X

Soạn văn lớp 10 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 10 trang 29 Tập 2 - Chân trời sáng tạo


Với soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 10 trang 29, 30, 31, 32 Tập 2 Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 10 trang 29 Tập 2

Bổ sung nội dung

* Nguyễn Trãi (1380 – 1442):  

1. Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, là một tác gia ở thế kỉ XV với những tác phẩm văn học lớn, đặc biệt là văn nghị luận và thơ trữ tình. Ông cũng là một nhà chiến lược quân sự tài ba đã góp công lớn trong công cuộc kháng chiến chống giạc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.

2. Nguyễn Trãi để lại sự nghiệp văn chương phong phú đa dạng.

3. Thơ văn Nguyễn Trãi thể hiện một tấm lòng ưu ái, sắt son, một tâm hồn phong phú, nồng hậu yêu thương với con người, vạn vật và một nhân cách thẳng ngay, cao thượng.

* Văn nghị luận

          Là loại văn bản chủ yếu sử dụng lí lẽ và bằng chứng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một quan điểm, tư tưởng. Người viết nghị luận phải thể hiện được chính kiến, luận đề và các luận điểm nhất quán, lí lẽ và bằng chứng chặt chẽ, rõ ràng, thuyết phục, giúp người đọc, người nghe tán đồng, chia sẻ quan điểm, tư tưởng của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở tính hệ thống của luận điểm, ở tính sắc bén, chặt chẽ của lập luận, ở bằng chứng xác thực, ở niềm tin vào chân lí, chính nghĩa; sự trung thực, chân thành trong tình cảm, cảm xúc của người viết, người nói.

          Văn nghị luận trung đại mang các đặc điểm của văn nghị luận nói chung nhưng cũng có một số khác biệt đáng lưu ý: tính quy phạm về thể văn, ngôn ngữ và thường có tính chất tổng hợp “bất phân” giữa văn với sử, với triết, giữa văn hình tượng với văn luận lí….

* Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội trong văn bản nghị luận

          Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội là điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội liên quan đến văn bản, giúp cho việc hiểu văn bản được sâu sắc hơn. Với việc đọc hiểu văn bản nghị luận cũng vậy, cần tìm hiểu bối cảnh ra đời của tác phẩm để hiểu rõ mục đích viết, nội dung của văn bản.

          Ví dụ khi đặt Bình Ngô đại cáo vào bối cảnh nhân dân ta chịu biết bao thống khổ dưới ách cai trị của giặc Minh ở đầu thế kỉ XV mới hiểu rõ ý chí “căm giặc nước thề không cùng sống”, sự kiên trì “nếm mật nằm gai” của người lãnh tụ nghĩa quân cũng như sự hội tụ của lòng dân đã mang đến thắng lợi tất yếu cho đội quân chính nghĩa. Hay khi đặt Thư lại dụ Vương Thông vào bối cảnh giặc Minh đang liên tục bại trận, bị vây hãm, “kế cùng lực kiệt”  mới thấy được sự xuất hiện hợp thời và hiệu quả tâm lí của bức thư với sự phân tích thời và thế cùng những nguyên nhân tất bại của quân giặc một cách sắc bén, có cơ sở, đủ chứng cứ thuyết phục.

* Lỗi dùng từ Hán Việt và cách sửa

+ Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm

Ví dụ: Ông ấy là một đọc giả khó tính.

Cách sửa: Nên dùng từ độc giả hoặc từ ngữ thuần Việt người đọc.

+ Dùng từ ngữ không đúng nghĩa

Ví dụ: Tự ti là một trong những yếu điểm của anh ấy

Ở câu này, người viết dùng sai từ yếu điểm (điểm quan trọng).

Cách sửa: Thay từ yếu điểm bằng từ nhược điểm hoặc điểm yếu.

+ Dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp

Ví dụ: Những văn nhân người làm thơ thời trung đại thường chuộng dùng điển cố.

Ở câu này, việc kết hợp văn nhân (từ Hán Việt) và người làm thơ (cụm từ thuần Việt) không phù hợp.

Cách sửa: Nên dùng cả hai từ ngữ Hán Việt là văn nhân thi sĩ hoặc cả hai từ thuần Việt là người viết văn người làm thơ.

+ Dùng từ không phù hợp với phong cách

Ví dụ: Dạo này sức khở thân mẫu bạn như nào?

Đây là câu hỏi giao tiếp thông thường giữa hai người bạn nên cần giản dị, gần gũi hơn là trang trọng, kiểu cách; do đó việc dùng từ Hán Việt là không cần thiết.

Cách sửa: Dùng từ thuần Việt mẹ thay cho từ Hán Việt thân mẫu.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác: