Top 30 Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm
Haylamdo biên soạn và tổng hợp trên 30 bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 1)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 2)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 3)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 4)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 5)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 6)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 7)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 8)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 9)
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (mẫu 10)
Top 30 Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm (hay nhất)
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 1
Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa, con người được tiếp xúc với nhiều trào lưu, xu hướng mới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có thời trang, làm đẹp. Tuy nhiên, do nhận thức yếu kém cùng cái nhìn phiến diện mà một số người cho rằng ăn mặc khác người là sành điệu đẹp đẽ. Đây là quan niệm thường gặp ở một bộ phận giới trẻ, cho thấy nhận thức lệch lạc, cần phải sửa chữa, thay đổi.
Trang phục không chỉ đơn thuần là làm đẹp cho bản thân mà còn là cách để chúng ta tạo được thiện cảm và thể hiện trình độ văn hóa đối với mọi người. Mặc đẹp là điều cần thiết song mặc thế nào để không “khác biệt”, lạc lõng với mọi người xung quanh lại là điều đáng được chú ý, coi trọng. Nhiều người cho rằng, chỉ cần ăn mặc thật đẹp, thật cầu kì là sẽ được mọi người ngưỡng mộ mà không biết rằng việc chọn trang phục phù hợp, đúng lúc đúng chỗ lại quan trọng hơn rất nhiều.
Rất nhiều bạn trẻ bắt chước theo trào lưu hoặc cách ăn mặc của thần tượng để thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên, điều mọi người tập trung không phải là sự cuốn hút, lịch thiệp mà là nét lập dị, thừa thiếu vải. Họ không quan tâm đến lời nhận xét, góp ý của người khác mà vẫn kiên quyết, bảo thủ với lối ăn mặc của mình. Thậm chí, còn đi đến những nơi đông người như công sở, chùa chiền, quán cà phê,... gây ra sự phản cảm, khó chịu cho người khác. Suốt một thời gian dài, báo đài đưa tin về việc một số người ăn mặc hở hang vào chùa, trở thành điểm “xấu” trong môi trường thanh tịnh, trang nghiêm. Hành vi này xuất hiện ngày càng nhiều khiến các sư trụ trì phải dán biển cảnh báo “Cấm ăn mặc hở hang khi vãn cảnh chùa”. Đây quả là một thực trạng đáng buồn làm sao.
Từ trước cho đến nay, chưa bao giờ việc ăn mặc của giới trẻ lại khiến cho những nhà quản lí văn hóa lại đau đầu đến vậy. Nét đẹp của trang phục truyền thống dần bị đánh mất, thay vào đó là sự “lố bịch”, không phù hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng. Giá trị của một con người không thể hiện qua những bộ đồ cầu kì, kiểu cách mà bộc lộ qua cách ứng xử, giao tiếp với mọi người xung quanh. Chính vì vậy, mỗi cá nhân cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ; ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh.
Thói quen ăn mặc lịch sự không chỉ thể hiện tính cách, trình độ nhận thức, văn hóa của mỗi người mà còn góp phần kiến tạo một xã hội tươi đẹp, văn minh. Do vậy, chúng ta cần chú ý hơn đến cách ăn mặc của bản thân, sao cho vừa phô diễn được vẻ đẹp ngoại hình, vừa giữ gìn bản sắc, văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 2
Nhà văn Macxim Gorki cho rằng: “Văn học là nhân học”. Quả đúng là như vậy, văn chương có chức năng nhận thức, giáo dục, hướng con người đến cái tốt, cái thiện. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, nhiều người lại cho rằng văn chương là thứ viển vông, xa rời thực tế.
Văn chương hay cũng được hiểu là văn học. Tuy nhiên, văn chương có ý nghĩa rộng lớn, bao quát hơn văn học vì nó chỉ chung cho những tác phẩm được sáng tác bằng nghệ thuật ngôn từ. Như vậy, tất cả các tác phẩm được viết bằng ngôn từ thì đều thuộc văn chương.
Nhiều người xem văn chương là phù phiếm vì họ nhận thấy những nhà văn, nhà thơ sáng tác văn chương đa phần đều có tính cách tự do, bay bổng, lúc nào cũng chỉ “thơ thẩn”, say đắm trong “trăng” với “hoa”. Vì thế, các tác phẩm của họ luôn xa rời đời sống, thuộc về một thế giới nào đó xa lạ với cuộc sống con người.
Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm, cần phải loại bỏ, thay đổi. Khi đọc các tác phẩm văn học, ta không chỉ được chìm đắm trong những câu chuyện hết sức li kì, hấp dẫn mà còn được học hỏi thêm nhiều điều hay, hiểu hơn về cuộc sống, con người. Nói một cách khác, văn chương cung cấp tri thức và phản ánh sinh động hiện thực khách quan qua từng thời kì. Đọc các tác phẩm văn học Việt Nam từ thế kỉ X cho đến nay, ta sẽ nhận ra bối cảnh lịch sử cũng như sự tác động của các khuynh hướng, trào lưu văn học trên thế giới đối với văn chương Việt Nam. Trong thời kì trung đại, đó là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân của những bậc hiền triết, đại tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,... hay nỗi u hoài của các nhà thơ, nhà văn trước cuộc sống lầm than, đói khổ của người dân khi đất nước bị phương Bắc xâm lược. Đến thời kì cận đại, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của phong trào Thơ mới với những thi sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,... Cả một thời kì đen tối của dân tộc trong giai đoạn đầu khi Pháp cai trị được lột tả, thể hiện rõ ràng qua các tác phẩm “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Chí Phèo” (Nam Cao), “Vợ nhặt” (Kim Lân),... Hay đó còn là tinh thần chiến đấu sục sôi, bất diệt trong các bài thơ “Việt Bắc” (Tố Hữu), “Dáng đứng Việt Nam”, (Lê Anh Xuân),...
Văn học là những cách tân, sáng tạo của người nghệ sĩ về mặt ngôn từ mà thông qua đó, họ tự nhận thức về chính mình và cuộc sống. Ta thấy một Nam Cao luôn ám ảnh với cái đói, cái nghèo, về tấn bi kịch không lối thoát của con người trước năm 45. Sau khi Cách mạng tháng Tám diễn ra thành công, ông rũ bỏ hoàn toàn chiếc áo cũ để khoác lên mình sự tự do, phóng khoáng và hăm hở đi theo Cách mạng. Chẳng phải thông qua văn chương, ta cũng có điểm nhìn mới về người nghệ sĩ hay sao?
Đặc biệt, văn chương còn khơi gợi những tư tưởng, tình cảm, cảm xúc trong sáng, đẹp đẽ ở con người. Một tác phẩm văn học không đem đến cho con người bài học, ý nghĩa thì đó chỉ là một tác phẩm chết, không đáng một xu bởi “Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người” (M.Gorki). Vì thế, những nhà văn chân chính như Thạch Lam luôn tâm niệm rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú thêm.”.
Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận rằng, văn chương chính là phương tiện hữu hiệu để lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những kinh nghiệm, mong ước của ông cha qua hàng nghìn năm được đúc rút thông qua các câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích,... hấp dẫn, li kì. Đời sống sinh hoạt làng xã với những thú vui, nét đẹp bình dị cũng được phản chiếu, khúc xạ trong một số tác phẩm đầy trau chuốt về mặt ngôn từ như “Chùa Đàn”, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Hay đó còn là tinh hoa ẩm thực, sự chăm chút, cầu kì trong từng món ăn của người dân ở “Băm sáu phố phường” (Thạch Lam), “Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng),...
Đời sống tinh thần sẽ thật tẻ nhạt nếu không được bồi đắp, nuôi dưỡng bởi những áng văn hay. Chính vì vậy, mỗi người cần từ bỏ, thay đổi quan niệm: văn chương là phù phiếm. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của chính mình. Tiếp đến là mở lòng đón nhận, thưởng thức văn chương bằng cách tích cực tham gia vào các hội chợ sách, các buổi diễn đàn, thảo luận, tọa đàm; đọc những bài phê bình trên các trang báo, sách để hiểu hơn về tác phẩm.
“Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Nếu đến với văn chương bằng tinh thần gượng ép, vô cảm thì mãi mãi, chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp mà văn học chân chính đem đến cho loài người.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 3
Môi trường luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Ở những nước phát triển, việc bảo vệ môi trường được quy định rất chặt chẽ trong các văn bản và nội quy nơi công cộng. Bên cạnh người có ý thức giữ gìn cảnh quan thì cũng không ít người lại cố tình xả rác, chất thải không đúng nơi quy định. Điều này đã để lại những hậu quả vô cùng lớn đối với tự nhiên cũng như không gian sống của con người.
Trong đời sống, thật không khó để chúng ta có thể bắt gặp những hành vi này. Hành động xả rác, chất thải bừa bãi xuất hiện dưới nhiều cấp độ, hình thức khác nhau. Có rất nhiều người ăn bánh kẹo hay uống nước ngọt xong thì lập tức vứt luôn tại chỗ mặc dù thùng rác ngay gần đó. Số khác thì có ý thức hơn, đem giấy rác vứt vào thùng nhưng cũng không vứt hẳn vào mà ném tung tóe, tràn lan cạnh thùng rác. Điều này khiến cho phố phường trở nên lem nhem, xấu xí. Bộ mặt của thành phố cũng từ đó bị xấu đi. Chẳng ai muốn nghe những lời đánh giá, chê bôi thành phố chúng ta đang ở phải không nào?
Tuy nhiên, việc xả rác bừa bãi chưa dừng lại ở mức độ cá nhân mà tiếp tục gia tăng ở các hộ gia đình, cộng đồng. Trong những cụm dân cư, mọi người còn hình thành các điểm thu gom rác tự phát, không tập trung. Con rạch dưới cầu Phú Mỹ (đoạn gần khu Phú Mỹ Hưng Quận 7) thường xuyên bốc mùi nồng nặc chỉ vì người dân ngang nhiên tập kết rác. Ngoài ra, ở một số vùng quê, nông thôn, nhiều nhà ném rác xuống mương, cống. Thậm chí là vứt lợn bị bệnh dịch xuống các hố sâu, dùng đất vùi lấp rất sơ sài.
