SBT Ngữ văn 12 Bài 7 Đọc trang 17, 18, 23 - Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 7 Đọc trang 17, 18, 23 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Bài 7 Đọc trang 17, 18, 23 - Chân trời sáng tạo

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Đầu không phải là điểm khác nhau giữa tiểu thuyết và truyện ngắn?

a. Quy mô của tiểu thuyết lớn hơn so với truyện ngắn

b. Tiểu thuyết thường được in thành một ấn bản riêng, truyện ngắn được in dưới dạng tập truyện.

c. Tiểu thuyết được đánh giá cao hơn về giá trị nghệ thuật so với truyện ngắn.

d. Số lượng nhân vật của tiểu thuyết nhiều hơn, được tổ chức thành nhiều tuyến truyện hơn so với truyện ngắn.

e. Không gian và thời gian của tiểu thuyết rộng, dài hơn so với truyện ngắn.

Trả lời:

Chọn đáp án: c. Tiểu thuyết được đánh giá cao hơn về giá trị nghệ thuật so với truyện ngắn.

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Thời đại nào trong lịch sử Việt Nam được tính là thời hiện đại? (có thể chọn nhiều đáp án)

a. 1930-1945

b. Nửa cuối thế kỉ XIX

c. Thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX

d. Đầu thế kỉ XX – 1930

e. 1945-1975

Trả lời:

Chọn các đáp án: a, d, e

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Ngôn ngữ của nhân vật tiểu thuyết thể hiện:

a. Xuất thân và nền tảng văn hoá của nhân vật.

b. Tính cách, thái độ, cảm xúc của nhân vật.

c. Thái độ, quan điểm của người kể chuyện đối với nhân vật.

d. a và b đúng

e. b và c đúng

Trả lời:

Chọn đáp án: d. a và b đúng

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Trình bày những điểm tương đồng và khác biệt giữa tiểu thuyết trung đại và tiểu thuyết hiện đại. Có thể sử dụng bảng sau:

So sánh

Tiểu thuyết trung đại

Tiểu thuyết hiện đại

Điểm tương đồng

 

Điểm khác biệt

Văn tự

 

 

Ảnh hưởng

 

 

Kết cấu

 

 

Cốt truyện

 

 

Điểm nhìn

 

 

Tư duy sáng tác

 

 

Trả lời:

So sánh

Tiểu thuyết trung đại

Tiểu thuyết hiện đại

Điểm tương đồng

- Thuộc thể loại văn xuôi tự sự.

- Dung lượng lớn, có khả năng phản ánh những bức tranh đời sống ở quy mô sâu rộng.

- Có thể được xuất bản thành ấn bản riêng.

Điểm khác biệt

Văn tự

Chữ Hán là chủ yếu

Chữ Quốc ngữ

Ảnh hưởng

Từ văn học Trung Quốc

Từ văn học phương Tây

Kết cấu

Chương hồi

Chương đoạn hiện đại

Cốt truyện

Tuyến tính

Tuyến tính hoặc phi tuyến tính

Điểm nhìn

Ngôi thứ ba toàn tri

Đa dạng, phức tạp (ngôi thứ nhất hoặc thứ ba toàn tri, hạn tri, hoặc có sự kết hợp, di chuyển điểm nhìn)

Tư duy sáng tác

Chú trọng sự kiện và chi tiết đời sống

Chú trọng thế giới nội tâm và sự phát triển tính cách của nhân vật

Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Tìm đọc một tiểu thuyết và chọn ra một đoạn ngắn, chỉ ra đâu là ngôn ngữ của người kể chuyện, đầu là ngôn ngữ của nhân vật trong đoạn đó. Ngôn ngữ của nhân vật cho bạn biết điều gì về tính cách nhân vật?

Trả lời:

Tôi cũng cười đã cười đáp lại cô tôi:

- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.

Cô tôi hỏi luôn, giọng vẫn ngọt.

- Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu?

Rồi hai con mắt long lanh của cô tôi chằm chặp đưa nhìn tôi. Tôi lại im lặng, cúi đầu xuống đất; lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi đã cay cay. Cô tôi liền vỗ vai tôi cười mà nói rằng:

- Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may và sắm sửa cho và thăm em bé chứ.

Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ. Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn. Nhưng không phải vì thấy mẹ tôi chưa đoạn tang thầy tôi mà đã chửa đẻ với người khác mà tôi có cảm giác đau đớn ấy…. 

(Trong lòng mẹ, trích “Những ngày thơ ấu” , Nguyên Hồng)

- Ngôn ngữ của người kể chuyện:

+ Ngôn ngữ của nhân vật “tôi”- người kể chuyện trực tiếp

+ Ngôn ngữ đơn giản, gần gũi

- Ngôn ngữ của nhân vật “cô tôi”:

+ “ Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu?”, “Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may và sắm sửa cho và thăm em bé chứ.”

+ Giọng điệu: giả tạo, ngọt ngào, mang tính đay nghiến

+ Sử dụng những câu hỏi dồn dập, dẫn dắt và xoáy sâu vào nỗi đau của nhân vật tôi qua những cụm từ “mợ mày phát tài lắm”, “em bé

→ Một người xảo quyệt, độc ác, sử dụng những lời nói ngọt ngào để đay nghiến, chọc ngoáy vào nỗi đau và thao túng người khác.

B. Câu hỏi thực hành đọc hiểu

Đọc văn bản Đôi chân đèn bằng bạc (trích Những người khốn khổ) và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

ĐÔI CHÂN ĐÈN BẰNG BẠC

(Trích tiểu thuyết Những người khốn khổ)

Vích-to Huy-gô

Vích-to Huy-gô (Victor Hugo) Vích-to Huy-gô (1802 – 1885) là văn hào vĩ đại nhất trong trào lưu văn học lãng mạn Pháp thế kỉ XIX. Ngoài di sản thơ ca và kịch đồ sộ, ông còn để lại những kiệt tác tiểu thuyết mang đậm cảm hứng lãng mạn: Nhà thờ Đức Bà Pa-ri (Paris), Những người khốn khổ, Chín mươi ba,...

Tìm đọc một tiểu thuyết và chọn ra một đoạn ngắn, chỉ ra đâu là ngôn ngữ của người kể chuyện

Tiểu thuyết Những người khốn khổ kể về cuộc đời của người tù khổ sai Giăng Van-giăng (Jean Valjean). Ra tù sau 19 năm bị giam cầm vì ăn cắp bánh mì cho đàn cháu đói khổ và nhiều lần vượt ngục không thành, Giăng Van-giăng được Giám mục My-ri-en (Myriel) cho tá túc khi không nhà trọ nào nhận ông. Ông được giám mục cảm hoá (Nguồn: shutterstock.com) với lời dặn phải trở thành người lương thiện.

Tám năm sau, Giăng Van-giăng trở thành ông Ma-đơ-len (Madeleine) đáng kính, thị trưởng của một thành phố nhỏ. Cô công nhân Phăng-tin (Fantine) trong nhà máy của ông, vì chưa chồng mà có con nên bị xua đuổi khỏi nhà máy, phải gửi con gái là bé Cô-dét (Cosette) ở nhờ nhà Tê-nác-đi-ê (Thenardier), một chủ quan trọ lưu manh, rồi bán tóc, bán răng, bán thân để kiếm tiền nuôi con. Khi cô hấp hối, ông Ma-đơ-len mới hay chuyện và hứa sẽ chăm sóc Cô-dét thay cô. Cùng lúc ấy, để cứu một người khác khỏi bị kết tội oan do bị thanh tra Gia-ve (Javert) nhầm với mình, Giăng Van-giăng ra thú nhận về danh tính thật của mình, sau đó vượt ngục và chuộc Cô-dét khỏi tay chủ quán trọ Tê-nác-đi-ê, đưa em lên Pa-ri và nhận em làm con gái.

Trong cuộc nổi dậy năm 1832, Giăng Van-giăng tham gia chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ cộng hoà trẻ tuổi, trong đó có chàng sinh viên Ma-ri-uýt (Marius), người yêu của Cô-dét, và chú bé lang thang Ga-vơ-rốt (Gavroche), đứa con trai bị bỏ rơi của Tê-nác-đi-ê. Giăng Van-giăng cứu sống Gia-ve và Ma-ri-uýt khi tất cả mọi người xung quanh đều hi sinh. Khó xử trước hành động cao thượng của Giăng Van-giăng, Gia-ve tự sát. Ma-ri-uýt kết hôn với Cô-dét và dần xa lánh Giăng Van-giăng do biết về quá khứ của ông.

Nhiều năm sau, khi Giăng Van-giăng hấp hối, Ma-ri-uýt mới hiểu rõ tấm lòng cao thượng của ông và đưa Cô-dét đến gặp ông. Trước khi qua đời, dưới ánh sáng của đôi chân đèn bằng bạc, Giăng Van-giăng dặn đôi vợ chồng trẻ: “Trên đời này chỉ có một điều ấy thôi, đó là yêu thương nhau”.

Đoạn trích Đôi chân đèn bằng bạc rút từ Chương 12 của tiểu thuyết Những người khốn khổ. Lúc này Giăng Van-giăng vừa ra tù sau 19 năm khổ sai. Cầm tờ giấy thông hành màu vàng, dấu hiệu cho thấy người mang nó đã từng phạm tội, Giăng Van-giăng bị tất cả các nhà trọ từ chối, chỉ có Giám mục My-ri-en cho ông tá túc. Đêm đó, ông lấy trộm bộ đồ ăn bằng bạc của giám mục và bỏ đi.

****

Sáng hôm sau, mặt trời vừa mọc, ông giám mục đã ra đi bách bộ ngoài vườn. Bà Ma-gơ-loa (Magloire) hớt hải chạy đến:

– Đức cha, thưa Đức cha, Đức cha có biết cái giỏ đồ bạc ở đâu không?

– Có.

– Lạy Chúa! May quá! Con đang không biết nó chạy đi đâu.

Ông giám mục vừa nhặt được cái giỏ ở trên luống hoa. Ông đưa cho bà.

– Giỏ đây.

– Ô hay! – bà Ma-gơ-loa kêu – Cái giỏ không! Thế còn bộ đồ bạc?

– À, bà tìm bộ đồ bạc à? Thế thì tôi không biết.

– Trời đất ơi! Bị mất trộm hết rồi! Chính cái thằng tối hôm qua nó lấy rồi!

Và thoáng một cái, bà chạy vụt vào phòng nguyện, đến chỗ giường khách, rồi đảo trở ra. Ông giám mục đang cúi xuống bồn hoa nhìn mấy cây hoa bị cái giỏ quăng phải đè gẫy. Nghe tiếng bà Ma-gơ-loa kêu, ông ngẩng người lên. [1]

– Thưa Đức cha, nó đi rồi! Đồ bạc bị mất trộm rồi! Vừa kêu lên như thế, bà lại nhìn thấy ở góc vườn có vết người mới trèo qua tường làm lở cả bờ vôi.

– Đây này! Nó trèo qua lối này đây. Nó nhảy ra lối phố Cơ-sơ-phi-lê (Cochefilet)! Ả, quân khốn kiếp! Nó lấy trộm bộ đồ bạc của nhà ta rồi còn gì.

Ông giám mục yên lặng một lát, ngẩng nhìn bà Ma-gơ-loa một cách nghiêm trang và ôn tồn bảo:

– Nhưng này, bộ đồ bạc ấy có phải là của nhà ta không đã?

Bà Ma-gơ-loa ngẩn người ra. Hai người đứng lặng yên một lát, ông giám mục lại nói tiếp:

Bà Ma-gơ-loa này, lâu nay ta cứ giữ mãi bộ đồ bạc ấy là sai đấy. Nó là của kẻ khó. Mà người ấy là hạng người nào? Chính là một kẻ khó mà.

– Chao ôi! Lạy Chúa! Tôi với cô Báp-ti-xtin (Baptistine) thì nói làm gì. Chúng tôi thế nào cũng xong. Nhưng còn Đức cha: Từ nay thì Đức cha ăn bằng gì? Ông giám mục nhìn bà, dáng ngạc nhiên:

– Ô hay! Thế không có thìa nĩa thiếc à?

Bà Ma-gơ-loa so vai:

– Thiếc ăn có mùi tanh.

– Thế thì dùng đồ sắt.

Bà Ma-gơ-loa nhăn mặt lại:

– Sắt có vị hạn.

– Nếu thế thì dùng đồ gỗ vậy.

Một lúc sau, ông ăn sáng ở ngay cái bàn chỗ Giăng Van-giăng ngồi hôm trước. Vừa ăn, ông vừa vui vẻ nói chuyện. Cô em trầm tĩnh ngồi nghe và bà Ma-gơ-loa thì lẩm bẩm càu nhàu một mình. Ông bảo: Chấm miếng bánh vào sữa thì cần gì phải thìa nĩa, dù là bằng gỗ đi nữa.

Bà Ma-gơ-loa vừa đi đi lại lại vừa lẩm bẩm:

– Đời thuở nhà ai lại đi tiếp rước một thằng như thế vào nhà bao giờ! Lại còn cho nó nằm ngay bên cạnh phòng mình. Phúc đức làm sao nó lại chỉ mới có lấy của mà thôi! Trời ơi là trời! Cứ nghĩ đến mà rùng mình!

Hai anh em ăn xong sắp đứng dậy thì có người gõ cửa. Ông giám mục bảo:

– Cứ vào.

Cửa mở. Một tốp người kì quặc hùng hổ kéo nhau vào. Ba người túm cổ một người. Ba người ấy là lính sen đầm; người kia là Giăng Van-giăng. [2]

Một người đội, ý chừng chỉ huy cả bọn, đứng gần ở cửa. Y bước vào, tiến đến gần ông giám mục, giơ tay chào:

– Bẩm Đức cha...

Nghe thấy thế, Giăng Van-giăng đương lầm lì và có vẻ thất vọng, ngẩng lên nhìn, kinh hoàng. Anh lẩm bẩm:

– Đức cha à! Vậy ra không phải là ông cụ xứ...

Một tên lính quát:

– Im! Đây là Đức Giám mục.

Lúc ấy, ông giám mục mặc dầu cao tuổi cũng cố bước nhanh tới bên anh. Ông nhìn vào Giăng Van-giăng:

– A, anh đấy à! Thấy anh tôi mừng làm sao! Nhưng này, tôi còn cho anh cả đôi chân đèn nữa kia mà, cũng bằng bạc đấy, có thể bán được hai trăm phơ-răng. Sao anh lại không mang đi một thể với bộ đồ ăn?

Giăng Van-giăng giương con mắt nhìn con người đáng kính ấy. Vẻ mặt anh bây giờ tưởng không còn ngôn ngữ nào có thể tả rõ được. Viên đội nói:

– Bẩm Đức cha, hoá ra tên này nói thật? Chúng tôi gặp nó đang đi như có ý chạy trốn. Chúng tôi bắt giữ lại để khám thì thấy có bộ đồ bạc này...

Ông giám mục cười, ngắt lời y:

– Và anh ấy nói rằng đêm hôm qua anh ấy ngủ ở nhà một ông cố đạo già và ông ấy đã cho anh chứ gì? Tôi đoán ra thế. Rồi các ông giải anh ta đến đây phải không? Lầm rồi.

