Top 30 Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ
Haylamdo biên soạn tổng hợp trên 30 bài thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (mẫu 1)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (mẫu 2)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (mẫu 3)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (mẫu 4)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (mẫu 5)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (mẫu 6)
Top 30 Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ (hay nhất)
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ - mẫu 1
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Thu Hoài. Trong tiết Nói và nghe hôm nay, em xin phép trình bày suy nghĩ về vấn đề "Ô nhiễm môi trường hiện nay".
Thưa cô cùng các bạn, trên màn hình là bức ảnh minh họa về vấn đề ô nhiễm môi trường. Như các bạn đã biết, môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng. Ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng này rất đáng báo động.
Trước hết, một số nhà máy, xí nghiệp không xử lí rác thải, trực tiếp thải chất bẩn ra sông hồ. Điều này gây nhiễm độc nước, làm nhiều loài sinh vật chết. Gần đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những con số "giật mình" trong báo cáo môi trường. Cụ thể, "hàng năm nước ta tiêu thụ 10.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, 2 tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp [...] quả thực, chưa bao giờ vấn đề môi trường lại trở thành điểm nóng như hiện tại". Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học quá mức cũng khiến đất bị ô nhiễm nặng nề. Dư lượng của những loại thuốc này ngấm trong đất, về lâu về dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Vậy, theo các bạn, nguyên nhân nào dẫn đến ô nhiễm môi trường? Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do chính ý thức của mỗi người. Sự tác động của con người đến môi trường là rất lớn. Mọi người xả rác bừa bãi, tiện đâu vứt đó. Với phương châm "chỉ cần nhà sạch", một số cá nhân sẵn sàng vứt bỏ rác ra sông suối, đường phố mà không cảm thấy áy náy hay hối hận. Ngoài ra, chính vì các cơ quan quản lí, ban ngành có thẩm quyền chưa đưa ra chế tài xử lí thích đáng nên nhiều người vẫn không biết sợ, vẫn ngang nhiên làm ô nhiễm không gian sống.
Hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây ra là vô cùng lớn. Đầu tiên, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí gây ra các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, hô hấp, ung thư. Không chỉ vậy, động vật và thực vật cũng bị tàn phá môi trường sống. Các bạn có thể theo dõi lên màn hình chiếu bức tranh minh họa về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến động - thực vật.
Các bạn ơi, chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường - bảo vệ chính cuộc sống của ta. Đầu tiên, mỗi người cần tự nâng cao ý thức như: không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi ni lông... Tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Bài nói của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô, các bạn đã lắng nghe.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ - mẫu 2
Helen Keller đã từng nói “Thành công và hạnh phúc nằm trong bạn. Quyết tâm hạnh phúc, và niềm vui sẽ đi cùng bạn để hình thành đạo quân bất khả chiến bại chống lại nghịch cảnh.” Không chỉ mình tôi mà tất cả mọi người đều hi vọng có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Thành công và hạnh phúc luôn là hai mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta. Có thể mọi người sẽ nghĩ thành công và hạnh phúc là do sự may rủi, do số phận nhưng theo tôi, thành công và hạnh phúc là phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta. Thành công và hạnh phúc nằm trong chính suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân.
Ta có thể hiểu đơn giản, thành công là khi ta có một mục đích nào đó và ta đạt được mục đích đó, đó chính là thành công. Hay xa hơn một chút, thì có lẽ mọi người trong chúng ta đều đồng ý, mục tiêu tối hậu của mỗi một người trên đời này chính là tìm được “niềm vui và bình an” trong lòng mình; có được những niềm vui và bình an trong tâm, đó cũng là thành công. Còn hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần bị vấp ngã và hạnh phúc không tùy thuộc vào bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn nghĩ gì. Thành công và hạnh phúc không quá khó để đạt được, chỉ cần bạn đủ nỗ lực, đủ tự tin và hơn hết là phải có sự tập trung thì bạn sẽ thành công và hạnh phúc.
Sức tập trung là chìa khóa của thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Những người thành công nhất trên thế giới này cũng chính là những người có khả năng tập trung cao độ, không bị chi phối bởi những thứ xung quanh. Trước hết muốn thành công thì không được phép để những phiền nhiễu làm xao nhãng công việc của mình. Những người thành công luôn có cách để loại bỏ mọi phiền phức sẽ cản trở họ hoàn thành công việc của mình, không bị ảnh hưởng bới những cám dỗ trong cuộc sống. Đừng để những thứ không quan trọng, những cuộc vui, trò giải trí ảnh hưởng đến việc ta đang làm, giữ sự tập trung cao độ để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Nhưng chúng ta cũng không nên làm quá nhiều công việc cùng lúc. Chúng ta nên tập trung vào một việc duy nhất để nâng cao năng suất và sự chính xác tỉ mỉ thay vì làm nhiều việc cùng lúc nhưng hiệu quả không cao. Nghiên cứu cho thấy não bộ con người có thể giải quyết hai công việc phức tạp cùng lúc mà không gặp nhiều khó khăn vì có hai thùy não để phân chia công việc một cách cân bằng. Tuy nhiên, chỉ cần làm thêm việc thứ ba là đã vượt quá khả năng não bộ và các sai lầm khi bạn làm việc bắt đầu tăng dần lên.
Né tránh rủi ro là điều chỉ có ở những người thất bại. Chúng ta phải biết rằng cuộc đời tự nó đã là một rủi ro vĩ đại rồi, thay vì thấy hối tiếc, ta cần phải nắm bắt thời cơ vì chẳng mấy chốc chúng sẽ biến mất và không xuất hiện lại nữa. Phải luôn giữ mình ở vòng an toàn có thể giúp bạn an tâm bây giờ nhưng trong dài hạn sẽ để lại nhiều nỗi đau. Khi đối mặt với khó khăn, với rủi ro, thì không được bỏ cuộc, không được thấy khó mà sợ. Không ai thành công nếu chấp nhận bỏ cuộc. Những người thành công và thực hiện được những giấc mơ của mình là những người luôn chăm chỉ làm việc và cố gắng vượt qua khó khăn. Những người không biết tập trung sẽ bỏ cuộc ngay khi gặp tí chút rắc rối; còn những người tập trung sẽ tiếp tục cố gắng khi người khác đã bỏ cuộc. Hơn tất cả, chỉ cần chúng ta thấy thỏa mãn với những thành quả gặt hái được thì chứng tỏ chúng ta đã thành công và hạnh phúc rồi.
Cuộc sống của con người không giống với sự sống của những hình thái sống khác trên trái đất, không như cây chỉ có mục đích phát triển, động vật chỉ có mục đích săn mồi. Con người có cho mình một đích đến hoàn mỹ và đầy ắp sự thỏa mãn, đó chính là thành công và hạnh phúc. Thành công và hạnh phúc không hề khó để đạt được, và yếu tố quan trọng nhất vẫn là ở chính bản thân bạn.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ - mẫu 3
Chào các bạn, hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn về một vấn đề trong cuộc sống. Trước khi bắt đầu phần chia sẻ của mình, tôi muốn các bạn hãy cùng tôi quan sát những bức ảnh sau và nêu cảm nhận nhé!
Đó chính lẽ sống cống hiến, hi sinh cao đẹp và lối sống ích kỉ, vô cảm. Có lẽ tất cả chúng ta đều thấy rằng cuộc sống càng hiện đại phát triển, khoa học kĩ thuật càng cao thì con người lại càng xa lánh nhau. Con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, chúng ta đang thu nhỏ lại với bản tính cá nhân, sống vì bản thân mình mà đánh mất mối liên kết với xã hội. Đứng trước vấn đề nhức nhối trên, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay đó là: Tuổi trẻ và lẽ sống cống hiến.
Chúng ta đều biết rằng, tuổi trẻ là độ tuổi năng nổ nhất, nhiệt huyết nhất, có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất. Thế nhưng tuổi trẻ cũng là giai đoạn con người hưởng thụ, xa hoa và sống vì bản thân nhất. Một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là người trẻ Việt Nam đang trở nên mất phương hướng trước những lựa chọn của bản thân. Họ sẽ lựa chọn một con đường êm ái, phẳng lặng, đi theo lối mòn của biết bao người thay vì một con đường gồ ghề đầy thách thức vắng dấu chân người. Họ sẽ lựa chọn một con đường đã được định sẵn theo ý muốn của người khác thay vì mục tiêu đã đề ra cho chính mình. Người trẻ quen với lối sống hưởng thụ, cho rằng giá trị bản thân nằm ở những thứ vật chất giàu có được phơi bày ra bên ngoài. Do đó, họ chạy theo xu hướng mà đánh mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Điều này đã làm nảy sinh trong một lớp người lối sống vô cảm và ích kỉ cá nhân. Họ lãnh đạm trước nỗi đau của người khác, thậm chí lợi dụng sự bất hạnh của người khác để chuộc lợi cho bản thân. Họ sống trong tập thể nhưng lại chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Họ đề cao lối sống tự do bằng cách sống buông thả bản thân, làm những gì mình muốn mà không quan tâm đến cái nhìn của người khác. Biết bao nam thanh nữ tú sa vào con đường tệ nạn xã hội, nghiện hút ma tuý để thoả mãn lối sống hưởng thụ của mình. Biết bao thanh thiếu niên trẻ tuổi hằng đêm tổ chức đua xe trái phép trên phố gây ra cái chết thương tâm cho người vô tội mà không hay biết lỗi. Và biết bao cô gái xinh đẹp bỏ nhà, bỏ quê, xa xứ với ước muốn được đổi đời mà không hay biết đó là chốn địa ngục trần gian. Vậy đấy! Một lớp người trẻ chúng ta đang sống buông thả và vô trách nhiệm như vậy đấy!
Tưởng rằng xã hội chúng ta đang sống sẽ thật tồi tệ, tối tăm, mù mịt. Nhưng không, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy, chúng ta vẫn còn biết bao tấm gương sáng, bao con người với lẽ sống thật cao đẹp, đáng trân trọng ngợi ca. Đó là những tấm gương cống hiến âm thầm lặng lẽ. Tuổi trẻ với tinh thần nhiệt huyết, năng nổ của bản thân chính là lực lượng có những đóng góp tích cực, nổi bật nhất trong xã hội. Họ có khả năng lao động, học tập và hơn cả là sức sáng tạo vượt bậc. Họ khẳng định giá trị bản thân không nằm ở những món đồ hàng hiệu đắt tiền mà nằm trong những cống hiến có ích mà họ đóng góp trong xã hội. Họ lan toả tình yêu thương trong cuộc sống, họ đấu tranh loại trừ cái xấu, tôn vinh cái đẹp. Chỉ khi đặt vào hoàn cảnh khó khăn, con người mới bộc lộ những bản chất thật trong con người mình. Như các bạn đã biết, đã hơn một năm nay, cả thế giới đã phải trải qua một đại hoạ – đó là dịch bệnh Covid-19. Đã có biết bao người hi sinh, biết bao bệnh nhân ra đi vì một thứ virus vô hình nhưng có sức tàn phá đáng kinh ngạc. Và giữa cái u ám của đại dịch, ta thấy ngời sáng vẻ đẹp của tình người. Những y bác sĩ ngày đêm làm việc, cứu chữa những bệnh nhân nhiễm virus. Những tình nguyện viên ngày ngày túc trực, hỗ trợ bệnh nhân và các cán bộ làm việc. Những chiến sĩ bộ đội ta từ các doanh trại đồng lòng hướng về tâm dịch: họ phụ bếp, nấu cơm, họ dọn dẹp, sắp xếp và thậm chí họ nhường cả nơi nằm nghỉ ngơi của mình cho các bệnh nhân điều trị. Những sinh viên trường Y xung phong vào tuyến đầu chống dịch, góp công góp sức vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Biết bao người trẻ từ mọi vùng miền Tổ quốc không ngại khó, ngại khổ cùng nhau kêu gọi quyên góp từ thiện, ủng hộ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Đã có rất nhiều mô hình ứng phó dịch bệnh được áp dụng như: Siêu thị 0 đồng, Đi chợ hộ,... với tinh thần “không để một ai bị bỏ lại phía sau”, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Họ chính là những người anh hùng đời thường là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng ta noi theo. Và như vậy, với sự quyết tâm cao độ, Việt Nam chúng ta đã đồng hành cùng những y bác sĩ, những thiện nguyện viên, những cán bộ chiến sĩ,...tiến từng bước trên con đường chiến thắng đại dịch toàn cầu.
Các bạn thấy đấy, tất cả mọi người đều đang cống hiến, chung tay đóng góp một phần nhỏ bé của bản thân cho xã hội. Sống cống hiến giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và những người xung quanh. Lẽ sống cống hiến giúp gắn chặt tình người, tình đoàn kết giữa cá nhân với tập thể. Nếu biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Cái nhận lại ấy có thể không giá trị nhưng nó là vô giá. Bởi “hạnh phúc là cho đi”. Và hơn hết, nó khiến cộng đồng, xã hội, đất nước trở nên tươi đẹp hơn, phát triển hơn. Các bạn thử nghĩ mà xem: Liệu xã hội sẽ ra sao, nhân loại sẽ như thế nào nếu một ngày cá nhân tách biệt với tập thể, con người xa lánh lẫn nhau? Có lẽ xã hội ấy thật đáng sợ mà tôi không thể tưởng tượng được hết.
Như vậy, tất cả chúng ta đều hiểu rằng: lẽ sống cống hiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người trong cuộc sống. Vậy chúng ta cần làm gì để lan toả lối sống đẹp đẽ ấy? Hãy biết yêu thương, hãy sẻ chia, hãy gieo mầm hạnh phúc ở mọi nẻo đường bạn đi qua. Hạnh phúc không phải điểm đến mà chính là hành trình mà bạn đã nỗ lực vượt qua. Mọi hi sinh đều nhận được sự đền đáp xứng đáng. Vì vậy, hãy cho đi mà không mong cầu được nhận lại, hãy san sẻ bằng tất cả tình yêu và sự chân thành. Hãy biết sống vì cộng đồng, hãy đóng góp những điều có ích cho xã hội. Và cụ thể bằng cách nào? Chúng ta có thể tham gia những hoạt động từ các tổ chức thiện nguyện uy tín, cũng có thể tự mình tạo ra những hoạt động ý nghĩa cho xã hội. Nhưng trước khi đóng góp cho xã hội, bạn hãy biết tự yêu thương và trân trọng chính bản thân mình và những người thân trong gia đình mình. Bởi chỉ khi có trách nhiệm với bản thân, bạn mới có thể hoàn thành nghĩa vụ với xã hội. Tuy nhiên, sống cống hiến không có nghĩa là luôn luôn phải cho đi, luôn luôn phải hi sinh bất chấp mọi ngăn cản. Bạn hãy nhớ rằng: lòng tốt cần có giới hạn và nguyên tắc. Chúng ta không thể cứ nhu nhược cho đi để rồi khiến lòng tốt bị đem ra trở thành một món hàng bị lợi dụng lúc nào không hay. Chúng ta cũng không thể lúc nào cũng phải nghĩ cho người khác mà đánh mất bản thân mình. Vì vậy, hãy cứ sống là mình, sống sao để bản thân cảm thấy thoải mái và để cuộc sống trở nên ý nghĩa, giá trị hơn bao giờ hết. Hãy sử dụng lòng tốt của bản thân đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và đúng mục đích. Lòng tốt của chúng ta chỉ thực sự có nghĩa khi nó đem lại lợi ích cho cộng đồng mà không phải một món hàng lợi dụng.
Với tôi, dù còn là học sinh nhưng tôi nhận thức hơn ai hết, người trẻ chúng ta gánh vác trên vai trọng trách vô cùng cao cả đối với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, bên cạnh học tập, tôi cần nỗ lực phấn đấu theo đuổi ước mơ hoài bão, sống có mục tiêu, biết cống hiến và hi sinh vì những điều có ích cho cộng đồng. Còn bạn, bạn sẽ làm gì để cống hiến cho xã hội? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé!
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ - mẫu 4
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........
Sau đây tôi xin được chia sẻ về vấn đề xã hội rất được quan tâm trong thời gian gần đây đó chính là tệ nạn bạo lực học đường.
Như các bạn đã biết, trường học là nơi giáo dục nhân cách con người, là nơi mà ai cũng trải qua một thời gian gắn bó, nơi được xem là ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè để ta học hỏi, có thầy cô dìu dắt nhân cách chúng ta. Nhưng thật đáng buồn nếu môi trường ấy ngày càng trở nên tha hóa bởi vấn đề bạo lực học đường. Không những vậy, vấn đề này trong thời gian gần đang là vấn đề đáng lo ngại của phụ huynh, nhà trường nói riêng và của xã hội nói chung.
Vấn đề bạo lực học đường trong thời gian gần đây thực sự đang trở thành một mối lo lắng và quan tâm lớn của toàn xã hội. Chỉ cần lên Google tìm kiếm cụm từ “Học sinh đánh nhau” thì chỉ mất (0,08 giây) google đã cho 3.140.000 kết quả liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc. Đây là một con số thật khủng khiếp và đáng báo động.
Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở hình thức đơn giản như chửi nhau, đánh nhau trên lớp nữa mà đáng lo ngại hơn đó là việc đánh nhau nghiêm trọng có thể nguy hại đến tính mạng. Những người hứng chịu việc bạo lực học đường đó chắc chắn không chỉ chịu nỗi đau về thân xác mà còn chịu tổn thương về tinh thần. Phụ huynh học sinh, thầy cô không có ai có thể không bàng hoàng cũng như bức xúc và tức giận trước những clip cả hội đồng nhào vô đánh một bạn nữ, thậm chí cắt tóc, cởi đồ quay clip up lên mạng xã hội. Mà những đoạn video đó cũng chỉ là một góc rất nhỏ trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay, ngoài xã hội thực chất vẫn còn vô vàn các vụ bạo lực mà có thể còn chưa được công khai. Đối tượng trong các clip đánh nhau đó chính là những bạn học sinh trung học cơ sở hay trung học phổ thông, là lứa tuổi mà các em có những biến đổi về tâm sinh lý, suy nghĩ bồng bột và thích thể hiện bản thân. (các bạn có thể nhìn lên màn hình trên đây – trình chiếu bằng PowerPoint)…. Các bạn thấy thế nào? Có bức xúc không? Có đáng lên án không? …Nào, mình mời một bạn hãy chia sẻ cảm nhận của mình sau khi xem những clip và hình ảnh như thế này… Vậy bạn có biết nguyên nhân vì sao xảy ra hiện tượng này không?
À chúng ta có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Trong đó có những nguyên nhân mang tính xã hội xã hội như do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt, dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường với bạn bè. Hay sự bức xúc của cá nhân khi không nhận được điều mà cá nhân muốn và những điều mà cá nhân kỳ vọng nhưng không đạt được; sự ganh ghét đố kị về những điều mà người khác có được; những cử chỉ và nhận xét mang nội dung hạ nhục. Đặc biệt là đối với học sinh THCS với sự thay đổi nhanh mạnh về mặt thể chất và tâm sinh lý nhưng không cân đối do đó trong tâm lí có những nét bất ổn, đôi lúc là bốc đồng và không kiểm soát được hành vi bản thân.
Thứ hai là tác động của văn hóa: truyền thông đại chúng (phim ảnh bạo lực, những clip đánh nhau, những hình ảnh mang tính bạo lực …), game hành động. Đây là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng tương đối sâu sắc tới hành vi bạo lực của học sinh trung học cơ sở. Do hành vi lây lan của học sinh, vì học sinh lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông rất quan trọng tình bạn và quan hệ bạn bè chi phối rất nhiều tới sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này. Do đó khi học sinh chơi với nhóm bạn có hành vi bạo lực thì học sinh cũng có hành vi bạo lực theo và đôi khi hành vi bạo lực đó được trẻ coi là hành vi tốt để bảo vệ bạn bè. Nói như thế có nghĩa là đôi khi học sinh không nhận thức được hoặc có nhận thức sai lệch về động cơ của hành động dẫn tới những hành vi sai lệch trong môi trường học tập.
Bạo lực học đường trước hết gây tổn hại về thể chất nghiêm trọng cho những em chịu những trận đòn đó. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về tinh thần. Khi trường học không còn là nơi giáo dục nhân cách con người mà là nơi chỉ có những trận đòn roi đáng sợ thì ai ai cũng sợ phải đến trường. Khi trường học không còn là nơi ngập tràn kỉ niệm bạn bè nữa mà là nơi chi có sự thù ghét nhau thì đó chính là tổn thương sâu sắc đến với người học sinh.
Vì vậy, việc chỉ góp một chút công sức và ý chí của bạn, vấn nạn chung của xã hội này phần nào được giảm thiểu. Trên hết, gia đình sẽ là nơi yêu thương và giáo dục các bạn học sinh đầu tiên. Nếu được sống trong một môi trường giáo dục tốt, những suy nghĩ và hành động của các bạn sẽ ôn hòa và tình cảm hơn. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường và thầy cô cũng vô cùng quan trọng. Nhà trường cần giáo dục các em về đạo lý và cách cư xử giữa người với người. Thầy cô cần răn đe và chỉ rõ cho các bạn những gì mình đã làm chưa đúng. Riêng bản thân các bạn học sinh, cần nói không với bạo lực học đường. Không tham gia đánh nhau hoặc tổ chức đánh nhau mà hãy tập trung học và vui chơi lành mạnh.
Nạn bạo lực học đường đang là vấn nạn lớn của cả xã hội và ngày càng phức tạp. Nói như vậy không phải là không thể ngăn chặn được nạn bạo lực này. Mỗi người trong chúng ta cần phải hành động và làm những gì để góp phần hạn chế và tiến đến xóa bỏ nạn bạo lực học đường. Gia đình, nhà trường cần giáo dục tốt và tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh để các bạn học sinh học tập. Hãy nói và chia sẻ với nhau nhiều hơn thay vì dùng hành động. Hãy yêu thương lẫn nhau và đừng làm tổn thương nhau. Và hãy để nạn bạo lực học đường chỉ còn là quá khứ!
Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ, giới thiệu, đánh giá, ý kiến của bạn về vấn nạn này để chúng ta có thể tìm được hướng giải quyết tốt nhất.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ - mẫu 5
Cuộc sống sẽ trở nên ấm áp nếu chúng ta sống có tấm lòng. Có thể thấy, lòng vị tha có vai trò vô cùng quan trọng và góp phần làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn. Vị tha là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác; đồng thời người có lòng vị tha là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người. Mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính vị tha, vị tha để được sống trong tình yêu thương chân thành nhất. Người có lòng vị tha thường là những người không tính toán thiệt hơn, hơn thua với người khác, sẵn sàng nhường nhịn trong một cuộc tranh đấu. Bên cạnh đó, người có lòng vị tha cũng là người sẵn sàng tha thứ với lỗi lầm của người khác với mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ hiện tại. Vị tha đóng vai trò quan trọng, cốt yếu trong cuộc sống: Việc vị tha, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được. Vị tha với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn. Nếu tất cả con người trong xã hội không có lòng vị tha thì xã hội sẽ thiếu đi tình thương của con người, con người sẽ trở nên xa lánh nhau. Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá vị tha không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác. Mỗi người cần có lòng vị tha, sống rộng lượng, tha thứ cho người khác nếu bản thân cảm thấy người ta xứng đáng. Chan hòa với mọi người xung quanh, sẵn sàng cho đi yêu thương, san sẻ với người khác để thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Mỗi người suy nghĩ tích cực một chút, biết san sẻ, vị tha một chút thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Như vậy, lòng vị tha là điều tốt đẹp nên có ở mỗi người. Cảm ơn cô và cả lớp đã lắng nghe bài nói của em!
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ - mẫu 6
Chào thầy/cô và các bạn. Mình tên là Nguyễn Văn A, hôm nay mình xin được phép thuyết trình về một vấn đề khá quan trọng đối với học sinh chúng ta.
Tôi từng nghe một câu chuyện rất hay như thế này. Chuyện xưa kể rằng, có đôi bạn rất thân, từ nhỏ đã sống và học hành bên nhau. Tuy nhiên hai người có chút khác biệt là một người thì siêng năng học hành, còn một người thì không chú tâm đủ cho việc học. Nên trong kỳ thi kén chọn nhân tài của nhà vua, người học trò siêng năng đã đậu trạng nguyên. Còn người bạn kia không được gì đành ôm nỗi buồn mà về quê nhà. Tân trạng nguyên rất vui vì thành quả sau bao năm đèn sách đã thu hoạch được. Tuy nhiên, anh cũng rất buồn vì người bạn chí cốt không đỗ đạt cùng mình. Với niềm hy vọng và lòng yêu mến bạn, anh đã dùng một cách rất độc đáo để khích lệ và tạo động lực cho bạn là không nhận người kia là bạn nữa, xa lánh, coi thường và kể cả việc dùng những lời lẽ thậm tệ để mạt sát anh bạn kia nữa.
Cách cư xử đó đã làm người bạn kia rất tức giận và tự nhủ : “ anh nghĩ anh được làm quan là ghê ghớm hả? Tôi cũng sẽ làm quan cho anh thấy.” Và quả như vậy, ba năm sau anh đã trong đợt thi trạng nguyên kế tiếp, anh đã ghi danh bảng vàng với danh hiệu Trạng nguyên cùng số điểm rất cao. Sau đó anh tìm cách gặp lại người bạn cũ năm nào đã phụ bạc mình để “trả đũa”. Nhưng rồi qua tiếp xúc, anh mới nhận ra tấm chân tình của người bạn giành cho anh. Thế là từ đó mối thâm tình của hai người lại càng sâu đậm hơn. Đây quả là một tình bạn đẹp mà ai trong chúng ta cũng muốn có. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là tình bạn mà là nguyên nhân tại sao sau ba năm, một thời gian không dài lắm đã biến một con người lười biếng, không có chí tiến thủ trở thành một trạng nguyên xuất chúng như vậy? Hay nói cách khác, câu chuyện trên đã phản ánh một vấn đề xã hội đó là tầm quan trọng của động cơ học tập.
Tôi xin phép được khảo sát một số bạn. Động cơ học tập của bạn là gì?; “Theo bạn, động cơ học tập có quan trọng không?
Theo J. Piaget, “Động cơ là tất cả các yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó”. Theo Phan Trọng Ngọ, “Động cơ học tập là cái mà việc học của họ phải đạt được để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn, học viên học cái gì thì đó là động cơ học tập của học viên”. Từ một số kết quả tìm hiểu được, tóm lại, động cơ học tập chính là yếu tố định hướng, thúc đẩy hoạt động học tập, nó phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức của người đọc. Bởi vậy, động cơ học tập đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình học tập của mỗi người.
Vậy, động cơ học tập được hình thành như thế nào? Động cơ học tập không có sẵn hay tự bộc phát mà được hình thành dần dần trong quá trình học tập của mỗi học sinh. Nhu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là “phải hiểu biết” và một bên là “chưa hiểu biết” (hay hiểu biết chưa đủ, chưa đúng) là nguyên nhân chính để hình thành động cơ học tập. Ngoài ra, động cơ nói chung và động cơ học tập nói riêng cũng thường có mối liên hệ mật thiết với hứng thú của con người. Theo tôi, động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ bên ngoài (động cơ xã hội) và động cơ bên trong (động cơ hoàn thiện tri thức). Động cơ xã hội chính là những yếu tố bên ngoài tác động đến người học (bố mẹ, tương lai, thầy, cô giáo). Động cơ này thường mang yếu tố áp lực hơn bởi đôi khi có một số trường hợp sẽ mang tính chất cưỡng chế (ví dụ: kết quả học tập không đáp ứng được nhu cầu của bố mẹ). Động cơ bên trong là tự bản thân người học tạo ra hứng thú trong việc học của mình (cố gắng học để đạt điểm cao, để hiện thực hóa ước mơ). Trong từng hoàn cảnh cụ thể, hai động cơ này sẽ xuất hiện đồng thời bởi chúng có mối liên hệ với nhau. Động cơ xã hội “bám vào”, “hiện thân” trên động cơ hoàn thiện tri thức, trở thành một bộ phận của động cơ hoàn thiện tri thức. Tuy nhiên, động cơ hoàn thiện tri thức vẫn đóng vai trò chính.
Động cơ học tập có tầm quan trọng như thế nào? Đối với học sinh, việc học là quan trọng nhất. Bởi hành trang tri thức là hành trang vững chãi, thiết thực và cần thiết nhất trên con đường thành công. Bất kể làm việc gì, khi chúng ta có hứng thú, mọi việc mới được tiến hành một cách nhanh chóng nhất. Chính vì vậy, động cơ học tập chính là yếu tố then chốt tạo nên hứng thú học tập cho học sinh. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, để kích thích sự hứng thú ấy cũng cần những người “nghệ sĩ”. Trước hết, mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học, cần có mục tiêu rõ ràng (Đặt câu hỏi “Học để làm gì?”), có phương pháp học tập đúng đắn. Việc tự hoàn thiện mình như vậy cũng là yếu tố quan trọng để khơi dậy động cơ học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên cũng rất cần thiết. Cha mẹ cần giải thích rõ cho con hiểu về lợi ích của việc học và tác hại nếu như con người không có tri thức để tạo một động cơ học tập tích cực cho con. Đặc biệt, phụ huynh không nên sử dụng phương pháp “con nhà người ta” để giúp con tiến bộ hơn bởi phần lớn sẽ sinh ra mặt trái là sự đố kị chứ không phải sự cố gắng. Giáo viên hãy tăng hứng thú trong mỗi giờ học bằng lối giảng truyền cảm, đôi khi pha chút thú vị, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy để học sinh tìm kiếm được những điều mới lạ trong những trang sách.
Với tất cả những điều đã phân tích ở trên, theo tôi, tự mỗi người hãy đề ra cho mình cách học và mục đích học đúng đắn, xác thực; cố gắng để đạt được thành công đó. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên cũng chính là những bước đệm quan trọng để giúp con tìm ra động cơ học tập. Có như vậy, việc học đối với mỗi học sinh sẽ không còn là ác mộng.
Bài thuyết trình đến đây là kết thúc. Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của thầy/cô và tất cả các bạn. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của mọi người để phần thuyết trình của mình được hoàn thiện hơn.