Nguyên nhân dẫn đến các hành động này bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Trước hết về nguyên nhân chủ quan, hành vi xả rác, chất thải không đúng nơi quy định bắt nguồn từ việc ý thức người dân chưa cao, chưa nhận thức được đầy đủ tác hại về hành vi của mình, thấy mọi người vứt thì vứt theo. Còn về khách quan, một số điểm thu gom rác chưa hợp lí, ở quá xa khu dân cư hoặc nơi ở của mọi người.
Việc vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường như đất, nước, không khí,... Đồng thời, gây mất mĩ quan đô thị. Vào mùa mưa, tình trạng tắc nghẽn ống thoát nước dễ xảy ra do rác thải vứt không đúng nơi quy định. Từ đó, khiến hiện tượng ngập lụt trong các thành phố lớn ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, thói quen vứt rác không đúng nơi quy định còn làm tăng nguy cơ hình thành các bệnh truyền nhiễm, virus, vi khuẩn có hại đối với sức khỏe con người.
Nhằm xây dựng, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, người dân cần nâng cao ý thức và có nhận thức đúng đắn về hành vi của mình. Là một học sinh, chúng ta có thể tuyên truyền, giáo dục mọi người không vứt, xả rác bừa bãi nơi công cộng; tích cực tổ chức và tham gia một số hoạt động thiết thực như “Chủ nhật xanh”, “Mùa hè xanh” nhằm lan tỏa các hành động tốt đẹp trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của mọi người. Bên cạnh đó, chính quyền cũng nên hình thành những điểm tập kết, thu gom rác theo khung giờ cố định trong ngày; có chế tài xử lí thích đáng, mang tính răn đe.
Trái Đất là không gian sống chung của tất cả chúng ta. Hi vọng qua bài viết này, mọi người sẽ thay đổi thói quen xả rác, chất thải không đúng nơi quy định; cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Mỗi một hành động của các bạn sẽ góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 4
Trong các văn bản của trường học hoặc cơ quan quy định rất rõ về thời gian đi học, đi làm. Tuy nhiên, có không ít người vẫn thường xuyên đi học, đi làm, đi họp muộn so với giờ giấc đã đề ra. Đây đã trở thành thói quen phổ biến trong đời sống. Thói quen này để lại không ít hệ lụy, hậu quả đối với mỗi người.
Hành vi đi muộn xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, lớn, bé. Thói quen này thường thấy nhiều nhất ở các bạn trong độ tuổi thanh thiếu niên là học sinh, sinh viên. Những người trưởng thành, đã đi làm cũng “góp mặt”. Có thể vì một vài lí do bất khả kháng, đột xuất như thời tiết xấu, hỏng xe, tai nạn,... nên chúng ta mới tới muộn. Tuy nhiên, những lí do này thường rất ít khi xảy đến. Đa phần, nguyên nhân dẫn đến thói quen đi muộn xuất phát từ ý thức của mỗi người. Kể từ ngày mạng xã hội ra đời và phát triển như vũ bão, thay vì đi ngủ sớm, dậy đúng giờ, rất nhiều người lại lướt mạng thâu đêm suốt sáng. Họ bị cuốn vào các tin tức giật gân trên Internet. Một số khác lại vùi đầu vào các trò chơi điện tử như Liên Quân Mobile, Pubg,... Chỉ đến khi quá mệt, họ mới tắt máy và chìm vào giấc ngủ. Do lối sống, sinh hoạt không điều độ nên nhiều người không thể thức dậy vào sáng ngày hôm sau để kịp giờ đi học đi làm. Ngoài ra, tác phong chậm chạp, lề mề cũng là một trong những lí do khiến chúng ta muộn giờ. Vì suy nghĩ “còn sớm mà” nên nhiều người thường tỏ ra bình thản, ung dung, đợi gần sát giờ mới vội vàng di chuyển đến lớp học, công ty.
Việc đi học, đi họp muộn quá thường xuyên để lại rất nhiều hệ lụy, hậu quả. Trước hết, nó thể hiện bản thân là một kẻ vô ý thức, không có sự chuyên nghiệp. Khi mọi người đang tập trung học hay làm việc mà bạn mới tới sẽ vô tình làm xao nhãng, ảnh hưởng đến sự tập trung của người khác. Đặc biệt, trong các cuộc họp, công việc quan trọng, chỉ cần bạn đi muộn thì những người xung quanh sẽ phải mất công chờ đợi. Thậm chí, trong các cuộc gặp mặt đối tác, đi muộn là điều tối kị với bất kì ai. Tiếp đến, khi đi muộn, bạn sẽ bỏ lỡ kiến thức và các thông tin quan trọng. Thậm chí là tự đánh mất đi cơ hội của bản thân.
Chính vì thế, nếu thay đổi được hành vi này thì mỗi người sẽ hình thành được cho mình những thói quen, lối sống lành mạnh. Đi đúng giờ giúp bạn có thêm thời gian để chuẩn bị bài vở, công việc một cách tốt nhất. Từ đó, chủ động, tự tin hơn trong công việc cũng như học tập. Đồng thời, gây được ấn tượng tốt và sự thiện cảm của mọi người.
Tôi biết, để từ bỏ một thói quen cũ và hình thành thói quen mới không phải là điều dễ dàng gì. Thế nhưng, chỉ cần bạn quyết tâm và nhận thức được đầy đủ hậu quả do thói quen đi muộn gây ra thì mọi việc đều có thể làm được. Để thực hiện việc này, tôi cho rằng, mỗi người cần rèn luyện kĩ năng xây dựng, quản lí, sử dụng thời gian một cách hợp lí, hiệu quả; không lãng phí thì giờ vào những công việc vô bổ. Ngoài ra, hãy dự trù thêm thời gian đề phòng cho các trường hợp, tình huống xấu có thể xảy ra.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 5
Khi nói về việc học, ông cha ta có câu: “Dao có mài mới sắc, người có học mới nên./ Dốt đến đâu học lâu cũng biết.”. Quả thật là như vậy, học tập đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như sự tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc học. Từ đó, hình thành nên những thói quen không tốt như lười làm bài tập ở nhà, đến lớp tìm cách học qua loa, đối phó.
Các bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi với chính bản thân mình: “Điều gì khiến bản chúng ta không muốn làm bài tập về nhà hay không?”. Tôi biết có rất nhiều bạn học sinh luôn cảm thấy chán nản, ghét bỏ việc học vì cho rằng học tập là nhiệm vụ bắt buộc. Chính vì thế, các bạn thường học với tinh thần đối phó để làm hài lòng cha mẹ, thầy cô. Số khác thì quan niệm không cần học và làm bài tập về nhà vì thời gian học trên lớp đã đủ. Chỉ cần bước ra khỏi cổng trường, các bạn sẽ sa vào những thú vui khác như chơi game, xem phim, đọc truyện….mà quên mất nhiệm vụ phải làm là hoàn thành bài tập trước khi đến lớp. Đây chỉ là một trong số rất ít những lí do khiến học sinh không chịu làm bài cũ.
Đương nhiên, để đối phó với thầy cô, nhiều bạn học sinh không ngần ngại lên mạng tìm đáp án, lời giải. Không ít người đến lớp mới tá hỏa nhận ra bản thân chưa làm bài tập, vội vàng mượn vở bạn để chép. Các bạn làm trong trạng thái qua loa, đại khái, không hiểu về những kiến thức đã học. Bởi thế, bài vở luôn lộn xộn, không đầy đủ.
Không học bài làm bài cũ ở nhà, đến lớp tìm cách học qua loa, đối phó là một thói quen xấu mà bất cứ học sinh nào cũng cần phải từ bỏ. Hành vi này để lại rất nhiều hệ lụy, hậu quả đối với mỗi cá nhân. Kiến thức “rơi rụng” sau những lần lười biếng càng khiến cho mỗi người trở nên chán nản, buông xuôi với việc học hơn. Kết quả học tập vì thế cũng ngày một giảm sút.
Nếu từ bỏ được thói quen này, chắc chắn các bạn sẽ có được một phong thái tự tin khi học tập. Thay vì phải mượn vở bạn chép bài hay học đại khái, mất phương hướng, bạn sẽ trở nên chủ động, tích cực hơn trong học tập. Từ đó, được thầy cô, bạn bè tin tưởng, yêu mến nhiều hơn. Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lí luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: lí luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.”. Như vậy, bên cạnh việc ôn luyện, thực hành lí thuyết, chúng ta cũng cần ứng dụng một cách linh hoạt vào thực tế cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà cũng là một cách để chúng ta nâng cao khả năng thực hành của bản thân mình. Khi đó, kết quả học tập sẽ dần được cải thiện.
Để thay đổi thói quen đã được lặp đi lặp lại hàng ngày không phải là điều dễ dàng nhưng tôi nghĩ rằng, chỉ cần chúng ta thật sự đầu tư thời gian, công sức thì kết quả sẽ luôn như mong đợi. Bạn có thể xây dựng thời gian biểu cụ thể, dành ra từ 1 - 2 tiếng buổi tối rồi hoàn thành bài tập trước khi đến lớp. Nếu trong trường hợp chưa hiểu hay gặp khó khăn khi giải bài, bạn hãy nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Đồng thời, biết cân bằng giữa thời gian giải trí và học tập để đạt được trạng thái tâm lí tốt nhất.
Học tập sẽ không còn khó khăn nếu chúng ta có thái độ đúng mực và phương pháp phù hợp. Chuẩn bị bài trước khi đến lớp cũng là một cách để mỗi người rèn luyện, trau dồi bản thân. Vì vậy, hãy luôn chăm chỉ và cố gắng trong quá trình học, bạn nhé!
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 6
Trong đời sống hiện nay, với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, con người đã từng bước nâng cao đời sống cũng như tinh thần của chính mình. Bên cạnh không gian sống tiện nghi, tân tiến, ta còn chứng kiến một thế giới “thật” mà “ảo”, “ảo” mà thật song hành với cuộc sống hiện thực là không gian mạng. Tại đây, con người được thỏa sức khám phá, chia sẻ và tiếp nhận vô vàn tri thức khác nhau. Tuy nhiên, điều này đã vô tình tạo ra một quan niệm hết sức nguy hiểm, đó là chỉ không gian ảo mới đem lại cho mỗi người những tri thức tự do, hứng thú nhất. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, cần phải thay đổi.
Từ trước tới nay, chúng ta nghe nhiều đến không gian mạng, thế giới mạng hay không gian ảo. Vậy mọi người đã thực sự hiểu về khái niệm này hay chưa? Không gian ảo là không gian không có thực trong đời sống thực tế, được tạo ra bởi con người với mục đích trao đổi thông tin, dữ liệu thông qua các thiết bị di động, máy tính.
Chính vì hệ sinh thái hết sức “mở” và rộng lớn như vậy nên con người hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Không gian mạng giúp cho con người tự do bình luận, trao đổi với nhau một cách dễ dàng mà không gặp bất kì trở ngại về khoảng cách địa lí nào. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến quan niệm trên. Ngoài ra, trong khi thế giới bên ngoài chưa đảm bảo được sự riêng tư cần thiết thì thế giới mạng lại làm được điều đó. Chỉ cần bật một hộp chat, soạn tin nhắn và gửi đi là ngay lập tức người ở đầu bên kia có thể nhận chỉ sau một cú click chuột hay cái chạm hết sức nhẹ nhàng trên màn hình điện thoại. Hộp “chat” ấy có thể chỉ hai hoặc một nhóm người được biết với nhau. Thậm chí, những nhà điều hành và nhân viên mạng xã hội luôn cố gắng tối ưu và bảo mật thông tin, đảm bảo sự riêng tư của người dùng bằng cách đưa ra nhiều tính năng cũng như cố gắng mã hóa đầu cuối cuộc trò chuyện. Điều quan trọng nhất khi nói về thế giới ảo đó chính là sự tổng hợp của vô vàn thông tin, tin tức trong nước và thế giới. Có thể nói đây là nguyên nhân cốt lõi, sâu xa dẫn tới suy nghĩ, quan niệm: chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức tự do, hứng thú. Mỗi phút, mỗi giờ đều có hàng vạn tin tức được cập nhật. Những tài khoản liên tục đưa ra các dòng trạng thái mới, thu hút rất nhiều sự quan tâm, tham gia của mọi người. Ở đây, mọi người hoàn toàn được thoải mái trao đổi, phán xét, bình tán sôi nổi mà không sợ bất kì ai vì đơn giản, họ đang ẩn sau danh tính của “người dùng” bất kì.
Thế giới ảo hay ho, hấp dẫn là vậy nhưng nếu con người cứ bất chấp, mù quáng và cho rằng chỉ mạng xã hội mới khiến mình được tự do, thoải mái tiếp nhận tri thức thì quả là gay go và nguy hiểm. Bởi thông tin, tri thức trên không gian mạng hoàn toàn chưa được kiểm chứng cho nên không có sự tin cậy, xác thực, chỉ là những thông tin phiến diện, một chiều nhằm định hướng dư luận. Bất kì ai cũng có thể tạo ra “fake news” và là nạn nhân của thông tin giả. Khi con người quá tin và không có khả năng phản biện sẽ dễ rơi vào trạng thái mù quáng, dẫn đến những phát ngôn, hành động quá khích trên mạng xã hội. Nếu cứ giữ vững quan niệm đó, chúng ta sẽ trở thành “nô lệ” của thế giới mạng và dần bị phụ thuộc vào chúng. Tri thức là vô vàn. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể học từ thực tế thông qua sách báo, các văn hóa phẩm của các tác giả, nhà xuất bản nổi tiếng.
Để sử dụng và tiếp nhận tri thức từ thế giới “ảo” một cách thông minh, mỗi người cần bình tĩnh trước mọi thông tin được đưa lên trang mạng xã hội; không nên tin hay nghe theo những lời kích động, xúi giục của bất kì một cá nhân hay tổ chức nào đó. Đồng thời, chú ý lắng nghe, nhìn nhận từ nhiều phía và tỉnh táo trước mọi thông tin, tri thức được đưa ra. Đặc biệt, không bình luận những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Thế giới ảo nhưng hậu quả là thật. Chúng ta hoàn toàn có thể khám phá những tri thức theo cách riêng mà không bị phụ thuộc vào bất kì ai hay thế giới nào khác. Hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông minh và hiểu biết các bạn nhé!
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 7
Nơi đông người là không gian yêu cầu mỗi người phải có cách ứng xử văn mình, thân thiện. Tuy nhiên, không ít người lại đi ngược lại với số đông, tự do thể hiện bản thân một cách thái quá qua hành vi cười nói to hoặc gây tiếng ồn lớn. Điều này từ lâu đã trở thành một thói quen xấu, phổ biến trong đời sống cộng đồng.
Thật không khó để bắt gặp những người thiếu ý thức như thế. Chẳng phải nói đâu xa, chỉ trong lớp học thôi cũng có một số bạn ngồi cười đùa, nói chuyện riêng trong giờ. Khi cả lớp đang chú ý, tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài thì các bạn lại túm tụm với nhau làm việc riêng, sử dụng điện thoại, cười khúc khích bên dưới gây mất tập trung đến những bạn xung quanh. Thầy cô cũng phải dừng đến mấy lần để nhắc nhở khiến bài giảng bị gián đoạn, đứt mạch. Đối với những không gian rộng lớn hơn như quán cà phê, thư viện, nơi công cộng, một số người lại vô tư cười đùa, la hét, gây ra tiếng ồn lớn khiến mọi người ức chế, khó chịu. Thậm chí, ngay trong khu dân cư chúng ta ở, cứ mỗi khi nghe thấy tiếng “Alo…1…2…3…4…”, chắc hẳn ai cũng phải lắc đầu ngao ngán. Có thể thấy, những người hàng xóm “vui tính” của chúng ta luôn biết cách “làm phiền” láng giềng bằng những âm thanh, tiếng hát hết sức “kinh dị”.
Trong một số trường hợp, vì quá bực bội nên vài người đã phải tiến lại nhắc nhở. Tuy nhiên, thay vì tiếp thu, sửa đổi hành vi của mình thì những người đó lại phản ứng hết sức gay gắt, thậm chí sẵn sàng động tay động chân, dẫn tới các vụ ẩu đả, cãi cọ không mong muốn. Việc cười đùa, ồn ã ở nơi công cộng có thể thỏa mãn cảm xúc hưng phấn, phấn chấn nhất thời của người làm chủ hành vi nhưng lại đem đến sự bực dọc, bức bối, không thoải mái cho mọi người xung quanh. Đây là biểu hiện của thiếu tôn trọng bản thân và người khác. Họ sẽ phải chịu ánh mắt dò xét, chê bai về hành động của mình. Thậm chí còn bị coi là kẻ vô ý thức, vô văn hóa.
Nếu từ bỏ được thói quen này, ta không những tạo được thiện cảm đối với mọi người mà còn thể hiện bản thân là một người biết suy nghĩ, có thái độ ứng xử tốt. Sẽ chẳng ai trong chúng ta muốn biến mình trở thành “kẻ đáng ghét” trong mắt người khác, phải không nào? Bởi vậy, chúng ta cần thay đổi thói quen này ngay từ hôm nay. Trước hết, mỗi người cần tự ý thức được hành vi, việc làm của mình. Tiếp đến, giữ gìn trật tự ở những nơi trang nghiêm, cần sự yên tĩnh như chùa chiền, thư viện, các danh lam thắng cảnh hay trong chính khu dân cư sinh sống. Đồng thời, có cách ứng xử, hành động phù hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng.
Mỗi một hành động của chúng ta đều là tấm gương phản ánh nhân cách, đạo đức. Chính vì vậy, bản thân mỗi người cần phải học cách sửa đổi, trau dồi không ngừng. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp. Đừng để niềm vui của mình trở thành nỗi “ám ảnh”, bực dọc đối với mọi người, các bạn nhé!
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 8
Ngày nay, cái tôi cá nhân dần được mọi người coi trọng. Tuy nhiên, nhiều người lại quá đề cao cái tôi mà quên đi mất tập thể. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, phổ biến trong đời sống hiện nay.
Chúng ta thường hay nghe về “cái tôi”, nhất là trong đời sống và văn học. Cái tôi được hiểu là sự tự nhìn nhận, đánh giá về giá trị của chính mình nhằm phân biệt bản thân với mọi người hay cá nhân khác. Đương nhiên, vì đây là quá trình tự nhận thức bản thân nên đương nhiên sẽ có sự sai lệch, nhận thức chưa đúng đắn về giá trị, phẩm chất.
Chúng ta là một cá nhân, được đặt trong vô vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau. Nếu quá đề cao cái tôi cá nhân trong tập thể thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy, hậu quả không hay với mỗi người. Thứ nhất, chúng ta dễ rơi vào trạng thái bị ảo tưởng về chính mình, luôn đặt mình ở vị trí cao hơn so với người khác. Nói cách khác, khi cái tôi bị phát tiết quá mức thì chúng ta sẽ không còn đủ tỉnh táo để nhìn nhận sự vật, sự việc theo đúng bản chất vốn có. Từ đó, tâng bốc mình một cách thái quá.
Có một điều thường thấy ở những người quá đề cao cái tôi cá nhân là họ thường ít khi lắng nghe và không chịu chấp nhận ý kiến xung quanh. Những người như thế luôn tự coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, xem mình là nhất, không chịu thua kém, ngang bằng với bất kì ai, cũng không quan tâm đến việc mình làm là sai hay đúng,... Chính việc đề cao cái tôi đã biến họ thành kẻ láo toét, ngông cuồng như con ếch trong truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” hay chú Dế Mèn trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” (“Dế Mèn phiêu lưu kí” - Tô Hoài). Tôi tự hỏi rằng, liệu có bao giờ họ soi gương và nhìn lại bản thân mình như thế nào hay không? Cái tôi quá lớn đã trở thành nhà tù giam giữ họ trong sự tự mãn, kiêu căng của chính mình, để rồi đi ngược lại với các giá trị, mục tiêu chung và bị người khác ghét bỏ, khó chịu. Họ tự biến mình thành kẻ “khác biệt” so với mọi người, đi theo lối sống vị kỉ, không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Cái tôi hoàn toàn có thể kiểm soát. Để làm được điều đó, chúng ta cần học cách lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu những lời phản hồi, ý kiến góp ý từ mọi người xung quanh. Thay vì để cái tôi cá nhân áp đảo, điều khiển, bạn hãy lắng nghe lí trí, có cái nhìn toàn diện, đa chiều về mọi việc trong cuộc sống. Đồng thời, học cách cân bằng, dung hòa giữa lợi ích chung với mục tiêu của riêng mình.
Con người ai cũng có cái tôi và cái tôi cũng như “con giao hai lưỡi”. Nó có thể đem đến thành tựu nhưng cũng có thể khiến bạn bị đau nếu không sử dụng đúng cách. Bởi “Cái tôi không phải là thứ sẵn có, mà là thứ liên tục hình thành thông qua lựa chọn hành động.” - John Dewey.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 9
Ăn uống là hoạt động không thể thiếu để duy trì sự sống của con người. Thế nhưng, ăn uống không đúng lúc, đúng chỗ lại đem tới rất nhiều tác hại, hệ lụy đối với mỗi người. Trong bài luận này, tôi sẽ đưa ra một số nhận định, đánh giá của riêng mình nhằm cung cấp cho các bạn cái nhìn khách quan nhất về hành vi ăn quà vặt không đúng lúc, đúng chỗ. Từ đó, các bạn có thể dần dần từ bỏ thói quen có hại này.
Hành vi ăn quà vặt thường xuất hiện nhiều nhất ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Thật không khó để chúng ta bắt gặp các bạn học sinh la cà, ăn uống, tụ tập ở cổng trường hay trong lớp học hoặc nơi đông người. Điều này đã tạo thành thói quen xấu trong môi trường học đường hay bất cứ nơi đâu. Tôi còn nhớ rất rõ vào một lần tham gia buổi kỉ niệm ở trường. Ngày hôm ấy biểu diễn trên sân khấu, tôi đưa ánh mắt nhìn xuống khán giả và bắt gặp một nhóm bạn đang túm năm tụm ba chia nhau những miếng bánh. Các bạn ăn uống rất hồn nhiên trong khán phòng rộng lớn. Tôi không thể hiểu nổi, tại sao các bạn lại có thể vô tư ăn uống được đến như thế! Trong khi mọi người đang tập trung vào công việc, học tập, giảng dạy thì đâu đó một số người lại cười đùa, ăn uống. Đây chính là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng bản thân và người khác.
Như các bạn có thể thấy, việc ăn quà vặt không đúng lúc, đúng chỗ gây ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người xung quanh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, giữa một lớp học, khán phòng, thư viện im ắng mà có những tiếng sột soạt của vỏ bánh, vỏ kẹo hay tiếng nhai tóp tép phát ra từ miệng của ai đó thì liệu ta có cảm thấy khó chịu hay không? Chắc chắn là có rồi, đúng không nào? Không những thế, một số loại đồ ăn còn gây ra mùi vô cùng khó chịu, chỉ cần mở túi bóng ra thôi là cũng đủ ám mùi trong một diện tích lớn. Ngoài ra, một số bạn ăn xong còn thiếu ý thức đến mức xả rác ra lớp học, nơi công cộng, làm mất mĩ quan trường học, đô thị. Ăn quà vặt không đúng lúc, đúng chỗ không chỉ thể hiện mình là người vô ý thức, vô văn hóa mà còn bị mọi người đánh giá, cười chê.
Chính vì thế, chúng ta cần phải từ bỏ, thay đổi thói quen có hại này. Việc ngừng ăn quà vặt không đúng lúc đúng chỗ vừa tránh lãng phí được tiền bạc, vừa giảm thiểu được các nguy cơ tiềm ẩn, gây hại đối với sức khỏe. Lí do tôi cho là vậy bởi thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ra một số biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, chóng mặt,... thậm chí là ngộ độc cấp tính. Nếu tiếp tục ăn uống trong thời gian dài, còn có thể gây ra một số căn bệnh khó lường.
Việc thay đổi và từ bỏ thói quen này không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Tuy nhiên, bản thân mỗi người cần tự ý thức được hành vi, việc làm của mình. Đồng thời, thay đổi, hình thành những thói quen lành mạnh. Ở trường học, thầy cô, ban giám hiệu nên đưa ra hình phạt hợp lí, có tính răn đe. Ở một số nơi đông người như chùa chiền, thư viện,...., ban quản lí cũng có thể ban hành thêm các nội quy, quy định.
Tôi hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ thay đổi nhận thức của mình về hành vi này. Từ đó, từ bỏ thói quen ăn quà vặt không đúng nơi, đúng chỗ. Chỉ khi chúng ta có suy nghĩ đúng đắn thì ta mới có thể hình thành cho mình thói quen tốt.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm - mẫu 10
Lần gần nhất mà bạn phải ngồi chờ đợi một ai đó là bao lâu rồi? Có lẽ thói quen đi trễ đã không còn xa lạ gì với mọi người nữa, nó gần như trở thành thói quen của rất nhiều người trong xã hội, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi,…và đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh có thói quen đi học muộn với đủ mọi lí do hết sức vô lí được đưa ra.
Quản lý thời gian là một giải pháp cần thiết để khắc phục được tình trạng trễ giờ, quên thời gian,… và cần phải bố trí đủ thời gian vào buổi sáng để sẵn sàng đi học, trì hoãn các công việc không cần thiết cũng như dự đoán được các vấn đề về giao thông. Rất nhiều người không có ý thức sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý, làm việc gì cũng chậm chạp và họ coi việc đi học muộn trở thành một việc hết sức bình thường. Việc đi đúng giờ không chỉ thể hiện bạn là một người văn minh, hiện đại mà còn là một người biết tôn trọng người khác. Chẳng hạn việc bạn thường xuyên đi trễ sẽ làm mất đi uy tín của bạn, lời hứa không còn có trọng lượng và bị đánh giá là người không đáng tin cậy. Nếu bạn nghĩ rằng đi học muộn là việc của bạn và hậu quả ra sao mình bạn chịu thì nhầm rồi nhé. Khi bạn đến lớp muộn, nó không chỉ làm gián đoạn dòng chảy của một bài giảng hoặc thảo luận, mà còn ảnh hưởng đến sự tập trung của học sinh khác, cản trở việc học của tập thể và thường ăn mòn tinh thần lớp học. Thầy cô cũng vì thế mà cảm thấy bực mình và không muốn dạy một lớp học mà có nhiều bạn vô ý thức, vô kỉ luật như vậy.
Việc mọi người đi trễ có thể do một sự cố ngẫu nhiên như: ngủ quên, tắc đường, nhỡ xe, thời tiết,…. nhưng cũng có thể đó đã trở thành một thói quen ngấm vào máu. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn đến lớp muộn, có thể là nguyên nhân chủ quan với lí do làm bài tập ngủ muộn, sáng dậy muộn,… hay nguyên nhân khách quan như việc tắc đường, xe hỏng,…. Nhưng dù có là lý do gì đi nữa thì việc đi trễ vẫn là một thói quen không tốt để lại rất nhiều hậu quả đáng tiếc và chúng ta cần từ bỏ nó ngay từ bây giờ. Tác hại của việc đi trễ là vô cùng lớn. Nếu mỗi người trong xã hội đều không coi trọng việc đúng giờ thì xã hội sẽ không thể nào tiến bộ được. Để tránh tình trạng đi học muộn, các bạn hãy tự chọn cho mình một biện pháp khắc phục phù hợp với bản thân mình, giảm thiểu tối đa thời gian bị mất bởi những lí do không cần thiết.
Đi trễ không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu mà còn là căn bệnh bám rễ vào tư tưởng mỗi người và có thể gây nên những hậu quả khó lường nếu không được khắc phục ngay từ bây giờ. Để khắc phục thói quen đi trễ của bản thân đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian và đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Thứ nhất, bạn phải biết cách lập kế hoạch phân bổ thời gian trong ngày một cách hợp lí. Nếu bạn là người chậm chạp, lề mề trong việc chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà thì hãy nhớ cài đồng hồ hẹn trước một chút thời gian để không bị lỡ hẹn và đi học đúng giờ. Thứ hai, nếu bạn là người đãng trí hay quên thì hãy tự lập cho mình một thời gian biểu khoa học và nhớ thường xuyên theo dõi nó để chắc chắn rằng mình không bỏ quên hay đi trễ một cuộc hẹn hay một buổi học nào cả. Và bạn cũng nên dự trù thời gian để có thể hoàn thành công việc và những việc có khả năng phát sinh thêm, tránh để quỹ thời gian của bạn bị quá tải, trôi đi một cách lãng phí.
Cha ông ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” dù biết rằng việc thay đổi thói quen từ thường xuyên đi trễ thành một người luôn đúng giờ là một việc làm rất khó nhưng không phải là không làm được. Vì vậy bạn và tôi, chúng ta đừng để đi muộn trở thành thói quen không thể sửa mà hãy cùng nhau trở thành người có thói quen làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Hãy biết quý trọng thời gian!