– Nếu vậy, chúng tôi có thể tha cho hắn đi chứ?

– Hẳn rồi.

Bọn lính buông Giăng Van-giăng ra. Anh lùi lại ngơ ngác như người mơ ngủ, lắp bắp nói không ra tiếng:

– Tha cho tôi thật à?

Một người lính nói:

– Phải, tha cho mày đấy, mày không nghe thấy à?

Ông giám mục lại nói:

– Này, anh cầm nốt hai cây chân đèn rồi hãy đi nhé! Đèn đây.

Ông đến chỗ lò sưởi, lấy hai cây đèn và đem lại cho Giăng Van-giăng. Hai người đàn bà lặng yên đứng nhìn không nói không rằng, không có một cử chỉ nào muốn ngăn trở ông giám mục.

Giăng Van-giăng run bần bật. Như cái máy, anh giơ tay cầm lấy đôi đèn, mặt mày ngơ ngác. Ông giám mục nói:

– Thôi, chúc anh lên đường bình yên. Nhân thể, lần sau anh có trở lại đây, nhớ không cần phải qua phía vườn. Cứ cửa lối qua phố mà đi. Ngày đêm lúc nào ra vào cũng được, cửa chỉ cài có cái then thôi.

Rồi ông quay về phía bọn cảnh sát:

– Thôi, các ông có thể về được rồi.

Bọn lính đi ra.

Giăng Van-giăng như người sắp ngất.

Ông giám mục lại gần, khẽ bảo:

– Đừng quên, đừng bao giờ quên rằng anh đã hứa với ta sẽ dùng chỗ tiền này để trở thành con người lương thiện nhé.

Giăng Van-giăng không nhớ có hứa với ông giám mục điều gì hay không. Anh cứ đứng ngây người ra. Ông giám mục đã nhấn mạnh vào câu mình nói. Bây giờ bằng một giọng thật trang nghiêm, ông lại nói thêm:

– Giăng Van-giăng, người anh em của tôi ơi, từ nay anh không còn là kẻ ác nữa, anh thuộc về phía người lương thiện rồi. Linh hồn của anh, ta đã mua đây, ta đem nó ra khỏi cõi hắc ám, ra khỏi tư tưởng sa ngã, ta đem dâng nó cho Chúa. [3]

 (Vích-to Huy-gô, Những người khốn khổ, tập 1, bản dịch của Huỳnh Lý, Vũ Đình Liễn, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu, NXB Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 177 – 182)

[1] So sánh

Cùng tiếp nhận thông tin về việc mất bộ đồ ăn bằng bạc, hành động của bà Ma-gơ-loa và Giám mục My-ri-en trong đoạn văn này có gì khác nhau?

[2] Dự đoán

Bạn dự đoán bà Ma-gơ-loa và Giám mục My-ri-en sẽ phản ứng như thế nào khi thấy cảnh sát bắt Giăng Van-giăng về trước mặt họ?

[3] Suy luận

Vì sao Giám mục My-ri-en biết từ nay Giǎng Van-giǎng đã thuộc về phía người lương thiện?

Câu 1 trang 23 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: So sánh phản ứng của bà giúp việc Ma-gơ-loa và Đức giám mục My-ri-en đối với việc bị mất bộ đồ ăn bằng bạc. Phản ứng đó cho thấy điều gì về tính cách của họ?

Trả lời:

Phản ứng của bà Ma-gơ-loa:

- Hớt hải chạy đi tìm giám mục để hỏi về bộ đồ bạc.

- Hoảng hốt chạy khắp nơi tìm kiếm bộ đồ bạc.

- Giận dữ mắng Giăng Van-giăng khi phát hiện chính Giăng Van-giăng là người lấy trộm.

- Lo lắng về việc giám mục không có bộ đồ bạc để dùng, sẽ thiệt thòi khi không được ngon miệng.

Phản ứng của Đức Giám mục My-ri-en:

- Bình tĩnh, yên lặng, không nói gì về Giăng Van-giăng dù có thể ông đã biết ngay từ đầu.

- Quan tâm đến những cây hoa gãy.

- Ôn tồn, dịu dàng khuyên bà Ma-gơ-loa nghĩ về những kẻ khó.

- Ngồi ăn một cách vui vẻ, không cần đến bộ đồ bạc.

Tính cách của bà Ma-gơ-loa:

- Chu đáo, hết lòng quan tâm đến người khác.

- Giàu cảm xúc, nhiều lời, dễ phản ứng gay gắt.

Tính cách của Đức Giám mục My-ri-en:

- Hiền hoà, kín đáo.

- Độ lượng, vị tha, sẵn sàng hi sinh mọi quyền lợi của mình vì người khác.

- Chấp nhận mọi thiệt thòi một cách vui vẻ, không lo phiền.

Câu 2 trang 23 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Liệt kê những chi tiết, hình ảnh thể hiện thái độ của giám mục khi nhóm cảnh sát áp giải Giăng Van-giăng đến gặp ông và sau khi họ rời đi. Thái độ và cách ứng xử ấy thể hiện tính cách và quan niệm sống của giám mục như thế nào?

Trả lời:

Những chi tiết, hình ảnh thể hiện thái độ của giám mục khi nhóm cảnh sát áp giải Giăng Van-giăng đến gặp ông:

- Cố bước nhanh đến bên Giăng Van-giăng dù ông đã cao tuổi, rất khó bước nhanh, mục đích để trấn an và che chắn cho Giăng Van-giăng trước cái nhìn của nhóm cảnh sát.

- Bình thản nhận mình đã tặng bộ đồ bạc cho Giăng Van-giăng trước khi anh ta và nhóm cảnh sát kịp nói gì.

- Khẳng định mình còn tặng Giăng Van-giăng cả bộ chân đèn bằng bạc.

- Cười ngắt lời viên cảnh sát và đoán trước chính xác những gì họ định nói, xoá bỏ những hoài nghi của họ.

- Tự tay giao đôi chân đèn cho Giăng Van-giăng.

Những chi tiết, hình ảnh thể hiện thái độ của giám mục khi nhóm cảnh sát rời đi:

- Nói với Giăng Van giảng rằng anh ta đã hứa với ông sẽ trở thành người lương thiện (dù Giăng Van giảng chưa nói câu nào). Không một lời trách móc hay kể lể công ơn, hay yêu cầu báo đáp bất cứ điều gì.

- Khẳng định Giăng Van giăng đã là người lương thiện và linh hôn anh thuộc về Chúa.

Thái độ và cách ứng xử ấy thể hiện:

- Tính cách giám mục: Coi trọng sự an toàn và hướng thiện của Giáng Van giáng hơn giá trị của các món đồ bạc và đối chân đèn – nhân hậu, độ lượng.

- Quan niệm sống của giám mục: Ý nghĩa của mọi sự vật, hành động trên đời. không nằm ở giá trị vật chất mà ở những thay đổi, hoàn thiện về tinh thần mà nó mang đến cho con người.

Câu 3 trang 23 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Bạn nhận định như thế nào về diễn biến tâm lí của Giăng Van-giăng khi được dẫn đến trước giám mục và khi được nhận đôi chân đèn bằng bạc? Chi tiết nào thể hiện chuỗi diễn biến tâm lí đó? Vì sao anh “không nhớ mình có hứa với giám mục điều gì hay không”?

Trả lời:

 

Những chi tiết thể hiện chuỗi diễn biến tâm lí của Giăng Van-giăng

Diễn biến tâm lí của Giăng Van-giăng

Khi bị bắt và bị cảnh sát lôi về nhà cha xứ

Lầm lì và có vẻ thất vọng

Chán nản, thất vọng

Khi biết cha xứ là Đức Giám mục

Kinh hoàng, lầm bầm “Vậy ra không phải ông cụ xứ...”

