Top 20 Nghị luận về vấn đề thiết lập trật tự giao thông ở không gian trước cổng trường học (siêu hay)
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 20 văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống: vấn đề thiết lập trật tự giao thông ở không gian trước cổng trường học hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Top 20 Nghị luận về vấn đề thiết lập trật tự giao thông ở không gian trước cổng trường học (siêu hay)
Viết văn bản nghị luận về vấn đề thiết lập trật tự giao thông ở không gian trước cổng trường học - mẫu 1
Nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao ý thức của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông.
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do Trung ương Đoàn phát động từ năm 2012 nhằm đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên, học sinh có ý thức chấp hành luật lệ ATGT. Sau thời gian triển khai trên địa bàn tỉnh, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã phát huy tác dụng, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trước và sau giờ tan học; tình trạng tai nạn giao thông; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, thanh niên.Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện Mộc Châu từ năm 2012 duy trì nền nếp với các nội dung như: Tổ chức đội thanh niên tình nguyện, các đội cờ đỏ tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm nhằm hướng dẫn giao thông tại cổng trường, tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, nhắc nhở học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông như: Đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người quy định; không cầm ô khi điều khiển phương tiện...
Nằm trên trục đường chính của thị trấn Mộc Châu, trước đây, ở khu vực cổng Trường THPT Mộc Lỵ thường xuyên xảy ra tình trạng chen lấn, lộn xộn, nhất là vào giờ tan học. Những năm qua, nhà trường đã triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” thành lập 1 đội cờ đỏ xung kích gồm 15 học sinh và giáo viên phụ trách. Hằng ngày, vào các giờ cao điểm, đội phân công người trực tại cổng trường làm nhiệm vụ nhắc nhở, hướng dẫn giao thông cho học sinh, nhắc nhở người dân ở gần cổng trường không lấn chiếm vỉa hè để bán hàng gây ùn tắc giao thông... Nhờ đó, tình trạng chen lấn, lộn xộn được cải thiện đáng kể. Giáo viên, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy phấn khởi, yên tâm mỗi ngày đến lớp.
Tại thành phố Sơn La, Trường THCS Lê Quý Đôn là một trong những trường đi đầu trong việc triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Trường nằm cạnh trường tiểu học, quãng đường đến trục đường chính phải đi qua chợ dân sinh, việc ùn tắc cục bộ khó tránh khỏi. Từ đó, phương án đường một chiều được triển khai. Nhà trường vẽ chỉ dẫn hướng di chuyển trên mặt đường giúp phân luồng giao thông theo 1 hướng nhất định, hạn chế tối đa ùn tắc tại cổng trường giờ tan tầm. Đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở học sinh và phụ huynh nghiêm túc thực hiện.
Cách đó không xa, Trường THCS Nguyễn Trãi nằm trên tuyến đường nhỏ, khả năng xảy ra ùn tắc tại cổng trường là rất cao. Để giải quyết vấn đề này, các thầy cô trong nhà trường đã tích cực tham gia điều tiết giao thông giờ tan học. Đồng thời, lực lượng thanh niên xung kích của nhà trường nhắc nhở, tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp: Không dừng, đỗ trước cổng trường, đội mũ bảo hiểm, tuân thủ luật giao thông đường bộ.
Có thể nói, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành pháp luật an toàn giao thông của phụ huynh và học sinh, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế va chạm, tai nạn giao thông tại khu vực cổng trường, nhất là tại những trường học gần quốc lộ, tỉnh lộ.
Mô hình“Cổng trường an toàn giao thông” trở thành một nét đẹp văn hóa trong ý thức của phụ huynh, học sinh, nhất là ý thức tự giác của mỗi người tham gia giao thông vì mình và vì cộng đồng. Mô hình góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường mỗi giờ tan học, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho các em học sinh.
Viết văn bản nghị luận về vấn đề thiết lập trật tự giao thông ở không gian trước cổng trường học - mẫu 2
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đòng bộ nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Cà Mau, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Sắp đến giờ tan trường, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng phụ huynh dừng, đỗ xe trước cổng trường một cách tràn lan để rước con của mình. Người đậu xe máy trên vỉa hè, người dừng xe lấn cả lòng, lề đường khiến các phương tiện khác di chuyển qua lại rất khó khăn, thậm chí gây ùn tắc cục bộ. Điển hình như trước cổng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (đường Lý Bôn, đường Nguyễn Hữu Lễ, phường 2); Trường THPT Cà Mau (đường Phan Đình Phùng, phường 2); Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển (đường Phan Đình Phùng, phường 2) và tại nhiều trường học khác trong nội ô thành phố Cà Mau hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do ý thức của một số phụ huynh còn hạn chế, chưa chấp hành tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông. Cứ mỗi khi đến giờ đón con em tan học, chỉ cần có một vài người đậu xe theo kiểu “vô ý thức”, nghênh ngang dưới lòng đường thì người khác chạy đến cũng thực hiện giống như thế. Từ đó, dẫn đến tình trạng cả lòng đường chẳng còn lối đi, chỉ thấy toàn xe của phụ huynh đến đón con. Bên cạnh kém ý thức của một số phụ huynh, còn nguyên nhân khác là do một số trường gần khu vực chợ nên rất dễ kẹt xe; hầu hết các trường học đều có khuôn viên hạn chế, không có nơi dành riêng cho phụ huynh dừng đỗ xe để đón con.
Chị Lý Thùy Trang, có con trai đang học lớp 10 tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Ngày nào tôi cũng tranh thủ đến sớm và đậu xe đúng vào nơi quy định. Nhưng khi đón được con tan học lại vướng phải tình trạng kẹt xe kéo dài, không có lối di chuyển, đành phải đậu lại đợi mọi người di chuyển mới về nhà được. Do trường gần chợ và tuyến đường hẹp, phụ huynh đến đón con đều tranh thủ đậu ở nơi gần cổng trường, nên mỗi khi học sinh tan học rất dễ bị ùn tắc giao thông. Có người vì muốn đón con của mình sớm mà cố chen lấn đậu dưới lòng đường vẩy gọi để con chạy ra. Tôi thấy như thế rất nguy hiểm và khiến các phương tiện khác di chuyển khó khăn”.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện với môi trường, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định trong việc tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải bảo đảm an toàn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông phù hợp với từng cấp học.
Thầy Lê Minh Hoàng, Hiệu Trưởng Trường THPT Cà Mau, cho biết: “Ngay từ đầu năm học mới, nhà trường đã phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe điện…Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các bậc phụ huynh chấp hành đúng quy định khi đưa rước con, đậu xe trên vỉa hè, đúng nơi quy định. Nhưng phụ huynh nào cũng muốn rước được con sớm, nên cứ chen lấn nhau, đậu xe tràn xuống cả lòng đường”.
Thực tế cho thấy, nếu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường cứ kéo dài sẽ không đảm bảo an toàn giao thông. Nhiều phương tiện tranh nhau di chuyển rất dễ xảy ra va quẹt ngoài ý muốn, thậm chí xảy ra tai nạn. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, các điểm trường cũng cần có sự phối hợp, tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh có nơi đậu xe đưa đón con. Những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm khắc, góp phần đảm bảo an toàn và tạo nên nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông.