Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 6: Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 6: Cách mạng tháng Tám năm 1945 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 12.
Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 6: Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Cánh diều
1. Bối cảnh lịch sử
- Trên thế giới: Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc.
+ Đầu tháng 8-1945, quân Đồng minh dồn dập tấn công quân đội Nhật Bản ở châu Á -Thái Bình Dương. Ngày 6 và ngày 9-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản.
+ Cùng thời gian này, Hồng quân Liên Xô tấn công, tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc.
+ Ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Nhật Bản kí văn kiện đầu hàng Đồng minh không điều kiện (tháng 8/1945)
- Ở trong nước:
+ Quân Nhật rệu rã, Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, dao động.
+ Đảng Cộng sản Đông Dương đã có sự chuẩn bị đầy đủ về đường lối và phương pháp đấu tranh; lực lượng cách mạng được xây dựng và rèn luyện qua thực tiễn, đặc biệt là cao trào kháng Nhật cứu nước (3-1945);
+ Ở nhiều địa phương, quần chúng cách mạng đã sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa khi thời cơ đến.
- Chủ trương của Đảng:
+ Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, ban bố Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trên cả nước.
+ Từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa.
+ Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
2. Diễn biến chính
- Từ ngày 14/8/1945, tại nhiều nơi, cấp bộ Đảng, Việt Minh đã căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và vận dụng chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, để phát động nhân dân khởi nghĩa.
- Chiều 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, một đơn vị giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, từ Tân Trào về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa.
- Ngày 18/8/ 1945, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành chính quyền sớm nhất.
- Tối 19/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.
- Ngày 23/8/1945, nhân dân Huế giành được chính quyền.
- Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa giành thắng lợi tại Sài Gòn.
- Ngày 28/8/1945, Đồng Nai Thượng, Hà Tiên là hai tỉnh cuối cùng giành được chính quyền.
- Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Chế độ phong kiến Việt Nam hoàn toàn sụp đổ.
- Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- Trong Cách mạng tháng Tám (1945), khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã tác động lớn đến các địa phương khác, đưa đến thắng lợi của tổng khởi nghĩa trên cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập,
tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
3. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa và bài học lịch sử
a) Nguyên nhân thắng lợi
♦ Nguyên nhân chủ quan
- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Hồ Chí Minh cùng với đường lối cách mạng đúng đắn trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam.
- Truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.
- Sự chủ động, linh hoạt của các cấp bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh trong quá trình chỉ đạo, tổ chức khởi nghĩa.
- Quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng cho cách mạng giải phóng dân tộc trong suốt 15 năm (từ năm 1930), gắn liền với những bài học kinh nghiệm quý báu.
♦ Nguyên nhân khách quan
- Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít đã tạo ra thời cơ thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của các tầng lớp nhân dân.
b) Ý nghĩa lịch sử
♦ Đối với Việt Nam
- Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra bước ngoặt lớn của dân tộc: kết thúc ách cai trị hơn 80 năm của thực dân Pháp và gần 5 năm của quân phiệt Nhật; chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ.
- Đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoàn nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
- Mở đầu kỉ nguyên mới: kỉ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động năm chính quyền, làm chủ đất nước; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.
- Đưa Đảng Cộng sản Đông Dương từ một đảng bí mật trở thành đảng cầm quyền, chuẩn bị điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
♦ Đối với thế giới
- Góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa, làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc.
- Góp phần cổ vũ các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, đồng thời có ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào và Cam-pu-chia.
c) Bài học kinh nghiệm
- Sự lãnh đạo của Đảng:Cần có đường lối chiến lược đúng đắn và vận dụng, sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.
- Phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân: Cần tập hợp, tổ chức các lực lượng yêu nước rộng rãi trong một mặt trận dân tộc thống nhất, từ đó phát huy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân và khối đoàn kết toàn dân.
- Xác định thời cơ, tạo và chớp thời cơ: Cần xác định rõ thời cơ và giá trị của thời cơ; chủ động tạo thời cơ và nhanh chóng chớp thời cơ để hành động.
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại: Cần có sự kết hợp giữa nội lực trong nước với điều kiện thuận lợi từ bên ngoài, giữa nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan, trong đó nhân tố chủ quan giữ vai trò quyết định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Quốc dân Đại hội tại Đình Tân Trào
(Tranh sơn dầu: Họa sĩ Cao Thương)