SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 4 trang 15 - Kết nối tri thức


Đọc bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư và trả lời các câu hỏi:

Giải SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 4 trang 15 - Kết nối tri thức

Bài tập 4 trang 15 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Đọc bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư và trả lời các câu hỏi:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác gà trưa gáy não nùng;

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,

Lúc người còn sống, tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng me tôi chửa xoá mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

(Thi ca Việt Nam chọn lọc, Thơ Lưu Trọng Lư, NXB Đồng Nai, Đồng Nai, 2005, tr. 46)

Câu 1 trang 16 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Xác định số chữ (tiếng) trong mỗi dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.

Trả lời:

– Mỗi dòng thơ gồm 7 chữ (tiếng).

– Bài thơ gieo vần chân (vẫn hỗn hợp).

– Bài thơ chủ yếu ngắt nhịp 4/3.

Câu 2 trang 16 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Khổ thơ đầu thể hiện tâm trạng gì của nhân vật “tôi”?. Tâm trạng ấy được khơi nguồn từ đâu?

Trả lời:

– Trong khổ thơ đầu, tâm trạng của nhân vật “tôi” được diễn tả qua các từ ngữ như: lòng rượi buồn, chập chờn sống lại. Các từ ngữ ấy gợi cảm giác buồn thương, nhớ nhung da diết.

– Tâm trạng ấy được gợi lên từ thời gian, không gian thân quen ngày mẹ còn sống. Đó là vào thời điểm đầu hè, ánh nắng mới tinh khôi, dịu nhẹ bắt đầu bừng lên hắt vào song cửa, sưởi ấm cho ngôi nhà, mang đến cho tâm hồn con người niềm vui. Trong sân, tiếng gà xao xác, não nùng làm xao động không gian trưa hè, đồng thời gợi cảm giác buồn se sắt.

Câu 3 trang 16 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Ở hai khổ thơ cuối, trong mường tượng của nhân vật “tôi”, hình ảnh người mẹ hiện lên với đặc điểm gì? Tình cảm của người con dành cho mẹ như thế nào?

Trả lời:

- Ở hai khổ thơ cuối, trong mường tượng của nhân vật “tôi”, hình ảnh người mẹ hiện lên với đặc điểm sau:

+ Mẹ hiện lên rất đẹp – một vẻ đẹp dịu dàng, e ấp của người phụ nữ xưa, hiền thục, vui tươi với nụ cười rạng rỡ: Nét cười đen nhánh sau tay áo.

+ Mẹ yêu thương, chăm chút cho gia đình, cho các con: “Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội”, mẹ lại mang áo ra phơi trước giậu.

- Tình cảm của người con dành cho mẹ là:

+ Hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương của mẹ: “Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội” – câu thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá, vừa gợi lên hình ảnh ánh nắng lấp lánh, ấm áp vừa gợi lên cuộc sống vui tươi của “tôi” khi mẹ còn sống. Khi còn được ở bên mẹ, thế giới của “tôi” tràn ngập niềm vui bởi nụ cười của mẹ và màu áo đỏ mẹ phơi.

+ Buồn vì mẹ không còn ở bên: Hình ảnh “nắng mới hắt bên song” miêu tả một luồng ánh sáng rọi vào nhà nhưng không đủ sức xua đi bóng tối, cái lạnh, cái hiu hắt của không gian, cũng là của lòng người. Cụm từ mỗi lần diễn tả sự lặp lại đều đặn của hình ảnh, tâm trạng buồn bã khi thiếu vắng mẹ. Các từ láy xao xác, não nùng gợi lên âm thanh tiếng gà làm xao động không gian vắng lặng, gợi cảm giác buồn tê tái.

+ “Tôi” luôn nhớ về mẹ: “Hình dáng me tôi chửa xoá mờ/ Hãy còn mường tượng lúc vào ra”. Hai câu thơ diễn tả nỗi nhớ thương mẹ sâu sắc của người con. Mẹ không còn nhưng hình bóng mẹ vẫn hiện diện đâu đây trong căn nhà. “Tôi” luôn lưu giữ trong tim những hình ảnh, những kí ức đẹp đẽ nhất về mẹ: “Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa..

Câu 4 trang 16 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Nêu cảm hứng chủ đạo, chủ đề và căn cứ xác định chủ đề của bài thơ.

Trả lời:

– Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: tình yêu thương, nỗi nhớ người mẹ đã khuất.  

– Chủ đề của bài thơ: tình cảm của người con đối với người mẹ đã khuất, qua đó gửi gắm thông điệp: hãy dành tình cảm, sự chăm sóc cho những người thân yêu khi còn có thể.

Căn cứ xác định chủ đề: nhan đề, mạch cảm xúc, từ ngữ (lòng rượi buồn, nhớ,...), hình ảnh (nắng mới hắt bên song, nắng mới reo ngoài nội, áo đỏ [..] trước giậu phơi, nét cười đen nhánh sau tay áo,...).

Câu 5 trang 16 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Tìm một số ví dụ sử dụng từ chập chờn có nghĩa giống với nghĩa của từ này trong câu thơ “Chập chờn sống lại những ngày không”.

Trả lời:

Một số ví dụ sử dụng từ chập chờn có nghĩa giống với nghĩa của từ này trong câu thơ “Chập chờn sống lại những ngày không” là:

– Điện hôm nay chập chờn quá.

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê

Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.

      (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 7: Hồn thơ muôn điệu hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: