Top 30 Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Haylamdo biên soạn tổng hợp trên 30 bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Dàn ý Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 1)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 2)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 3)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 4)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 5)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 6)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 7)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 8)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 9)
- Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (mẫu 10)
Top 30 Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (hay nhất)
Dàn ý Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
1. Mở bài
- Nêu được sự việc có thật liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử mà em sẽ thuật lại trong bài viết
- Chỉ ra lí do hoặc hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đó
2. Thân bài
a. Gợi lại không gian, thời gian xảy ra câu chuyện, hoặc các dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử được nhắc đến.
- Không gian, thời gian xảy ra câu chuyện
- Dấu tích liên quan đến sự kiện lịch sử hoặc nhân vật nói đến
b. Thuật lại nội dung, diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử.
- Bắt đầu – diễn biến – kết thúc
- Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,…), kết hợp kể chuyện, miêu tả
c. Vai trò, ý nghĩa hoặc tầm ảnh hưởng của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức sự kiện lịch sử hoặc nhân vật.
3. Kết bài
- Khẳng định ý nghĩa hoặc đưa ra cảm nhận bản thân về sự việc hoặc nhân vật lịch sử.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 1
Một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với sự kiện này, cuộc kháng chiến chống thực dân pháp đã chính thức giành thắng lợi.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Từ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của chiến dịch này. Trước hết, chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Ba đợt tiến công diễn ra trong năm mươi sáu ngày đêm. Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3), chúng ta tiêu diệt được hai cứ điểm quan trọng là Him Lam và Độc Lập, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc cho quân ta tiến xuống lòng chảo và khu trung tâm. Đợt 2 (từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4), ta đã kiểm soát các điểm cao, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại sống của ta. Còn quân địch rơi vào thể bị động mất tinh thần cao độ. Đợt 3 (từ 1 đến 7 tháng 5), quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch toàn thắng.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chấm dứt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Từ đó, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, chiến thắng này cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.
Có thể khẳng định rằng, Điện Biên Phủ là một trong những chiến dịch vô cùng quan trọng, góp phần đánh bại kẻ thù xâm lược - thực dân Pháp.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 2
Quốc ca Việt Nam - một bài hát từ lâu đã trở thành một phần linh thiêng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Bài hát đã được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.
Theo lời kể của nhạc sĩ Văn Cao, khi còn trẻ, ông là một thanh niên khá nổi. Bạn bè thường khen ngợi ông là tài hoa, am hiểu cả thơ ca và hội họa. Nhưng ít ai biết răng, ông cũng đã có một khoảng thời gian khá dài chìm trong tuyệt vọng, không tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời mình. Cho đến khi đã gặp được anh Ph.D. Qua anh Ph.D, ông lại được anh Vũ Quý. Sau khi trò chuyện với Vũ Quý ông như được giác ngộ, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình. Không còn sa vào những buồn chán, thất vọng, ông khao khát được tham gia cách mạng, mong muốn vào chiến khu cùng những người anh em đứng lên cầm súng giết quân thù. Nhưng nhiệm vụ ông nhận được là sáng tác nghệ thuật.
Lúc mới bắt đầu sáng tác “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao chưa một lần cầm súng cũng chưa từng được gia nhập đội vũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài. Ông chưa từng biết chiến khu, chỉ biết đến những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Ông chưa gặp các chiến sĩ trong khóa quân chính đầu tiên để biết họ hát như thế nào. Nhưng bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, trên căn gác nhỏ phố Nguyễn Thượng Hiền, ông đã hoàn thành bài hát “Tiến quân ca” trước sự chứng kiến của Ph.D - người chứng kiến sự ra đời của Tiến quân ca,anh Vũ Quý - người đầu tiên biết đến bài hát và ông Nguyễn Đình Thi - người xướng âm ca khúc đã rất xúc động.
Bài hát ra đời và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, bài hát lần đầu tiên được công bố rộng rãi trong một cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Trước Quảng trường Nhà hát lớn, hàng ngàn người cất cao tiếng hát, hòa vang đầy khí thế hào hùng. Những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát đến tay mọi người trong hàng ngũ các công chức tham dự buổi mít tinh. Lần thứ hai Tiến quân ca được xuất hiện là trong một cuộc mít tinh diễn ra vào ngày 19 tháng 8. Hôm đó, hàng ngàn người cùng những em thiếu nhi cất cao lời ca, tiếng hát; thét lên tiếng căm hờn bè vào mặt lũ đế quốc tàn bạo với niềm tự hào về chiến thắng của cách mạng.
Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam đã ra đời như vậy, trong thời đại lịch sử đánh dấu buổi bình minh mới của đất nước. Tác phẩm mang một giá trị lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều mẩu chuyện kể về cuộc đời của Người. Qua đó, chúng ta thấy được những đức tính tốt đẹp của người.
Vào giữa mùa thu năm 1954, Bác đến tham dự “Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất” ở Hà Bắc. Tại hội nghị, khi biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai cũng háo hức muốn đi, đặc biệt là những người quê ở Hà Nội. Sau nhiều năm xa cách quê hương, mọi người đều mong muốn được cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.
Trời đã vào thu nhưng vẫn còn khá nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác. Mở đầu, Bác trò chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt. Rồi Bác hỏi các đồng chí cán bộ về chức năng của từng bộ phận của đồng hồ. Thế rồi, Bác mới hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Mọi người đều im lặng, không ai trả lời:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
- Thưa, không được ạ!- Các cán bộ lại đồng thanh đáp.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:
- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Nghe xong, cả hội trường trở nên im lặng. Mỗi người đều có những suy nghĩ riêng về lời nói của Bác.
Vào một dịp cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Thăm nơi ăn, chốn ngủ của các chiến sĩ bộ đội xong, Bác đã đã trò chuyện với họ. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?
Bác vui vẻ nói tiếp:
- Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy. Nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không? Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành.
Không chỉ vậy, chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.
Câu chuyện về chiếc đồng hồ đã cho thấy được những phẩm chất đẹp đẽ của Bác Hồ, cũng như bài học sâu sắc mà bác muốn dạy cán bộ, chiến sĩ của mình.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 4
Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều người con của mảnh đất Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ và đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc. Một trong số đó là Võ Thị Sáu - nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Nguyên quán được ghi trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã cùng với anh trai tham gia cách mạng. Chị tham gia vào đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong thời gian này, chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương. Không chỉ vậy, chị cũng nhiều lần phát hiện ra gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.
Một lần nọ, chị nhận nhiệm vụ mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng - một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước. Sau này, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, chị đã bị giặc bắt. Sau khi bị bắt, cô lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Thực dân Pháp đã cho mở phiên tòa, thời điểm này, chị vẫn chưa tròn mười tám tuổi. Luật sư biện hộ đã lấy đó làm căn cứ để giúp chị thoát khỏi án tử hình, nhưng tòa án vẫn tuyên án tử hình chị. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. Ở đây, thực dân Pháp đã lén lút đem chị đi tử hình.
Vào năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Chị Võ Thị Sáu chính là một biểu tượng về lòng dũng cảm, kiên cường.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 5
Trần Quốc Tuấn (1231? - 1300), tước Hưng Đạo Vương là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần. Ông là một vị anh hùng của dân tộc, có công lớn trong chiến thắng chống quân Nguyên - Mông.
Ông là con của An Sinh Vương. Lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Cha của ông trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn dặn rằng:
- Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.
Ông ghi nhớ trong lòng, nhưng không cho điều đó là phải. Sau này, đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Họ đã can ngăn ông:
- Làm kế ấy tuy được phú qu một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương chẳng phải đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu.
Trần Quốc Tuấn nghe vậy, lấy làm cảm phục lắm, liền khen ngợi hai người. Trong hai năm, 1285 và năm 1287, quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang. Sau này khi mất, nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước.
Qua sự này, có thể thấy được tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước, không tư lợi của Trần Quốc Tuấn, ông là người thận trọng và quyết đoán và cũng chân thành.
Có thể khẳng định, Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Cuộc đời của ông đã có những đóng góp to lớn cho nhân dân, đất nước.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 6
Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346), tự là Tiết Phu, người ở thôn Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là một nhân vật lịch sử mà tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ và kính trọng.
Mạc Đĩnh Chi vốn thông minh hơn người. Vì văn hay chữ tốt, ông được Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nhận làm môn đồ, chu cấp cho ăn học. Tháng 3, năm Giáp Thìn (1304), vua Trần Anh Tông đã cho mở khoa thi Thái học sinh để tìm kiếm nhân tài. Kỳ thi đó lấy đỗ được bốn mươi bốn người. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, được sung làm Nội thư gia. Dù vậy, Mạc Đĩnh Chi lại có hình dáng thấp bé, vua Trần Anh Tông thường chê ông xấu. Mạc Đĩnh Chi đã làm bài phú “Ngọc tỉnh liên phú” có nghĩa là “Sen trong giếng Ngọc” để tự nói mình. Vua Trần Anh Tông xem xong, không ngớt lời khen ngợi.
Khi đảm nhận chức Nội thư gia, Mạc Đĩnh Chi phụng mệnh đi sứ sang Trung Quốc. Nhà Nguyên có ý xem thường ông vì ngoại hình. Một hôm, quan Tể tướng cho mời ông vào phủ. Trong phủ có treo một bức tranh mỏng thêu con chim sẻ vàng đỗ cành trúc. Mạc Đĩnh Chi giả vờ nhận lầm con chim ấy là thật, vội nhảy tới chụp bắt. Cả triều thần nhà Nguyên cùng cười ồ cho ông là quê mùa. Ông liền kéo bức tranh xuống và xé nát. Mọi người lấy làm lạ, hỏi lý do. Ông đáp: “Theo chỗ tôi biết, cố nhân chỉ vẽ tranh mai – tước, chớ chưa bao giờ vẽ tranh trúc – tước. Vì trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử, chim sẻ là biểu tượng của bọn tiểu nhân. Nay bức tranh này lại thêu trúc – tước, tức là đã đem tiểu nhân đặt lên trên quân tử. Tôi sợ rằng làm như vậy rồi đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ bị suy. Bởi vậy tôi xin thánh triều trừ khử đi”. Lúc này, tất cả đều phải khâm phục tài năng của ông.
Một lần nọ, vào tiến triều vua Nguyên, đến khi vào chầu gặp người nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Mạc Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay hoàng đế nhà Nguyên xem xong rất khen ngợi. Kể từ đó, triều Nguyên càng thêm thán phục và Mạc Đĩnh Chi đã được xem là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.
Có thể khẳng định rằng, Mạc Đĩnh Chi là một vị Trạng nguyên tài giỏi hơn người, có công lao rất lớn đối với đất nước.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 7
Một trong những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam là Võ Thị Sáu. Chị chính là một trong những biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự gan dạ của người phụ nữ Việt Nam.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Chị đã tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp. Chị còn nhiều lần phát hiện gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động trong việc tấn công địch…
Vào tháng 7 năm 1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Dù nguy hiểm, nhưng chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này. Chị đã nhận lựu đạn, giấu vào góc chợ gần khán đài từ nửa đêm. Sáng hôm đó, địch lùa người dân vào sân. Khi xe của tỉnh trưởng tới, chị tung lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh.
Hai tổ công an xung phong ở gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Người của Việt Minh được bố trí trong đám đông hô to “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn người dân giải tán. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Khi bị giặc bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, chuẩn bị xử tử hình, chị vẫn giữ được tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Có thể khẳng định rằng, chị Võ Thị Sáu là một tấm gương về lòng dũng cảm, sự gan dạ, đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 8
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.
Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:
- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.
Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:
- Các chú đã chia đều rồi chứ?
Hai đồng chí trả lời:
- Thưa Bác, rồi ạ!
Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:
- Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?
Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.
Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:
- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.
Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.
Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.
Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 9
Bấy giờ, giặc Nguyên cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Thấy sứ giặc ngang ngược, Trần Quốc Toản vô cùng căm giận.
Sáng nay, nhà vua họp bàn việc nước dưới thuyền rồng. Quốc Toản biết vậy nên quyết đợi gặp vua để nói hai tiếng “xin đánh”. Đợi từ sáng đến trưa, cậu vẫn không gặp được vua, bèn liều chết xô mấy người lính gác ngã chúi, xăm xăm xuống bến. Thấy vậy, quân lính ập đến. Quốc Toản đỏ bừng mặt, rút gươm và quát lớn:
- Ta xuống diện kiến bệ hạ, kẻ nào dám ngăn cản.
Đúng lúc, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ, vua và các quan ra ngoài mui thuyền.
Quốc Toản chạy đến, quỳ xuống tâu:
- Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin bệ hạ hãy cho đánh!
Nói rồi, cậu đặt gươm lên gáy, xin chịu tội.
Nhà vua cho truyền Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn nói:
- Quốc Toản làm trái phép nước, đáng lẽ phải trị tội. Nhưng xét nghĩ em còn nhỏ tuổi mà đã biết lo việc nên, ta có lời khen ngợi.
Nói rồi, vua sai người ban cho Quốc Toản một quả cam. Cậu tạ ơn vua rồi lên bờ mà ấm ức. Cậu thầm nghĩ: “Vua ban cho cam quý nhưng vẫn coi ta là trẻ con, không cho bàn việc nước”.
Quốc Toản nghĩ đến quân giặc đang bóc lột nhân dân, mà lòng đầy căm giận. Cậu bóp nát trái cam trong tay lúc nào không hay. Đến khi mọi người ùa tới hỏi han. Cậu xòe tay ra mới biết trái cam đã nát.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 10
Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn được viết bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.
Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mốc thời gian đầu tiên phải kể đến là vào ngày 4 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào. Giữa tháng năm, Người đã yêu cầu trung úy Giôn, báo vụ của OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kì.
Đến ngày 22 tháng 8 năm 1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25 tháng 8 năm 1945, Người vào nội thành, ở tầng 2 tại căn nhà số 48 Hàng Ngang. Sáng 26 tháng 8 năm 1945, Bác đã cho triệu tập một cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn về các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; công bố danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt toàn thể nhân dân.
Vào ngày 27 tháng 8 năm 1945, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ đưa ra đề nghị Chính phủ ra mắt quốc dân, đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Bác đưa ra bản thảo và đề nghị các thành viên phải xét duyệt kĩ vì không chỉ đọc cho đồng bào cả nước nghe mà còn độc cho Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, các nước đồng minh nghe.
Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1945, Bác đến làm việc tại 12 Ngô Quyền (trụ sở chính của Chính phủ lâm thời) và dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Bác đã tự đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập trên một cái bàn tròn.
Vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bác cho mời các đồng chí đến để trao đổi, đóng góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập. Bác đọc cho mọi người nghe, hỏi ý kiến của từng người. Đến ngày 31 tháng 8, Bác đã bổ sung một số ý vào bản Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức được hoàn thiện.
Đúng 14 giờ ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Quá trình viết Tuyên ngôn Độc lập đã cho thấy sự chuẩn bị kĩ lưỡng cũng như trí tuệ và tầm nhìn của một vị lãnh tụ - Chủ tịch Hồ Chí Minh.