SBT Ngữ văn 7 Bài tập viết trang 34 - Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài tập viết trang 34 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7.

Giải SBT Ngữ văn 7 Bài tập viết trang 34 - Cánh diều

Câu 1 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Thế nào là phân tích đặc điểm nhân vật? Để làm bài văn phân tích đặc điểm nhân vật, em cần chú ý điều gì?

Trả lời:

- Phân tích đặc điểm nhân vật là:giới thiệu, miêu tả và nêu lên nhân xét về những nét tiêu biểu của một nhân vật trong tác phẩm như: lai lịch, hình dáng, những suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm…

- Khi viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học, cần lưu ý:

+ Lựa chọn nhân vật sẽ phân tích trong tác phẩm văn học.

+ Đọc kĩ tác phẩm viết về nhân vật đó.

+ Ghi chép các chi tiết về nhân vật (lai lịch, hình dáng, những suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm…)

+ Nhận xét, đánh giá về nhân vật.

+ Lập dàn ý và viết bài phân tích đặc điểm nhân vật theo dàn ý đã lập.

Câu 2 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong các văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng và Bạch tuộc, em thích nhân vật nào? Hãy viết đoạn văn nêu lí do vì sao em thích nhân vật ấy.

Trả lời:

Đoạn văn mẫu tham khảo:

Nhân vật gây cho em nhiều ấn tượng nhất trong đoạn trích Bạch tuộc là thuyền trưởng Nemo. Vì thuyền trưởng Nemo là một người đàn ông cao lớn lực lưỡng, tài giỏi. Ông đã tự mình sáng chế và điều khiển cả con tàu khổng lồ, cùng tất cả anh em bạn bè trên thuyền vượt qua bao nguy hiểm khó khăn để khám phá đại dương rộng lớn.

Câu 3 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Viết bài văn phân tích một nhân vật mà em thấy có ấn tượng sâu sắc trong tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc.

Trả lời:

Tham khảo đoạn trích sau:

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT THẠCH SANH

Có thể nói, trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam đã xây dựng nên, Thạch Sanh là con người đẹp nhất, tiêu biểu nhất và hoàn hảo nhất.

Xét về nguồn gốc nhân vật, theo truyện kể, Thạch Sanh vốn là Thái tử con Ngọc Hoàng được đầu thai vào nhà họ Thạch (ở Cao Bằng) để đền ơn đáp nghĩa cho ông bà Thạch Nghĩa ăn ở có đức, có nhân. Nhưng sau khi đầu thai vào nhà họ Thạch, Thạch Sanh đã sinh ra và lớn lên thành một con người ở cõi trần, trong xã hội phong kiến Việt Nam, có cha mẹ, họ tên, quê hương, nghề nghiệp và vị trí trong gia đình, xã hội rất rõ ràng, cụ thể. Điều này làm cho hình tượng nhân vật Thạch Sanh vừa có tính khái quát hóa, vừa giàu tính cụ thể, sống động.

Thạch Sanh mất cha từ khi còn ở trong bụng mẹ, rồi mất luôn cả mẹ, sống mồ côi một thân một mình từ tấm bé. Ngoài đặc điểm cổ tích, nhân vật này còn có cả những tính chất của nhân vật thần thoại và truyền thuyết anh hùng. […]

Chiến công, sự nghiệp to lớn của Thạch Sanh gắn liền với tài năng và phẩm chất khá toàn diện của chàng.

Ngoại hình của Thạch Sanh được phác họa đơn sơ nhưng rõ nét. Đó là một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô, “mặt đỏ mày xanh”, mình trần, đóng khố. Gia tài, vốn liếng của chàng chỉ có hai thứ: “cây rìu” và “gốc đa”.

Tuy rằng nghèo nàn, ít ỏi, nhưng như thế là Thạch Sanh đã có ba điều kiện cơ bản ban đầu – con người với sức khỏe, tài năng, nghị lực; công cụ lao động và mảnh đất quê hương để từ đó mà làm nên tất cả.

Nhờ cây rìu của cha để lại, Thạch Sanh đã chém được đầu Trăn Tinh. Sau khi đốt xác con quái vật, chàng đã có thêm chiếc “cung vàng” kì diệu – chiến lợi phẩm quan trọng đầu tiên của chàng. Nhờ có “cung vàng”, Thạch Sanh đã diệt được Đại Bàng, cứu được nàng công chúa và Thái tử con vua Thủy Tề. Được thêm “cây đàn thần”, Thạch Sanh tiếp tục giải quyết khó khăn và lập nên những kì tích mới. […]

Ở nhân vật Thạch Sanh, cái bình dị gắn với cái phi thường, sức người kết hợp với sức thần một cách chặt chẽ, hài hòa.”

(Theo Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian, NXB Giáo dục, 2002)

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác: