Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong truyện Tấm Cám năm 2023
Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong truyện Tấm Cám năm 2023
Bài văn Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong truyện Tấm Cám gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
Đề bài: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
Bài văn mẫu
Thiện, ác luôn là vấn đề muôn thuở trong cuộc sống con người. Và vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là những truyện cổ tích. Trong những tác phẩm đó nổi bật hơn cả là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác trong Tấm Cám. Đọc truyện xưa và ngẫm đến chuyện nay ta thấy rằng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác vẫn đang từng ngày tiếp diễn, chưa đến hồi kết.
Thiện và ác là hai phạm trù đối lập nhau. Thiện có thể hiểu là những hành động, lời nói hay ý nghĩa tốt đẹp được dung để phục vụ cộng đồng, xã hội, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh. Ác có thể hiểu là những lời nói, hành động, suy nghĩ xấu gây nên những đau khổ hoặc tai họa cho người khác. Trong xã hội kẻ ác luôn là đối tượng bị tẩy chay, bị lên án. Thiện – ác là hai phạm trù đối lập nhau, nhưng luôn tồn tại song song với nhau. Đó là cuộc đấu tranh muôn đời, và trong cuộc đấu tranh đó con người luôn mang niềm tin chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về cái thiện.
Trong truyện cổ tích Tấm Cám ta thấy cuộc đấu tranh giữa thiện và ác được chia làm hai chặng rất rõ ràng, trong đó Tấm đại diện cho cái thiện, Cám và mẹ đại diện cho cái ác. Trong chặng đầu tiên, cô Tấm thảo hiền, lương thiện luôn hiện lên trong tư thế bị động. Cô phải làm việc quần quật cả ngày, không lúc nào được ngơi tay, trong khi đó Cám chỉ rong chơi, điểm trang không giúp đỡ cho Tấm. Không chỉ bị bóc lột về sức lao động, Tấm còn bị tước đoạt niềm vui tinh thần: mẹ Cám biết con gái bà chắc chắn đã lấy trộm giỏ tép về trước để nhận yếm đào, nhưng vẫn dung túng và trao phần thưởng lẽ ra phải thuộc về Tấm. Không chỉ vậy, bà ta còn nhẫn tâm giết chết cá bống, người bạn thân thiết của Tấm. Ngày đi xem hội, như bao cô gái khác, Tấm cũng mang trong mình niềm vui, sự háo hức được đi, nhưng mẹ Cám đã chặn đứng hi vọng của cô, mẹ Cám trộn thóc với đậu rồi bắt Tấm nhặt riêng từng loại. Những lần như vậy, Tấm chỉ biết bưng mặt khóc, đợi chờ sự xuất hiện của Bụt để giúp đỡ cô. Rõ ràng, ban đầu Tấm – cái thiện luôn lép vế, yếu đuối không hề phản kháng, chống cự lại cái ác. Có chăng cũng chỉ là những giọt nước mắt để cầu xin sự xuất hiện của thần linh. Cái ác áp đảo, ngày một làm cho cuộc sống của Tấm trở nên khổ sở, cùng cực hơn. Nhưng ở một góc độ nào đó có thể hiểu, nàng Tấm nhẫn nhục chịu đựng để mong một cuộc sống bình yên cho riêng mình. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” cái ác hoành hành, tác oai tác quái, bởi vậy cái thiện đã phải vùng lên đấu tranh.
Sang đến chặng thứ hai, Tấm không còn là một người con gái nhu mì, chịu đựng mà thay vào đó là một cô Tấm với sức phản kháng mạnh mẽ để giữ lấy hạnh phúc cho bản thân. Mụ dì ghẻ và Cám năm lần bảy lượt bức hại Tấm, tìm mọi cách để Tấm không thể hóa thân. Ngược lại với âm mưu thâm độc đó, cô Tấm vùng lên, hóa thân thành các sự vật khác nhau: chim vàng anh – cây xoan đào – khung cửi – quả thị. Đến đây Tấm không còn khóc lóc để chờ sự giúp đỡ của thần linh nữa mà vùng dậy đấu tranh bằng chính năng lực của mình, để bảo vệ hạnh phúc của bản thân. Trải qua những khó khăn, vô số lần bị hãm hại, cuối cùng cô Tấm đã trở lại ngôi vị hoàng hậu, còn mẹ con Cám bị trừng trị thích đáng. Đây là kết thúc hết sức hợp lí thể hiện quan điểm “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân ta.
Không chỉ riêng ở truyện cổ tích Tấm Cám mà rất nhiều câu chuyện cổ tích khác cũng đều có kết thúc tương tự như vậy: Cây khế, Thạch Sanh,… Kết thúc có hậu ấy thể hiện mơ ước khát vọng ngàn đời của ông cha ta về công bằng, công lí trong xã hội. Đồng thời phản ánh quy luật tất yếu của cuộc sống cái thiện tất yếu sẽ chiến thắng cái ác.
Nhìn truyện xưa, ta lại nghĩ về cái thiện và cái ác trong cuộc sống hiện nay. Nếu xưa, thiện và ác có thể phân ra giới tuyết rất rõ ràng, người thiện không thể là người ác và người ác vĩnh viễn cũng không thể là người thiện thì cuộc sống hiện tại ranh giới giữa thiện ác trở nên mong manh hơn. Ta đi trên xe buýt, ta nhìn thấy kẻ móc túi nhưng sợ hãi bị liên lụy, cho rằng người bị mất cũng không liên quan đến mình, ta mặc kệ, như vậy bản thân chúng ta đã vô tình tiếp tay cho cái ác có cơ hội hoành hành. Hay ta nhìn thấy bạn quay cóp trong giờ kiểm tra nhưng vì thương bạn, biết bạn chưa học bài nên ta bỏ qua. Tình thương ấy lại chính là liều thuốc độc giết chết nhân cách của bạn. Từ hành động nhỏ sẽ là cơ sở cho những việc xấu lớn. Nếu ta không ngăn chặn nó ngay, rễ ác mọc lan, khó mà có thể tiêu diệt tận gốc cái ác được. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong cuộc sống hiện đại càng trở nên khó khăn hơn, nguy hiểm hơn khi cái ác càng ngày càng trở nên tinh vi, với những thủ đoạn khó lường hơn. Nhưng dù có như vậy, cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, đây là niềm tin cũng là chân lí bất diệt của muôn thế hệ muôn đời.
Để cho cái thiện luôn chiến thắng cái ác, để rễ ác không có cơ hội mọc lan thì tự chúng ta phải là những người bản lĩnh. Bản thân mỗi người cần sống lương thiện, sống có ích, giúp đỡ mọi người. Có đủ dũng khí, tự tin để vạch trần cái ác, ác xấu để chúng không có cơ hội lan truyền đến những người xung quanh.
Con đường đấu tranh của cái thiện với cái ác là một hành trình đầy gian nan, thách thức, có những lúc cái thiện buộc phải nhường bước, bị cái ác lấn át. Nhưng đến cuối cùng nhất định cái thiện cái dành phần thắng, những con người lương thiện, thật thà sẽ được hưởng cuộc sống hạnh phúc, cái độc ác, giả dối sẽ bị trừng trị thích đáng.