X

500 bài văn mẫu lớp 11

Dàn ý Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu năm 2023


Dàn ý Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu năm 2023

Bài văn Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu gồm 2 dàn ý chi tiết, 3 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.

Dàn ý Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu năm 2023 - Văn mẫu lớp 11

Dàn ý Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 1

1. Mở bài

- Phan Bội Châu (1867-1940) quê ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1900 đỗ Giải nguyên. Ông sáng lập ra Hội Duy Tân (1904). Năm 1905, bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du, tổ chức Việt Nam Quang phụ hội. Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, đưa về Hà Nội với cái án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta, chúng đưa ông về giam lỏng ở Huế.

- Là chiến sĩ yêu nước vĩ đại, là nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ 20 - Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn yêu nước và tuyên truyền cổ động cách mạng sôi sục đầy nhiệt huyết.

- Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu viết năm 1905, trong lúc chia tay đồng chí, bạn bè, trước lúc bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du.

- Bài thơ khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương, là nên sự nghiệp lớn cứu nước cứu dân.

2. Phân tích

2.1. Hai câu đề

- Kẻ nam nhi phải mong có điều lạ, nghĩa là không thể sống tầm thường mà phải làm nên sự nghiệp lớn. Lưu lại tiếng thơm muôn đời. Con người ấy sống chủ động, tích cực, có tinh thần làm chủ thiên nhiên, há để càn khôn tự chuyển dời?.

2.2. Hai câu thực

- Tác giả tự ý thức về cái Tôi (ngã: tôi, tờ). Rất tự hào về vai trò của mình trong cuộc đời (một trăm năm) và trong xã hội, lịch sử (ngàn năm sau).

- Tác giả hỏi: Chẳng lẽ ngàn năm sau, lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Nhằm khẳng định một ý tường vĩ đại mà như người đồng hương của Phan Bội Châu trước đó nửa thế kỉ đã nhiều lần rồi:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phái có danh gì với núi sông.

(Nguyễn Công Trứ).

- Quan niệm về công danh, về chí nam nhi của Phan Bội Châu mới mẻ, tiến bộ, hướng về Tổ quốc và nhân dân, như ông đã viết: Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ. Tất cả vì nước, vì dân chứ không phải vì nghĩa vua — tôi: “Dân là dân nước, nước là nước dân”.

2.3. Hai câu luận

- Nêu lên một quan niệm sống đẹp của kẻ sĩ trước thời cuộc và lịch sử dân tộc. Non sông đã chết, một cách nói rất hay, cảm động về nỗi đau thương của đất nước ta, nhân dân ta đang bị thực dân Pháp thông trị. Trong Hải ngoại huyết thư, tác giả viết: hồn nước bơ vơ. Kẻ nam nhi, kẻ sĩ lập công danh trước hết bằng con đường học hành và thi cử. Một ý thơ phủ định về cách học cũ kĩ lạc hậu là đọc sách thánh hiền (đạo nho)... cách học ấy rất lạc hậu, vô nghĩa, càng học càng ngu, càng u mê. Đây là hai câu có tư tưởng sâu sắc, tiến bộ nhất, cho thấy Phan Bội Châu là một chí sĩ tiên phong:

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.

2.4. Hai câu kết

- Hình tượng thơ kì vĩ lên một chí lớn mang tầm vũ trụ. Không phải gió nhẹ mà là trường phong. Không phái quanh quẩn chốn quan trường hoặc nơi trường thi chật hẹp, mà là di ra biển Đông với một sức mạnh phi thường, cùng bay lèn với ngàn lớp sóng bạc. Đây là những câu thơ đẹp nhất của Phan Bội Châu biểu lộ một bầu nhiệt huyết:

- Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

- Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

3. Kết luận

- Vẫn là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, bằng chữ Hán. Giọng thơ trang nghiêm, đĩnh đạc hào hùng, mạnh mẽ, lôi cuốn.

- Thể hiện một chí lớn phi thường: không cam tâm làm nô lệ, quyết đi tìm đường cứu nước. Không phải là khẩu khí mà sự thật lịch sử đã xác nhận Phan Bội Châu đã sống và hành động như thơ ông đã viết ra.

