Phân tích một số chi tiết cụ thể (suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men
(Câu hỏi 3, SGK) Phân tích một số chi tiết cụ thể (suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men và thái độ đối với việc học tiếng Pháp) để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật "tôi" trong "buổi học cuối cùng".
Phân tích một số chi tiết cụ thể (suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men
Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích một số chi tiết cụ thể (suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men và thái độ đối với việc học tiếng Pháp) để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật "tôi" trong "buổi học cuối cùng".
Trả lời:
- Ban đầu, chú bé Phrăng rất sợ vì đi học muộn, khi nhìn thấy: “thầy Ha-men đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách. Phải mở cửa đi vào giữa sự lặng ngắt đó, các bạn tưởng tượng xem tôi đỏ mặt tía tai sợ đến chừng nào!”. Sau đó, lại thấy: “Thế mà không. Thầy Ha-men nhìn tôi chẳng giận dữ và bảo tôi thật dịu dàng…”. Tiếp theo là liên tiếp những ngạc nhiên: ngạc nhiên “nhận ra thầy giáo chúng tôi mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt”; “Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, là trông thấy ở phái cuối lớp, trên những hàng ghế thường bỏ trống, …”. Rồi sau đó, chú bé choáng váng sau khi “thầy Ha-men đã bước lên bục, rồi vẫn giọng dịu dàng và trang trọng như lúc tôi mới vào”, thầy thông báo về sự kiện theo lệnh “từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren … Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con”.
- Từ việc hiểu ra cái mệnh lệnh của “Quân khốn nạn … vừa niêm yết ở trụ sở xã.”, chú bé ngồi suy nghĩ và thấy ân hận vì chuyện học tiếng Pháp của mình, tự nhiên chú cảm thấy: “Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ. Cũng giống như thầy Ha-men. Cứ nghĩ thầy sắp ra đi và tôi không còn được gặp thầy nữa, là tôi quên cả những lúc thầy phạt, thầy vụt thước kẻ.”.
- Rồi cứ thế, chú ngồi nghĩ mông lung, cho đến khi thầy Ha-men gọi tên chú đọc bài, nhưng chú đã lúng túng, đọc không to và dõng dạc, “cứ đứng đung đưa người trước chiếc ghế dài, lòng rầu rĩ, không dám ngẩng đầu lên”.
- Cuối cùng, chú như bừng tỉnh sau khi nghe lời thầy Ha-men nói về tiếng Pháp: “đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó”.
- Từ giờ phút ấy, Phrăng như thay đổi hoàn toàn về tinh thần và thái độ học tiếng Pháp: “Rồi thầy cầm một quyển ngữ pháp và đọc bài học cho chúng tôi. Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế. Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng, dễ dàng. Tôi cũng cho là chưa bao giờ mình chăm chú nghe đến thế, và cả thầy giáo nữa, chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng giải đến thế.”.
- Thái độ và tình yêu tiếng Pháp hết mực của chú bé được thể hiện ở các chi tiết trong giờ tập viết, tất cả đều hết sức tập trung, “ngay cả những trò nhỏ nhất cũng vậy, chúng đang cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp”. Và đặc biệt, tình cảm, thái độ yêu tiếng Pháp thể hiện trong suy nghĩ rất ngây thơ mà đáng trân trọng của chú bé khi nghĩ đến tiếng chim bồ câu gù trên mái nhà trường: “… chim bồ câu gù thật khẽ, và tôi vừa nghe vừa tự nhủ: “Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?””. Phrăng sợ rằng khi tất cả phải học và nói bằng tiếng Đức, thì đến tiếng chim gù cũng phải là tiếng Đức.
- Kết thúc phẩn (4), Phrăng nghĩ: “Ôi! Tôi sẽ nhớ mãi buổi học cuối cùng này!”. Đây chính là biểu hiện rõ nhất tâm trạng và tình cảm, thái độ của chú bé đối với tiếng Pháp.