Giải Kinh tế Pháp luật 12 trang 88 Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Kinh tế Pháp luật 12 trang 88 trong Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập Kinh tế và Pháp luật lớp 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập KTPL 12 trang 88.
Giải Kinh tế Pháp luật 12 trang 88 Kết nối tri thức
Luyện tập 1 trang 88 KTPL 12: Những nhận định dưới đây về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân là đúng hay sai? Vì sao?
a. Công dân có quyền được tuỳ ý học ở bất cứ trường đại học nào theo sở thích của mình.
b. Học sinh người dân tộc thiểu số được ưu tiên cộng điểm trong các kì xét tuyển đại học là thể thiện quyền bình đẳng trong học tập.
c. Công dân có quyền học ở các bậc học theo quy định của pháp luật là thể hiện quyền học tập thường xuyên.
d. Học sinh chỉ có nghĩa vụ tôn trọng quyền học tập của bản thân.
Lời giải:
- Nhận định a. Sai, vì: Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền học không hạn chế, học bất cứ ngành nghề nào nhưng phải phù hợp với khả năng, điều kiện riêng của mỗi người.
+ Việc công dân vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hay các cơ sở đào tạo sau đại học được tiến hành theo quy định của pháp luật về giáo dục, thông qua các kì thi tuyển sinh hoặc xét tuyển theo các tiêu chí công khai.
+ Nếu công dân không vượt qua được kì thi hoặc không đáp ứng đủ các tiêu chí xét tuyển thì sẽ không được vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hay các cơ sở đào tạo sau đại học.
- Nhận định b. Đúng, vì: HS là người dân tộc thiểu số có điều kiện học tập kém thuận lợi hơn HS ở khu vực khác nên cần được cộng điểm ưu tiên để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các vùng miền.
- Nhận định c. Sai, vì:
+ Công dân có quyền học ở các bậc học theo quy định của pháp luật là thể hiện quyền học từ thấp đến cao, quyền học không hạn chế.
+ Còn quyền học thường xuyên, học suốt đời của công dân được thể hiện ở việc công dân có thể học tập bằng nhiều hình thức khác nhau và ở các loại hình trường, lớp khác nhau, có thể học ở hệ chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, học tập trung hoặc không tập trung, học ban ngày hoặc học buổi tối, tuỳ thuộc vào điều kiện riêng của mỗi người.
- Nhận định d. Sai, vì: Theo quy định của pháp luật, công dân nói chung (trong đó có HS) phải tôn trọng quyền học tập của người khác, không được cản trở, ngăn cấm người khác thực hiện quyền học tập của mình. Nếu cố tình vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.
Luyện tập 2 trang 88 KTPL 12: Các chủ thể trong mỗi trường hợp dưới đây đã thực hiện quyền và nghĩa vụ nào của công dân trong học tập? Giải thích vì sao.
a. Năm lớp 12, T đoạt giải Nhất môn Toán trong kì thi Học sinh Giỏi cấp Quốc gia nên sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, T được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B.
b. Dù đã có hai bằng đại học nhưng cô giáo Y vẫn quyết tâm theo đuổi việc học để lấy thêm một bằng đại học ngoại ngữ.
c. Chị K (là nhân viên hành chính của một công ty luật) đã đăng kí tham gia xét tuyển hệ đào tạo vừa làm vừa học của Trường Đại học N để nâng cao trình độ chuyên môn.
d. Suốt 12 năm học, A luôn chăm chỉ học tập, nghiêm túc tuân thủ nội quy của trường học và các quy định của pháp luật, tôn trọng giáo viên, hoà đồng với bạn bè.
Lời giải:
- Trường hợp a.
+ Quyền, nghĩa vụ: T thực hiện quyền lựa chọn học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.
+ Giải thích: Với năng lực, thành tích học tập của mình, T có đủ điều kiện để theo học ở rất nhiều trường đại học nhưng bạn lựa chọn đăng kí xét tuyển và được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B.
- Trường hợp b.
+ Quyền, nghĩa vụ: Cô giáo Y thực hiện quyền học thường xuyên, học suốt đời và quyền lựa chọn học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.
+ Giải thích:
▪ Quyền học thường xuyên, học suốt đời: cô Y quyết định đi học để lấy thêm một bằng đại học dù cô đã có hai bằng đại học và không bị ai ép buộc phải đi học.
▪ Quyền lựa chọn học ngành, nghề nào phù hợp: có rất nhiều ngành học nhưng cô Y lựa chọn học ngoại ngữ.
- Trường hợp c.
+ Quyền, nghĩa vụ: Chị K thực hiện quyền học thường xuyên, học suốt đời.
+ Giải thích: Chị K tự nguyện lựa chọn theo học hệ vừa học vừa làm để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.
