X

Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức

Top 30 Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề


Haylamdo biên soạn tổng hợp trên 30 bài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề (hay nhất)

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề - mẫu 1

1. Đặt vấn đề

Ngụ ngôn, là một tiểu loại nằm trong loại hình văn học dân gian. Mỗi câu truyện ngụ ngôn được xây dựng, đều chứa đựng những triết lí sống giống như thể loại tục ngữ, nhưng nó lại được thể hiện ở hình thức khác biệt, mang đặc trưng độc đáo riêng mà chỉ ở ngụ ngôn mới có.

2. Giải quyết vấn đề

Ngụ ngôn là loại truyện có ngụ ý đằng sau cốt truyện, được xây dựng nhằm mục đích nên lên bài học triết lí, bài học sống cho các thế hệ. Truyện ngụ ngôn, thường có tính đả kích và châm biếm sâu sắc một tầng lớp trong xã hội, phê phán những đức tính của con người như keo kiệt, xu nịnh, huyênh hoang, tham lam, dẫn đến những hậu quả xấu.

Đầu tiên, là bài học triết lí được thể hiện trong Chân tay tai mắt miệng. Câu chuyện muốn nói đến bài học về tình đoàn kết, đừng nghe ai xui dại mà làm bậy, thiệt hại đến bản thân. Trong một tập thể sống, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa, gắn bó vào nhau cùng tồn tại, phải biết hợp tác và tôn trọng công sức của nhau. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai trong câu chuyện, ai cũng cho là mình có nhiều công lao, vất vả. Từ đó, họ xúm lại chê trách lão Miệng chỉ ăn mà không làm. Trước kia, họ vẫn dựa vào nhau mà cùng tồn tại. Nhưng cô Mắt đã khởi xướng một cuộc tẩy chay,  kêu gọi cậu Chân, cậu Tay “Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không”. Và, cậu Chân cậu tay cũng nghe theo cô Mắt, kéo theo cả bác Tai đến nhà lão Miệng. Họ hùng hùng hổ hổ, hăm hở đến nói thẳng với Miệng, “Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay chúng tôi cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi”… “Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!”.

Chân, Tay, Tai, Mắt đã xúm lại, cùng nhau chê trách lão Miệng, chỉ ăn mà không làm, để rồi nhận lấy hậu quả thích đáng. “Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mõi rã rời”. Cậu Chân, cậu Tay thì “không còn muốn cất mình lên chạy nhảy”, cô Mắt “ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ”, bác Tai “ bỗng thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong”. Tất cả mọi người đều phải chịu sự mệt mỏi. Bác Tai đã nhận ra sai lầm, giải thích với mọi người, cùng nhau đến xin lỗi Miệng. Lão Miệng cũng không khấm khá hơn, “cũng nhợt nhạt cả môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép”. Khi cậu Chân và Tay đi tìm thức ăn cho lão, lão dần tỉnh lại, và tất cả cũng đều cảm thấy đỡ mệt nhọc. Từ đó, họ bảo nhau “thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai”. Họ đã nhận ra cái sai lầm của mình, và biết sửa chữa sai lầm kịp lúc.

Cũng giống như các bộ phận được nhân hóa sinh động này, con người chúng ta cũng không thể tách mình sống riêng biệt mà tồn tại được. Mỗi người, như một bộ phận trong một cỗ máy hoàn chỉnh, nên dù thiếu bất cứ bộ phận nào dù là nhỏ nhất, cũng đều có hại. Thay vì ganh tị, chia rẻ mọi người, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ ngay từ bên trong, tập sống có ích, sống vì mọi người, vì tập thể. Và, cũng đừng học theo thói a dua, nghe lời dèm pha từ một phía mà không suy xét, đưa ra hành động đúng đắn, nếu không sẽ nhận được hậu quả thích đáng.

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề - mẫu 2

Kính chào cô và các bạn, em tên là ..... Sau đây, em xin trình bày bản báo cáo kết quả nghiên cứu về vấn đề: "Không gian sinh hoạt của người Ê-đê được thể hiện trong đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời"".

Lí do em chọn vấn đề này để nghiên cứu và trình bày với cô và các bạn là bởi: Đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời" là một trong những trích đoạn tiêu biểu của pho sử thi nổi tiếng "Bài ca chàng Đăm Săn". Đoạn trích không đơn thuần kể lại hành trình chinh phục Nữ Thần Mặt Trời của người anh hùng Đăm Săn mà hơn hết, nó còn phản ánh diện mạo đời sống tinh thần, niềm tin của cộng đồng người Ê-đê. Thông qua đoạn trích, không gian sinh hoạt của người Ê-đê được hiện lên rõ nét và trở thành một điểm thú vị, đáng để khám phá.

Trong bài báo cáo này, vấn đề của em được triển khai thông qua hai luận điểm chính là:

- Luận điểm 1: Kiến trúc nhà ở của người Ê-đê.

- Luận điểm 2: Sinh hoạt của người Ê-đê trong không gian nhà.

Ở luận điểm thứ nhất, em nhận thấy kiến trúc nhà ở của người Ê-đê gắn liền với hình ảnh nhà sàn dài. Điều này được miêu tả rất rõ trong đoạn trích ở các chi tiết:"tòa nhà dài dằng dặc", "voi vây chặt sàn sân", "các xà ngang xà dọc đều thếp vàng". Sự xuất hiện của hình ảnh nhà sàn dài, cầu thang, xà ngang được lặp đi lặp lại cho thấy dấu ấn kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào người Ê-đê. Tuy nhà ở không được miêu tả một cách tỉ mỉ nhưng những hình ảnh tiêu biểu như vậy cũng đủ để làm đồng hiện nền văn hóa đặc sắc của vùng Tây Nguyên.

Ở luận điểm thứ hai, qua quá trình đọc và phân tích đoạn trích, em thấy rằng: các vật dụng như ché tuk, ché êbah, cồng, chiêng,... đều là những đồ vật quý biểu thị cho sự sung túc, giàu có của người Ê-đê phải "ngã giá bằng ba voi" mới có được. Hơn nữa, thông qua hoạt động thiết đãi vị tù trưởng Đăm Săn với đủ món thức ăn và loại thuốc quý đã cho thấy tính cách nồng hậu, cởi mở, hào phóng của người đồng bào Tây Nguyên. Những hoạt động thiết đãi tù trưởng Đăm Săn cũng chính là những hoạt động của dân làng khi tiếp đón, những vị khách quý từ phương xa. Bên cạnh đó, hình ảnh "cồng, chiêng" và "rượu cần" đã phản ánh hai phong tục lớn là tục đánh cồng chiêng và tục uống rượu cần. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà nó còn chứa đựng giá trị văn hóa của cộng đồng người Ê-đê. Còn tục uống rượu đóng vai trò thể hiện tinh thần tập thể của cộng đồng và sự hiếu khách của gia chủ. Có thể nói, những vật dụng trong căn nhà của người Ê-đê vừa gắn liền với hoạt động sống vừa phản ánh được sự giàu có, phồn vinh của cả một cộng đồng.

Như vậy, đoạn trích đã phản ánh tương đối đầy đủ văn hóa của cộng đồng người Ê-đê ở Tây Nguyên. Bên cạnh vẻ đẹp của người anh hùng Đăm Săn thì nét đẹp văn hóa của cộng đồng này cũng đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho bộ sử thi. Những vẻ đẹp ấy cần phải được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong thời đại mới.

Bài báo cáo về vấn đề: "Không gian sinh hoạt của người Ê-đê được thể hiện trong đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời" của em đến đây là kết thúc, em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề - mẫu 3

1. Đặt vấn đề

Một trong những vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu của sử thi chính là vấn đề nhân vật. Đây được xem là yếu tố cơ bản, có vai trò tích cực trong việc hình thành và phát triển cốt truyện. Trong hệ thống nhân vật đông đảo và đa dạng của sử thi, gắn liền với những đặc điểm thẩm mĩ, nổi bật nhất là hình tượng người anh hùng.

2. Giải quyết vấn đề

a. Khái quát về sử thi.

Sử thi là sáng tác tự sự dân gian có cốt truyện kể về quá khứ anh hùng của cộng đồng. Đề tài và nhân vật anh hùng trong sử thi miêu tả quá khứ hào hùng và chiến công oanh liệt. Con người và mọi thứ đều hoàn hảo, phi thường và lý tưởng hóa. Thế giới sử thi và âm điệu sử thi là âm điệu hoành tráng. Ngôn ngữ sử thi lộng lẫy và lung linh, hấp dẫn.

b. Hình tượng người anh hùng trong sử thi.

Trong sử thi anh hùng, nhân vật anh hùng đại diện cho toàn thể cộng đồng về mọi phương diện. Nội dung ấy khiến cho hình tượng người anh hùng sử thi có ý nghĩa biểu tượng cao hơn. Nhân vật anh hùng là những nhân vật trung tâm của tác phẩm sử thi.Vẻ đẹp ấy trước hết toát ra ở ngoại hình.

Nhân vật anh hùng sử thi thường có tầm vóc đẹp, có kích thước lớn lao hơn chính bản thân nó. Đặc điểm ngoại hình nổi bật nhất của người anh hùng sử thi là nó mang vẻ đẹp tạo hình theo quan điểm thẩm mĩ, theo chuẩn mực riêng của cộng đồng. Nói đến vẻ đẹp của người anh hùng sử thi phải nói đến vẻ đẹp của phẩm chất, của tài năng phi thường.Vẻ đẹp đầu tiên cần phải nhắc đến của người anh hùng sử thi là lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực phi thường. Lòng dũng cảm được coi là phẩm chất đạo đức có tính chất tuyệt đối của người anh hùng sử thi. Bao giờ người anh hùng cũng là những con người có lòng chiến đấu dũng cảm và ý chí chiến đấu mãnh liệt nhất. Một phẩm chất khác cũng không kém phần quan trọng của người anh hùng sử thi là họ luôn mang một lý tưởng cao cả, một khát vọng lớn lao. Nếu lý tưởng của người anh hùng sử thi phương Tây là khát vọng chiến công, lập vinh quang nơi chiến trận thì các anh hùng của sử thi Ấn Độ lại mang một lý tưởng thuần khiết hơn: họ hướng về điều thiện, về lẽ phải, về đạo lý ở đời. Và nhờ có sức mạnh thể chất phi thường cộnh với sức mạnh tinh thần kì diệu, người anh hùng sử thi luôn lập được nhiều chiến công hiển hách. Chiến công của người anh hùng bao giờ cũng mang ý nghĩa lớn lao,mang quyền lợi, danh dự và hạnh phúc cho bộ tộc cộng đồng.

Chúng ta càng thấy vẻ đẹp của các anh hùng sử thi rõ hơn qua ba sử thi nổi tiếng của phương Đông và phương Tây: Đăm Săn (anh hùng Đăm Săn); Ra-ma-ya-na (hoàng tử Ra-ma); Ô-đi-xê (chàng Uy-lít-xơ). Cả ba nhân vật đều có ý nghĩa biểu trưng cho cộng đồng.Ba nhân vật Đăm-săn, Ra-ma, Uy-lít-xơ, họ là những nhân vật anh hùng của sử thi Việt Nam, Ấn Độ và Hi Lạp, đều là người đại diện cho cộng đồng, có vẻ đẹp ngoại hình, có sức mạnh phi thường, tài trí hơn người, lập được nhiều chiến công hiển hách, biết căm ghét kẻ hung ác, bênh vực người yếu đuối và biết hi sinh để bảovệ hạnh phúc cho cộng đồng. Tuy vậy,vì là con đẻ của cái nôi văn hoá nghệ thuật khác nhau và ba tác phẩm khác nhau nên ba nhân vật cũng có nét khác biệt. Ra-ma là hoàng tử, Uy-lít-xơ là anh hùng chiến trận, Đăm- săn là tù trưởng.

Trong sử thi Ấn Độ Ramayana ngợi ca chiến công và đạo dức của hoàng tử Rama- một nhân vật lý tưởng,kiểu cách của đạo Hinđu, của đẳng cấp vương công quý tộc đồng thời là khát vọng của nhân dân về một vị minh quân, một anh hùng tài ba, đức độ, đem lại hạnh phúc cho xã hội và nhân dân. Ở đây Rama là một chàng hoàng tử phong nhã, hào hoa, tài đức vẹn toàn, dũng cảm chiến đấu nhưng lại yếu mềm trong đời thường và cả trong tình yêu. Trong đoạn trích sử thi ”Rama buộc tội” Van-mi-ki đã đặt nhân vật Rama vào tình thế thử thách ngặt nghèo, có sự đấu tranh nội tâm hết sức dữ dội, đòi hỏi sự lựa chọn quyết liệt, bộc lộ sâu sắc bản chất của con người. Rama dám vào sinh ra tử,dũng cảm chiến đấu với quỷ dữ để dành lại người vợ yêu quý của mình nhưng chàng cũng dám hi sinh tình yêu, tình cảm cá nhân của chính bản thân mình đẻ đổi lấy danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực. Ở đoạn trích này tác giả đã miêu tả xung đột tâm lí của hai nhân vật Rama và Xita trong cuộc gặp lại đầy thử thách và éo le. Tâm trạng của hai người cứ biến đổi theo nhịp điệu đối thoại. Khi Rama xưng hô với Xita một cách khách khí, lạnh lùng, có vẻ xa lạ “ta”, “phu nhân” thì Xita vô cùng ngạc nhiên, bất ngờ và cảm thấy giữa hai người đã có khoảng cách. Rama tuyên bố lí do chàng chiến đấu chiến thắng quỷ vương chỉ vì danh dự, bổn phận, cá nhân của người anh hùng, vị quân tướng trong tương lai. Và xita càng đau xót hơn khi Rama đối xử nhẫn tâm, lạnh lùng và những lời nói vô tình, độc địa cùng với lời khuyên tầm thường đối với mình. Tất cả những gì Rama hành động và nói với Xita chỉ là để chàng thể hiện cái vị trí của mình trong cộng đồng vì chàng là một vị thần,một vị vua trong tương lai,một anh hùng trong bộ tộc của mình.Mọi việc đều chỉ muốn mọi người tôn kính, nâng cao uy tín của mình. Ngay cả khi Xita bước lên dàn hỏa thêu Rama mặc dù rất đau đớn tuyệt vọng,có sự giằn co về tâm lí -một bên là danh dự một bên là tình cảm cá nhân thì danh dự đã chiến thắng và chàng cố kìm nén cảm xúc,nỗi đau đớn cực độ của mình mà ngồi nhìn Xita bước vào lửa.

Qua đó ta có thể biết thêm về nhân vật sử thi Ấn Độ, họ trọng danh dự của mình hơn là tình cảm cá nhân.Và trong sử thi chiến tranh bắt buộc xảy ra nhưng không miêu tả chi tiết về chiến tranh mà miêu tả xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa đạo lí và phi đạo lí. Rama là người của cái thiện và đạo lí. Rama xuất hiện từ thế giới thần linh, mang yếu tố nửa người đã xuất hiện nhiều trong thần thoại và truyền thuyết cùng với Xita và Ha-nu- man. Qua nhân vật anh hùng Rama, ta nhận thấy được sử thi Ấn Độ nặng về danh dự. Đó là sẵn sàng hi sinh tình yêu của chính bản thân để bảo về danh dự và đạo lí, lẻ phải.

Sử thi Ấn Độ là thế còn sử thi Hi Lạp và Việt Nam thì sao chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu. Sử thi Hi Lạp ca ngợi tự do, công lí dân chủ, tình yêu, đạo lí, nhân đạo, đề cao lí tưởng anh hùng,chiến thắng số phận...Trong sử thi Ôđixê ca ngợi trí tuệ, dũng khí và nghị lực của con người với khát vọng chinh phục thế giới và mơ ước về một cuộc sống hoà bình, yên vui và hạnh phúc. Ca ngợi tình yêu quê hương, tình vợ chồng, tình cha con, tình bạn bè, thuỷ chung. Sử thi Ôđixê có cốt truyện hấp dẫn, li kì và hấp dẫn. Ngôn ngữ tráng lệ. Nhân vật Uylitxơ dũng cảm, gan dạ, chấp nhận thử thách, nhạy bén, sáng suốt, nhẫn nại, có cách ứng xử tinh tế, có thể coi là anh hùng văn hoá. Đặc biệt Uylitxơ là một người anh hùng trí tuệ, mưu trí “sánh ngang với thần linh”. Sau bao năm xa cách quê nhà Uylitxơ trở về, chàng giả dạng người hành khất nên vợ chàng - Pênêlôp -  đã không nhận ra, chàng đã dương cung bắn xuyên tên qua mười hai cái vòng rìu theo lời yêu cầu của Pênêlốp. Sau đó chàng giết chết bọn cầu hôn cùng những gia nhân phản bội. Đó chính là tính cách của người anh hùng sự hơn người, dũng cảm, gan dạ, phi thường. Khi nghe lời nói của Pênêlôp và Têlêmac, Uylitxơ đã mỉm cười vì hiểu rằng vợ mình muốn thử thách mình. Đó là nụ cười về sự đấu trí, về người vợ thông minh, và cũng là nụ cười tin tưởng vào thắng lợi của trí tuệ mình. Bản lĩnh trí tuệ của Uylitxơ, cái bản lĩnh đã giúp chàng vượt qua biêt bao nhiêu thử thách, đã khiến chàng không hấp tấp vội vàng mà đày mưu mẹo khi về nhà để đạt mục đích đầu tiên: giết bọn cầu hôn. Nhưng với mục đích thứ hai: đoàn tụ với người vợ chung thuỷ, bản lĩnh trí tuệ của chàng đã gặp phải trí thông minh,khôn khéo của người vợ. Nhưng chàng vẫn không từ bỏ mà càng tỏ ra nhạy bén hơn và ứng xử tinh tế hơn. Cuối cùng bằng trí tuệ của mình, một sự thật sâu kín của tình cảm của vợ chồng yêu thương đằm thắm đã bật lên qua lời kể về bí mật chiếc giường của Uylitxơ. Uylitxơ là hình ảnh lí tưởng về người, về một người chồng, về một người cha dũng cảm, mưu trí, độ lượng, chung thuỷ. Đồng thời Uylitxơ còn là một biểu tượng đẹp đẽ của tình yêu quê hương, gia đình, tình vợ chồng chung thuỷ. Rama một chàng hoàng tử sẵn sàng hi sinh tình yêu của mình để đổi lấy danh dự. Uylitxơ một người anh hùng đầy trí tuệ, mưu lược, dũng cảm, có cách ứng xử tinh tế...

Còn người anh hùng Đăm săn trong sử thi Đăm săn thì sao? Sử thi Tây Nguyên (Việt Nam) thường ca ngợi người anh hùng chiến đấu để bảo vệ cuộc sống yên lành cho buôn làng.Khi chiến thắng,buôn làng của người anh hùng trở nên giàu có,cường thịnh hơn. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” nói về người anh hùng Đăm săn chân thật, đơn giản, có lúc ngông cuồng, có thể coi là người anh hùng chiến trận. Cuộc đối đầu giữa Đăm Săn với Mtao Mxay là giữa hai tù trưởng dũng mãnh. Phẩm chất anh hùng theo cách nhìn sử thi Tây Nguyên là chiến thắng bằng sức mạnh và sự can đảm. Cuộc đối đầu sinh tử ấy không có chỗ dung thân cho kẻ nào hèn nhát hơn. Trong tình cảm tôn vinh người anh hùng của buôn làng, mọi cử chỉ, ngôn ngữ, hành động của Đăm Săn đều nổi bật, vượt trội hơn kẻ thù. Chúng ta cùng chứng kiến cuộc thi tài múa khiên thú vị: Mtao Mxây thể hiện sự khoác lác khi lời nói của hắn được minh chứng bằng tiếng khiên kêu lộc cộc lộp cộp như tiếng những quả mướp khô đập vào nhau, còn Đăm săn đã dập tắt nhuệ khí của hắn bằng sức mạnh phi thường trong màn múa khiên độc đáo: một bước nhảy của chàng vượt qua mấy đồi tranh, một bước lùi vượt qua mấy đồi mía, Đăm Săn hùng cường ngay khi còn ở trong lòng mẹ, chàng có sức khoẻ, sức mạnh phi thường và đầy tài năng. Đăm săn chiến thắng Mtao Mxay nhờ sự trợ lực của người vợ Hơ nhị ném miếng trầu để sức lực tăng lên gấp bội và sự giúp đỡ của Ông Trời. Đăm săn chiến đấu không hề đơn độc, chính nghĩa luôn thuộc về chàng. Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây làm cho buôn làng của mình lại thêm giàu mạnh,càng nâng cao uy tín của mình và tôi tớ, dân làng của tù trưởng thù địch tự nguyện mang theo của cải đi theo Đăm Săn. Đoạn trích đã đem lại cho ta những cách nhìn độc đáo về người anh hùng Đăm Săn trong chiến công bảo vệ buôn làng, đem lại bình yên cho thị tộc. Sử thi Đăm săn quả thật đã hình thành ý thức và tình cảm cộng đồng vững bền giữa các dân tộc Ê-đê, thành di sản quý báu của Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam, đánh dấu thời đại sử thi rực rỡ với vẻ đẹp”một đi không trở lại”. Cả ba đoạn trích sử thi đều kể lại về chuyện tái hợp, đoàn tụ gia đình giữa người anh hùng và người vợ của mình.Và để có sự đoàn tụ, kết cục tốt đẹp, các nhân vật đều phải trải qua những thử thách: thử thách về chiến trận, thử thách về tâm lí, hoặc thử thách cả về chiến trận lẫn tâm lí. Từ chính điểm này, ta cũng thấy được điểm khác biệt thú vị của mỗi nền văn hoá.

Trong Đăm Săn và Ramayana (hai sử thi đều của các nền văn học, văn hoá phương Đông), việc đoàn tụ gia đình được thể hiện và đề cao ở khía cạnh cộng đồng, danh dự, tài năng của người lãnh đạo với tư cách là người đại diện cho cộng đồng (không gian diễn ra cuộc đoàn tụ là không gian cộng đồng, có sự chứng kiến của “nhân vật quần chúng”, người anh hùng hành động, nói năng chịu sự chi phối của vị trí, nghĩa vụ của người lãnh đạo cộng đồng. Còn Ôđixê thì khác.Việc đoàn tụ được thể hiện ở khía cạnh cá nhân, đề cao hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình (không gian đoàn tụ là không gian cá nhân; cách thức thử thách để đoàn tụ không phải chỉ có chiến đấu thể hiện sức mạnh hay hành động theo nghĩa vụ của đấng quân vương mà là thử thách mang tính cá nhân, những kỉ niệm, kỉ vật-chiếc giường, tình cảm vợ chồng gắn bó là tiêu chí để thử thách người anh hùng). Từ đó ta có thể nhận thấy rằng văn hoá phương Đông đề cao con người cộng đồng còn văn hoá phương Tây đề cao con người cá nhân. 

3. Kết luận.

Tóm lại, nhân vật anh hùng luôn hiện diện với tổng hoà các sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần.Những vẻ đẹp đó lúc đầu thì siêu phàm, kì vĩ, phi thường nhưng về sau thì bình dị, bình thường và gần gũi. Người anh hùng sử thi luôn được nhìn nhận, đánh giá, ngợi ca với niềm tôn kính thiêng liêng. 

Những vẻ đẹp của các anh hùng sử thi luôn được làm nổi bật và đậm nét là nhờ vào ngôn ngữ miêu tả của sử thi chỉ có sử thi mới đem lại những vẻ đẹp độc đáo ấy của các anh hùng. Không chỉ có ngôn ngữ mà nhờ vào lời kể chuỵện hấp đẫn,ngôn từ miêu tả khoa trương tạo được dấu ấn sâu sắc,chứa đựng những giá trị nhân văn đặc trưng của sử thi của sử thi cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nghệ thuật:so sánh, phóng đại... Tất cả nội dung và nghệ thuật có sự kết hợp với nhau tạo nên cho sử thi một vẻ đẹp tuyệt vời.

4. Tài liệu tham khảo

- https://tailieu.vn/doc/ve-dep-cua-nhung-anh-hung-su-thi-667528.html

- Th.S. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2009), Khóa luận tốt nghiệp đại học (Hình tượng nhân vật anh hùng trong sử thi Đăm Săn), Khoa Ngữ Văn- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác: