm
b) Các loại hình thất nghiệp: Thất nghiệp được phân loại như sau:
- Phân loại theo nguồn gốc thất nghiệp:
+ Thất nghiệp tự nhiên: biểu thị mức thất nghiệp bình thường mà nền kinh tế phải chịu, luôn tồn tại trong xã hội, bao gồm các dạng:
• Thất nghiệp tạm thời: thất nghiệp phát sinh do sự dịch chuyển không ngừng của người lao động giữa các vùng, các loại công việc hoặc giữa các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.
• Thất nghiệp cơ cấu: thất nghiệp gắn liền với sự biến động cơ cấu kinh tế và sự thay đổi của công nghệ dẫn đến yêu cầu lao động có trình độ cao hơn, lao động không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải.
+ Thất nghiệp chu kì: thất nghiệp tương ứng với từng giai đoạn trong chu kì kinh tế:
• Thất nghiệp chu kì ở mức cao khi nền kinh tế suy thoái;
• Thất nghiệp chu kì ở mức thấp khi kinh tế phát triển, mở rộng.
- Phân loại theo tính chất:
+ Thất nghiệp tự nguyện: xảy ra do người lao động không muốn làm việc do điều kiện làm việc và mức lương chưa phù hợp với họ.
+ Thất nghiệp không tự nguyện: xảy ra khi người lao động mong muốn đi làm nhưng không thể tìm kiếm được việc làm.
2. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
- Trong thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp:
+ Nguyên nhân chủ quan: bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật, tự thôi việc do không hài lòng với công việc đang có, do thiếu kỹ năng làm việc,...
+ Nguyên nhân khách quan: do cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, do sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.
3. Hậu quả của thất nghiệp
- Thất nghiệp để lại những hậu quả nặng nề đối với mỗi cá nhân, với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội:
+ Đối với người bị thất nghiệp: thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp.
+ Đối với doanh nghiệp: thất nghiệp tăng cao dẫn đến nhu cầu xã hội bị giảm sút, hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.
+ Đối với nền kinh tế: thất nghiệp tăng gây lãng phí nguồn lực, làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, ngân sách nhà nước suy giảm,...
+ Đối với chính trị - xã hội: thất nghiệp gia tăng làm cho hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát sinh nhiều, gây ra những xáo trộn trong xã hội, trật tự xã hội không ổn định, hiện tượng lần công, bãi công, biểu tình,... tăng lên.
4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp
- Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp:
+ Thường xuyên thông tin về tình hình thất nghiệp, từ đó dự báo, đồng thời đưa ra các giải pháp để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
+ Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, Nhà nước sử dụng nhiều giải pháp để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp như: Hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thực hiện đúng pháp luật về lao động; Khuyến khích các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng hoạt động sản xuất, chuyển đổi sản xuất để tạo thêm việc làm cho người lao động; Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động.
+ Ngoài ra, Nhà nước còn thường xuyên quan tâm đào tạo lao động trình độ cao, đa dạng hoá các loại hình trường lớp, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.