- Trường hợp d.
+ Quyền, nghĩa vụ: A thực hiện nghĩa vụ học tập theo chương trình, kế hoạch giáo dục; tôn trọng nhà giáo; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục; chấp hành quy định của pháp luật.
+ Giải thích: Việc A luôn chăm chỉ học tập, nghiêm túc tuân thủ nội quy của trường học và các quy định của pháp luật, tôn trọng GV, hoà đồng với bạn bè chứng tỏ A đã có thái độ rất tích cực trong việc học tập, rèn luyện theo chương trình kế hoạch giáo dục của nhà trường; có thái độ tích cực trong cách cư xử với GV, bạn bè; có thái độ tích cực trong việc thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục và quy định của pháp luật.
Luyện tập 3 trang 88 KTPL 12: Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi:
Tình huống a. Gần đây, Trường Đại học C tổ chức kì thi kết thúc học phần nhưng do không nắm vững kiến thức các môn học nên M (sinh viên Trường Đại học C) quyết định tìm người thi hộ. Thông qua mạng xã hội, M thuê B (sinh viên một trường đại học khác trên địa bàn) thi hộ hai môn chuyên ngành với giá 600.000 đồng/môn. Tuy nhiên, khi B đang sử dụng giấy tờ giả để tham dự kì thi hộ M thì đã bị giám thị phát hiện.
1/ Em có nhận xét gì về việc làm của M và B?
2/ Theo em, hành vi của B và M sẽ dẫn tới hậu quả gì?
3/ Nếu là bạn của M và B, em sẽ khuyên hai bạn như thế nào để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ học tập của công dân?
Tình huống b. Trước đây, điều kiện gia đình khó khăn nên ông Đ phải nghỉ học giữa chừng để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Mỗi khi nhìn bạn bè theo đuổi con đường học tập, ông luôn cảm thấy tiếc nuối. Khi lập gia đình và có con, ông Đ đặt hết mọi kì vọng của bản thân lên các con của mình. Vì vậy, ông luôn cố gắng tạo điều kiện về kinh tế để các con yên tâm học tập nhưng lại luôn so sánh, tạo sức ép, bắt các con phải tập trung học tập, ngăn cấm các con tham gia những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và những hoạt động xã hội khác. Gần đây, khi nhận tin con trai cả không thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, ông Đ vô cùng tức giận. Ông dùng nhiều lời lẽ tiêu cực để so sánh con với các bạn học khác và tuyên bố không cho con đi học.
1/ Em có nhận xét gì về suy nghĩ và việc làm của ông Đ trong tình huống trên?
2/ Nếu là con trai cả trong gia đình ông Đ, em sẽ làm gì?
Lời giải:
♦ Tình huống a.
1/ Hành vi thuê người thi hộ của M và đi thi hộ người khác của B là hành vi sai trái, đáng bị lên án, phê phán. Những hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ của công dân trong học tập và thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc trong học tập của M và B.
2/ Hành vi của M và B gây nên sự thiếu công bằng trong học tập; khiến hai bạn bị kỉ luật trong học tập (cảnh cáo, đình chỉ học có thời hạn, buộc thôi học, ... ) và ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các bạn.
3/ Nếu là bạn của M và B, em nên khuyên các bạn chăm chỉ học tập. Nếu không nắm vững kiến thức, có thể nhờ bạn bè, thầy cô giảng giải giúp đỡ thêm; nghiêm túc thực hiện các quy tắc, quy định của trường học, tuyệt đối không thực hiện những hành vi sai trái để tránh những hậu quả đáng tiếc.
♦ Tình huống b.
1/ Suy nghĩ và việc làm của ông Đ là áp đặt, tiêu cực và đáng bị phê phán. Hành vi của ông Đ tạo gánh nặng, cản trở sự phát triển toàn diện và khiến các con luôn cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Đồng thời, hành vi của ông Đ cũng vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong học tập và có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.
2/ Nếu là con trai cả trong gia đình ông Đ, em nên nhẹ nhàng giải thích để bố hiểu những nỗ lực, cố gắng của mình trong học tập; chia sẻ suy nghĩ, cảm giác của bản thân đối với thái độ, hành vi tiêu cực của bố; phân tích để bố nhận ra những điều sai trong cách dạy con của mình và đề nghị bố thay đổi để có thái độ và hành vi tích cực hơn. Hoặc em có thể chia sẻ lại sự việc với thầy cô, cán bộ địa phương hoặc những người lớn đáng tin cậy, có sức ảnh hưởng đối với bố và đề nghị họ giúp đỡ để bố thay đổi tích cực hơn.
Lời giải KTPL 12 Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập hay khác: