Giải Sinh học 12 trang 66 Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải bài tập Sinh học 12 trang 66 trong Kết nối tri thức Sinh 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Sinh 12 trang 66.
Giải Sinh học 12 trang 66 Kết nối tri thức
Câu hỏi 1 trang 66 Sinh học 12: Phân tích tác hại của các dạng đột biến NST đối với thể đột biến.
Lời giải:
- Tác hại của đột biến cấu trúc NST đối với thể đột biến:
+ Các loại đột biến mất đoạn NST làm mất gene nên hầu hết là có hại.
+ Đột biến lặp đoạn NST, thêm số lượng bản sao của gene làm mất cân bằng gene nên có thể gây hại.
+ Các loại đột biến đảo đoạn và chuyển đoạn, nếu không làm hỏng các gene ở những điểm đứt gãy thì thường ít hoặc không gây hại. Tuy vậy, những đột biến này làm thay đổi vị trí của gene trên NST nên có thể làm thay đổi sự biểu hiện của gene biểu hiện thành kiểu hình có hại. Các cá thể chuyển đoạn dị hợp (có một NST bình thường và một NST tương đồng có đoạn bị chuyển) và cá thể đảo đoạn dị hợp (một NST bình thường, một NST tương đồng có đoạn bị đảo) thường bị giảm 50% khả năng sinh sản.
- Tác hại của đột biến số lượng NST đối với thể đột biến:
+ Các loại đột biến dị bội làm mất cân bằng gene nên thường gây hại và thậm chí gây chết.
+ Các thể đột biến đa bội lẻ như 3n ở thực vật và ở một số loài động vật bậc thấp thường gây bất thụ. Các loại đột biến đa bội chẵn như 4n ít gây hại hơn so với các loại đột biến đa bội lẻ vì thường không làm mất cân bằng gene.
Câu hỏi 2 trang 66 Sinh học 12: Sưu tầm thêm tư liệu về vai trò của đột biến NST trong tiến hoá, chọn giống và nghiên cứu di truyền.
Lời giải:
Một số tư liệu thêm về vai trò của đột biến NST trong tiến hoá, chọn giống và nghiên cứu di truyền:
- Đối với tiến hóa: Đột biến nhiễm sắc thể có thể tạo ra vật chất di truyền bổ sung và tăng kích thước hệ gene, dẫn đến sự sắp xếp lại các gene trên nhiễm sắc thể, góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu cho quá trình tiến hóa của các loài sinh vật; đặc biệt đột biến đa bội là con đường hình thành loài mới một cách nhanh chóng. Ví dụ: Quá trình đảo đoạn nhiều lần trên các nhiễm sắc thể ở nhiều loài muỗi góp phần hình thành loài mới; ở người, các gene mã hoá cho chuỗi α-globin (trên nhiễm sắc thể số 16) và β-globin (trên nhiễm sắc thể số 11) được hình thành từ một gene ban đầu do sự phát sinh và tích luỹ các đột biến lặp đoạn; loài lúa mì (Triticum aestivum) có bộ nhiễm sắc thể 6n = 42 được hình thành bằng con đường lai xa và đa bội hoá; loài thằn lằn (Cnemidophorus sonorae) tam bội (3n = 69) chỉ toàn giới cái, chúng sinh sản bằng hình thức trinh sinh tạo ra quần thể có kiểu gene giống nhau.
- Đối với chọn giống: Người ta có thể sử dụng đột biến nhiễm sắc thể để tạo các giống cây trồng mang các đặc điểm mong muốn, có giá trị kinh tế cao. Ví dụ: Sử dụng đột biến mất đoạn để loại bỏ các gene quy định các tính trạng bất lợi ở một số giống cây trồng; tạo thành công giống bông (Gossypium sp.) tứ bội 4n = 52 có năng suất cao; gây đột biến đa bội lẻ để tạo các giống cây ăn quả không hạt (nho, chuối, dưa hấu,...).
- Đối với nghiên cứu di truyền: Thông qua quan sát những bất thường về cấu trúc và số lượng của nhiễm sắc thể, có thể phát hiện và dự đoán khả năng xuất hiện, đề xuất các biện pháp phòng chống bệnh, tật ở người; so sánh sự thay đổi trong cấu trúc nhiễm sắc thể và số lượng gene để nghiên cứu sự tiến hóa của hệ gene và xác định mối quan hệ họ hàng giữa các loài; giải thích được cơ chế điều hòa biểu hiện gene trên nhiễm sắc thể;... Ví dụ: Sử dụng đột biến mất đoạn nhiễm sắc thể để lập bản đồ di truyền; dựa vào lặp đoạn nhiễm sắc thể, người ta có thể giải thích sự xuất hiện của nhiều gene có chức năng tương tự (họ đa gene) hoặc các gene có chức năng khác nhau từ một gene ban đầu (gene mã hoá α-lactalbumin có vai trò trong sản xuất sữa ở động vật có vú và gene mã hoá enzyme lysozyme ở động vật được phân hóa từ một gene ban đầu); nghiên cứu các dạng lệch bội nhiễm sắc thể giới tính X, các nhà khoa học đã xác định được cơ chế phát sinh thể Barr (vật thể giới tính ở tế bào soma của người và động vật có vú) là do sự bất hoạt nhiễm sắc thể X ở cá thể có từ hai nhiễm sắc thể X trở lên. Việc tìm ra thể Barr có ý nghĩa trong việc xác định giới tính, chẩn đoán y học nhằm xác định sớm các dạng đột biến lệch bội ở cặp nhiễm sắc thể giới tính ở người.
Câu hỏi 1 trang 66 Sinh học 12: Cơ chế nào hình thành người có kiểu NST giới tính là XYY?
Lời giải:
Cơ chế hình thành người có kiểu NST giới tính là XYY:
- Quá trình giảm phân của người bố bị rối loạn, cặp NST giới tính XY không phân li trong giảm phân II tạo ra giao tử mang 2 nhiễm sắc thể Y (YY). Quá trình giảm phân của người mẹ bình thường, tạo ra giao tử mang X.
- Khi thụ tinh, giao tử mang YY của bố kết hợp với giao tử mang X của mẹ tạo thành hợp tử mang NST giới tính XYY, phát triển thành thể dị bội XYY.
Câu hỏi 2 trang 66 Sinh học 12: Hãy sưu tập thêm một số ví dụ về đột biến cấu trúc NST gây bệnh ở người.
Lời giải:
Một số ví dụ khác về đột biến cấu trúc NST gây bệnh ở người:
- Mất đoạn cánh dài nhiễm sắc thể số 11 gây hội chứng Jacobsen với các hậu quả như đầu to và trán nhọn, tai nhỏ, sống mũi thấp bè, mắt mở rộng và mí hơi sụp, chân tay yếu, tăng động giảm chú ý, khả năng học hỏi tư duy kém, khó khăn trong giao tiếp,…
- Hội chứng Wolf-Hirschhorn (hội chứng 4p) gây ra bởi mất đoạn ở gần cuối của cánh ngắn trên NST số 4 với các hậu quả như động kinh, tăng trưởng kém, thiểu năng trí tuệ, dị tật tâm bẩm sinh,…
- Hội chứng DiGeorge gây ra bởi mất đoạn 22q11.2 với các hậu quả như khuyết tật tim, chức năng hệ thống miễn dịch kém, hở hàm ếch, các biến chứng liên quan đến nồng độ calcium trong máu thấp và chậm phát triển với các vấn đề về hành vi và cảm xúc.
- Hội chứng Prader-Willi gây ra bởi mất đoạn 15q11-q13 với các hậu quả như kém phát triển giới tính, thể chất tăng trưởng kém, khuyết tật về trí tuệ, khả năng ngôn ngữ kém phát triển, rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ,…
- Đảo đoạn chứa tâm động của nhiễm sắc thể số 1 gây vô sinh ở nam giới.
- Lặp đoạn 21 trên cánh của nhiễm sắc thể số 4 làm tăng số lượng gene SNCA gây bệnh Parkinson.
Câu hỏi 3 trang 66 Sinh học 12: Nếu muốn tạo giống cây ăn quả không hạt thì em có thể sử dụng loại đột biến gì? Giải thích.
Lời giải:
- Nếu muốn tạo giống cây ăn quả không hạt thì có thể sử dụng loại đột biến đa bội tạo thể đa bội lẻ.
- Giải thích: Thể đa bội lẻ không có khả năng sinh sản hữu tính do bị rối loạn trong quá trình giảm phân tạo giao tử (không tạo được giao tử bình thường). Do đó, thể đa bội lẻ thường được ứng dụng để tạo ra cây ăn quả không hạt như chuối 3n, dưa hấu 3n, nho 3n,…
Lời giải Sinh 12 Bài 12: Đột biến nhiễm sắc thể hay khác: