X

500 bài văn mẫu lớp 11

Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo năm 2023


Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo năm 2023

Bài văn Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.

Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo năm 2023 - Văn mẫu lớp 11

Đề bài: Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Bài văn mẫu

   Trong mỗi truyện ngắn thông thường đều có hai giới tuyến nhân vật rõ ràng. Nếu như Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao là nhân vật chính diện tiêu biểu cho những người nông dân nghèo khổ bị áp bức bất công, bị đẩy đến mức đường cùng thì Bá Kiến- nhân vật phản diện đại diện cho bọn địa chủ phong kiến độc ác, tàn bạo và nham hiểm. Nam Cao khắc họa thành công nhân vật Bá Kiến chỉ với vài nét đặc tả đã cho thấy bộ mặt xấu xa của hắn.

   Nếu ai đã từng đọc tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố ắt hẳn không thể quên tên Nghị Quế hách dịch, xảo trá lừa lọc mà nhà văn thể hiện qua chi tiết chị Dậu đem cái Tí và đàn chó bán cho hắn. Khác với Ngô Tất Tố chỉ miêu tả Nghị Quế về dáng điệu, tiếng nói và tài sản thì Nam Cao Khắc họa Bá Kiến hiện lên với tư cách là một nhân vật điển hình hoàn chỉnh khi đi sâu vào suy nghĩ, nội tâm của hắn.

   Bá Kiến là một tên cáo già tiêu biểu cho bọn địa chủ cường hào ở làng xã của đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Hắn xuất thân trong một gia đình bốn đời làm lí trưởng nay bản thân hắn là chánh tổng-chức vụ cao nhất của đơn vị hành chính cấp huyện. Nam Cao để cho nhân vật xuất hiện với “tiếng cười giòn giã lắm”- tiếng cười Tào Tháo và tiếng quát “rất sang” cho thấy uy quyền của vị chánh tổng.

   Cụ bá khét tiếng là một người hách dịch, nham hiểm và độc ác dùng nhiều thủ đoạn để buộc người khác phải cắm đất cắm nhà, xúi giục bọn lưu manh đến ức hiếp dân nghèo. Đáng lẽ thân làm quan phụ mẫu người mang sứ mệnh chăm lo cho đời sống nhân dân thì nay lại vơ vét tiền của, chèn ép dân đen.

   Bá Kiến còn là một người biết xử lí khôn khéo được minh chứng qua cách hắn đối xử với Chí Phèo trong cơn say. Khi mọi người trong nhà ngoài ngõ đang xúm nhau lại để chứng kiến sự việc Chí rạch mặt ăn vạ sau cuộc ẩu đả với lí Cường. Việc làm trước tiên của cụ “tiên chỉ làng Vũ Đại” là quát mấy “bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng” rồi đến bọn người làng ông dịu giọng “Cả các ông các bà nữa về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại thế này?” chỉ bằng từng đó lời mà “Không ai nói gì, người ta lảng dần đi”. Những người nông dân hiền lành ấy phần vì nể, vì sợ, vì lo cho sự yên ổn của mình mà không dám lôi thôi, thấy cụ là kính cẩn “lạy cụ”, “bẩm cụ” bấy giờ bốn bà vợ của cụ lớn cũng đã phải vào thì họ cớ sao còn dám ở lại, điều đó cho thấy uy quyền uy thế của Bá Kiến ở làng Vũ Đại. Hắn khéo léo ứng biến khi thấy “Chí Phèo bỗng nằm dài, không nhúc nhích, rên khẽ như gần chết” thì đã hiểu cơ sự bởi kinh nghiệm của bấy nhiêu năm làm quan. Hắn gọi một kẻ lưu manh bằng “anh” với cái giọng nhún nhường và thân mật “Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?” rồi từ từ đỡ Chí vào nhà dùng lời lẽ đường mật để xoa dịu đi cơn bực tức, để con quỷ dữ được yên phận trong anh. Chí đứng lên để hắn rìu vào nhà hắn biết mình đã thắng. Chẳng biết có họ hàng như thế nào với lí Cường theo như lời hắn nói nhưng cũng làm Chí thấy lòng nguôi nguôi kể từ đó mà bị Bá Kiến mua chuộc.

   Một tên quan lại hết sức thâm hiểm biết “mềm nắn rắn buông”, xử nhũn với kẻ thù biến kẻ thù thành tay sai đắc lực để trừ khử đối thủ của mình. Bá Kiến là một kẻ khôn róc ở đời “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân” hắn không dại gì mà đối đầu với kẻ liều lĩnh hành nghề rạch mặt ăn vạ bởi “Trị không lợi thì dùng”, hắn mua chuộc và lợi dụng Chí Phèo để anh ta đi đòi nợ Đội Tảo-một tay vai vế trong làng, kẻ địch đối đầu với hắn. Cụ luôn nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò. Tôn chỉ của hắn là “Ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi được năm đồng, nhưng được rồi thì vất trả lại năm hào vì “thương anh túng quá”. Chỉ một vài chi tiết đi sâu vào nội tâm nhân vật Nam Cao đã lột tả được tâm hồn đen tối, đầy thủ đoạn tàn ác, xảo quyệt và thâm độc của hắn.

   Không chỉ vậy trong tác phẩm “Chí Phèo” nhà văn còn bóc trần bộ mặt xấu xa của Bá Kiến qua mối quan hệ đen tối trước đây của hắn với Năm Thọ, Binh Chức. Một kẻ háo sắc, dâm ô có những bốn bà vợ mà còn không buông tha cho người đà bà hai con-vợ anh Chức, không chỉ cướp vợ mà còn cướp luôn cả tiền anh ta đi lính chắt bóp gửi về nuôi vợ con. Một ông chồng hay ghen tuông chính vì ghen với Chí Phèo khi được bà ba hay bắt hắn bóp chân, xoa bụng, đấm lưng mà năm ấy Bá Kiến là kẻ đã đẩy Chí Phèo-một anh canh điền chất phác hiền lành vào ngồi tù để rồi chế độ nhà tù thực dân phong kiến tàn ác đã khiến anh trở thành một kẻ lưu manh, tha hóa mất hết nhân hình lẫn nhân tính với nhân cách méo mó. Con người ấy bị Chí Phèo cầm dao đâm chết là một kết thúc thỏa đáng cho những việc làm độc ác của hắn. Cái chết ấy cảnh báo cho xã hội nếu không thay đổi và tiến bộ thì không biết còn bao nhiêu tên như Năm Thọ, Binh Chức hay Chí Phèo nữa.

   Như vậy nhân vật Bá Kiến mang đầy đủ tội ác xấu xa của bọn địa chủ cường hào dưới chính quyền phong kiến nửa thuộc địa. Nam Cao đã khéo sử dụng một lối văn linh hoạt sinh động, giản dị và trong sáng, gần với khẩu ngữ hàng ngày của quần chúng, đi sâu mà miêu tả nội tâm của nhân vật để cho Bá Kiến hiện lên vừa có nét chung vừa có nét riêng độc đáo không lẫn với tên địa chủ nào.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 chọn lọc, hay khác: