Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
Haylamdo sưu tầm các bài văn mẫu cực hay gồm 10 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn. Mời các bạn theo dõi:
- Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (mẫu 1)
- Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (mẫu 2)
- Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (mẫu 3)
- Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (mẫu 4)
- Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (mẫu 5)
Top 10 mẫu Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (Hay nhất)
Đề bài: Viết bài văn Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (5 mẫu)
Các vấn đề trong đời sống luôn đa dạng, phức tạp và thường được đánh giá khác nhau, tuỳ cách nhìn nhận của mỗi người. Sự trung thực của con người thể hiện ở thái độ biết tán thành những ý kiến đúng, phản đối những ý kiến sai trái. Phần Viết của bài học này yêu cầu em bàn luận về một vấn đề trong đời sống, theo hướng trình bày ý kiến tán thành. Sự tán thành dĩ nhiên phải được đặt trên cơ sở những nguyên tắc ứng xử và nền tảng đạo lí thích hợp, cũng như sức thuyết phục của ý kiến tuỳ thuộc vào những lí lẽ và bằng chứng được sử dụng
* Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống:
- Nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận.
- Trình bày được sự tán thành đối với ý kiến cần bàn luận.
- Đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để chứng tỏ sự tán thành là có căn cứ.
* Phân tích bài viết tham khảo:
Văn bản Trường học đầu tiên:
- Bài viết nêu vấn đề: vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi con người.
- Ý kiến của người khác thu hút sự chú ý: Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi người.
- Người viết tán thành với ý kiến đó. (Riêng tôi, sau khi suy nghĩ kĩ, tôi thấy Hồng Minh hoàn toàn có lí).
- Lí lẽ: Ông bà, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng, mà còn dạy bảo những điều hay lẽ phải cho ta từ thuở ấu thơ, tình cảm thiêng liêng cao đẹp, sự đối xử của các thành viên trong gia đình với nhau là những bài học thấm vào ta một cách tự nhiên.
- Bằng chứng:
+ Người viết nhớ lại một kỉ niệm: giơ 4 ngón tay lên để trả lời cho câu hỏi của người lớn, khiến mẹ phải nhắc nhở. Điều này thành bài học đáng nhớ về thái độ trong giao tiếp.
* Thực hành viết theo các bước
1. Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
- Đề tài được chọn phải thoả mãn các điều kiện: phải là vấn để mình thực sự quan tâm và hiểu biết, có những ý kiến khác nhau khi nhìn nhận, đánh giá; có thể xác định thái độ dứt khoát đối với vấn đề đó.
Ví dụ:
- Thành công và thất bài.
- Ham mê trò chơi điện tử.
- Đồ dùng bằng nhựa.
b. Tìm ý
- Vấn đề bàn luận: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
- Giải thích thế nào là trò chơi điện tử.
- Trình bày thực trạng ham mê trò chơi điện tử.
- Nguyên nhân hiện tượng ham mê trò chơi điện tử.
- Hậu quả ham mê trò chơi điện tử.
- Lựa chọn nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử.
- Những lí lẽ và bằng chứng: trong cuộc sống, …
c. Lập dàn ý
- Dàn ý là kết quả của việc sắp xếp hợp lí các ý đã tìm được ở trên, phân bố chúng vào từng phần khi viết bài.
* Dàn ý mẫu tham khảo: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
2. Thân bài:
a. Giải thích
+ Trò chơi điện tử là gì
+ Hiện tượng học sinh quá đam mê trò chơi điện tử
b. Thực trạng
+ Học sinh ham mê trò chơi điện tử bỏ bê học tập, nói dối phụ huynh
+ Ham mê trò chơi điện tử trên diện rộng, học sinh bắt chước nhau
+ Các quán net mọc lên như nấm từ cổng trường cho đến các khu dân phố, mở cửa 24/7 luôn sẵn sàng phục vụ
c. Nguyên nhân
+ Do mải chơi
+ Do quá căng thẳng việc học tập
+ Do bị dụ dỗ
d. Hậu quả
+ Học hành chểnh mảng
+ Nói dối để được đi chơi điện tử
+ Hành vi ăn cắp, ăn trộm tiền để đi chơi điện tử
+ Đàn đúm, đua đòi, tốn thời gian tiền bạc, dễ bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao
e. Mở rộng vấn đề: Chơi giỏi game cũng là nghề kiếm tiền
3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận
2. Viết bài
- Triển khai các ý đã có trong dàn ý.
Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? - mẫu 1
Bài mẫu tham khảo:
Xã hội công nghệ hóa, hiện đại hóa góp phần mở rộng loại hình giải trí của giới trẻ. Bên cạnh viết trò chuyện, tâm sự với bạn bè, giới trẻ có thể chọn cách giải khuây bằng trò chơi điện tử, được coi là một hình thức giải trí vừa hấp dẫn, vừa đỡ tốn kiếm. Nhưng trên thực tế lại cho thấy, cách giải tỏa stress lợi bất cập hại này đã và đang là vấn đề nhức nhối, khi ngày càng nhiều bạn học sinh nghiện trò chơi điện tử đến mù quáng.
Trò chơi điện tử, một loại giải trí công nghệ cho phép người chơi lựa chọn nhiều hình thức chơi như nông trại, đối kháng,....sử dụng hệ thống thiết bị máy tính, qua đó những người chơi có thể tương tác với nhân vật. Hình thức phổ biến nhất của trò chơi điện tử là trò chơi đối kháng với đồ họa bắt mắt, cách thức chơi phong phú, hấp dẫn với nhiều mức độ. Bắt nguồn từ một trò giải trí lành mạnh, giúp người chơi giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, nâng cao tinh thần đồng đội, nhưng sự làm dụng, đam mê quá đà đến từ phía các bạn học sinh vô hình chung khiến điện tử trở thành một định nghĩa rất tiêu cực, đặc biệt là trong mắt các bậc phụ huynh.
Hiện nay, trò chơi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các bạn trẻ trên toàn thế giới. Bất kì nơi nào, bất kì ở đâu, các quán cho thuê máy tính để chơi game với cái giá vài nghìn đồng, hay còn gọi là quán net, cũng hoạt động hết sức công khai và rầm rộ. Trong quán net thậm chí còn phục vụ cả đồ ăn thức uống, chỗ ngủ qua đêm cho những thượng đế được hoàn toàn tập trung vào công cuộc "cứu thế giới". Từ cổng trường tập trung nhiều học sinh đến những con ngõ nhỏ hẻo lánh, hình thức kinh doanh này đều có đất làm ăn. Với bản tính tò mò, muốn tìm hiểu, thử nghiệm cái hay, cái mới, cùng áp lực học tập từ trường lớp, các bạn học sinh tìm đến trò chơi điện tử với mong muốn xây dựng hình tượng và có cơ hội thể hiện bản thân qua game.
Việc chơi trò chơi điện tử quá nhiều sẽ dẫn tới hành động như gian lận, trốn học lẻn ra quán net, nhịn ăn sáng để có tiền chơi game, thậm chí là lừa đảo, ăn cắp tiền đi chơi. Chơi với một nhóm bạn nghiện game, chắc chắn học sinh cũng sẽ đua đòi giống nhau, dẫn đến một hệ thống bao che, dối trá để được cùng nhau trót lọt. Cách đây gần một thập kỉ, cụm từ "cứu net" đã mang lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các bậc phụ huynh khi những thành phần bất hảo như My Sói, Hùng Gấu cầm đầu nhóm học sinh lớp 8, lớp 9 đi gây sự, đánh nhau, bắt ép những học sinh cả nam và nữ không đủ tiền trả tiền net, ép nữ sinh bán dâm trả nợ. Đã có biết bao nhiêu nạn nhân của băng nhóm xã hội đen mới lớn này, và hơn thế nữa, những học sinh được cứu net lại quay lại làm đồng bọn, tay sai cho dân anh chị để được bảo kê, lên mặt với đời.
Nghiện trò chơi điện tử bắt nguồn từ bản thân ý thức mỗi học sinh. Có những bạn vì học hành áp lực, quá căng thẳng mệt mỏi hoặc cảm thấy bản thân bất tài, vô dụng thường tìm đến game như một con đường giải thoát. Sau một màn hình máy tính, các bạn được thoải mái, mặc sức đâm chém, xây dựng cả một đế chế cho mình. Nắm bắt được tâm lý này, các nhà phát triển game không ngừng trau chuốt hình ảnh, đồ họa, mở thêm nhiều cấp độ mới, đồ dùng, trang thiết bị ảo mà phải dùng tiền mới mua được, khiến các bạn ngày càng hiếu thắng, lún sâu vào con đường nghiện ngập. Sự mải chơi, bị dụ dỗ bởi bạn bè xấu cùng tính hấp dẫn của trò chơi điện tử khiến hiếm học sinh nào có thể từ chối được. Giống như một loại ma túy tinh thần, các bạn chơi game sẽ không thể sống nếu không được chơi, được thỏa mãn đam mê giao đấu, chiến thắng trong thế giới ảo.
Hậu quả của việc nghiện game đã quá rõ ràng. Từ thể chất, các bạn học sinh sẵn sàng bỏ ăn, bỏ ngủ, nhịn ăn sáng lấy tiền chơi game, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Về mặt tinh thần, người chơi game quá nhiều thường có dấu hiệu ảo tưởng, choáng váng do tiếp xúc với máy tính quá lâu, không thể phân biệt thật giả. Chắn hẳn không ai quên được vụ án thương tâm tại An Giang, cháu cắt cổ bà ngoại vì nghĩ bà có thể hồi sinh như trong trò chơi điện tử. Đó là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, con người không thể sống là chính bản thân mình. Ngoài ra, những sự việc như ăn cắp ăn trộm, cướp của giết người để có tiền chơi game, những người nghiện game tập trung sống thành bầy đàn, quan hệ tập thể, ăn uống và phóng uế tại chỗ,... vẫn ngày ngày được đưa lên các mặt báo để cảnh tỉnh về việc nghiện game vô độ. Ai dám khẳng định bản thân sẽ không bao giờ có thể nghiện game và chỉ chơi một lần cho biết? Sức hấp dẫn của trò chơi điện tử có thể đánh gục bất cứ một ai đã sa chân vào nó. Ngoài ra, việc tương tác với những người chơi khác trên mạng rất dễ dẫn đến việc bị dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì nhẹ dạ cả tin, cung cấp thông tin cá nhân mà không hề đề phòng rủi ro có thể gặp phải.
Nghiện game là một căn bệnh, muốn chấm dứt cần có sự can thiệp về tâm lý của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh cần quản lý giờ giấc và thói quen sinh hoạt của con em chặt chẽ, nhà trường cần quán xuyến, đồng thời tổ chức những trò chơi, giao lưu hoạt động thể chất lành mạnh thu hút sự chú ý của các em. Đặc biệt, mỗi học sinh cần tự có ý thức tiết chế bản thân, tìm đến game với đúng mục đích giải trí, tăng cường tư duy của nó. Game không có tội, người nghiện game mới có tội nên hãy nhìn lại bản thân, uốn nắn và điều chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.
Phải thừa nhận, trò chơi điện tử có cả mặt lợi và mặt hại, tuy nhiên, việc quá đam mê điện tử thì hoàn toàn sai, nhất là lứa tuổi học sinh, độ tuổi còn cần tập trung rèn luyện kĩ năng sống và học tập. Là công dân toàn cầu tương lai, là mầm non của xã hội, đừng núp mình và làm nô lệ cho công nghệ, hãy chinh phục game và áp dụng nó vào đời sống, để trò chơi điện tử trở thành đúng bản chất giải trí lành mạnh ban đầu.
Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? - mẫu 2
Nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đất nước đang ở giai đoạn phát triển, mở rộng giao lưu với các nước Âu - Mĩ nên việc tiếp cận với máy tính với công nghệ thông tin là điều thiết yếu. Công nghệ thông tin không chỉ giúp ích cho ta trong việc giải quyết công việc mà nó còn là công cụ để giúp con người xả stress. Tuy vậy, cái gì cũng có mặt hạn chế nếu như ta không biết khai thác, vận dụng sẽ bị sa đà, nghiện ngập trò chơi điện tử gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đạo đức của con người, nó làm kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Để nghị luận xã hội về trò chơi điện tử, ta cần biết khái niệm ham chơi trò chơi điện tử là như thế nào? Và nó có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với tầng lớp học sinh, sinh viên ngày nay?
Ham chơi trò chơi điện tử là một hiện tượng phổ biến trong giới học sinh hiện giờ, do sức cuốn hút của trò chơi mà các bạn học sinh lơ đãng trong việc học tập và có thể dẫn đến các hành vi vi phạm khác, thậm chí có người còn bị ảo giác vì chơi game quá nhiều gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Trong một số tờ báo hiện nay như báo An ninh Thủ đô cũng như các tờ báo điện tử có nhắc đến trường hợp một em học sinh nam do chơi các trò chơi điện tử quá nhiều, nhất là các trò chơi điện tử bạo lực, đã giết chết mẹ nuôi của mình chỉ để lấy tiền đi chơi điện tử. Sự việc đó khiến ai cũng phải giật mình với tác hại của trò chơi điện tử. Học sinh nghiện chơi điện tử nên nhân đó mà các hàng Internet mọc lên như nấm và có khi còn trở thành một nghề mà thu nhập tương đối khá. Một số hàng Internet nằm lẩn khuất trong những ngõ sâu để các em học sinh tiện vào chơi game mà phụ huynh không hề hay biết. Vì thế mà các em có thể yên tâm ngồi trong quán Internet. Một số hàng còn sử dụng những thủ thuật tinh vi để bao che cho những “khách hàng ruột”. Các hàng quán Internet cũng theo đó mà thi nhau quảng cáo mỗi khi xuất hiện một trò chơi mới. Nào thì băng rôn, tờ rơi quảng cáo được căng lên, rực rỡ và bắt mắt. Càng ngày, tỷ lệ học sinh chốn học, vượt bức tường nhà trường đi chơi điện tử ngày càng tăng.
