Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 64 - Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 64 Ngữ văn lớp 11 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.
Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 64 - Cánh diều
1. Chủ đề chính, chủ đề phụ trong một văn bản có nhiều chủ đề
Chủ đề là vấn đề cơ bản đặt ra trong văn bản. Những tác phẩm văn học lớn thường mang nhiều chủ đề, có chủ đề chính và chủ đề phụ. Chủ đề chính là chủ đề quán xuyến toàn bộ văn bản, chủ đề phụ là chủ đề được thể hiện qua các nhân vật hoặc tình tiết riêng lẻ. Ví dụ: Chủ đề chính trong Truyện Kiều là tiếng nói thông cảm, xót thương cho số phận đau khổ của người phụ nữ tài sắc; tố cáo những thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống của con người. Bên cạnh đó còn có nhiều chủ đề phụ, chẳng hạn: ca ngợi tấm gương hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ qua chuyện Kiều bán mình chuộc cha hoặc ca ngợi những đấng anh hùng qua hình tượng Từ Hải,…
2. Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn trong truyện
Trong quá trình trần thuật, điểm nhìn có thể được chuyển từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, giúp đi sâu vào nội tâm nhân vật, mở rộng khả năng bao quát, nhận xét, đánh giá của người trần thuật. Song, xét đến cùng, mọi cách nhìn, xuất phát từ mọi điểm nhìn đều trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện quan niệm, tư tưởng, thái độ của nhà văn. Ví dụ: Trong truyện Chí phèo, Nam Cao lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của người kể chuyện, lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật Chí Phèo, có khi lại trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật bá Kiến hoặc thị Nở,…Điều đó giúp cho nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên; đồng thời, tạo cho tác phẩm nhiều giọng điệu đan xen lẫn nhau, phong phú và biến hóa, làm nên sức hấp dẫn đối với người đọc.
3. Giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh trong văn học
- Mỗi tác phẩm văn học là sản phẩm của một nền văn hóa, phản ánh giá trị văn hóa cộng đồng nơi tác phẩm sinh thành. Chẳng hạn, qua tác phẩm Chí Phèo, người ta thấy hiện lên làng quê nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Támnăm 1945 với tất cả những nề nếp, lối sống, sinh hoạt làng xã cổ hủ, phong kiến đầy rẫy những bất công,... Với truyện Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân thông qua những con người, sự việc mà ngợi ca những giá trị văn hóa về cái đẹp (tâm hồn, nhân cách, thiên lương,…), về cái tài và lối sống trong sạch, uy vũ không thể khuất phục,… Đoạn trích Tấm lòng người mẹ (trích tiểu thuyết Những người khốn khổ - Huy-gô) lại như một bức tranh thu nhỏ, ở đó, người ta thấy rõ một phần bối cảnh xã hội – văn hóa Pháp cuối thế kỉ XVIII,…
- Triết lí nhân sinh trong văn học là quan niệm và sự lí giải của nhà văn về các vấn đề chung liên quan đến cuộc sống, số phận con người, sự tồn tại và phát triển của xã hội. Triết lí nhân sinh thường biểu hiện trực tiếp qua lời người kể chuyện. Ví dụ: “Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”, hoặc “Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa.” (Chí Phèo). Rất nhiều triết lí nhân sinh được thể hiện trực tiếp qua lời nhân vật hoặc gián tiếp qua tình huống truyện, nhân vật, biểu tượng, bối cảnh. Ví dụ, suy nghĩ của viên quản ngục: “Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình.” (Chữ người tử tù).
4. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
- Ngôn ngữ nói có những đặc điểm sau:
+ Phương tiện được sử dụng là âm thanh (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt,…(phương tiện phi ngôn ngữ). Do sử dụng các phương tiện này, lời nói khó phổ biến rộng và lưu trữ lâu dài, nếu không được ghi âm, ghi hình.
+ Có người nói và người nghe; người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau. Để thể hiện thái độ lịch sự, người đối thoại cần đợi đến lượt lời của mình. Khi đối thoại, do cả người nói và người nghe đầu phải phản ứng nhanh nên người nói cần chú ý cân nhắc sử dụng từ ngữ, cách nói sao cho thuyết phục, lịch sự; người nghe cần tập trung chú ý để hiểu đúng và đầy đủ ý kiến người nói.
+ Ngôn ngữ nói thường sử dụng những từ ngữ giản dị, dễ hiểu và những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ. Nhờ có sự hỗ trợ của bối cảnh giao tiếp, người nói có thể sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt. Người nói có thể sử dụng những yếu tố chêm xen dư thừa để người nghe dễ theo dõi.
- Ngôn ngữ viết có những đặc điểm sau:
+ Phương tiện được sử dụng là chữ viết (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp hình ảnh, kí hiệu, sơ đồ,…(phương tiện phi ngôn ngữ). Nhờ những phương tiện này mà các văn bản viết được phổ biến rộng và lưu giữ rất lâu dài.
+ Giao tiếp bằng ngôn ngữ viết (viết thư, viết báo, viết sách,…) là hình thức giao tiếp mà người viết và người đọc không thể ngay lập tức đổi vai cho nhau. Nhưng người viết vẫn phải hình dung là viết cho người đọc nhất định và có thể nhận được phản hồi của người đọc.
+ Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ được trau chuốt, hoàn chỉnh. Vì đối tượng giao tiếp (người đọc) không có mặt nên người viết cần lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho người đọc hiểu đúng và hiểu đầy đủ điều mình muốn nói. Ngôn ngữ viết ít sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt, các yếu tố chêm xen dư thừa.
- Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, chúng ta có thể gặp ngôn ngữ nói ở dạng viết (đối thoại của các nhân vật trong truyện, bản ghi các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, nói chuyện,…) và ngôn ngữ viết ở dạng nói (thuyết trình trước tập thể, đọc văn bản, báo cáo,…). Ví dụ, lời nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao: “Ối làng nước ôi! Cứu tôi với…Ối làng nước ôi! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lí Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!...”. Lời nói của nhân vật Chí Phèo ở đây được thể hiện bằng chữ viết, có các dấu ngắt câu để người đọc dễ theo dõi và hình dung được ngữ điệu của nhân vật. Ngôn ngữ của Chí Phèo tuy có thô lỗ (dùng các từ thằng, nó) nhưng vì được miêu tả trong tác phẩm văn học nên không chứa yếu tố chửi bới tục tĩu có thể có ở một nhân vật lưu manh. Tuy vậy, những đặc điểm của ngôn ngữ nói vẫn được thể hiện rất rõ ở ngữ điệu, các thán từ (ối, ôi), trợ từ (với), các yếu tố dư thừa (lặp lại ba lần tiếng kêu Ối làng nước ôi!, lặp lại chủ ngữ: Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi!).