- Lưu biệt khi xuất dương mang âm điệu anh hùng ca, chứa chan tình yêu nước và quyết tâm lên đường cứu nước.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 1

Phan Bội Châu nhà yêu nước, anh hùng giải phóng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử hiện đại Việt Nam, Phan Bội Châu chính là người khởi xướng các phong trào giải phóng Tổ quốc trong những năm đầu thế kỉ XX như Hội Duy Tân, phong trào Đông du, Việt Nam Quang Phục Hội. Tên tuổi của ông cũng nổi tiếng với nhiều bài thơ, cuốn sách, bài văn tế…Phan Bội Châu luôn mang trong mình lý tưởng, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước dân chủ tiến bộ.

“Lưu biệt khi xuất dương” được viết bằng chữ Hán, thể thất ngôn bát cú Đường luật, bài thơ thể hiện vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng trong đầu thế kỉ XX : táo bạo, nhiệt huyết lý tưởng giải phóng dân tộc luôn dâng cao. Ông đã cho người đọc thấy được không khí cách mạng sục sôi giai đoạn đầu thế kỉ XX của những con người yêu nước và tiến bộ của nước nhà.

Mở đầu bài thơ như là một tuyên ngôn lí tưởng:

“Sinh vi nam tử yếu hi kì,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.”

Làm trai trong trời đất không thể sống tầm thường, không được sống thụ động cho trời đất “tự chuyển dời”. Câu thơ mở đầu đã thể hiện tư thế, ý chí nam nhi, tài năng của người cách mạng mong muốn làm nên sự nghiệp lớn, xoay chuyển trời đất.

Tiếp tục bài thơ tác giả khẳng định:

Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy.

Tác giả đã khẳng định mạnh mẽ và đầy khí phách về sức mạnh con người trước càn khôn. Sự đề cao cái Tôi của nhà thơ chính là khẳng định trách nhiệm của người thanh niên yêu nước đối với vận mệnh dân tộc. Câu thơ cũng làm cho nhiều người tỉnh ngộ và khơi gợi sự tinh thần đấu tranh. Tác giả Phan Bội Châu như muốn ra sức kêu gọi sự tranh đấu của những con người yêu nước.

Những đoạn thơ đầu tiên tác giả đã khẳng định chí nam nhi, đoạn sau nói về trách nhiệm của nam nhi:

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si

Khi đất nước đang bị xâm lăng, non sông đã chết, ta sống chỉ thêm sự nhục nhã, đau đớn. Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, người học có vùi mài kinh sử cũng trở nên vô nghĩa. Vào thời điểm đó, ý muốn ra đi tìm đường cứu nước là lí tưởng của thời đại. Câu thơ trên không có ý chê bai việc học mà chỉ có ý khuyên con người ta phải sống với thời cuộc trước mắt. Câu thơ trên còn thể hiện nỗi đau của tác giả khi mà đất nước suy tàn, dân chúng lầm than, đạo đức xã hội xuống cấp đã khiến con người có trách nhiệm với dân tộc nhìn thấy mà lòng quặn đau.

Đoạn kết của bài thơ Lưu biệt khi xuất dương đã thể hiện quyết tâm, ý chí , hi vọng lớn của tác giả trên con đường mình đã chọn:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

Giọng thơ sục sôi, tràn đầy hi vọng và quyết tâm đi đến nước Nhật để tìm con đường cứu nước. Hình ảnh kết thúc bài thơ vô cùng mạnh mẽ, hào hùng, đó là sự khí phách của con người bắt kịp với thời đại mới. Với hi vọng về ngày mai tươi sáng hơn.

Bài thơ giọng điệu hào hùng, từ ngữ hấp dẫn là một bài ca hào hùng về chí làm trai nguyện dấn thân mình vào sự nghiệp cứu nước của dân tộc. Bài thơ mãi là tấm gương mà người đời luôn noi theo.

Dàn ý Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 2

I. Mở bài

- Trình bày khái quát những nét chủ yếu nhất về cuộc đời và sự nghiệp Phan Bội Châu: Đôi nét về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn chương…

- Giới thiệu khái quát nội dung và nhấn mạnh tầm quan trọng của bài thơ Lưu biệt khi xuất dương: Bài thơ ấy là tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của chính tác giả.

II. Thân bài

- Phân tích hai câu thơ đầu (hai câu đề): Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu

+ Tác giả nêu lên quan niệm mới: là đấng nam nhi phải sống với khát vọng, mong muốn làm nên điều kì lạ : “ yếu hi kì”, không cam chịu để cho trời đất xoay chuyển mình.

⇒ Tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi phải tin tưởng ở mức độ và tài năng của mình ⇒ Tuyên ngôn về chí làm trai.

- Hai câu thực: Khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc

+ Câu 3: “Tu hữu ngã” (phải có trong cuộc đời) → ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc, ý thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cá nhân đối với vận mệnh trăm năm. Điều này đối lập với sự tự cao cá nhân.

+ Câu 4: Tác giả lại chuyển giọng nghi vấn “cánh vô thuỳ” (há không ai?) ⇒ khẳng định cương quyết hơn khát vọng sống hiển hách, phi thường, phát huy hết tài năng trí tuệ dâng hiến cho đời.

→ Ý thức sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó.

- Hai câu luận : Quan niệm về nguyên tắc hành xử mới của Phan Bội Châu trước vận mệnh đất nước

+ Tình cảnh đất nước: “Non sống đã chết”, đất nước đã rơi vào tay giặc

+ Quan niệm mới mẻ, đối lập với các tín điều xưa cũ: ý thức về lẽ vinh nhục gắn với sự tồn vong của đất nước: “sống thêm nhục :

“Hiền thánh còn đâu cũng học hoài”

+ Người cách mạng cảm nhận sự tồn vong của mình trong mối quan hệ trực tiếp với sự tồn vong của dân tộc ⇒ hành động cởi mở, luôn tiếp thu những tư tưởng mới mẻ, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đối lập với quan điểm cứu nước trì trệ, lạc hậu của các nhà Nho đương thời.

- Hai câu kết: Tư thế và khát vọng buổi lên đường

+ Tư thế lên đường của người chí sĩ thật sự hoành tráng:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Tiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

+ Những hình tượng kì vĩ được sử dụng: “trường phong”- ngọn gió dài, lớn; “Thiên trùng bạch lãng” (ngàn lớp sóng bạc) ⇒ Tư thế hiên ngang, mong muốn lớn lao mang tầm vũ trụ của người cách mạng.

⇒ Tầm vóc của ý chí con người đã lớn lao hơn, không cam chịu trói mình trong khuôn khổ, vượt ra ngoài vòng kiểm tỏa

III. Kết bài

- Khái quát về những nét đặc sắc nghệ thuật đem lại thành công cho tác phẩm. Khẳng định lại nội dung tư tưởng của tác phẩm và liên hệ về ý chí, khát vọng của con người trong thời đại hiện nay.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 2

Phan Bội Châu (1867-1940), ôi cái tên đẹp một thời. “Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại” (Tôn Quang Phiệt). Phan Bội Châu là linh hồn của các phong trào vận động giải phóng Tổ quốc khoảng 25 năm đầu thế kỉ XX. Tên tuổi ông gắn liền với các tổ chức yêu nước như Hội Duy Tân, phong trào Đông du, Việt Nam Quang Phục Hội. Tên tuổi Phan Bội Châu gắn liền với hàng trăm bài thơ, hàng chục cuốn sách, một số bài văn tế và vài ba vở tuồng chứa chan tình yêu nước. "Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng" (Tố Hữu).

Năm 1900, Phan Bội Châu đậu giải nguyên khoa thi Hương trường Nghệ Năm 1904 ông sáng lập ra Hội Duy Tân, một tổ chức yêu nước. Năm 1905 ông dấy lên phong trào Đông du. Theo chủ trương của Duy Tân hội do chính ông sáng lập, ông bắt đầu sang Nhật để tìm đường cứu nước. Bài thơ “Xuất dương lưu biệt” ông làm tặng các đồng chí trong buổi đầu lên đường. Có thể nói bài thơ này như một mốc son chói lọi trong sư nghiệp giải phóng dân tộc của nhà chí sĩ Phan Bội Châu.

“Xuất dương lưu biệt” được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, là khúc ca biểu lộ tư thế, quyết tâm hăm hở, và những ý nghĩ cao cả mới mẻ của chí sĩ Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất dương cứu nước.

Hai câu để là một tuyên ngôn về chí hướng, về lẽ sống cao cả:

“Sinh vi nam tử yếu hi kì

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”

Tự hào mình là đấng nam nhi thì phải sống cho ra sống, mong muốn làm nên “điều lạ” (yêu hi kì). Suy rộng ra, là không thể sống tầm thường. Không thể sống một cách thụ động cho trời đất (càn khôn) “tự chuyển dời” một cách vô vị, nhạt nhẽo. Câu thơ thể hiện một tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi, tự tin ở mức độ, tài năng của mình muốn làm nên sự nghiệp to lớn, xoay chuyển trời đất, như ông đã nói rõ trong một bài thơ khác:

“Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù”.

Gắn câu thơ với sự nghiệp cách mạnh vô cùng sôi nổi của Phan Bội Châu, ta mới cảm nhận được cái khẩu khí anh hùng của nhà chí sĩ vĩ đại. Đấng nam nhi muốn làm nên “điều lạ” ở trên đời, từng nung nấu và tâm niệm theo một vần thơ cổ:

“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,

Lập thân tối hạ thị văn chương

(“Tùy viên thi thoại" - Viên Mai)

Đấng nam nhi muốn làm nên “điều lạ” ở trên đời ấy có một “bầu máu nóng" sôi sục: “Tôi được trời phú cho bầu máu nóng cũng không đến nỗi ít, lúc còn bé đọc sách của cha tôi, mỗi khi đèn những chỗ nói người xưa chịu thuế để thành đạo nhân, nước mắt lại đầm đìa nhỏ xuống ướt đẫm cả giấy...” (Ngục trung thư).

Phần thực, ý thơ được mở rộng, tác giả tự khẳng định vai trò của mình trong xã hội và trong lịch sử:

“Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

“Ngã” là ta: “tu hữu ngã” nghĩa là phải có ta trong cuộc đời “một trăm năm ” (bách niên trung). Câu thơ khẳng định, biểu lộ niềm tự hào lớn lao của kẻ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan. “Thiên tải hậu” nghìn năm sau, là lịch sử của đất nước và dân tộc há lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Hai câu 3, 4 đối nhau, lấy cái phủ định để làm nổi bật điều khẳng định. Đó là một ý thơ sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó. Ý tưởng đẹp đẽ này là sự kế thừa những tư tưởng vĩ đại của các vĩ nhân trong lịch sử:

"... Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.

("Hịch tướng sĩ' - Trần Quốc Tuấn)

"... Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

(Văn Thiên Tường)

Lấy cái hữu hạn “bách niên” của một đời người đối với cái vô hạn “thiên tải" của lịch sử dân tộc. Phan Bội Châu đã tạo nên một giọng thơ đĩnh đạc, hào hùng, biểu lộ một quyết tâm và khát vọng trong buổi lên đường. Vì thế, trên bước đường cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua muôn vàn thử thách và nguy hiểm, ông vẫn bất khuất, lạc quan.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 3

Phan Bội Châu được nhắc đến là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý thức dùng văn chương để vận động, tuyên truyền cách mạng. Ông cũng chính là người khơi dòng cho loại văn chương trữ tình chính trị. Trong đó, bài thơ "Lưu biệt khi xuất dương" là một tác phẩm tiêu biểu.

Đây là bài thơ được viết trong bữa cơm ngày Tết mà Phan Bội Châu đã tổ chức ở nhà mình để chia tay với các bạn bè, đồng chí trước lúc lên đường sang Nhật Bản năm 1905. "Lưu biệt khi xuất dương" đã thể hiện ý tưởng lớn lao, mới mẻ đầy trách nhiệm của tác giả, thể hiện niềm hăm hở, quyết tâm cao độ trong buổi đầu vượt biển đi ra nước ngoài để "mưu sự phục quốc".

Chí làm trai đã được nhắc đến trong văn học từ thời xa xưa nhưng đặc biệt được đề cao ở thời kì chế độ phong kiến, thời kì đạo Nho phát triển mạnh mẽ. Nam nhi phải có công danh, sự nghiệp thì mới đáng làm trai. Chẳng vậy mà trong bài thơ "Tỏ lòng", Phạm Ngũ Lão đã viết:

"Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu"

Hay Nguyễn Công Trứ cũng từng viết:

"Chí làm trai nam, bắc, tây, đông

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể".

Muốn trở thành bậc nam nhi được mọi người công nhận thì phải biết phấn đấu, lập được công trạng, có được danh vọng, có sức vóc "vẫy vùng" khắp bốn bể để chứng minh tài năng, bản lĩnh của bản thân. Kế thừa tư tưởng ấy của Nho giáo, Phan Bội Châu đã đưa ra một quan điểm về chí làm trai như một tuyên ngôn đầy khí thế:

"Sinh vi nam tử yếu hi kỳ,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di".

Trước hết, ông cho rằng, làm trai phải "lạ", có nghĩa là phải sống khác mọi người, không được giống với bất kì ai để tạo nên điểm riêng biệt. "Lạ" cũng có nghĩa là điều phi thường, hiển hách, xoay chuyển cả trời đất. Đó là lối sống chủ động, không chùn bước, nản chí để mặc cho hoàn cảnh chi phối mà phải có bản lĩnh để chi phối hoàn cảnh. Nhân vật trữ tình dám đối mặt với càn khôn, đất trời, vũ trụ để tự khẳng định bản thân, phấn đấu đạt được giấc mộng công danh. Phan Bội Châu ôm ấp khát vọng xoay chuyển được càn khôn chứ không để "càn khôn tự chuyển dời". Ông không đầu hàng, khuất phục trước số phận, hoàn cảnh mà dùng chính khả năng của mình để thay đổi hoàn cảnh. Có thể nói, chí làm trai của ông là chí làm trai của một đấng nam nhi hiên ngang trong vũ trụ, dám ngão nghệ và thách thức với trời đất.

Con người mang tầm vóc lớn lao, tầm vóc vũ trụ ấy luôn mang trong mình ý thức, trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc:

"Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy"

Trong cuộc đời trăm năm hữu hạn, Phan Bội Châu muốn cống hiến sức mình cho đất nước, làm nên những công trạng phi thường, lớn lao để xứng đáng làm một nam nhi lưu danh vào thiên cổ ngàn năm. Tác giả đã tự khẳng định bản thân mình, đây là cái tôi mang đầy trách nhiệm, chủ động tích cực chứ không phải cái tôi vị kỉ, chỉ biết lo nghĩ cho lợi ích của cá nhân. Ở hai câu thực có sự đối nhau hài hòa giữa sự vô hạn của thời gian và sự hữu hạn của đời người, Phan Bội Châu dùng cái phủ định để làm nền, làm nổi bật lên điều ông khẳng định. Ông muốn làm những điều phi thường, lưu lại tên tuổi của mình trong sử sách để không hổ thẹn với chí làm trai mà mình đã lấy làm lí tưởng sống. Cống hiến cho đời vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của bậc trượng phu. Trong một trăm năm hữu hạn ấy, người nam nhi phải thực hiện được chí làm trai và cũng trong ngàn năm sau đó phải để lại được tiếng thơm cho đời. Hai câu thơ như lời thúc giục khơi dậy tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của con người, đặc biệt là những thanh niên trai tráng phải góp hết sức mình vào công cuộc cứu nước, tìm ra hướng đi mới cho dân tộc.

Gắn với hoàn cảnh thực tại của đất nước, Phan Bội Châu đã nêu lên trách nhiệm mà người nam nhi cần có đối với vận mệnh dân tộc:

"Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si"

Đất nước bị xâm lược, non sông cũng không còn nữa thì ta có sống cũng chỉ chuốc lấy sự nhục nhã, ê chề. Sách vở, người có học thức cũng trở thành vô nghĩa khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được ông đặt lên hàng đầu bởi ông ý thức được thời cuộc. Sách vở cũng không có ý nghĩa gì khi nước mất nhà tan. Việc làm quan trọng và thiết thực nhất lúc bấy giờ là tìm được con đường, hướng đi cho đất nước để thoát khỏi sự xâm lược, bóc lột của thực dân Pháp. Phan Bội Châu là một người yêu nước và ông cũng mong rằng phong trào Đông du do mình lãnh đạo sẽ gặt hái được nhiều thành quả giúp ích cho nước nhà. Bên cạnh đó, hai câu luận cũng có ý nghĩa thức tỉnh những con người có tấm lòng yêu nước. Đây cũng là lúc để họ xoay chuyển càn khôn, xoay chuyển cục diện, tình hình của dân tộc.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 chọn lọc, hay khác: