Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 3: Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 3: Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 12.
Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 3: Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh - Cánh diều
1. Xu thế phát triển chính của thế giới sau Chiến tranh lạnh
- Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới phát triển theo những xu thế chính sau:
+ Xu thế đa cực (thể hiện rõ từ đầu thế kỉ XXI).
+Xu thế lấy phát triển kinh tế là trung tâm: kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp của từng quốc gia, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong quan hệ quốc tế.
+ Xu thế đối thoại, hợp tác trong quan hệ quốc tế: quan hệ giữa các nước được điều chỉnh theo hướng tăng cường đối thoại, giải quyết bất đồng và mâu thuẫn bằng thương lượng hoà bình, hợp tác cùng có lợi.
+ Xu thế toàn cầu hoá: thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế; sự mở rộng của các công ty xuyên quốc gia; sự ra đời của các tổ chức liên kết thương mại, tài chính quốc tế,…
Hình ảnh minh họa về xu thế toàn cầu hóa
2. Xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế
a) Khái niệm đa cực
- Trong quan hệ quốc tế, đa cực là khái niệm chỉ trạng thái địa - chính trị toàn cầu với nhiều trung tâm quyền lực chi phối. Trong trật tự đa cực, không có một trung tâm quyền lực thống trị, thay vào đó, nhiều quốc gia, khu vực tạo ra thế cân bằng về kinh tế, chính trị, quân sự toàn cầu.
- Khái niệm đa cực được dùng chủ yếu để chỉ trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh. Trong trật tự mới này, các nước tăng cường sức mạnh tổng hợp để vươn lên khẳng định ảnh hưởng.
b) Xu thế đa cực
- Sau khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã, Trật tự thế giới hai cực I-an-ta không còn. Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, có sức mạnh vượt trội và ra sức thiết lập thế giới đơn cực.
- Đầu thế kỉ XXI, trật tự thế giới từng bước chuyển sang đa cực, biểu hiện:
+ Mỹ bị suy giảm sức mạnh tương đối trong tương quan so sánh với các cường quốc khác.
+ Các trung tâm quyền lực ngày càng vươn lên, khẳng định sức mạnh về kinh tế, quân sự, chính trị đối với thế giới.
+ Một số trung tâm quyền lực của thế giới, như:
▪ Mỹ: Vẫn là cường quốc số một thế giới. Với sức mạnh về kinh tế, quân sự, khoa học - kĩ thuật,... Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất đến quan hệ quốc tế.
▪ Trung Quốc: Vươn lên mạnh mẽ, vượt Nhật Bản (năm 2010) để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), sức mạnh quân sự không ngừng được tăng cường.
▪ Liên minh châu Âu (EU): Ngày càng trở thành tổ chức liên kết khu vực chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu về kinh tế, thương mại.
▪ Nhật Bản: Tiếp tục duy trì địa vị cường quốc kinh tế, từng bước tăng cường sức mạnh về chính trị, ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
▪ Liên bang Nga: Phục hồi mạnh mẽ, là một trong những cường quốc hàng đầu về quân sự, khoa học, kĩ thuật.
▪ Ấn Độ: Trở thành cường quốc kinh tế, quân sự, khoa học, kĩ thuật..; có ảnh hưởng lớn trong quan hệ quốc tế.
+ Vai trò của các trung tâm, tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực ngày càng lớn. Hoạt động của các công ty xuyên quốc gia cũng có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới.
- Trong một thế giới đa cực, các quốc gia vừa cạnh tranh vừa hợp tác nhằm vươn lên và khẳng định vị thế của mình. Xu thế đa cực đem lại những thời cơ lớn nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho các nước.
Các lãnh đạo APEC với trang phục truyền thống của Việt Nam
tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 (Hà Nội, 2006)