Sợ hãi

Khi thấy cha xứ không những thừa nhận đã cho anh bộ đồ bạc mà còn nói cho anh cả đôi chân đèn

Giương to mắt, vẻ mặt tưởng không ngôn ngữ nào có thể tả rõ được

Sốc, bối rối

Khi thấy mình được thả

Lùi lại ngơ ngác như người mơ ngủ, lắp bắp nói không ra tiếng

Hoang mang, lo lắng, không dám tin

Khi thấy cha xứ thật sự đưa cho mình đôi chân đèn

Run bần bật, cầm đôi chân đèn như cái máy, mặt mày ngơ ngác

Choáng váng

 

Khi nghe lời dặn dò của Giám mục My-ri-en

Như người sắp ngất, đứng ngày người ra

Mất khả năng hiểu và lí giải mọi chuyện xảy ra trước mắt

Lí do Giăng Van-giăng không nhớ mình có hứa với giám mục hay không. Thật sự Giăng Van-giăng không nói được gì, vì trong cơn choáng váng anh không lí giải nổi chuyện gì đang xảy ra và vì sao lại xảy ra như vậy. Nhưng giám mục khẳng định: “Đừng quên anh đã hứa với ta... bởi vì ông không chỉ tha thứ cho anh, không chỉ tặng anh những món đồ anh đã lấy trộm, mà còn dùng cả món đồ bạc quý giá duy nhất còn lại của mình đánh đổi lấy một cuộc sống mới cho anh. Vì vậy, dù không hứa nhưng về sau anh vẫn tâm niệm mình đã nợ ông lời hứa đó.

Câu 4 trang 23 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Vì sao bà giúp việc Ma-gơ-loa và cô em gái Báp-ti-xtin không nói gì khi Giám mục My-ri-en trao đổi chân đèn cho Giăng Van-giăng? So sánh với phản ứng trước đó của bà Ma-gơ-loa về việc bị mất bộ đồ ăn bằng bạc, hãy bổ sung cho câu trả lời của bạn ở câu 1.

Trả lời:

Bà Ma-gơ-loa và cô Báp-tix-tin không nói gì dù biết rõ sự thật, bởi vì một là, họ tin tưởng hoàn toàn vào Giám mục My-ri-en, vào những việc ông làm; và hai là sâu trong thâm tâm, họ hiểu và đồng tình với mục đích của giám mục khi ông cứu chuộc cả thân xác Giăng Van-giăng trước ngục tù và cứu chuộc linh hồn anh trước tội lỗi.

So sánh với phản ứng trước đó của bà Ma-gơ-loa ở câu 1, có thể bổ sung ý:

- Bà Ma-gơ-loa dù giận dữ mắng Giăng Van-giăng và lo sợ anh ta ngoài trộm cắp còn có thể giết người (Phúc đức làm sao nó lại chỉ mới có lấy của mà thôi!) nhưng sâu trong thâm tâm, bà vẫn sẵn lòng tha thứ và tin tưởng rằng bản chất lương thiện của anh cuối cùng có thể trở lại.

- Bà Ma-gơ-loa dù lo lắng cho giám mục không có bộ đồ bạc để dùng, nhưng bà không đòi lại, vì biết bộ đồ bạc ấy sẽ mang đến cho Giăng Van-giăng không chỉ là vài trăm phơ-răng mà cả một cuộc đời mới.

Vì vậy, ở bà Ma-gơ-loa không chỉ có cảm xúc bộc phát, sự nhiều lời, sự lo lắng thái quá mà ta thường hay thấy ở những phụ nữ nội trợ như bà, mà còn có sự khoan dung, thông tuệ và nhân hậu cao cả như bản thân Giám mục My-ri-en.

Câu 5 trang 23 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Đọc kĩ phần tóm tắt tiểu thuyết. Theo bạn, hành động của Giám mục My-ri-en trong đoạn trích này đã ảnh hưởng như thế nào đến phần đời còn lại của Giăng Van-giăng? Thử phân tích ý nghĩa của hình ảnh đôi chân đèn này trong đoạn kết của tiểu thuyết.

Trả lời:

Sau khi rời nhà Giám mục My-ri-en, Giăng Van-giăng mang một cái tên, một thân phận mới, sống một cuộc đời mới, nỗ lực hướng thiện. Ban đầu, sự hướng thiện của anh còn cứng nhắc, có lí thiếu tình nên đã vô tình dẫn đến cái chết của Phăng-tin. Về sau, Giăng Van-giăng nỗ lực thay đổi để mở rộng trái tim mình, yêu thương cả những phận người bé nhỏ nhất, dễ bị lãng quên nhất và yêu thương họ hơn cả chính mình.

Như vậy, hành động cao thượng của Giám mục My-ri-en như ánh sáng soi đường cho cuộc đời và ý thức của Giăng Van-giăng, để anh đi từ bóng tối của sự xa lánh và uất hận xã hội, đến ánh sáng của lí tưởng lớn lao cống hiến và hi sinh cho con người, kể cả những người tàn nhẫn như Gia-ve hay vô tình hiểu lầm ông như Ma-ri-uýt.

Trong đoạn kết của tiểu thuyết, dưới ánh sáng của đôi chân đèn này, Giăng Van-giăng qua đời sau khi dặn dò Cô-dét và Ma-ri-uýt về điều quan trọng, lớn lao nhất trong đời: tình yêu thương. Có thể thấy ở đây hai ý nghĩa chính của đôi chân đèn:

- Thứ nhất, đôi chân đèn là biểu tượng của lí tưởng sống vì tha nhân mà Giám mục My-ri-en đã mang đến thắp sáng cho cuộc đời chìm trong bóng tối áp bức bất công của Giăng Van-giăng. Cho đến lúc ông qua đời, đôi chân đèn vẫn là ánh sáng duy nhất chiếu rọi bên ông.

- Thứ hai, đôi chân đèn đã mang đến cho Giăng Van-giăng một cuộc đời mới và cũng chính đôi chân đèn chứng kiến giờ phút kết thúc cuộc đời ấy, đó là biểu tượng của chính cuộc đời đã được khai sáng của Giăng Van-giăng.

Ý nghĩa của đôi chân đèn không giống như bộ đồ ăn bằng bạc. Nó không bị lấy trộm, mà tự tay giám mục trao cho Giăng Van-giăng. Bằng bộ đồ ăn bạc, giám mục đã đổi lấy sự an toàn, tự do của anh và một số vốn nhỏ để anh bắt đầu cuộc đời mới. Bằng cây chân đèn, giám mục đổi lấy lời hứa lương thiện, lấy một cuộc đời sống chỉ để yêu thương và hi sinh.

Câu 6 trang 23 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Phân tích thông điệp của văn bản qua hình ảnh Giám mục My-ri-en và đôi chân đèn bằng bạc.

Trả lời:

Thông điệp của văn bản: Tình yêu thương và sự khoan dung có thể thay đổi cuộc đời của một con người.

Qua hình ảnh Giám mục My-ri-en: Sự khoan dung độ lượng và sự dẫn dắt hướng thiện của ông trước sai lầm của Giăng Van-giăng không chỉ đã cứu thoát anh khỏi tù ngục, sa ngã, oán hận và tha hoá, mà còn phục hồi trong anh niềm tin vào chính mình và ý thức sống để cống hiến, yêu thương con người.

Qua hình ảnh đôi chân đèn bằng bạc: Tình yêu thương và sự khoan dung giống như ánh sáng soi rọi và thức tỉnh con người khỏi bóng tối oán hận và sa ngã, mở ra cho họ khả năng làm lại cuộc đời mới.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 7: Trong ánh đèn thành thị (Tiểu thuyết hiện đại) hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: