SBT Ngữ văn 9 Bài 5 Đọc trang 79, 80 - Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 5 Đọc trang 79, 80 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Văn 9.

Giải SBT Ngữ văn 9 Bài 5 Đọc trang 79, 80 - Chân trời sáng tạo

Câu 1 trang 79 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Thể loại nào sau đây không phải của văn học dân gian Việt Nam?

a. Truyện cười

b. Truyện ngắn

c. Truyện ngụ ngôn

d. Truyện cổ tích

Trả lời:

Đáp án đúng là b. Truyện ngắn.

Câu 2 trang 79 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Văn học viết Việt Nam gồm những bộ phận nào? Kể tên ít nhất hai tác phẩm tiêu biểu của mỗi bộ phận.

Trả lời:

Văn học viết Việt Nam gồm ba bộ phận là văn học chữ Hán (Nam quốc sơn hà, Truyền kì mạn lục,...), văn học chữ Nôm (Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên,...) và văn học chữ Quốc ngữ (Gió lạnh đầu mùa, Những cánh buồm,...).

Câu 3 trang 79 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Sử dụng bảng sau, trình bày những hiểu biết của em về truyện thơ Nôm:

Truyện thơ Nôm

Hiểu biết của em

Thể thơ

Cốt truyện

Nhân vật

Lời thoại

Trả lời:

Truyện thơ Nôm

Hiểu biết của em

Thể thơ

Chủ yếu được viết theo thể lục bát.

Cốt truyện

Thường theo một trong hai mô hình:

Gặp gỡ (hội ngộ) – Tai biến (lưu lạc) – Đoàn tụ (đoàn viên).

– Nhân – Quả (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác).

Nhân vật

Thường chia làm hai tuyến: nhân vật chính diện (đại diện cho cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ) – nhân vật phản diện (đại diện cho cái ác, cái xấu, cái bảo thủ).

Lời thoại

Là lời của nhân vật, gồm đối thoại và độc thoại.

Câu 4 trang 79 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Dựa vào phần tóm tắt tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên và Truyện Kiều trong sách giáo khoa, cho biết các sự kiện trong văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga và Thuý Kiều báo ân, báo oán thuộc phần nào trong cốt truyện thơ Nôm: Gặp gỡ (hội ngộ) – Tai biến (lưu lạc) – Đoàn tụ (đoàn viên).

Trả lời:

Dựa vào phần tóm tắt tác phẩm Truyện Lục Vân TiênTruyện Kiều trong sách giáo khoa, có thể thấy sự kiện trong văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thuộc phần Gặp gỡ (hội ngộ) và sự kiện trong văn bản Thuý Kiều báo ân, báo oán thuộc phần Tai biến (lưu lạc).

Câu 5 trang 80 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1:

Anh hùng tiếng đã gợi rằng,

Giữa đường gặp chuyện bất binh chẳng tha!”

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì?

Trả lời:

Đoạn thơ ca ngợi Từ Hải là một anh hùng giàu nghĩa khí qua đó nêu bật và khẳng định cảm hứng nhân văn của tác phẩm. Từ ý nghĩa ấy, học sinh có thể liên hệ đến thực tế cuộc sống và trình bày suy nghĩ của các em trước hình ảnh những con người khi “thấy chuyện bất bình” thì quyết không tha.

Câu 6 trang 80 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

KIỂU MẮC LỬA HỒ TÔN HIẾN

(Trích Truyện Kiều)

Nguyễn Du

Có quan tổng đốc trọng thần,

Là Hồ Tôn Hiến, kinh luân gồm tài

Đẩy xe vâng chỉ đặc sai

Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài đổng nhung

2455. Biết Từ là đấng anh hùng,

Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

Đóng quân, làm chước chiêu an,

Ngọc vàng gấm vóc, sai quan thuyết hàng.

Lại riêng một lễ với nàng,

2460. Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cán.

Tin vào gửi trước trung quân,

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.

Một tay gây dựng cơ đồ,

Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành!

2465. Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

2470. Sao bằng riêng một biên thuỳ,

Sức này đã dễ làm gì được nhau?

Chọc trời, khuấy nước, mặc dầu,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Nàng thời thật dạ tin người,

Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.

2475. Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân.

Bằng nay chịu tiếng vương thần,

Thênh thênh đường cái, thanh vân hẹp gì!

2480. Công tư vẹn cả hai bề,

Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

Nở nang mày mặt, rõ ràng mẹ cha.

Trên vì nước, dưới vì nhà,

Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.

2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,

E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.

Nhân khi bàn bạc gần xa,

Thừa cơ, nàng mới bàn ra nói vào.

Rằng: “Trong Thánh trạch dồi dào,

2490. Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.

Bình thành công đức bấy lâu,

Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao!

Ngẫm từ gây việc binh đao,

Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

2495. Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Sao bằng lộc trọng, quyền cao,

Công danh ai dứt lối nào cho qua?”

Nghe lời nàng nói mặn mà,

2500. Thế công Từ mới trở ra thế hàng.

Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,

Hẹn kì thúc giáp, quyết đường giải binh.

Tin lời thành hạ yêu minh,

Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.

2505. Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,

Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.

Hồ công quyết kế thừa cơ,

Lễ tiên, binh hậu, khắc cờ tập công”.

Kéo cờ chiêu phủ tiên phong,

2510. Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau.

Từ công hờ hững biết đâu?

Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên.

Hồ công ám hiệu trận tiền,

Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ.

2515. Đương khi bất ý chẳng ngờ,

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!

Tử sinh, liều giữ trận tiền,

Dạn dày cho biết gan liền tướng quân!

Khí thiêng khi đã về thần,

2520. Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!

Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.

Quan quân truy sát đuổi dài,

Ầm ầm sát khí, ngất trời ai đang!

2525. Trong hào ngoài luỹ tan hoang,

Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.

Trong vòng tên đá bời bời,

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ,

Khóc rằng: “Trí dũng có thừa,

2530. Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!

Mặt nào trông thấy nhau đây?

Thà liều sống thác một ngày với nhau!”

Dòng thư như xối cơn sầu,

Dứt lời, nàng cũng gieo đầu một bên.

2535. Lạ thay oan khí tương triền!

Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra!

(In trong Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê giới thiệu và chú thích, in lần thứ 4 có bổ sung, NXB Giáo dục, 1984)

a. Nêu nội dung bao quát và xác định bố cục của văn bản.

b. Liệt kê những chi tiết miêu tả suy nghĩ, lời nói, hành động của Thuý Kiều trong văn bản. Những chi tiết ấy cho em biết Thuý Kiều là người như thế nào?

c. Phân tích đặc điểm của nhân vật Từ Hải và Hồ Tôn Hiến thể hiện trong văn bản trên. Em có nhận xét gì về cách tác giả xây dựng hai nhân vật này?

d. Xác định chủ đề của văn bản và phân tích các căn cứ giúp em xác định được chủ đề ấy.

đ. Tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua văn bản? Theo em, thông điệp ấy có còn ý nghĩa trong thời đại ngày nay không? Vì sao?

Trả lời:

a.

– Nội dung bao quát: Dựa vào văn bản, học sinh tự làm.

– Bố cục của văn bản: Gồm hai phần. Phần 1 là từ đầu đến câu “Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư”: Thuý Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Từ Hải đầu hàng. Phần hai là phần còn lại: Từ Hải bị phục binh, chết đứng giữa trận tiền.

b.

– Những chi tiết miêu tả hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ của Thuý Kiều.

+ Suy nghĩ của Thuý Kiều: nếu hàng triều đình thì vừa vì nước, vì nhà vừa trung vừa hiếu và có cơ hội làm mẹ cha rõ ràng:

“Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

Nở nang mày mặt, rõ ràng mẹ cha.

Trên vì nước, dưới vì nhà,

Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.

Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,

E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa”.

+ Lời nói khéo léo, thuyết phục được Từ Hải:

“Ngẫm từ gây việc binh đao,

Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Sao bằng lộc trọng, quyền cao,

Công danh ai dứt lối nào cho qua?”

+ Hành động khóc và nhận lỗi, “liều sống thác một ngày”, gieo đầu bên xác Từ Hải.

– Những chi tiết ấy cho thấy Thuý Kiều là người tốt, rất muốn vừa “đắc trung”, vừa “đắc hiếu”, không muốn gây việc binh đao khiến nhiều người phải chết oan. Nàng cũng là người thông minh, khéo léo nên đã dùng lí lẽ thuyết phục được Từ Hải. Tuy nhiên, nàng cũng là phụ nữ “thật dạ tin người” nên đã mắc mưu của Hồ Tôn Hiến. Khi nhận thấy vì nghe lời mình mà chồng phải chết đứng, nàng đã toan tự vẫn. Điều này cho thấy nàng chung tình với chồng và không phải là người ham sống sợ chết.

c.

– Nhân vật Từ Hải: Qua cách hành động, suy nghĩ của nhân vật thể hiện trong đoạn trích có thể thấy Từ Hải là đấng anh hùng đã từng tung hoành ngang dọc, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Đến khi biết mình mắc mưu Hồ Tôn Hiến, chàng đã xông pha giữa trận tiền giữ vững bản lĩnh của một vị tướng quân. Ngay cả cái chết của vị tướng quân này cũng được tác giả miêu tả một cách rất đặc sắc:

“Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!

Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”.

– Nhân vật Hồ Tôn Hiến:

Trái với Từ Hải, Hồ Tôn Hiến hiện lên qua văn bản trên là một con người mưu mô, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Hắn biết Thuý Kiều vốn là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin nên đã dùng lễ riêng để nói ngọt cho nàng tin lời chiêu hàng. Nhưng rồi hắn đã trở mặt “Lễ tiên, binh hậu, khắc cờ tập công”, “Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau để tiêu diệt Từ Hải và quân lính của chàng.

– Nhận xét: Nguyễn Du đã rất hiểu nhân vật của mình và đã khéo léo lựa chọn các chi tiết tiêu biểu để xây dựng thành công các nhân vật ấy. Đoạn trích ngắn trên cũng đã giúp chúng ta thấy rõ được tài năng này của nhà thơ.

d.

– Chủ đề của văn bản: Thuý Kiều cả tin nên đã mắc lừa Hồ Tôn Hiến.

– Các căn cứ giúp xác định được chủ đề: Thông qua hình tượng nhân vật chính (Thuý Kiều) và một số từ ngữ, chi tiết quan trọng (từ ngữ: “thật dạ tin người”,...; chi tiết suy nghĩ của Kiều và lời nàng thuyết phục Từ Hải, chi tiết Hồ Tôn Hiến phục binh khiến Từ Hải sa cơ chết đứng giữa trận tiền, chi tiết Kiều khóc và phục xuống bên cạnh Từ Hải và chàng “ngã ra”,...).

đ.

Thông điệp: Hãy giữ gìn những gì tốt đẹp mà mình đã có, cần cẩn trọng, tránh mắc lừa và rơi vào cạm bẫy của kẻ thù.

Thông điệp này vẫn còn giá trị đến ngày nay. Học sinh có thể phân tích các góc độ ý nghĩa khác nhau của thông điệp này, miễn là giải thích phù hợp, lập luận hợp lí.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 5: Khát vọng công lí hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: