X

500 bài văn mẫu lớp 11

Cảm nhận về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam năm 2023


Cảm nhận về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam năm 2023

Bài văn Cảm nhận về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.

Cảm nhận về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam năm 2023 - Văn mẫu lớp 11

Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

Bài văn mẫu

Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, ông đi sâu vào miêu tả tâm trạng nhân vật. Những truyện ngắn của ông là truyện không có cốt truyện, tiêu biểu là tác phẩm “Hai đứa trẻ” tái hiện lại khung cảnh và cuộc sống nơi phố huyện nghèo Cẩm Giàng-Hải Dương. Ngòi bút của Thạch Lam hướng đến việc khai thác sâu nội tâm nhân vật Liên trước mỗi khoảnh khắc của thời gian, không gian cho thấy tấm lòng “êm mát và sâu kín”, niềm xót thương vô hạn của ông đối với con người nơi đây nói riêng và những kiếp người nông dân nghèo trong xã hội cũ nói chung.

Tác phẩm “Hai đứa trẻ” rất tiêu biểu cho văn phong nhẹ nhàng, sâu lắng có đan xen yếu tố hiện thực và lãng mạn. Hiện lên trên từng con chữ là bức tranh cuộc sống của những kiếp người tàn sống lay lắt, mù mịt trong bóng tối, quẩn quanh không ánh sáng không tương lai trong xã hội cũ. Nhân vật chính trong truyện là hai chị em Liên, xung quanh họ là những con người cùng cảnh ngộ như mẹ con chị Tí, gia đình bác xẩm, bác phở Siêu, bà cụ Thi điên và những đứa trẻ con nhà nghèo. Cuộc sống của họ cứ lặp đi lặp lại nhàm chán, bế tắc không lối thoát chỉ có chuyến tàu đêm khuya mang đến cho họ ánh sáng và hi vọng.

Mở đầu là một khung cảnh ngày tàn được Liên_cô bé mang trong mình tâm hồn nhạy cảm thu vào tầm mắt và cảm nhận những âm thanh, hình ảnh báo hiệu một ngày tàn sắp qua, chuẩn bị cho một đêm tối mới cũng giống như bao đêm khác. “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều; phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn". Tất cả đã sẵn sàng cho bóng tối bao trùm. Tâm trạng của con người cũng trở nên buồn bã, hiu quạnh “Chợ họp giữa phố đã vãng từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất" giờ đây trên nền đất chỉ toàn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía, không khí bốc lên mùi ẩm mốc hòa trộn với mùi của đất mẹ quê hương. Thạch Lam như mượn cái nhìn của Liên để quan sát từ xa đến gần, từ trên cao của bầu trời xuống dưới mặt đất, cảnh chiều tà hiện lên vừa có nét giống như một bức tranh thủy mặc vừa giống như một bài thơ trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng.

Con người của kiếp ngày tàn hiện lên thật buồn bã đơn điệu. Vẫn là mẹ con chị Tí hằng ngày dọn hàng dưới gốc cây bàng, ở ngoài chợ chỉ còn lại đám trẻ con nhà nghèo đang nhặt nhạnh những thứ còn dùng được mà người bán hàng bỏ lại. Bà cụ Thi điên vẫn lầm lũi đi vào trong bóng tối với tiếng cười khanh khách. Còn chị em Liên cũng chỉ là trông gian hàng tạp hóa nhỏ xíu, bán những đồ lặt vặt để phụ giúp gia đình mà chẳng đáng là bao. Biết bao những kiếp người như vậy họ đã sống trong bóng tối, tù túng từ bấy lâu. Đến đây ta chợt nhớ đến những câu thơ của Huy Cận trong bài “Quẩn quanh”:

    “Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu

    Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người

    Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười

    Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện”

Liên quan sát tất cả cảnh vật và con người để rồi giờ đây “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập dần dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Là do cảnh chiều tàn ảm đạm hiu quạnh khiến cho Liên buồn hay “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”?

Khi màn đêm buông xuống phố huyện nhỏ chìm trong bóng tối “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Cả phố huyện giờ đây thu lại ở gánh hàng chị Tí, những ánh sáng leo lét yếu ớt của vài nhà còn thức hé ra một khe sáng, ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, hay ánh đèn gánh phở bác Siêu, hột sáng thưa thớt của chị em Liên không thể chiến thắng nổi bóng tối dày đặc. Tưởng chừng như nó làm sáng lên cho phố huyện nhưng chỉ làm làm cho đêm tối càng thêm tối hơn. Những con nghèo khổ vẫn lặp đi lặp lại hàng ngày như thế. Quẩn quanh đó là bác Siêu với gánh phở còn ế ẩm, gia đình bác xẩm vẫn ngồi đợi những giọt hạnh phúc rơi với cái thau còn trống trơ, đứa con thì bò ra khỏi manh chiếu rách nhặt những rác bẩn vùi trong cát bụi bên đường, chị Tí vẫn mong ngóng khách tới. Còn Liên mơ hồ nhớ về Hà Nội xa xưa một thời cô và gia đình còn sống ở đó, từ khi cha bị mất việc buộc phải về nơi đây sinh sống. Thể xác ở thực tại nhưng tâm hồn gửi về quá khứ tươi đẹp để rồi cái buồn càng thấm sâu vào trong tâm trí Liên.

Về khuya là lúc con người ta chìm sâu vào giấc ngủ nhưng Liên, An cùng tất cả những người nơi phố huyện họ đều cố thức để đợi chuyến tàu đi qua. Phải chăng mẹ dặn là để bán được hàng? Thực tế Liên không hi vọng ai mua nữa có chăng chỉ là mua bao diêm hay gói thuốc lá là cùng. Không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam đi sâu vào tâm trạng của Liên ở khoảnh khắc chiều tà và khi về đêm, tất cả đều có lí của riêng nó. Ở đây nhà văn lấy đó làm nền và lí giải vì sao tâm trạng háo hức mong chờ tàu qua của mọi người nơi đây đến vậy. Bởi họ hi vọng ở một tương lai có ánh sáng tốt đẹp hơn, họ mong muốn thoát khỏi bóng tối mù mịt và thực tại nghèo khổ. Lời nhận xét của Thạch Lam nghe mà chua xót, buồn rầu: “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống ghèo khổ hằng ngày của họ”. Và chỉ có chuyến tàu đêm mới làm được điều đó. Khi viết những dòng này chắc hẳn Thạch Lam cũng thương cảm, xót xa vô cùng cho số phận của họ. Chính lòng nhân ái và vẻ đẹp tâm hồn ông quán xuyến chi phối mạch viết của tác phẩm.

Liên dù đã buồn ngủ ríu cả mắt vẫn cố thức đợi tàu, An đã lim dim chìm vào giấc ngủ vẫn cố nhắc chị “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Đúng là với thực tại hoàn cảnh cuộc sống nơi phố huyện con tàu đến như một giấc mộng đem lại cho những con người nghèo khổ kia ánh sáng khác hẳn nơi gánh hàng chị Tí “các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường”, “đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng” rồi những đốm lửa đỏ rực đó là thế giới của thần tiên xa lạ và một ước mơ xa xôi khó trở thành hiện thực nhưng họ vẫn cố bám víu dù chỉ là chút ít hi vọng, dù cho đó chỉ là một niềm an ủi trong chốc lát cho cuộc đời cơ cực tăm tối của họ. Đối với An và Liên đoàn tàu vô cùng có ý nghĩa nó trở thành niềm say mê của hai chị em khi sống ở đây vì nó đã cuốn di tất cả sự phẳng lặng, tẻ nhạt của cuộc sống phố huyện và gợi nhớ cho hai chị em về khoảng thời gian hạnh phúc, vui tươi sống ở Hà Nội huyên náo nhộn nhịp phố phường. Liên và An đón nhận và cảm nhận đoàn tàu như rất sâu sắc và thỏa mãn tấm lòng, niềm yêu thích say mê của con trẻ. Khi đoàn tàu đi xa thì hai chị em nuối tiếc đứng nhìn mãi cho đến khi chiếc đèn treo khuất dần sau rặng tre. Mọi thứ lại trở về với nhịp điệu cũ, con người chìm vào giấc ngủ say. Chuyến tàu mang đến niềm tin hi vọng, gợi nhắc về quá khứ, xóa tan đi thực tại tăm tối vừa mang đến niềm vui niềm hạnh phúc cho Liên và nhũng người nơi phố huyện nhưng sự thoáng qua nhanh chóng ấy càng làm cho cô nhận thức rõ hơn về sự tù túng của cuộc sống phủ đầy bóng tối của phố huyện nghèo nàn.

“Hai đứa trẻ” đúng là một truyện không có chuyện tất cả chỉ là tâm trạng của Liên được đặc tả dưới ngòi bút thân thương, trân trọng của Thạch Lam. “Cây bút biệt tài chuyên về truyện ngắn” thể hiện được tài năng của mình, trong truyện của ông vừa tái hiện được thực tại cuộc sống nghèo khổ của ở phố huyện vừa mang chất lãng mạn khi tả cảnh thiên nhiên. Qua đó nhà văn vừa lên án, tố cáo xã hội cũ vừa mang tấm lòng nhân đạo, nhân văn cao cả. Thạch Lam trân trọng những khao khát, ước mơ, hi vọng nhỏ nhoi của những người nghèo khổ. Qua đó để lại cho ta bài học về sự hi vọng và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 chọn lọc, hay khác: