SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 35 Kết nối tri thức


Đọc lại bài thơ trong SGK (tr. 90 - 91) và trả lời các câu hỏi:

Giải SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 35 Kết nối tri thức

Bài tập 1. trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc lại bài thơ Mùa xuân nho nhỏ trong SGK (tr. 90 - 91) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Hoàn cảnh đó góp phần giúp người đọc hiểu hơn bài thơ như thế nào?

Trả lời:

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ra đời vào tháng 11 năm 1980, lúc này, đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới với muôn ngàn khó khăn, thử thách. Với nhà thơ Thanh Hải, đây cũng là một khoảng thời gian rất đặc biệt. Ông bị bệnh nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế và một tháng sau khi sáng tác bài thơ thì ông qua đời. Hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thơ, ta sẽ thấy Mùa xuân nho nhỏ như một lời tâm niệm thiết tha của nhà thơ trước lúc từ giã cõi đời; thể hiện quan niệm sống muốn được cống hiến cho đất nước, góp sức nhỏ của mình vào sự phát triển chung của cả dân tộc.

Câu 2 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong khổ thơ đầu, nhà thơ đã cảm nhận bức tranh mùa xuân bằng những giác quan nào?

Trả lời:

Trong khổ thơ đầu, nhà thơ đã cảm nhận bức tranh mùa xuân bằng nhiều giác quan. Nhà thơ dùng thị giác để cảm nhận màu xanh của dòng sông hoà lẫn màu xanh của bầu trời, màu tím biếc của bông hoa; dùng thính giác để cảm nhận tiếng hót vang trời của con chim chiền chiện;... Nhưng có lẽ, không chỉ lắng nghe bằng thính giác, nhà thơ còn lắng nghe tiếng chim cũng như lắng nghe hơi thở của mùa xuân bằng xúc giác, bằng tất cả sự rung động của một tâm hồn đắm say trước vẻ đẹp thiên nhiên. Tiếng chim hót trở nên hữu hình, thành những giọt long lanh để nhà thơ có thể đưa tay ra mà hứng, mà nâng niu.

Câu 3 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có những hình ảnh mùa xuân nào? Từ việc chỉ ra những hình ảnh đó, em hãy cho biết bố cục của bài thơ được triển khai ra sao.

Trả lời:

Bài thơ bắt đầu bằng việc ngợi ca vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên, sau đó mở rộng cảm nghĩ về mùa xuân đất nước; từ mùa xuân của thiên nhiên đất nước, tác giả lại liên tưởng tới mùa xuân của mỗi cuộc đời, bày tỏ khát vọng được công hiến cho đời, làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn của dân tộc. Bài thơ kết thúc bằng sự trở về với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, đất nước qua điệu ca Huế ca ngợi quê hương.

Câu 4 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em hãy liệt kê những hình ảnh nhà thơ sử dụng để bộc lộ khát vọng được hoà nhập, được cống hiến cho đời.

Trả lời:

Trong bài thơ, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh: con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân nho nhỏ, tuổi hai mươi, tóc bạc để nói lên ước nguyện được hoà nhập, được dâng hiến cho đời.

Câu 5 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chỉ ra các biện pháp tu từ trong hai dòng thơ sau và nêu tác dụng của chúng:

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Trả lời:

- Trong hai dòng thơ: Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước, tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh “đất nước” với “vì sao”. “Vì sao” là hiện thân của vẻ đẹp lung linh, của nguồn sáng vĩnh cửu, sự vĩnh hằng trong vũ trụ. Với việc sử dụng biện pháp tu từ này, tác giả đã ca ngợi đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng. Qua đây, ta thấy niềm tự hào, tin tưởng của tác giả về đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp, khẳng định sự trường tồn của dân tộc.

- Bên cạnh biện pháp tu từ so sánh, nhà thơ còn sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá. Cứ đi lên phía trước là cách nói nhân hoá, khẳng định hành trình đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Biện pháp tu từ nhân hoá cũng đã thể hiện niềm tin sắt đá của tác giả nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung về một tương lai giàu mạnh của đất nước.

Câu 6 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Theo em, từ xôn xao trong dòng thơ: Tất cả như xôn xao có thể thay thế bằng từ lao xao được không? Vì sao?

Trả lời:

Từ lao xao không thể thay thế cho từ xôn xao vì tuy cả hai từ đều là từ láy mô phỏng âm thanh nhưng từ /ao xao chỉ gợi tả được âm thanh của cảnh vật bên ngoài; còn từ xôn xao không chỉ tả cảnh mà còn tả tình, không chỉ tả âm thanh của cảnh mà còn gợi được âm vang bên trong của tâm hồn con người - đó là tâm trạng xôn xao, náo nức khi mùa xuân về.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: