X

Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng


Haylamdo biên soạn và sưu tầm bài văn mẫu cực hay gồm 10 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn. Mời các bạn theo dõi:

Top 10 mẫu Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng (Hay nhất)

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận về một câu thơ hoặc một hình ảnh trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử đã gợi cho bạn nhiều ấn trượng và cảm xúc.

Dàn ý Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu về câu thơ hoặc hình ảnh trong bài thơ "Mùa xuân chín" gợi cho em nhiều ấn tượng và cảm xúc.

2. Thân đoạn:

- Ấn tượng của em khi đọc câu thơ hoặc hình ảnh đó là gì?

- Ý nghĩa câu thơ/ hình ảnh đó trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm.

3. Kết đoạn:

- Khẳng định lại ấn tượng của em về câu thơ/hình ảnh thơ trong bài "Mùa xuân chín".

 

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 1

Trong bài thơ "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử, hai câu thơ "Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng" gợi cho em nhiều suy ngẫm. Hình ảnh "làn nắng ửng" gợi cho độc giả nghĩ về một ngày mới bắt đầu bằng những tia nắng sớm ban mai trong trẻo, tươi mới chứ không phải cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hè. Trong khi đó, "khói mơ tan" có thể là khói phát ra từ những căn bếp trong buổi sáng sớm hoặc cũng có thể là làn sương khói tinh mơ kết hợp với "làn nắng ửng" tạo cảm giác làn khói ấy đang dần tan biến để nhường chỗ cho nắng mới lên. Dưới màu vàng nhạt của nắng mới, hình ảnh "đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng" để lại cho em những hình dung về cảnh làng quê yên bình. Đó không chỉ là màu vàng của nắng mà còn là màu vàng của những mái nhà tranh. Cả không gian như ngập tràn nắng mới thể hiện hình ảnh mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống. Qua đây, tác giả gửi gắm tình yêu quê hương đất nước của mình qua những vần thơ đặc sắc.

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 2

Trong bài thơ "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử, em đặc biệt ấn tượng với câu thơ "Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng". Trong câu thơ, xuất hiện hình ảnh gắn với nhân vật trữ tình "khách xa". "Khách xa" ở đây có thể hiểu là khách từ phương xa đến làng chơi gặp "lúc mùa xuân chín", cũng có thể hiểu "khách xa" là Hàn Mặc Tử. Thi nhân đang ở nơi đất khách quê người bỗng nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy sức sống khiến "lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng". Hai câu thơ này làm em nhớ đến bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” - Hạ Tri Chương. Đó là “Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?”. Từ "bâng khuâng" gợi ra cảm giác buồn nhớ lâng lâng lại kết hợp với động từ "sực" cho thấy sự biến chuyển đột ngột trong cảm xúc của tác giả. Câu thơ đã gợi cho em cảm những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về mùa xuân và con người của tác giả. Qua đó, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, con người cùng nỗi nhớ làng, nhớ quê hương mãnh liệt, khát khao giao cảm với đời, với người của thi sĩ.

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 3

Câu thơ "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời" trong bài thơ "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử đã gợi cho em rất nhiều ấn tượng về khung cảnh thiên nhiên mùa xuân ngập tràn sức sống. Từ "sóng cỏ" kết hợp với tính từ "xanh tươi" cho em hình dung về một cánh đồng cỏ xanh ngát, tươi mới. Làn cỏ xanh đang dập dờn trong gió xuân tạo ra cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, vừa gợi ra được màu xanh của cỏ, vừa gợi được trạng thái căng tràn và sự vận động nhẹ nhàng theo gió xuân của làn cỏ khiến mùa xuân ngập tràn khắp không gian. Câu thơ không chỉ khắc họa được bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy nhựa sống mà còn bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của thi nhân Hàn Mặc Tử.

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 4

   Câu thơ để lại ấn tượng cho em trong bài thơ Mùa xuân chín của nhà thơ Hàn Mặc Tử đấy chính là “Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín / Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng”. Hai câu này cất lên mang đầy nỗi buồn đến xót xa. Khách xa, từ bao giờ, những người con xa quê trở thành một người lạ lẫm. Mùa xuân, mùa của sự đoàn viên, tụ họp, ấy mà, đáng thương thay, người xa quê không thể về bên gia đình vào những ngày đấy. Họ chỉ đành hoài niệm về ngày xưa cũ. Hai chữ “bâng khuâng” đã nói lên tất cả. Có lẽ nhân vật trữ tình cũng đã hoặc đang xa quê nên mới có thể cảm nhận được những rung động đấy. Có nỗi nhớ nào bằng nỗi niềm xa quê. Câu thơ thốt lên, bạn đọc không khỏi ngậm ngùi. Như chạm vào đáy lòng, giọng thơ bỗng chùng xuống, mang cảm giác đau đáu, xót xa.

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 5

Với màu sắc cổ điển hài hoà với chất dân dã trẻ trung, bình dị, bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mạc Tử đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong sáng, rạo rực, say mê. Tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc bởi chính nhan đề “mùa xuân chín”. Với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, Hàn Mặc Tử đã hữu hình hoá mùa xuân, khiến nó dường như có màu sắc và có cả hương sắc. Đây chính là kết hợp từ tài tình của tác giả. Nhà thơ đã dùng trạng thái “chín” của trái cây để nói về cái trọn vẹn, viên mãn, tươi đẹp nhất của mùa xuân. Qua đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống da diết và khát khao giao cảm mãnh liệt. Bởi chính lúc “mùa xuân chín” nhất, đẹp nhất thì tác giả cũng nhận ra cái đẹp không thể tồn tại mãi. Nhà thơ bộc lộ niềm nuối tiếc khi không thể níu giữ vẻ đẹp vĩnh hằng, muốn giao hoà với vẻ đẹp của đất trời. 

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 5

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ "Mùa xuân chín" là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ. Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng" Mùa xuân chín", ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét "chín" của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.

"Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý bóng xuân sang"

Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng" sột soạt", tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hoà quyện lấy nhau.

 

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 7

Câu thơ "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời" là một nét vẽ rất đẹp trong bức tranh "Mùa xuân chín". Câu thơ gợi ấn tượng về về sắc xanh bất tận, rợn ngợp của cỏ mùa xuân. Không gì tươi tốt bằng cỏ xuân. Những cơn mưa mùa xuân ấm áp đã khiến cỏ trở mình căng trào sức sống. Tả cỏ xuân cũng là để tô đậm vẻ đẹp đang độ chín của mùa xuân. Sức sống của mùa xuân cũng theo từng làn sóng cỏ mà dâng lên bất tận, trải ra mênh mông. Câu thơ của thơ Hàn Mặc Tử khiến ta nhớ đến những vần thơ tuyệt tác của Nguyễn Du:

"Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"

(Truyện Kiều)

Cả hai câu thơ đều tạo ấn tượng về bức tranh mùa xuân đẹp và tràn đầy sức sống với màu sắc chủ đạo là màu xanh; hình ảnh chủ đạo là hình ảnh của cỏ mùa xuân rợn ngợp, tươi tốt; không gian của bức tranh là không gian mênh mông, khoáng đạt (chân trời, tới trời). Tuy nhiên, câu thơ Hàn Mạc Tử gợi lên sự chuyển động của cảnh vật qua từ "sóng" và từ "gợn", còn cảnh trong câu thơ Nguyễn Du thì tĩnh hơn. Nói cách khác, câu thơ Nguyễn Du chủ yếu nhằm làm nổi bật sắc xanh của cỏ non trải rộng đến tận chân trời. Còn câu thơ của Hàn Mặc Tử lại chủ yếu nhấn vào cái sóng cỏ đang gợn - tức là nhấn vào động thái bên trong của sự vật chứ không chỉ thuần tả sắc màu sự vật. Chính động thái đang "cựa quậy", đang "sóng sánh" ấy của cỏ khiến người đọc cảm nhận rõ hơn sức sống căng tràn của cỏ xuân và cảnh xuân.

 

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 8

Bức tranh Mùa xuân chín đang vui vẻ nhộn nhịp, tưởng như tràn đầy những lời ca tiếng hát của những cô thôn nữ, thì xuất hiện một lời:“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Đây là lời nhắc nhở hay một lời phán truyền? Có lẽ là một lời nhắc nhẹ nhàng mà thôi. Nhưng không chỉ các cô thôn nữ kia phải giật mình mà ngay cả người đọc cũng phải gật đầu mà tấm tắc như ngộ ra rằng: lẽ đời là thế! Một giấc mơ đẹp như thế này đâu dễ có, vậy mà Hàn lại kéo họ ra để họ nhìn thấy hiện tại nghiệt ngã này. Lời thơ như bùi ngùi lắng xuống, các cô gái xuân kia có biết rằng hội xuân năm sau sẽ không có đông đủ như vậy không? Sẽ có nhiều cô bỏ bạn, bỏ hội mà theo chồng và mãi mãi các cô không còn được bên nhau thế này nữa. Ta cũng thấy rằng chính nhà thơ cũng bất lực trước hiện thực này, có lẽ chỉ thở dài một cái và nghĩ mà buồn vì không có cái gì là ổn định bất biến. Những cái tốt đẹp thường đến muộn mà đi nhanh trong phút chốc, còn những nỗi buồn thì đến nhanh quá, hiện thực phũ phàng quá! Chỉ riêng câu thơ này thôi cũng làm tôi phải thấy quý những người bạn của mình hơn, quý những phút giây bên nhau hơn. Bởi lẽ sẽ có lúc chính mình phải từ bỏ “cuộc chơi” để đeo vào mình cái nghiệp chồng con. Đây đúng là cái vốn có của con người, được Hàn Mặc Tử gói lại trong vài câu thơ của mùa xuân.

 

Trình bày cảm nhận về một câu thơ hay một hình ảnh gợi cho bạn nhiều ấn tượng - mẫu 9

Câu thơ "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời" là một nét vẽ rất đẹp trong bức tranh "Mùa xuân chín". Câu thơ gợi ấn tượng về về sắc xanh bất tận, rợn ngợp của cỏ mùa xuân. Không gì tươi tốt bằng cỏ xuân. Những cơn mưa mùa xuân ấm áp đã khiến cỏ trở mình căng tràn sức sống. Tả cỏ xuân cũng là để tô đậm vẻ đẹp đang độ chín của mùa xuân. Sức sống của mùa xuân cũng theo từng làn sóng cỏ mà dâng lên bất tận, trải ra mênh mông. Câu thơ của thơ Hàn Mặc Tử gợi lên sự chuyển động của cảnh vật qua từ "sóng" và từ "gợn" – tức là nhấn vào động thái bên trong của sự vật chứ không chỉ thuần tả sắc màu sự vật. Chính động thái đang "cựa quậy", đang "sóng sánh" ấy của cỏ khiến người đọc cảm nhận rõ hơn sức sống căng tràn của cỏ xuân và cảnh xuân.

 

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác: