SBT Ngữ văn 12 Bài tập 7 trang 18 - Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 7 trang 18 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Bài tập 7 trang 18 - Kết nối tri thức

Bài tập 7 trang 18 SBT Ngữ văn 12 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Rất ít tộc người có tín ngưỡng tôn giáo sâu sắc như người Bô-rô-nô (Borono), cũng rất ít tộc người có một hệ thống siêu hình hoàn chỉnh đến thế. Nhưng các tín ngưỡng thần linh và các tập tục thường nhật hoà trộn chặt chẽ, hình như người thổ dân không hề có cảm giác chuyển từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Tôi đã gặp lại sự sùng đạo ngây thơ này trong những đền thờ Phật trên vùng biên giới Mi-an-ma (Myanmar), nơi các nhà sư sinh sống và ngủ nghệ trong gian phòng dành cho việc thờ cúng, xếp những bình đựng thuốc mỡ và túi thuốc cá nhân ngay dưới chân bàn thờ và không hề ngại chăm sóc những đám trẻ vị thành niên được giám hộ của mình trong khoảng thời gian giữa hai bài học chữ cái.

Thái độ suồng sã này đối với cái siêu nhiên càng khiến tôi ngạc nhiên do cuộc tiếp xúc duy nhất của tôi với tôn giáo thuộc mãi thời một tuổi thơ không tín ngưỡng, lúc tôi ở nhà ông nội tôi, vốn là pháp sư đạo Do Thái ở Véc-xây (Versailles), hồi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngôi nhà, dính liền với nhà thờ, được nối thông bởi một đoạn hành lang bên trong dài mà mỗi lần liều lĩnh đi qua hành lang không khỏi gây một cảm giác kinh hãi, chỉ riêng nó đã tạo thành một đường ranh không thể vượt qua giữa thế giới trần tục và cái thế giới thiếu vắng chính cái hơi ấm của con người, vốn là một điều kiện tiên quyết để cảm nhận cái linh thiêng. Ngoài những giờ cúng lễ, ngôi nhà thờ trống trơn và thời gian có việc của nó không đủ dài cũng không đủ nồng nhiệt để có thể lấp đầy trạng thái cô quạnh có vẻ là tự nhiên của nó mà những buổi cúng tế đã khuấy động một cách không phải phép. Việc cúng lễ của gia đình cũng chịu cảnh khô khan như vậy. Ngoài lời cầu nguyện không thành tiếng của ông tôi trước mỗi bữa ăn, chẳng gì báo cho bọn trẻ biết chúng bị sống trong sự áp đặt phải thừa nhận một sức mạnh ở trên cao kia, nếu không phải là một băng rôn bằng giấy dán trên tường phòng ăn, với dòng chữ: “Hãy nhai thức ăn cho kĩ, sự tiêu hoá tuỳ thuộc vào việc đó”.

Không phải ở người Bô-rô-nô, tôn giáo có nhiều uy thế hơn: hoàn toàn ngược lại, nó là chuyện tự nhiên. Trong ngôi nhà đàn ông, những cử chỉ cúng tế được thực hiện cũng thoải mái như mọi cử chỉ khác, cứ như đấy là những hành động thực dụng được tiến hành để mang lại kết quả cho chính chúng, không đòi hỏi cái thái độ tôn kính đè phủ lên ngay cả trên một người vô thần khi bước vào một đền thờ. Buổi chiều hôm ấy, người ta ca hát trong ngôi nhà đàn ông coi như là để chuẩn bị cho nghi lễ công cộng buổi tối. Trong một góc nhà, đám con trai nằm ngáy hay trò chuyện, hay hai ba người đàn ông vừa hát vừa khua những cái lắc, nhưng nếu một người trong số họ muốn châm lửa mồi thuốc hay đến lượt anh ta múc cháo ngô, anh ta trao nhạc cụ cho một người ngồi cạnh tiếp tục lắc, hay thậm chí anh ta một tay tiếp tục lặc, tay kia thì gái sồn sột. Nếu một vũ công vênh vang để khoe tiết mục mới ứng tác của mình là mọi người dừng lại và bình phẩm, cuộc lễ dường như bị quên cho tới lúc, ở trong một góc nhà khác, bè đồng ca lại tiếp tục từ đoạn vừa bị ngắt quãng.

Tuy nhiên, ý nghĩa của ngôi nhà đàn ông còn vượt quá ý nghĩa gắn liền với trung tâm đời sống xã hội và tôn giáo mà tôi đã cố gắng mô tả. Cấu trúc của ngôi làng không chỉ tạo điều kiện cho trò diễn tinh tế của các thể chế: nó tổng hợp và đảm bảo cá mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, giữa xã hội với thế giới siêu nhiên, giữa những người sống và những người chết.

(Cờ-lốt Lê-vi-Xtơ-rốt – Claude Lévi–Strauss, Nhiệt đới buồn, Ngô Bình Lâm dịch,

NXB Tri thức, Hà Nội, 2009, tr. 235 – 237)

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Các thông tin trong văn bản được sắp xếp theo trình tự nào? Cho biết tác dụng của cách sắp xếp đó.

Trả lời:

Các thông tin trong văn bản được sắp xếp theo quan hệ so sánh, tương phản: một bên là sự hoà trộn chặt chẽ giữa tín ngưỡng thần linh và tập tục thường nhật của người Bồ-rô-nô và một bên là đường ranh không thể vượt qua giữa thế giới trần tục và thế giới của cái thiêng trong tín ngưỡng của người châu Âu. Cấu trúc cho người đọc thấy sự đa dạng trong quan niệm về tín ngưỡng của nhân loại, tương phản này nhằm nhấn mạnh vẻ độc đáo, giá trị nội tại của văn hoá Bô-rô-nô, đồng thời thể hiện sự chất vấn đối với quan niệm “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) vốn phổ biến trong tư duy văn hoá của nhân loại vào đầu và giữa thế kỉ XX.

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Thái độ, quan điểm, lập trường của tác giả trong văn bản là gì? Bạn căn cứ vào đâu để xác định điều này?

Trả lời:

Thái độ, quan điểm, lập trường của tác giả được thể hiện qua sự tự bộc lộ của người trần thuật xưng “tôi” (ví dụ: “thái độ suồng sã này đối với cái siêu nhiên càng khiến tôi ngạc nhiên”); qua các cách diễn đạt hàm chứa sự nhận xét, đánh giá (ví dụ: “rất ít tộc người có một hệ thống siêu hình hoàn chỉnh đến thế”, “trạng thái cô quạnh có vẻ là tự nhiên”, “cái thế giới thiếu vắng chính cái hơi ấm của con người”, “cảnh khô khan”, “những cử chỉ cúng tế được thực hiện cũng thoải mái”,...). Qua những yếu tố này, có thể nhận thấy thái độ, lập trường của tác giả: sự khẳng định vẻ đẹp, sức sống, giá trị nội tại của nền văn hoá Bô-rô-nô, cái nhìn chất vấn đối với sự cứng nhắc, trấn áp, lạnh lẽo của văn hoá phương Tây.

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Tác giả đã sử dụng những dữ liệu nào để mô tả đời sống tôn giáo của người Bô-rô-nô? Đó là dữ liệu thứ cấp hay sơ cấp? Giá trị của những dữ liệu đó là gì?

Trả lời:

Tác giả đã mô tả đời sống tôn giáo của người Bô-rô-nô qua các dữ liệu sơ cấp mà mình tận mắt quan sát, thu thập được (“Buổi chiều hôm ấy [...] bè đồng ca lại tiếp tục từ đoạn vừa bị ngắt quãng”). Đây là những dữ liệu hiếm hoi về một số nền văn hoá còn rất ít người biết đến trong thời điểm mà cuốn sách ra đời, có tác dụng thức tỉnh đối với người châu Âu nói riêng, người đọc nói chung về sự đa dạng văn hoá.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Phân tích giá trị của yếu tố miêu tả trong văn bản.

Trả lời:

Yếu tố miêu tả được sử dụng nhằm cung cấp những thông tin hết sức chi tiết về đời sống văn hoá của người Bô-rô-nô, giúp người đọc hình dung một cách cụ thể, sống động về một nền văn hoá khác mà mình không có dịp được tiếp xúc trực tiếp.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 8: Dữ liệu trong văn bản thông tin hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: