Soạn bài Nước Đại Việt ta ngắn gọn - Soạn văn lớp 8
Soạn bài Nước Đại Việt ta ngắn nhất năm 2021
Với Soạn bài Nước Đại Việt ta ngắn gọn nhất Ngữ văn lớp 8 năm 2021 mới sẽ giúp các bạn học sinh dễ dàng soạn văn lớp 8. Ngoài ra, bản soạn văn lớp 8 này còn giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm để giúp bạn nắm vững được kiến thức văn bản trước khi đến lớp.
A. Soạn bài Nước Đại Việt ta (ngắn nhất)
Câu 1 :
Khi nêu tiền đề, tác giả đã khẳng định những chân lí: sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt. Chúng ta là nước riêng, có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, có phong tục riêng, có lịch sử độc lập với nhiều triều đại, có chế độ, chủ quyền ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.
Câu 2 :
Qua 2 câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là là yên dân, trừ bạo ⇒ tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với yêu nước, chống ngoại xâm.
Câu 3 :
Để khẳng định chủ quyền của dân tộc tác giả đã dựa vào các yếu tố:
- Nền văn hiến lâu đời.
- Cương vực lãnh thổ riêng.
- Phong tục tập quán riêng.
- Chế độ, chủ quyền riêng.
- Truyền thống lịch sử và nhân tài hào kiệt.bình đẳng ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.
Hai bài Nước Đại Việt ta và Sông núi nước Nam đều khẳng định chủ quyền riêng của dân tộc, ngang hàng với các vua Trung Quốc. Nhưng ở bài Nước Đại Việt ta, tác giả có nói thêm văn hiến, phong tục, lịch sử các triều đại.
Câu 4 :
Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn trích:
- Đoạn văn tiêu biểu cho nghệ thuật hùng biện của văn học trung đại.
- Viết theo thể văn biền ngẫu.
- Lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn, lời văn trang trọng, tự hào.
- Lời văn ngắn gọn, ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén.
Câu 5 :
Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và thực tiễn. Nguyễn Trãi đã tự tin khẳng định truyền thống văn hiến lâu đời của nước Việt ta:
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Nhân dân ta có chủ quyền, có thuần phong mỹ tục riêng làm nên hai phương Bắc - Nam khác biệt. Ta có nền độc lập vững vàng được xây bằng những trang sử vẻ vang. Hùng cứ cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên ở phương Bắc là các triều Triệu, Đinh, Lý, Trần ở phương Nam. Hơn thế nữa, bao đời nay:
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy là sức mạnh của nhân nghĩa, một khái niệm chung chung trừu tượng đã được người anh hùng dân tộc làm cho sinh động bằng chính thực tiễn lịch sử oai hùng của dân tộc.
Câu 6 :
- khái quát trình tự lập luận của đoạn trích bằng sơ đồ.
Luyện tập
So sánh với bài Sông núi nước Nam để thấy được sự tiếp nối và phát triển của ý thức dân tộc trong đoạn trích Nước Đại Việt ta
Gợi ý
- Sông núi nước Nam: xác định độc lập chủ quyền dân tộc trên 2 yếu tố cơ bản (lãnh thổ và chủ quyền).
- Nước Đại Việt ta: khẳng định dựa vào 5 yếu tố (lãnh thổ, chủ quyền, văn hiếnlâu đời, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử)⇒ so với thời Lí thì quan niệm về quốc gia dân tộc của Nguyễn Trãi có phát triển cao hơn, có tính chất toàn diện hơn và sâu sắc hơn bởi “Sông núi nước Nam” còn dựa vào yếu tố thần linh. Còn “Nước Đại Việt ta” dựa vào thực tiễn. Đặc biệt là nền văn hiến, truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản, có tính kế thừa “xưng đế ⇒ tự hào, khẳng định vai ngang với Trung Quốc chứ không phải chư hầu.
B. Giới thiệu sơ lược về tác giả
- Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).
- Gia đình: Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình cả bên nội và bên ngoại đều có hai truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn học. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.
- Con người:
+ Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi.
+ Năm 1400, đỗ Thái học sinh và cùng cha làm quan dưới triều Hồ.
+ Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa và góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
+ Cuối năm 1427, đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo và hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước.
+ Năm 1439, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn.
+ Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời ra giúp nước.
+ Năm 1442, Nguyễn Trãi chịu oan án Lệ Chi viên và bị khép vào tội "tru di tam tộc".
+ Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm lại thơ văn của ông.
- Thời đại: Nguyễn Trãi sống trong thời đại xã hội nhiều biến động, loạn lạc - mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi… điều này đã hướng ngòi bút của ông hướng tới hiện thực đời sống.
- Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm.
+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.
+ Sáng tác viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.
+ Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.
- Phong cách sáng tác:
+ Văn chính luận: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt
+ Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc.
C. Tìm hiểu tác phẩm Nước Đại Việt ta
- Hoàn cảnh ra đời:
+ Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô.
+ Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào thánh Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428).
- Xuất xứ: Trích trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô.
- Thể loại: Cáo
+ Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.
+ Cáo có thể viết bằng văn xuôi hay văn vần nhưng phần lớn được viết bằng văn biền ngẫu, có vần hoặc không có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau.
+ Lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
- Bố cục: 3 phần
+ Phần 1 (Hai câu đầu): Tư tưởng nhân nghĩa.
+ Phần 2 (Tám câu tiếp theo): Chân lí về sự tồn tại độc lập của đất nước.
+ Phần 3 (Sáu câu cuối): Minh chứng cho sức mạnh nhân nghĩa của dân tộc.
- Giá trị nội dung: Đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử…bất kì hành động xâm lước trái đạo lí nào của kẻ thù đều sẽ phải chịu một kết cục thất bại.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Áng văn chính luận với lập luận chặt chẽ.
+ Chứng cứ hùng hồn giàu sưc thuyết phục.
+ Lời thơ đanh thép thể hiện ý chí của dân tộc..
+ Lời văn biền ngẫu nhịp nhàng.