Trò chơi điện tử khi không được chơi đúng cách sẽ dẫn đến vô vàn các tác hại. Thông thường các bạn nghiện trò chơi điện tử thường có thành tích học tập giảm sút. Chơi quá nhiều, dán mắt vào màn hình máy vi tính hàng tiếng đồng hồ làm cho mắt đau nhức gây ra cận thị và ức chế thần kinh, thiếu ngủ gây ra đau đầu. Không chỉ vậy, khoa học đã chứng minh sóng từ phát ra từ máy vi tính cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não, khiến trẻ em học kém đi và có thể mắc chứng đần độn. Chính vì vậy mà trò chơi điện tử đang đe dọa đến sức khỏe của các “game thủ”. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế, chơi điện tử quá nhiều gây lãng phí tiền của bố mẹ các em. Khi thiếu tiền để chơi, các em sinh ra những tệ nạn xã hội như ăn trộm, ăn cắp và từ sai lầm này đến sai lầm khác. Cha mẹ dường như không phải là người nắm quyền quản lý con nữa mà các ông chủ hàng Internet lại có quyền to hơn. Cha mẹ không chú tâm làm việc được mà phải đi trả nợ cho con, đi tìm con ở khắp các hàng quán.
Vậy khi nghị luận xã hội về trò chơi điện tử ta chợt nhận ra lý do mà học sinh ham chơi điện tử quá như vậy? Thứ nhất là do các trò chơi quá hấp dẫn với đồ họa đẹp, bắt mắt, những băng rôn quảng cáo rực rỡ. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất thường đánh vào tâm lý trẻ con thích tìm tòi, khám phá những cái mới nên các trò chơi vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại: trò đánh nhau cũng có, những trò chơi như nấu ăn, nuôi thú, làm vườn cũng có, thể thao cũng có. Vì không có sân chơi nên các bạn học sinh đã tìm đến quán Internet và trò chơi điện tử. Sau những giờ học căng thẳng, các em cũng có quyền được giải trí, nhưng hiện nay sân chơi cho học sinh còn quá ít hoặc quá nhỏ không đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí của các em. Muốn chơi đá bóng hay chơi bóng rổ, các em phải thuê sân bóng với giá thành không rẻ chút nào. Vậy nên họ sẽ đến với trò chơi điện tử với giá chỉ ba đến bốn nghìn đồng một giờ là một lựa chọn tất yếu. Cũng không thể bỏ qua vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Phụ huynh ngày ngày vẫn cho tiền con mình mà không quản lý, không theo dõi sát sao xem con tiêu tiền vào mục đích gì, có đúng việc không hoặc để con tiêu tiền phung phí vào những thứ không cần thiết. Các bậc làm cha làm mẹ cũng nên dành một chút ít thời gian cho việc trò chuyện với con để nắm bắt được tâm lý con trẻ và khuyên con những điều đúng đắn.
Tuy vậy, nghị luận xã hội về trò chơi điện tử cũng cho ta thấy những lợi ích nhất định của trò chơi điện tử. Đó là tính chất giải trí của các trò chơi để giải trí sau những giờ học căng thẳng, là nơi để bạn bè giao lưu, trò chuyện với nhau. Nhưng những lợi ích đó thực sự phát huy đúng cách khi người chơi biết điều khiển trò chơi, chứ không để trò chơi điều khiển mình và chơi trong thời gian hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như gia đình và xã hội.
Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? - mẫu 3
Thời đại ngày nay khi mà mạng lưới công nghệ thông tin phủ sóng sắp toàn cầu mang đến cho con người nhiều cơ hội phát triển cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít thách thức cho thế hệ trẻ. Công nghệ thông tin bùng nổ, kéo theo các trò chơi điện tử tràn lan khắp mọi nơi. Nghị luận xã hội về trò chơi điện tử đã trở thành đề tài nóng hổi hiện nay trên các trang mạng xã hội.
Trò chơi điện tử thực ra chỉ là những trò chơi mang tính chất giải trí, thư giãn, xả stress sau mỗi ngày học tập và làm việc vất vả. Đó là thú vui tiêu khiển được thiết lập trên mạng xã hội, chỉ cần đăng ký một tài khoản để đăng nhập là có thể chơi bất cứ trò gì mà mình muốn.
Tuy nhiên hiện nay nhiều bạn trẻ đã không làm chủ được bản thân mình để trò chơi điện tử biến bản thân mình thành một kẻ nghiện ngập, trò chơi điện tử từ chỉ mang tính chất giải trí thành” thuốc gây nghiện” và chúng chiếm mất rất nhiều thời gian trong quỹ thời gian hàng ngày của bạn, tiêu tốn tiền bạc của chính bản thân mình. Khi trò chơi điện tử đã không giữ được giá trị ban đầu là phương tiện giải trí thì chắc chắn rằng nó để lại nhiều hậu quả tai hại cho thế hệ trẻ và cho cả xã hội sau này.
Nhắc đến trò chơi điện tử ta không thể không nhắc đến trò chơi điện tử có trên điện thoại, máy tính đã vô cùng hấp dẫn đối với nhiều bạn học sinh, sinh viên và đã trở thành thú vui tiêu khiển có sức hút lớn đối với thế hệ trẻ ngày nay. Nếu những trò chơi này được sử dụng với mục đích lành mạnh thì nó sẽ giúp cho đầu óc được minh mẫn và giải tỏa được căng thẳng. Tuy nhiên nếu như trò chơi điện tử bị lạm dụng và trở thành chất gây nghiện thì sẽ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay trò chơi điện tử đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của rất giới học sinh sau mỗi giờ tan trường. Các quán Internet mọc lên như nấm trên mỗi con phố, san sát nhau khiến cho nhiều bạn học sinh không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của các trò chơi.
Một khi đã sa vào trò chơi điện tử mà không biết kiểm soát được thì sẽ phải chịu nhiều hậu quả không đáng có. Hầu hết đó là những bạn đã nghiện trò chơi điện tử và không tìm được cách thoát ra. Trò chơi online sẽ lấy đi không ít thời gian, tiền bạc, tinh thần và cả sức khỏe của bạn. Chính vì các bạn học sinh bị trò chơi điện tử lôi cuốn mà dẫn đến việc học tập bị lơ đãng, thầy cô giáo nhắc nhở, cảnh cáo rất nhiều lần, tiền bạc đổ vào trò chơi điện tử quá nhiều và sức khỏe suy giảm do cả ngày và đêm ngồi lì bên chiếc điện thoại hay máy vi tính. Đây là tình trạng vẫn thường thấy ở nhiều bạn học sinh, sinh viên ở nước ta.
Hậu quả mà các bạn tự nhận lấy là sức khỏe yếu đi, học lực giảm sút sẽ khiến cho những người xung quanh như ông bà, bố mẹ buồn lòng. Trong giới sinh viên không ít người học ở những trường danh tiếng bậc nhất, thi đầu vào đã khó, nhưng trong quá trình học tập đã bị trò chơi điện tử hút hồn, mải mê với điện tử và kết quả là bỏ bê việc học, đồ án tốt nghiệp dở dang. Hậu quả mà các bạn ấy nhận được chính là việc bị treo bằng, không tốt nghiệp được. Vậy là chính ước mơ của bạn đã bị bản thân bạn nhấn chìm chỉ vì trò chơi điện tử tai hại.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tích cực chúng ta vẫn nhận thấy trò chơi điện tử luôn có hai mặt của nó. Trò chơi điện tử còn là một công cụ để giúp còn người tinh thần thoải mái, thư giãn hơn. Để trò chơi điện tử đúng như tên gọi của nó, giữ gìn được đúng giá trị hữu ích nhất thì ý thức của những người chơi nó phải có một tư duy trong sáng, chơi có chừng mực, chơi biết điểm dừng thì bạn sẽ biến nó trở thành người bạn tuyệt vời giải trí hằng ngày.
Như vậy khi nghị luận xã hội về trò chơi điện tử, tôi và các bạn đều nhận ra rằng để trò chơi điện tử lành mạnh hơn trong cuộc sống thì mỗi người cần có nhận thức đúng đắn hơn, để biến nó thành một trong những công cụ giải tỏa mọi ưu phiền do áp lực gây ra.
Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? - mẫu 4
Những trò chơi điện tử càng ngày càng có sức hút đối với con người hơn những trò chơi trực tiếp truyền thống vì tính đa dạng, phong phú cũng như tiện ích của nó. Có người cho rằng chơi trò chơi điện tử là tốt. Những cũng có người cho rằng chơi trò chơi điện tử dễ dẫn khiến ta ham mê, từ đó trở nên nghiện và như thế là không tốt. Vậy, ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
Điều đầu tiên, để đưa ra được câu trả lời là nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử, chúng ta cần hiểu được thế nào làham mê trò chơi điện tử.Trò chơi điện tửlà những trò chơi mà người chơi phải sử dụng đồ điện tử mới có thể chơi được. Nó thường mang tính giải trí và có đối tượng người chơi phổ biến nằm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bản thân trò chơi điện tử, bên cạnh tính giải trí của nó, còn cả tính giáo dục, rèn luyện … Trong khi đó,ham mêlại là một trạng thái ưa thích tới mức say mê, có thể dẫn tới nghiện. Như vậy,ham mê trò chơi điện tửlà một cụm từ để chỉ những người chơi rất ưa thích, say mê trò chơi mà phải sử dụng đồ điện tử mới có thể chơi được.
Đến đây, ta thấy, mặt khái niệm của vấn đề đã được giải quyết. Nhưng để đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, ta vẫn cần phải phân tích tác dụng/ lợi ích cũng như tác hại của trò chơi điện tử.
Vì đâu mà trò chơi điện tử được sinh ra và tồn tại? Đó chắc chắn xuất phát từ thực tế nhu cầu của con người. Con người bên cạnh làm việc, học tập, cần có những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí. Vậy là các trò chơi được ra đời. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật mà trò chơi điện tử dần đã hình thành và chiếm một vị thế quan trọng. Nó giúp con người giải tỏa căng thẳng cũng như tạo niềm vui cho con người. Khi chơi, chúng ta được khám phá, trải nghiệm, được hồi hộp, bực tức, được la hét, và được vui khi giành chiến thắng. Đó là chưa kể những trò chơi điện tử cũng là những tương tác xã hội trên không gian ảo và nó hoàn toàn có khả năng gắn kết con người. Tôi đã có những người bạn từ các trò chơi điện tử mà mình tham gia, và chúng tôi vẫn thường dành chút thời gian rảnh để thi đấu với nhau. Không những thế, trò chơi điện tử còn có tính giáo dục và rèn luyện con người. Chúng ta có thể kể đến các trò chơi như cờ vua, cờ tướng, liên minh … giúp nâng cao tư duy và sự nhẫn nại của con người. Những trò chơi điện tử trong các giờ học do giáo viên tạo ra cũng thường mang tính giáo dục, củng cố kiến thức, giúp các bạn học sinh vừa chơi vừa học, nâng cao và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Vậy thì ham mê điện tử đâu có gì là không tốt?
Chúng ta đều biết bất cứ một vấn đề nào cũng đều có hai mặt. Ham mê trò chơi điện tử cũng vậy. Ta đã nhìn ra được tác dụng hay lợi ích của nó, và giờ đây, chúng ta cần phải nhìn ra mặt trái của vấn đề này. Tôi đã được biết những câu chuyện về việc các nam thanh niên nghiệngamedẫn đến giết người, giết hàng xóm, láng giềng và cả người thân mà mới đây nhất là vụ án cậu Vũ Tiến Long giết hai ông bà cùng thôn bằng 43 nhát dao đâm. Đó chính là một phần hậu quả của việc nghiện trò chơi điện tử.
Theo những nghiên cứu chỉ ra, việc chơi trò chơi điện tử quá 3 tiếng/ ngày cho thấy người chơi đã bị nghiệngame. Dễ dàng nhận thấy, việc nghiện trò chơi điện tử sẽ khiến con người giảm thị lực, giảm miễn dịch và rối loạn tiêu hóa. Người nghiệngamesẽ cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, nghỉ ngơi khó lại sức khi chơi trò chơi điện tử nhiều. Cảm giác buồn chán, bi quan, cô đơn, bất an cũng là một cảm giác thường trực. Đó là chưa kể tâm tính của con người có thể thay đổi, dễ trở nên cáu gắt, bực dọc, gây gổ với người khác dù chỉ là những chuyện rất nhỏ. Đến đây, chúng ta cũng có thể đoán được phần nào nguyên nhân của những vụ thảm án giết người mà các tội phạm đều là người nghiệngame. Vậy phải chăng chúng ta không nên ham mê các trò chơi điện tử?
Tất cả những gì đã chỉ ra ở trên đây đã cho thấy được mặt lợi cũng như mặt hại của việc ham mê trò chơi điện tử. Việc nên hay không nên, theo tôi, sẽ là một câu trả lời, một lựa chọn mang tính cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự can thiệp để quản lí các trò chơi điện tử để chúng trở thành một công cụ hữu ích cho con người. Những trò chơi mang tính giáo dục, nhân văn nên được đề cao. Những trò chơi mang tính bạo lực nên được hạn chế. Bên cạnh đó, nếu chỉ nhằm mục đích giải trí, ta cũng có thể tính đến các kênh, các phương tiện khác để phục vụ nhu cầu của con người như các trò chơi trải nghiệm thực tế, các khu du lịch, các phòng phim, kịch, v.v…
Trò chơi điện tử đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Tôi tin là nó sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển, phục vụ cho những nhu cầu và mục đích của con người. Ham mê điện tử không có gì là xấu. Chỉ cần ta biết chừng mực để ham mê đó giúp bản thân ta tốt hơn thay vì làm hại chính bản thân mình.
Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? - mẫu 5
Cuộc sống con người ngày càng phát triển với những thiết bị tiện ích để phục vụ cho cuộc sống con người. Cùng với đó, máy tính hay điện thoại ra đời như một phần quan trọng và gần như không thể thay thế với chúng ta. Bên cạnh lợi ích mà đang mang lại, những thiết bị này cũng gây không ít những ảnh hưởng và phiền toái, nhất là với học sinh. Hiện tượng nghiện game điện tử ở học sinh ngày nay đang ở mức đáng báo động.
Game hiểu đơn giản là những trò chơi giải trí được lập trình sẵn trên máy tính, điện thoại để người chơi sử dụng những bảng điều khiển thông minh, xử lý những tình huống được đặt ra. Khi chơi game đến một mức độ nào đó không thể tự kiểm soát được bản thân mình có thể người đó đang nghiện game. Nghiện game cũng là một dạng rối loạn tâm lý, y hệt như trầm cảm hay tâm thần phân liệt.
Ngày 5 tháng 1 năm 2018, người phát ngôn của WHO, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố, họ sẽ công nhận chứng nghiện game là một dạng rối loạn tâm lý, y hệt như trầm cảm hay tâm thần phân liệt và cần có các cách điều trị đặc dụng riêng để giúp những “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Chứng nghiện game, hay còn được gọi là “gaming addiction” sẽ có một số biểu hiện như: Không điều khiển được bản thân khỏi game - ví dụ như địa điểm, tần suất, thời gian chơi; người bệnh coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống; bất chấp hậu quả tiêu cực xảy đến, game vẫn trở thành thứ tiên quyết trong cuộc sống của người bệnh. Họ có thể dành hàng giờ, hằng ngày để chơi game hay thậm chí để nói về game, dành tiền bạc và cảm xúc vào những trò chơi trong màn hình và cũng thường che giấu những cảm giác, tình huống khó chịu. Hiện tượng này diễn ra nhiều ở giới trẻ, khi tâm lý luôn muốn tiếp xúc và thử cái mới cũng như chưa nhận thức được hậu quả của những việc mình làm.
Thực tế, tác hại của việc nghiện game không phải ai không biết. Đầu tiên, nó có hại cho sức khỏe. Những hiệu ứng ánh sáng rất mạnh của màn hình gây mệt mỏi cho đôi mắt. dần dần ảnh hưởng tới thị lực. Đó cũng chính là lý do những người chơi game rất nhiều người đeo kính. Hơn nữa, khi chơi game, đầu óc ta luôn phải căng ra đề suy nghĩ, làm cho dây thần kinh luôn căng thẳng, là nguồn gốc của những bệnh rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ. Sức khỏe cũng bị suy nhược vì không chịu ăn uống thường xuyên. Ngoài ra, việc ngồi trước máy tính hằng giờ, hằng ngày mà không đổi tư thế sẽ khiến cho cột sống bị tổn thương; các động tác lặp đi lặp lại trên bàn phím sẽ gây mỏi các cổ tay, bàn tay. Nghiện game cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn vi thần kinh, gây ra các bệnh trầm cảm, tâm lý, mất tập trung hay vô sinh. Đó cũng chính là những bệnh viện nhi hay những bệnh viện khác luôn rất đông những thanh thiếu niên mắc bệnh trầm trọng rồi, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội. Cũng không phải không có trường hợp như học sinh ở Nghệ An: tử vong vì ở quán cày game thâu đêm suốt sáng mà không chịu ăn uống dẫn đến quá kiệt sức.
Không chỉ với sức khỏe, nghiện game còn ảnh hưởng đến đời sống và học hành của bản thân con bệnh. Khi đã coi game là thứ tồn tại duy nhất thì việc học sẽ không được chú tâm, những thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng bị đảo lộn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng: mười học sinh nghiện game thì có 1/10 em đạt trung bình, còn lại đều dưới mức trung bình. Học sinh - lứa tuổi đang ở thời đẹp nhất nhưng lại dành cả thời gian vào cuộc sống ảo, những con người ảo mà bỏ quên gia đình bạn bè và tương lai của mình. Những người nghiện game thường không phân biệt được thật và ảo, khả năng giao tiếp cũng kém đi. Một máy tính vô hồn sao có thể thú vị bằng những người bạn, người thân cùng ta chia sẻ niềm vui. Rốt cuộc, sống trên đời cũng chỉ là để người khác thấy sự tồn tại của mình thôi mà!
Ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của cá nhân, nghiện game còn hủy hoại cả gia đình và xã hội. Những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ với con cái ít dần, thay vào đó là những lời mắng mỏ, những lần chính cha mẹ phải ra quán game tìm con về. Cư dân mạng những ngày 19 tháng 6 năm 2017 đã xôn xao vì clip con đánh lại bố khi bố đến quán game gọi con về. Những trò chơi dân gian: kéo co, đấu vật, thả diều, nhảy dây - những nét đẹp một thời giờ trở nên xa lạ với thế hệ trẻ. Thay vào đó là những trò chơi bạo lực kích động tâm lý của người chơi khiến họ có những hành động không thể kiểm soát, làm theo những hành động trong game. Những game thủ nói dối, trộm cắp hay thậm chí trở thành kẻ sát nhân với chính gia đình, xã hội đã không còn là chuyện xa lạ. Những giá trị cuộc sống đang bị đảo lộn và thay thế ngày một đáng buồn.
Những khi ấy, nguyên nhân lại được truy tìm ráo riết. Trước hết, đó là do bản thân học sinh không nhận thức được tác hại, sự nguy hiểm của bản thân, không làm chủ được những hành động của mình. Đó còn do sự phát triển tràn lan, không được quản lý của những trò chơi tiêu cực. Các game luôn được quảng bá rộng rãi trên điện thoại, máy tính và cả báo chí lịch thích sự tò mò của tuổi thanh thiếu niên. Một phần đó là do sự quản lý lỏng lẻo, chưa sát xao của cha mẹ và nhà trường với học sinh. Cha mẹ vẫn chưa phải là một người bạn, là chỗ dựa cho con cái, không dành thời gian cho con cho đến khi mọi chuyện đã quá muộn rồi.
Những tác hại của game như thế là quá đủ đau xót rồi, Đã đến lúc chúng ta hành động. Những bậc phụ huynh, cha mẹ phải là một người bạn, là điểm tựa cho con, có những biện pháp giáo dục phù hợp với con mình. Khi con được lắng nghe, chia sẻ và định hướng sẽ tạo tâm lý vững vàng cho con. Và thay vì nỗ lực đầu tư và xây dựng những bệnh viện, nơi chữa trị tâm lý cho học sinh, sao nhà nước không thử xây dựng những khu vui chơi lành mạnh, những hoạt động văn hóa cho trẻ nhỏ, ít nhất cũng là những trại huấn luyện, cai nghiện cho trẻ trước khi quá muộn. Bản thân học sinh cũng cần xác định mục tiêu cho mình, rèn cho mình suy nghĩ và lối sống lành mạnh, tham gia vào các hoạt động ngoài trời, các chương trình bổ ích. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, tại sao lại lãng phí tuổi trẻ và tình yêu của mình vào thế giới không có thật và không đáng?
Chưa bao giờ là muộn để chúng ta thay đổi và sống hết mình với niềm tin và tình yêu của mình. Game có thể là một người bạn tốt nhưng cũng có thể là kẻ thù, tùy vào ý chí của bản thân mỗi người.
3. Chỉnh sửa bài viết
Rà soát, chỉnh sửa các phần, các đoạn của bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:
Nội dung rà soát |
Hướng dẫn chỉnh sửa |
Ý kiến về vấn đề đời sống đã nêu rõ ràng chưa? |
Nếu ý kiến chưa nêu rõ trong phần mở bài thì phải bổ sung. |
Đã khẳng định được sự tán thành ý kiến chưa? |
Nếu sự tán thành ý kiến thể hiện chưa rõ thì phải chỉnh sửa về cách diễn đạt. |
Việc tán thành ý kiến đã có sức thuyết phục chưa? Lí lẽ và bằng chứng được nêu có phù hợp với nội dung nghị luận không? |
Bổ sung, thay đổi nếu thấy lí lẽ và bằng chứng chưa làm cho sự tán thành đủ sức thuyết phục. |
Đã rút ra được ý nghĩa của việc tán thành ý kiến chưa? |
Bổ sung nếu thấy ý nghĩa của việc tán thành ý kiến còn mờ nhạt. |
Việc sử dụng từ ngữ, câu văn, cách liên kết các câu trong đoạn và các đoạn trong bài đã đạt yêu cầu chưa? |
Chỉnh sửa những lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, bổ sung từ ngữ liên kết nếu thấy giữa các câu, các đoạn còn rời rạc. |