Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1
Câu 6 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(Đây là đoạn trích trong Truyện Kiều, từ dòng 1 519 đến dòng 1 526, thuộc phần “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi bị lừa mua đến lầu xanh của Tú Bà, buộc phải tiếp khách làng chơi, Kiều được Thúc Sinh, một nhà buôn giàu có, là con rể của quan Lại bộ Thượng thư, chuộc ra khỏi lầu xanh và cưới làm vợ. Kiều đã khuyên Thúc Sinh về gặp vợ cả là Hoạn Thư để trình bày mọi việc. Đoạn này tả cảnh Thuý Kiều tiễn đưa Thúc Sinh về gặp Hoạn Thư.)
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
(Theo Truyện Kiều, trong Từ điển “Truyện Kiều”,
Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974)
a) Đoạn trích trên thể hiện nội dung gì?
b) Nhân vật ở đây gồm những ai? Lời trong đoạn trích là lời của ai?
c) Xác định chủ đề của đoạn trích.
d) Phân tích nghệ thuật đối được Nguyễn Du sử dụng trong đoạn trích trên.
e) Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?
Trả lời:
a) Nội dung đoạn trích: kể việc Thuý Kiều chia tay Thúc Sinh đầy lưu luyến, nhớ nhung và lo lắng.
b)
- Nhân vật trong đoạn trích gồm Thuý Kiều và chồng nàng là Thúc Sinh.
- Lời trong đoạn trích là lời của người kể chuyện. Tuy nhiên, trong đó có câu như “Vầng trăng ai xẻ làm đôi, / Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” thì nội dung thể hiện và ngữ điệu lại là lời của nhân vật. Thực chất, đây là lời người kể chuyện thể hiện thay nhân vật (được gọi là lời nửa trực tiếp, nửa như của người kể chuyện, nửa như của chính nhân vật).
c) Chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích ca ngợi tình cảm yêu thương, quyến luyến, nhớ nhung giữa Thuý Kiều và Thúc Sinh khi nàng từ biệt chồng, tiễn chàng trở về quê ở Vô Tích.
d) Nghệ thuật đối của Nguyễn Du trong đoạn trích.
- Thực hiện tiểu đối trong một dòng:
+ Dòng lục “Người lên ngựa, / kẻ chia bào” diễn tả hình ảnh trái ngược giữa hai người: kẻ chần chừ lên ngựa ra đi, kẻ ở lại không nỡ buông vạt áo người li biệt.
+ Dòng bát “Nửa in gối chiếc, / nửa soi dặm trường” diễn tả tâm trạng người ở lại buồn bã, nhìn vầng trăng như bị xẻ làm đôi trong nỗi nhớ và luôn dõi theo người ra đi.
- Thực hiện đối giữa hai dòng thơ, diễn tả cảnh vật nhưng thực ra là thể hiện tâm trạng của hai người yêu nhau, gắn bó không rời:
Người về / chiếc bóng / năm canh,
Kẻ đi / muôn dặm / một mình xa xôi.
Đối lập xa cách về không gian nhưng lại thống nhất ở tình cảm: yêu thương và nhớ nhung da diết. Việc thực hiện các phép đối với những hình ảnh đối nghịch đã diễn tả một cách sâu sắc cuộc chia li của những con người yêu thương, gắn bó với nhau. Ở đây, cuộc chia li không chỉ được diễn tả về mặt cảnh vật, không gian, hành động của các nhân vật, mà chủ yếu được khắc hoạ về mặt nội tâm nhân vật, đặc biệt là nhân vật Thuý Kiều.
e) Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình thể hiện trong đoạn trích:
– Đoạn trích miêu tả cảnh chia li nhưng thực chất là tình chia li. Có được điều đó là nhờ bút pháp tả cảnh ngụ tình được thực hiện ở trình độ bậc thầy của Nguyễn Du.
– Trong đoạn trích, người đọc không chỉ thấy cảnh mà còn thấy cả tâm trạng, tình cảm của những người trong cuộc được thể hiện trong đó. Quang cảnh trong giờ phút phân li đã nhuốm nỗi buồn chia cắt của Thuý Kiều và Thúc Sinh. Màu vàng của lá phong mùa thu do nhuốm nỗi buồn chia li mà thành màu “quan san”. Rõ ràng ở đây, việc tả cảnh không chỉ mang màu sắc “khách quan” mà đã nhuốm “màu” tâm trạng của con người.
– Giữa cảnh vật thiên nhiên được miêu tả và tâm trạng con người tưởng như có sự tương phản đối lập nhưng thực ra là có sự liên thông như Nguyễn Du đã viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”. Lòng người buồn thì cảnh vật không thể tươi vui được. Hình ảnh thiên nhiên, cảnh vật được miêu tả trong đoạn thơ đều mang đượm vẻ buồn của cuộc chia li: rừng phong đỏ màu quan san, bụi hồng chinh an, ngàn dâu và đặc biệt là vầng trăng xẻ đôi,... tạo nên cảm giác xa cách, cô đơn rợn ngợp. Thời gian chuyển từ đêm sang ngày, không gian cũng chuyển từ sự rợn ngợp của màu sắc đổi thay sang sự cô quạnh ở chốn phòng the khi một mình đối diện với sự nhớ nhung, lo lắng xen lẫn lo sợ sau bao tai ương đã đến trong cuộc đời Kiều. Ngoài nỗi buồn xa cách, rõ ràng ở đây còn xen cả nỗi lo sợ không biết điều bất hạnh nào sẽ còn tiếp diễn trong cuộc đời nhiều gian truân của Kiều. Vầng trăng ở đây đã được nội tâm hoá, trở thành vầng trăng của hai người thương nhớ nhau Bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong những vẫn thơ này đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình và khắc hoạ nội tâm con người.
Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Cảnh ngày xuân hay khác:
- Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Lễ hội trong tiết Thanh minh được miêu tả qua những hình ảnh nào trong tám dòng thơ tiếp theo (từ dòng 5 đến dòng 12)?
- Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Hãy so sánh bức tranh thiên nhiên ở bốn dòng thơ đầu và sáu dòng thơ cuối, phân tích để thấy được mối quan hệ giữa cảnh vật và tâm trạng của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích.
- Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Nội dung chính của đoạn trích Cảnh ngày xuân là gì?
- Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: (Câu hỏi 5, SGK) Khái quát những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và lễ hội ngày xuân của Nguyễn Du trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (sử dụng ngôn từ, xây dựng hình ảnh; những biện pháp nghệ thuật chủ yếu; thể thơ lục bát;...).
- Câu 5 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Dựa vào nội dung đoạn trích, hãy viết đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) miêu tả cảnh ngày xuân trong Truyện Kiều.