SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 2 trang 13 - Kết nối tri thức


Đọc bài thơ Cây phong ba đảo Nam Yết của Trần Đăng Khoa và trả lời các câu hỏi:

Giải SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 2 trang 13 - Kết nối tri thức

Bài tập 2 trang 13 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Đọc bài thơ Cây phong ba đảo Nam Yết của Trần Đăng Khoa và trả lời các câu hỏi:

Không phải lúc nào cũng bão

Bão tan. Trời lại biếc xanh

Chỉ thương bóng cây son trẻ

Vẫn mang bão táp trong mình

Thân cây sao mà mềm mại

Lá cây sao vẫn mượt mà

Mỗi năm hàng trăm trận bão

Trên mình cây,

                         đã đi qua...

Chiều nay tôi đứng trước cây

Lòng nghĩ về người chiến sĩ

Dáng cây sao mà dẻo dai

Vóc người sao mà bền bỉ

Tôi ngước nhìn lên ngọn cây

Lại thấy chòi quan sát đảo

Bóng chàng lính trẻ hiên ngang

In lên màu mây mang bão...

(Nhiều tác giả, Tinh hoa thơ Việt, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007, tr. 408 – 409)

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Cho biết đặc điểm của thể thơ đó được thể hiện qua bài thơ.

Trả lời:

- Bài thơ được viết theo thể thơ sáu chữ.

- Đặc điểm của thể thơ sáu chữ thể hiện trong bài:

+ Mỗi dòng thơ có 6 chữ (tiếng).

+ Bài thơ sử dụng vần chân, vần cách: xanh – mình, mà – qua, sĩ – bỉ, đảo – bão.

+ Nhịp thơ linh hoạt (4/2, 2/4, 3/3), phù hợp với nội dung, cảm xúc. Ví dụ:

Không phải lúc nào/ cũng bão

Bão tan./ Trời lại biếc xanh

Chỉ thương/ bóng cây son trẻ

Vẫn mang/ bão táp trong mình

Thân cây/ sao mà mềm mại

Lá cây/ sao vẫn mượt mà

Mỗi năm/ hàng trăm trận bão

Trên mình cây,/ đã đi qua...

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Xác định mạch cảm xúc của bài thơ.

Trả lời:

Mạch cảm xúc của bài thơ là:

- Xuyên suốt bài thơ là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của nhà thơ dành cho mỗi nhành cây, ngọn cỏ, con người trên biển đảo quê hương.

- Hai khổ thơ đầu: Tình cảm thương mến của nhà thơ dành cho cây phong ba trên đảo Nam Yết.

- Hai khổ thơ cuối: Lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của nhà thơ đối với người chiến sĩ trên đảo Nam Yết.

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Hình ảnh cây phong ba trên đảo Nam Yết được khắc hoạ như thế nào trong hai khổ thơ đầu? Tình cảm của tác giả đối với cây ra sao?

Trả lời:

– Hình ảnh cây phong ba được nhà thơ khắc hoạ trong hai khổ thơ đầu:

+ Hình ảnh cây phong ba được khắc hoạ trong điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, thất thường trên đảo Nam Yết. Do đặc điểm thời tiết, trên mình cây mang dấu vết của hàng trăm trận bão – vì thế, cây được các chiến sĩ trên đảo đặt tên là phong ba (phong là gió, ba là sóng). Tuy nhiên, cây vẫn hiện lên với những nét đẹp: bóng cây son trẻ, thân cây mềm mại, lá cây mượt mà, dáng cây dẻo dai.

+ Để khắc hoạ hình ảnh cây phong ba, nhà thơ sử dụng các từ láy mềm mại, mượt mà làm nổi bật vẻ đẹp uyển chuyển với những đường nét cong tự nhiên của thân cây và những lá cây bóng láng, xanh dịu như nhung, đối lập với khí hậu khắc nghiệt trên đảo Nam Yết. Điệp ngữ (sao mà, sao vẫn) thể hiện thái độ ngưỡng mộ của nhà thơ trước vẻ đẹp của cây. Cách ngắt nhịp đặc biệt 3/3 ở câu thơ cuối khổ 2 nhấn mạnh những “bão táp” mà cây phải hứng chịu. Từ đó, nhà thơ làm nổi bật sức sống dẻo dai, bền bỉ của cây phong ba.

– Qua các từ ngữ chỉ thương, sao mà, sao vẫn và cách miêu tả hình ảnh cây, nhà thơ bộc lộ tình cảm thương mến, trân trọng, thán phục sức sống mãnh liệt của những cây phong ba trên đảo.

Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Trong hai khổ thơ cuối, nhà thơ bộc lộ những suy nghĩ và tình cảm gì đối với người chiến sĩ trên đảo Nam Yết?

Trả lời:

– Các câu thơ miêu tả hình ảnh người chiến sĩ hải quân trong hai khổ thơ cuối:

+ Vóc người sao mà bền bỉ

+ Bóng chàng lính trẻ hiên ngang

    In lên màu mây mang bão...

– Từ hình ảnh cây phong ba, nhà thơ liên tưởng tới sự bền bỉ, kiên cường của những người chiến sĩ. Họ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những gian lao, nguy hiểm để vững vàng tay súng bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh các anh hiện lên trên bầu trời vần vũ với màu mây mang bão thật hiên ngang, kiêu hãnh.

– Nhà thơ thể hiện lòng biết ơn đối với những cống hiến, hi sinh của người chiến sĩ; ngưỡng mộ, cảm phục trước tinh thần dũng cảm, bền bỉ vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, cao cả.

Câu 5 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Trả lời:

– Chủ đề của bài thơ: tình yêu đối với từng nhành cây, ngọn cỏ và những con người đang bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; cũng là tình yêu tha thiết đối với non sông, đất nước.

– Cảm hứng chủ đạo: ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ hải quân trên đảo Nam Yết nói riêng và những người lính đang chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc trên mọi miền đất nước nói chung.

Câu 6 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Từ bão trong các câu thơ “Không phải lúc nào cũng bão/ Bão tan. Trời lại biếc xanh” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Tìm một số ví dụ có từ bão được dùng theo nghĩa khác.

Trả lời:

- Từ bão trong các câu thơ “Không phải lúc nào cũng bão/ Bão tan. Trời lại biếc xanh” được dùng theo nghĩa gốc.

- Một số ví dụ có từ bão được dùng theo nghĩa khác

+ Trong thời kì bão giá, chúng ta nên chi tiêu tiết kiệm.

+ Mẹ sắp về rồi. Dọn dẹp nhà cửa đi, kẻo bão tràn về bây giờ.

+ Cuốn sách “Lặng nhìn cuộc sống” của tác giả Trần Huy Hoàng giúp tâm hồn tìm lại sự yên tĩnh sau bão dông.

+ Và cơn bão lòng ta thổi mãi (Tế Hanh, Bão)

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 7: Hồn thơ muôn điệu hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: