Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với cuộc sống của con người năm 2023
Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với cuộc sống của con người năm 2023
Bài văn Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với cuộc sống của con người gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
Đề bài: Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với cuộc sống của con người
Bài văn mẫu
Nhờ tiến bộ của khoa học kĩ thuật, y tế những căn bệnh như dịch hạch, dịch thổ tả,… đã tìm ra vacxin khống chế. Nhưng có những căn bệnh, những tện nạn xã hội thì ngày càng lây lan mạnh mẽ, mà nếu bản thân mỗi người, xã hội không có hành động kịp thời chúng sẽ bùng phát thành đại dịch khó lòng có thể ngăn chặn nổi.
Tệ nạn xã hội có thể hiểu là những hiện tượng xấu, hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức, …. xảy ra phổ biến trong đời sống xã hội. Những tệ nạn này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và toàn xã hội. Một số tệ nạn xã hội tiêu biểu như: ma túy, mại dâm, thuốc lá, mê tín, … đây đều là những căn bệnh nguy hiểm, chúng liên hệ mật thiết với nhau, tác động xấu đến đời sống xã hội.
Hiện nay ở nước ta tệ nạn xã hội ngày một phổ biến và phát triển dưới những hình thức hết sức tinh vi, khó lường. Tệ nạn hút thuốc lá ở Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới, với 56% nam giới và 1,8% nữ giới, và tình trạng này ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 6/2011 cả nước có 149.900 người nghiện ma túy, tăng 2,7 lần so với cuối năm 1994. Và từ đó đến nay con số này vẫn không ngừng gia tăng, nghiện ma túy tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn, những địa phương giáp biên giới. Thực trạng mại dâm ở nước ta cũng vô cùng đáng lo ngại, theo báo cáo trên cả nước có 11.240 người hoạt động mại dâm, nhưng con số thực tế, không kiểm soát được còn lớn hơn rất nhiều. Đây chỉ là số liệu về một trong những tệ nạn chính, ngoài ra còn rất nhiều tệ nạn khác, đang ngày ngày gặm nhấm xã hội, kéo xã hội tụt hậu.
Tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng trước hết là đến bản thân người sử dụng. Làm cơ thể ốm yếu, mắc những căn bệnh nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng: ung thư, HIV/AIDS, …Không chỉ vậy còn làm băng hoại đạo đức, tinh thần, với những người nghiện ma túy họ sẵn sàng thực hiện mọi hành vi, kể cả giết người, cướp của để thỏa mãn cơn thèm của mình. Không chỉ vậy, tệ nạn xã hội còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, những gia đình có người mắc tệ nạn thường kinh tế sa sút, bị tổn hại về tinh thần. Những gia đình có cha hoặc mẹ mắc tệ nạn sẽ trở thành hình ảnh xấu với con, khiến những đứa trẻ không được sống và phát triển trong một môi trường lành mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng phát triển lệch lạc về nhân cách, lối sống, suy nghĩ, ảnh hưởng tới tương lai đất nước.
Đối với xã hội và đất nước, tệ nạn xã hội tràn làn trở thành gánh nặng kinh tế, là nguyên nhân kéo lùi nên kinh tế đất nước phát triển. tệ nạn xã hội còn làm rối loạn trật tự, an ninh xã hội, nạn trộm cắp, cướp của,… khiến người dân luôn phải sống trong nỗi bất an, lo lắng. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một đất nước chỉ có những người mắc tệ nạn xã hội thì tương lai đất nước ấy sẽ đi về đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hoành hành của các tệ nạn xã hội hiện nay. Do bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Do gia đình không có sự quan tâm, đặc biệt với các bạn trẻ bố mẹ mải mê kiếm tiền, không chăm lo cho con cái, dẫn đến tâm lí chán nản, dễ dàng bị dụ dỗ. Do thất nghiệp, lười lao động, ông cha ta vẫn thường có câu “nhàn cư vi bất thiện”, khi nhàn dỗi thường dẫn con người đến những thú ăn chơi, hưởng lạc, dễ dàng sa ngã. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do bản thân không có lập trường vững vàng, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.
Mặc dù các tệ nạn này ngày một bùng phát mạnh mẽ nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc, chỉ cần tất cả mọi người chung tay, góp sức, tất yếu tệ nạn xã hội sẽ bị đẩy lùi. Bản thân mỗi người cần phải ý thức những tác hại nguy hiểm, khôn lường mà những tệ nạn xã hội gây ra với bản thân và gia đình, sẽ hội. Tránh xa mọi lời rủ rê, lôi kéo từ những người có lối sống không lành mạnh. Dũng cảm lên án, tố cáo những người mắc tệ nạn xã hội. Bản thân không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, sống có mục tiêu, lí tưởng để trở thành con người có ích, xây dựng quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái, có những định hướng đúng đắn để con cái phát triển lành mạnh. Nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa, tuyên truyền để học sinh thấy được những tác hại nghiêm trọng của tệ nạn xã hội đối với bản thân. Đặc biệt, xã hội cần phải chung tay kết hợp với các cơ quan chức năng đẩy lùi tệ nạn xã hội. với những gia đình có người mắc tệ nạn xã hội còn khuyên bảo họ từ bỏ, đồng thời không có thái độ, phân biệt, kì thị, để họ dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng sau khi đã từ bỏ được các tệ nạn.
Bản thân chúng ta là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải tích cực học tập, không ngừng nỗ lực cố gắng. Hãy nói không và tránh xa các tệ nạn xã hội, để bảo vệ chính mình và bảo vệ truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.
Tệ nạn xã hội luôn là vấn đề nan giải của gia đình và toàn thể xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển của đất nước. Là mầm non tương lai của đất nước chúng ta phải cùng nhau chung tay đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường trong lành để phát triển, đồng thời cũng là để thực hiện trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước.