Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 5: Nói và nghe trang 64 - Chân trời sáng tạo Sách bài tập Ngữ văn 6


Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 5: Nói và nghe trang 64 - Chân trời sáng tạo

Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 5: Nói và nghe trang 64 bộ sách Chân trời sáng tạo chi tiết được Giáo viên biên soạn bám sát chương trình Sách bài tập Ngữ Văn 6 giúp học sinh làm bài tập về nhà trong SBT Ngữ Văn 6 dễ dàng hơn.

Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 5: Nói và nghe trang 64 - Chân trời sáng tạo

Câu 1 trang 64 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 - Chân trời sáng tạo: Việc trình bày về một cảnh sinh hoạt cần thực hiện theo mấy bước? Là những bước nào?

Trả lời:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

Xác định đề tài

Trước khi viết, hãy trả lời câu hỏi:

+ Văn bản này được viết nhằm mục đích gì?

+ Người đọc có thể là ai?

Thu thập tư liệu liên quan: Tư liệu liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em miêu tả có thể thu thập từ những nguồn khác nhau.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

+ Xác định một số định hướng chung như: quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa, nên miêu tả theo trình tự nào, cần tập tủng khắc họa các hình ảnh nào…

+ Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.

+ Quan sát lại không gian nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà mình sẽ miêu tả.

Lập dàn ý

Từ những ý đã tìm, lập dàn ý bằng cách chọn lọc, sắp xếp các ý theo một trình tự hợp lí

Bước 3: Viết bài

Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm

Xem lại và chỉnh sửa: Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết.

Rút kinh nghiệm: Bài viết này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát và cảm nhận cuộc sống con người và cảnh vật? Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh như thế nào để bài viết tốt hơn?

Câu 2 trang 64 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 - Chân trời sáng tạo: Trình bày về một cảnh sinh hoạt mà em có dịp quan sát hoặc tham dự.

Trả lời:

HS thực hiện bài nói và nghe theo trình tự các bước gợi ý sau:

Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói

- Mục đích nói là gì?

- Người nghe là ai?

- Đề tài bài nói là gì?

- Em dự định sẽ nói ở đâu và nói trong thời gian bao lâu?

Bước 2: Tìm ý, lập đàn ý

- Giới thiệu địa điểm, thời gian xảy ra câu chuyện/ cảnh sinh hoạt mà em chứng kiến hoặc tham gia bằng cách trả lời câu hỏi sau: Những sự việc ấy xảy ra ở đâu, khi nào?

- Trình bày rõ ràng, mạch lạc các sự việc trong câu chuyện bằng cách trả lời câu hỏi sau: Những sự việc ấy xảy ra theo trình tự nào? Sự việc nào xảy ra trước? Sự việc nào xảy ra sau?

- Thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình đối với những sự việc, nhân vật trong câu chuyện bằng cách trả lời câu hỏi sau: Em có suy nghĩ, cảm xúc gì đối với những sự việc, nhân vật xuất hiện trong câu chuyện ấy?

- Thể hiện được ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân bằng cách trả lời câu hỏi sau: Ý nghĩa của những sự việc ấy đối với bản thân em  là gì?

Bước 3: Luyện tập và trình bày

HS thực hiện theo hướng dẫn trong SGK.

Bước 4: Trao đổi, đánh giá

HS thực hiện việc trao đổi, đánh giá theo hướng dẫn của SGK.

Gợi ý: 

Ba tôi công tác xa nhà mấy chục cây số, một tuần mới về một lần. Cho nên tối thứ bảy là tối gia đình tôi sum họp đông vui nhất.

Cơm nước xong xuôi, mọi người mới quây quần trong gian phòng khách nhỏ bé và ấm cúng. Ánh đèn nê-ông tỏa ánh sáng xanh dịu. Mấy lẵng hoa bằng nhựa sáng rực lên trông y như hoa thật. Chiếc tủ li bằng gỗ cẩm lai được đánh véc-ni láng bóng như mặt gương soi, nổi bật những đường vân như những nét hoa văn kỳ ảo. Phía trên, là chiếc ti vi màu mười chín inh được phủ bằng một tấm lụa xanh rêu. Đồ đạc trong phòng được xếp đặt thật gọn gàng, ngăn nắp.

Ba tôi bồng bé Thảo Ngọc vào lòng âu yếm hôn lên tóc, lên má bé. Ngọc ôm lấy cổ ba nũng nịu: “Ba! Ba có nhớ con không?”. Ba cầm bàn tay nhỏ bé của bé áp lên má mình vuốt vuốt rồi nhỏ nhẹ với bé: “Ba nhớ con nhiều nhất đấy!”. Rồi ba hỏi lại bé: “Thế Ngọc có thương ba không?”. Thảo Ngọc cười nhe hàm răng nhỏ xíu trông thật dễ thương. Bàn tay vào chiếc cằm vừa mới cạo của ba và nói lớn: “Con thương ba nhất nhà này! Thương mẹ nhất nhà này! Và cả chị hai nữa! Con thương cả nhà như nhau! Bằng thế này này!”. Bé đưa ba ngón tay lên, đưa qua đưa lại như chứng tỏ điều mình nói là đúng, là sự thật. Lúc này, mẹ đang đọc báo, tôi đang chơi đàn. Cả tôi và mẹ đều phải phì cười vì vẻ đáng yêu của bé.

Đúng tám giờ, tôi bật vô tuyến để xem tiết mục “Ngôi nhà tuổi thơ”. Tối nay có chương trình văn nghệ của các trường mẫu giáo rất hay. Bé Ngọc vừa xem vừa vỗ tay hát theo. Ba khen hát hay, bé cười tít mắt. Càng hát, bé càng rướn giọng to lên, đầu lắc qua lắc lại theo nhịp đàn. Đôi bím tóc thắt nơ hồng ngoe nguẩy như đuôi chú cún con trông thật ngộ, thật dễ thương. Ba hỏi tôi: “Tuần này được mấy điểm mười hả con? Môn nào nhiều điểm mười hơn cả?” Tôi sung sướng khoe: “Hơn tuần trước bốn điểm mười ba ạ! Nhiều nhất là môn Toán, sau đến là môn Tiếng Việt. Riêng môn Mĩ thuật con cố gắng lắm chỉ được điểm tám thôi!”. Ba xoa đầu tôi rồi động viên: “Con đạt được như thế là tốt lắm. Với đà này ba tin cuối năm con sẽ là một học sinh xuất sắc. Gắng lên nữa nghe con! Tuần sau, ba sẽ thưởng cho con cái đồng hồ có nhạc báo thức!” Tôi thầm cảm ơn ba rất nhiều. Chính những lời động viên của ba mỗi tuần đã làm cho tôi thêm ý chí và nghị lực phấn đấu trong học tập. Cứ mỗi lần về thăm nhà, ba thường hướng dẫn thêm cho tôi phương pháp giải các bài toán và cách thức viết những câu văn hay, có hình ảnh.

Mẹ bưng ra một đĩa bánh kẹo, quà của ba mang về hồi chiều. Bé Thảo Ngọc thích quá vỗ tay reo: “A, kẹo ngon quá! Mẹ cho con nhiều nghe mẹ!”. Ba tôi cười tủm tỉm rồi nhắc hai đứa chúng tôi: “Ăn kẹo xong, chị em nhớ đánh răng súc miệng kẻo sâu răng đấy!”. Rồi ba quay sang mẹ hỏi han về tình hình công việc nhà trong tuần qua. Mẹ tôi cười nhìn ba tôi đáp: “Hai đứa nó ngoan cả. Tuần này, cơ quan em hơi nhiều việc nên cũng lu bu nhưng anh cứ yên tâm, đâu rồi vào đấy cả!”. Biết mẹ ở nhà vất vả, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan vừa phải lo việc nhà nên mỗi tuần được nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật, ba tôi thường tranh thủ về sớm để giúp đỡ mẹ. Ba quay sang tôi nói nhỏ: “Con ráng đỡ đần thêm công việc giúp mẹ. Mẹ mà ốm ra thì ba con mình vất vả đấy con ạ! Ba trông cậy vào con gái lớn của ba đấy!”. Tôi chạy đến bên mẹ rồi nói như để ba tôi cùng nghe: “Mẹ khỏe lắm. Chẳng có bệnh tật nào làm mẹ ốm đau phải không mẹ? Nhưng ba phải thường xuyên về thăm nhà đấy. Mẹ có trông ba về không mẹ?” Mẹ tôi cười, mắng yêu tôi: “Mẹ chả chông, chỉ có các con thôi!”

Tối thứ bảy tuần nào cũng thế, gia đình tôi luôn có được những giờ phút sum họp thật vui vẻ và đầm ấm. Hai chị em tôi thật sự hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trong vòng tay ấm áp của ba mẹ tôi.

Xem thêm các bài giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Chân trời sáng tạo hay khác: