X

Soạn văn 8 Kết nối tri thức

Top 30 Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) (hay nhất)


Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 30 bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) (hay nhất)

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 1

Đa-ni-en Pen-nắc sinh năm 1944, là nhà văn lớn người Pháp. Thời thơ ấu ông đã theo gia đình sống ở Châu Âu, châu Á, châu Phi. Trải nghiệm phong phú từ cuộc sống luôn chuyển dịch ấy đã trở thành chất liệu quan trọng trong sáng tác của ông sau này. Ông thành công với nhiều thể loại: tiểu luận, tự truyện, tiểu thuyết, truyện tranh, kịch bản Phim.......Một số tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch sang tiếng Việt: Cún bụi đời (1982), Mắt sói (1984) .... Trong đó tác phẩm Mắt sói là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Mắt sói là tiểu thuyết gồm bốn chương. Chương 1 kể về cuộc gặp gỡ kì lạ giữa cậu bé tên là Phi Châu và Sói Lam ở vườn bách thú. Chương 2 là mạch truyện về nhân vật Sói Lam. Chương 3 chuyển sang mạch truyện về nhân vật Phi Châu. Chương 4 kể về việc gia đình Phi Châu chuyển đến thành phố và cha Bia được làm việc trong sở thú. Đoạn trích dưới đây nằm ở chương 2 và chương 3 của tác phẩm Mắt sói.

Mở đầu đoạn trích là chương 2 với tên chủ đề cùng với tên của tác phẩm Mắt sói. Mở đầu là hình ảnh đôi mắt của cậu bé Phi Châu: một con mắt vàng, tròn xoe, chính giữa có một con ngươi màu đen. Đôi mắt lấp lánh ấy trông như cậu đang ngắm nhìn một ngọn đèn trong đêm, say xưa ngắm nhìn trong cảnh vật đêm tối đó. Mọi thứ như đều biến mất trước mắt cậu, chỉ còn lại duy nhất một điều đó là mắt sói. Tác giả đã dùng từ như để thể hiện cảm nhận của cậu bé khi mọi thứ đều dồn vào đôi mắt đó, đôi mắt càng lúc như càng to hơn, càng tròn hơn. Và được so sánh như một tuần trăng úa trên bầu trời bầu trời trống trải. Thường thì nhắc tới vầng trăng người ta hay nghĩ ngay đến vầng trăng tròn sáng ngời, thế nhưng ở đây tác giả lại so sánh với tuần trăng úa. Phải chăng trong đôi mắt kia còn chất chứa một nỗi buồn không nói nên lời. Trong đôi mắt ấy quan trọng nhất chính là con ngươi, một con ngươi màu đen và dường như nó cảm nhận được điều đó bỗng lóe lên một tia sáng khủng khiếp. Cậu bé có cảm nhận ánh nhìn đó sáng bừng lên như ngon hắc hỏa. Ngọn hắc hỏa là ngọn lửa sáng rực và sáng hơn rất nhiều lần so với lửa bình thường.

Sói mẹ chẳng thèm để ý tới cậu bé mà lướt nhìn những đứa con của mình. Cậu bé có rất nhiều sự liên tưởng đối với con ngươi của con sói nào là ngọc hắc hỏa, sắc cầu vồng... cậu còn nghĩ đến màu lông của năm con sói con hệt quầng hung đỏ. Mỗi con lại mang cho mình một màu sắc riêng, con thì xanh con thì vàng và nổi bật lên là hai con Sói Lam và Ánh Vàng.

Ở đoạn tiếp theo Ánh Vàng muốn nhìn thấy những điều mới mẻ và lạ lẫm hơn và đặc biệt đó là cô muốn nhìn thấy con người. Ước muốn đó đã thôi thúc cô quyết định đi để được tận mắt nhìn thấy con người. Và sau đó trở về kể cho mọi người cùng nghe. Khi Sói Lam tỉnh giấc thì Ánh Vàng đã đi cách đó một giờ đồng hồ, có dự cảm chẳng lành lập tức lên đường đi tìm Sói em. Ánh Vàng bị nhốt trong lưới, đang cố gắng cắn vào chỗ trống để thoát. Sói Lam đã dùng hết sức tung bay trên làn không khí bỏng rát bên trên ngọn lửa, trên những con người, bay trên cả bao lưới, dùng răng cắn đứt phăng sợi dây để cứu Sói em. Sói Lam ra sức kêu gào bảo Ánh Vàng chạy đi. Sói Lam đúng là một người anh trai, yêu thương em, ra sức bảo vệ em gái. Ánh Vàng đã chạy thoát được thì Sói Lam bất ngờ bị một gã to như gấu quật ngã, đầu óc như muốn nổ tung. Sói Lam là một nhân vật dũng cảm, gan dạ, yêu thương và bảo vệ em gái của mình hết sức.

Nếu như ở chương 2 nói về Mắt Sói thì ở chương này tác giả đã viết về Mắt Người. Mở đầu là hàng loạt những câu hỏi được đặt ra trong đầu của Sói Lam khi nhắc về cậu bé Phi Châu. Cái tên thật đặc biệt và cậu bé lại từ một vùng khác đến nên dễ bị mọi người trêu chọc và bắt nạt. Đôi mắt của cậu bé chuyển động như một ánh sáng vụt tắt và có cảm giác như một đường hầm bị sập dưới lòng đất. Đôi mắt của cậu bé như trầm đi và trong đôi mắt ấy có gì đó khó nói, chưa thể nói ra ngay được. Cậu bé đã kể cho Sói Lam nghe câu chuyện của mình, coi Sói Lam như một người bạn để chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Ở đoạn cuối của đoạn trích xuất hiện hình ảnh con lạc đà tên là Hàng Xén. Con lạc đà này cậu bé rất yêu quý. Cậu bé mất hàng giờ để đi tìm Hàng Xén nhưng không thấy. Cậu bé lo lắng đi hỏi khắp nơi về con lạc đà nhưng chẳng thấy tăm tích con lạc đà đâu. Cậu đi hỏi đến nỗi làm cho Vua Dê nổi cáu, nhắc nhở cậu bé ở đây để chăn cừu và dê chứ không phải để đi tìm con lạc đà đó. Phi Châu rất lo lắng và mong muốn tìm lại được con lạc đà mà mình yêu quý nhưng dường như điều đó là không thể.

Phi Châu đã chăn cừu cho Vua Dê được tròn hai năm và đó là một điều khá bất ngờ và ngạc nhiên vì không ngờ lại được lâu như vậy. Cậu bé là một người chăn cừu tốt. Chỉ một điều đơn giản như vậy thôi cũng đủ hiểu lí do vì sao cậu đã chăn đàn cừu được lâu như vậy, không ai có thể được lâu như vậy. Cậu bé chăn cừu bằng hết tâm lòng của mình, hiểu rõ về đàn cừu, hiểu cả những nguy hiểm rình rập đàn cừu nào là sư tử hay báo rình ăn thịt, cậu đã tính toán được cả vừa đưa ra những ý tưởng cho Vua Dê. Phi Châu là cậu bé ngoan ngoãn, tốt bụng, yêu động vật, hiểu được chúng. Phi Châu đã có màn trò chuyện với Báo hết sức đặc biệt, Báo rất háo hức nên đã lắng nghe cậu bé. Cậu bé đã hết lòng khen ngợi báo là một tay săn tuyệt vời. Báo và Phi Châu đã trò chuyện như hai người bạn ngồi nói rõ chuyện chăn cừu. Phi Châu đã đưa ra lời đề nghị với Báo để trở thành những người bạn thân thiết, cùng nhau chăn cừu và hai nhân vật đã thành những người bạn thân thiết, không thể tách rời nhau.

Mắt sói là một tác phẩm hay, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Tác giả đã miêu tả rất chi tiết hai hình ảnh đó là mắt người và mắt sói, đi sâu vào từng chi tiết của hai hình ảnh này. Qua tác phẩm cũng cho chúng ta cảm nhận được tình anh em của Sói Lam và Ánh Vàng, tình bạn thân thiết của Phi Châu và Báo, tình cảm thân thiết và không thể tách rời.

Dàn ý Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)

- Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả); nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

- Thân bài:

+ Nêu nội dung chính của tác phẩm.

+ Nêu chủ đề của tác phẩm.

+ Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 2

Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập “Vang bóng một thời” chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống.

“Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên “Dòng chữ cuối cùng”, sau in thành sách đổi thành “Chữ người tử tù”. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.

Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.

Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.

Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.

Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.

Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sắc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 3

Chiếc lá cuối cùng thuộc phần cuối trong tác phẩm cùng tên của nhà văn người Mĩ O Hen-ri. Truyện là bài ca, ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh tình người giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Đồng thời tác phẩm còn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật ý nghĩa.

Trong tác phẩm gồm ba nhân vật chính: Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men, các nhân vật này được chia làm hai tuyến chính: Giôn-xi sống trong tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá để chờ đến lúc mình lìa đời, cụ Bơ-men và Xiu ra sức chăm sóc và giúp đỡ Giôn-xi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Giôn-xi là một cô họa sĩ nghèo sống trong một nhà trọ tồi tàn ở ngoại ô, cô sống trong cảnh nghèo khổ và bệnh tật (bệnh sưng phổi), đây không phải là căn bệnh khó chữa, nhưng cô đã mất hết niềm tin vào cuộc sống nên bệnh tình ngày càng xấu đi, cô không buồn uống thuốc, chán nản, chỉ đếm những chiếc lá trên cây thường xuân. Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô lìa xa cuộc sống này.

Qua một đêm mưa gió vùi dập, khi chiếc mành cửa được kéo lên, cô vẫn thấy một chiếc lá bám trên tường gạch. Đó quả là một điều khó tin vì đêm qua mưa gió, bão tuyết lớn, vậy mà chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám trên cành cây như vậy. Chính chiếc lá cuối cùng đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, giúp cô lấy lại được nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy, cô đã vượt qua bệnh tật, tiếp tục mang trong mình những ước mơ, hoài bão.

Xiu là bạn cùng phòng với Giôn-xi, cũng là một họa sĩ nghèo, trong những ngày bạn ốm, Xiu đã hết lòng thương yêu, chăm sóc: nấu cháo, lời nói dịu dàng, cử chỉ ân cần dỗ dành Giôn-xi mong cho bạn lấy lại tinh thần, bệnh tật sớm qua khỏi. Trong những ngày Giôn-xi ốm, điều cô lo sợ nhất chính là mở tấm mành cửa lên và thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống.

Vào đêm mưa gió, Xiu không thể ngủ được, cô lo sợ chiếc lá ngoài kia đã bị mưa gió cuốn đi và người bạn Giôn-xi sẽ rời xa mình mãi mãi. Bởi vậy, sáng hôm đó, khi nhận lệnh của Giôn-xi cô chán nản, tuyệt vọng, đầy lo lắng kéo tấm mành lên. Và cô đã vui biết nhường nào khi chiếc lá vẫn còn đó, cô nấu cháo, gọi bác sĩ đến khám bệnh cho Giôn-xi. Chính tình yêu thương, sự quan tâm chân thành của Xiu đã phần nào tiếp thêm động lực sống cho Giôn-xi.

Cụ Bơ-men chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, nhưng tấm lòng, sự hi sinh của cụ lại có ý nghĩa quan trọng nhất với Giôn-xi. Cụ Bơ-men là một họa sĩ già, đã ngoài sáu mươi tuổi, kiếm sống bằng cách ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ trẻ. Hơn bốn mươi năm trong nghề cụ chỉ có một khao khát tột cùng đó là vẽ được một kiệt tác.

Khi biết được tâm trạng chán chường, tuyệt vọng của Giôn-xi cụ hết sức lo lắng và tìm cách cứu sống Giôn-xi. Tình yêu thương của cụ dành cho Giôn-xi thật sâu sắc và cao thượng. Trong đêm tối mưa to gió lớn cụ đã không quản gió lạnh, không lo nghĩ cho sức khỏe, tính mạng mình mà thức suốt đêm bí mật vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng để cứu sống Giôn-xi.

Người họa sĩ già ấy đã quên mình vì người khác – một sự hi sinh thầm lặng, cao cả mà lớn lao. Chiếc lá cuối cùng của cụ xứng đáng là một kiệt tác không chỉ vì nó giống chiếc lá thật đến nỗi khiến cả Giôn-xi và Xiu không nhận ra, mà nó còn chứa đựng niềm hi vọng sống.

Chiếc lá được vẽ bằng cả tài năng và tấm lòng, sự hi sinh cao thượng của cụ Bơ-men. Đồng thời kiệt tác của cụ cũng chứa đựng thông điệp nghệ thuật giàu ý nghĩa: một tác phẩm nghệ thuật thực sự là tác phẩm được tạo ra để phục vụ con người.

Tác phẩm được thuật lại bằng lối kể chuyện hấp dẫn, giàu kịch tính với những chi tiết được lựa chọn kĩ càng, đặc biệt là ở tình huống truyện đảo ngược hai lần. Giôn -xi từ chỗ tuyệt vọng, không còn niềm tin vào cuộc sống đến chỗ lấy lại niềm tin, khỏi bệnh và sống vui vẻ; cụ Bơ-men từ chỗ khỏe mạnh đến chỗ mất đi một cách đột ngột. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Ba nhân vật có cảnh ngộ gần gũi, nhưng mỗi người đều có tính cách riêng. Kết thúc bất ngờ, giàu ý nghĩa tạo dư âm sâu đậm trong lòng người đọc.

Với kết cấu truyện đầy kịch tính, bất ngờ tác phẩm đã cho thấy tình yêu thương cao cả có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Ngoài ra cũng thấy được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chân chính sinh ra là để phục vụ, vì cuộc sống con người.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 4

Nguyễn Quang Thiều là một tác giả nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, được biết đến với nhiều tác phẩm đặc sắc cho thiếu nhi. Trong đó, Bầy chim chìa vôi là một trong những tác phẩm hay nói về những nghĩa cử cao đẹp của trẻ em, là một tấm gương sáng cho nhiều người học hỏi.

Tình huống truyện được tác giả xây dựng là vào một đêm mưa bão, lúc 2 giờ sáng nhân vật người em - Mon tỉnh giấc. Thấy trời đang mưa to, người em lại lo lắng cho những chú chim chìa vôi con ở ngoài bờ đê. Nó sợ chúng sẽ bị ngập nước rồi chết rét mất. Vậy là, Mon gọi anh trai của mình là Mên, muốn cùng anh ra ngoài đó để cứu những chú chim con. Bằng những câu hỏi dồn dập như “Anh bảo mưa có to không?”, “Nhưng anh bảo ước sông có lên to không?”, Mon đã thể hiện được sự lo lắng và vội vàng của mình. Tuy nhiên, đang trong giấc ngủ bị gọi dậy, người anh có vẻ cáu gắt lên tiếng nạt em mình: “Bảo cái gì mà bảo lắm thế”. Ban đầu, người đọc có thể cảm thấy nhân vật anh khá “phản diện”, tuy nhiên, đây là phản ứng bình thường của một đứa trẻ gắt lên khi bị làm phiền. Nhất là ngay sau đó, khi biết được vấn đề của em trai, người anh cũng mềm lòng và quyết định theo em ra bờ sông để xem những chú chim nhỏ.

Qua tình huống truyện trên, tác giả đã cho người đọc thấy được tình yêu thương động vật của hai đứa trẻ dù chẳng lớn tuổi. Chúng bất chấp tất cả dù là nửa đêm, dù là mưa bão vẫn cố gắng cứu những chú chim nhỏ tội nghiệp. Cảnh cuối cùng, khi mặt trời bắt đầu hửng nắng, mưa đã tạnh, những chú chim vươn cánh bay đi. Lúc này, hai anh em đứng dưới ánh nắng sớm, ngẩng mặt lên nhìn chúng và cảm động đến chảy nước mắt. Chúng không làm việc cao cả quá, nhưng chính những điều nhỏ nhặt ấy đã cứu những chú chim khỏi cảnh chết đuối.

Nhờ sự cứng cáp trong việc miêu tả nhân vật, tác giả Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc thấy được một bức tranh cảm động về hai anh em và bầy chim chìa vôi ở ngoài sông. Từ đó, tình thương của con người cũng được thể hiện rõ, từ những đứa trẻ và từ những loài vật nhỏ.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 5

Ở một xứ sở có hai mùa phân biệt luôn luôn luân chuyển như ở nước ta, nhất là miền Bắc, chúng ta hẳn không ngỡ ngàng gì lắm với cảnh cây thay lá mỗi khi tiết trời thay đổi. Ấy thế mà “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri lại không ngớt làm tôi ngạc nhiên thích thú. Bởi đó là một truyện ngắn rất giàu kịch tính. Nó là một chuỗi liên tiếp và là sự đan cài khéo léo, phức tạp các yếu tố bất ngờ mả chỉ đến câu cuối cùng của tác phẩm, cái nút mới được tháo gỡ.

Câu chuyện xoay quanh một chiếc lá, chiếc lá có lẽ không quá nhỏ nhưng cũng chẳng lớn lao gì mấy để cho người ta, qua một cái sân rộng chừng sáu thước, có thể quan sát được dễ dàng. Đó là chiếc lá cuối cùng của “một cây leo già cỗi, tàn héo, cạn nhựa sống, rễ đầy những bướu”, khẳng khiu, trơ trụi, bám hững hờ vào lưng chừng bức tường thấp phía trước mặt, qua cửa sổ căn phòng của đôi bạn nữ họa sĩ.

Chiếc lá tội nghiệp ấy liệu còn có thể bám víu vào cái cây leo gầy guộc kia được bao lâu nữa mới gánh nặng của những cơn gió bấc rét cắt ruột, những trận mưa đập ào ạt, dai dẳng trên cửa sổ, trên mái hiên, những đợt tuyết rơi…? Trong thực tế, thì chỉ qua ba, bốn ngày gần đây, hàng trăm chiếc lá của chính cái cây ấy đã vĩnh viễn lìa đời. Hình tượng chiếc lá lắt lẻo trên một dây leo héo hắt khiến tôi nghĩ đến một cuộc sống tàn lụi, mong manh, bị vùi dập phũ phàng mà vẫn gắng chịu đựng, dũng cảm tồn tại.

Chẳng phải là vô tình, khi chiếc lá cuối cùng ấy lọt vào mắt mọi người ở đây – nhất là Xiu lúc này đang lo lắng theo dõi cái nhìn của cô bạn gái. Vì nó gắn liền với cái cây leo thân yêu của Giôn-xi. Cũng vì nó gợi nhớ đến hiện trạng của chính Giôn-xi đang bị đánh gục bởi những ngón tay buốt giá của “gã viêm phổi”.

Nó sẽ rụng. Nhưng, vào lúc nào? Sự tồn tại hay không tồn tại của nó có ý nghĩa gì đối với những người đang hằng ngày hằng giờ khắc khoải ngóng nhìn nó? Cái tất nhiên hình như đang treo lại lơ lửng đấy, hứa hẹn những điều bất ngờ khiến ta phải nín thở mà theo dõi.

Bất ngờ đã đến. Nhưng đến theo một cách khác, người dự đoán: qua một đêm mưa to gió lớn, “chiếc lá cuối cùng” vẫn còn đó, nổi bật trên tường gạch, hơn nữa, còn thấy rõ là “chỗ gần cuống lá non xanh thẫm, nhưng đường viền răng cưa xung quanh đã nhuốm màu vàng…”.

Hãy quan sát kĩ mà xem! Kì lạ thật, nhưng khó mà nghi ngờ. Hình ảnh hiện ra cụ thể, lặng lẽ như sự thật hiển nhiên không cần biện bạch. Hôm sau thế. Hôm sau nữa vẫn thế. Người ta buộc phải tin. Hầu như chẳng ai băn khoăn về sự tồn tại phi lí đó.

Nhưng, khi mọi tình huống căng thẳng đã dịu bớt – Giôn-xi đã thoát hiểm, bác Bơ-men đã mất sau hai ngày ốm, bất ngờ mới lại xuất hiện, bừng sáng lên và chấm dứt luôn câu chuyện. Bắt đầu từ một sự việc có vẻ chẳng liên quan gì đến chiếc lá của chúng ta: cái chết của ông già Bơ-men. Vì sao bác chết? Những thứ đồ đạc mới dùng xong, còn đế ngổn ngang, chưa kịp thu dọn, có thể gợi lên những suy đoán gì?

Bác đã làm những gì để đến nỗi phải ốm chết? Cái chết của bác có ý nghĩa, giá trị gì? Nhiều câu hỏi đặt ra và sẽ được trả lời đầy đủ. Chỉ biết rằng, từ cái chết của lão họa sĩ này, kết luận cuối cùng về “chiếc lá cuối cùng” kia là: đó là một chiếc lá giả, vẽ thần tình và đặt đúng chỗ đến nỗi nếu không thật tinh thì không tài nào nhận ra.

Vấn đề lúc này không ở chỗ giả hay thật; mà ở chỗ: kiệt tác do con người tạo ra đã kế tục và thay thế rất có hiệu quả kiệt tác của tự nhiên. Kiệt tác ấy, bản thân nó là vô giá. Vả lại, chính nhờ nó, một con người – một tài năng nghệ thuật biết đâu – đã hồi sinh.

Con người ấy là Giôn-xi lúc này đang nằm bất động trên chiếc giường sắt quét sơn, đưa mắt qua những ô cửa nhỏ nhìn sang bức tường trống. Cô gái bé nhỏ này vốn đã khô gầy, lại viêm phổi nặng, xem ra khó hề qua khỏi, mạng sống mười phần chưa chắc đã hi vọng được một.

Đến chỗ dựa là dấu hiệu bình thường nhất của lòng yêu đời – sự quan tâm đến một người đàn ông, đến thời trang của phụ nữ chẳng hạn – cũng lại thiếu nốt. Khát khao về nghệ thuật đối với cô bé này, chỉ nó không thôi, chưa đủ đế cân bằng với chín phần, chắc chắn mà tử thần đã nắm. Ngọn lửa leo lét như đang lụi dần theo thời gian, chỉ chực bùng lên một lần chót trước khi tắt ngấm.

Giôn-xi đã bùng lên thật! Cô mở to mắt. Cô đăm đăm nhìn ra phía cửa sổ. Cô khe khẽ đếm ngược các con số – những chiếc lá còn sót lại trên cây. Với một ý thức rõ ràng, cô đang nhắm đếm những bước tiến đến cái chết đang chực sẵn. Chiếc lá cuối cùng nhất định sẽ rụng nốt. Cái chết nhất định sẽ không thể tránh khỏi đối với Giôn-xi. Nhưng nó sẽ đến vào lúc nào? Có đúng là vào ngày “hôm nay” trước khi trời tối như phỏng đoán của Giôn-xi không? Không khí nặng nề, căng thẳng đến nỗi Xiu phải cố gắng và khéo léo làm dịu bớt.

Cái phải đến đã không chịu đến, đơn giản, chóng vánh như mọi người vẫn tưởng. Phải chăng đấy cũng có thể gọi là một bất ngờ? Dẫu sao, nó làm chùng xuống mọi căng thẳng trong Giôn-xi đến nỗi cô gái muốn rũ bỏ hết – kể cả sự quan tâm đến cái chết. Chính lúc đó cô thật sự chẳng còn thiết tha với cái gì nữa, cô đã được giải phóng khỏi nỗi ám ảnh về cái chết – tác động tâm lí có thể làm giảm đến năm mươi phần trăm công hiệu của thuốc men.

Lại một bất ngờ nữa? Rất có thể. Cái tương quan sống – chết quá chênh lệch ban đầu, Giôn-xi đang tự điều chỉnh dần theo hướng tích cực mà không tự biết, đúng vào thời điểm quan trọng nhất, lúc mà mọi việc có thể hoàn toàn đảo ngược lại theo cái logic chủ quan của cô bé họa sĩ. Cái đôi mắt mở to không hồn như bị hút vào chiếc rèm xanh che cửa sổ, có lẽ không phải chỉ là do ý thức.

Giôn-xi đã ngạc nhiên trước thực tế. Nhưng phải qua thời gian, qua nhiều thử thách nữa, cô mới thốt lên được cái câu nặng ý nghĩa: “Muốn chết, đó là một tội lỗi”. Trở lại với những nhu cầu cụ thể hằng ngày (muốn ăn, uống, muốn soi gương, muốn ngồi dậy xem nấu nướng…), những ước mơ, hoài bão chân chính, Giôn-xi bước một bước quyết định qua ranh giới của cái chết để bước vào lãnh địa của cái sống.

Đó là điều không ai dự đoán được, kể từ ông bác sĩ đã chẩn đoán cho Giôn-xi. Cho đến khi Giôn-xi “nằm vui vẻ đan một cái khăn quàng lên để phủ lên vai, màu xanh ngắt và chẳng dùng làm gì được” thì không còn gì để có thế đánh ngã cô được nữa.

Lùi trong hậu trường, mãi gần cuối tác phẩm, ẩn sâu trong cái hang tối mờ mờ – căn gác hai của tòa nhà, là một ông già khoảng lục tuần, râu tóc bờm xờm nửa thần nửa quỷ, đang đương đầu với giá rét bằng bộc một chiếc sơ mi cũ màu xanh. Bác Bơ-men đấy! Nhà nghệ sĩ nghèo cô độc này, say nhiều hơn tính, gần hết cuộc đời chưa sáng tạo nên được một cái gì hẳn hoi.

Cái khung vải căng sẵn trên giá vẽ từ hai mươi nhăm năm nay cơ hồ bị bỏ quên và chắc gì đã không khiến cho nhiều người xung quanh mỉm cười hoài nghi? Cũng may mà đối với ông già tốt bụng, người ta còn chưa nỡ giễu cợt. Còn có gì đáng để ý, còn có gì đáng trông đợi ở con người đáng thương này?

Thậm chí cả đến lúc bác bất bình “đỏ mắt lên, giàn giụa nước mắt”, hét tướng lên trước cái ý nghĩa “ngớ ngẩn” của Giôn-xi, của cả Xiu nữa, chẳng ai lấy làm lạ. Huống hồ là cái lúc bác cùng Xiu ngó ra ngoài cửa sổ, “sợ hãi nhìn cái cây leo và lặng lẽ nhìn nhau một lát”… Nhưng mọi chuyện lại bắt đầu chính từ lúc này.

Chỉ sau cái chết thảm vì bệnh viêm phổi của bác, căn cứ vào những dấu tích bác còn để lại – từ chiếc đèn bão còn leo lét cháy, đến chiếc thang đã bị xê dịch, đến những chiếc bút vẽ và bảng pha màu vứt bừa bãi, người ta mới đoán ra: chính bác đã vẽ “chiếc lá cuối cùng” lên bức tường, chỗ cây leo.

Chiếc lá vẽ giống hệt như thật, đặt đúng chỗ chiếc lá thực mới lìa cành. Tất cả được hoàn thành cấp tốc chỉ trong một đêm với một mình bác Bơ-men dưới ánh đèn nhập nhoạng và dưới mưa đêm lạnh thấu xương. Toàn bộ công trình được xếp đặt tài tình đến nỗi, sáng hôm sau, con mắt của những nhà chuyên nghiệp như Xiu, như Giôn-xi, dù đã quan sát kĩ cũng chịu không phân biệt được.

Ngay chính Xiu cũng không kịp nhớ lại để hoài nghi. Cái có bất ngờ nào thú vị hơn? Nhưng, chưa hết! Bất ngờ này mới thực là trọng đại: chiếc lá âm thầm ấy đã đảo ngược tình thế, đã cứu thoát một con người chỉ còn hi vọng sống có một phần mười!

Quả là một kiệt tác vô song. Đấy là hiện thân nỗi khát vọng một đời của bác Bơ-men, hay đấy chính là hóa thân của bác Bơ-men? Bức vẽ chiếc lá trên tường được đánh đổi bằng cuộc sống và cái chết của lão nghệ sĩ đáng kính. Đấy là di sản vô giá kết tinh tấm lòng và tài năng, thứ nghệ thuật phục vụ thiết thực cho đời và tinh thần vị tha không gì sánh kịp của bác Bơ-men.

Truyện ngắn đầy kịch tính, chứa chan ý vị nhân văn cao cả của O Hen-ri đã đột ngột kết thúc sau khi toàn bộ sự việc đã sáng tỏ. Những dư âm của nó như còn ngân vang mãi, nâng thêm lên trong ta khát vọng không cùng sống, và sống có ích, cho người, cho đời…

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Kết nối tri thức hay khác: