X

500 bài văn mẫu lớp 9

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học năm 2023


Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học năm 2023

Bài văn Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học năm 2023 - Văn mẫu lớp 9

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 1

Một trong những vấn đề luôn xảy ra trong trường học nhiều năm nay, qua nhiều thế hệ học sinh mà không thể không nhắc đến chính là hiện tượng nói chuyện riêng.

Tuổi học sinh là tuổi đẹp nhất bởi lúc này, chúng ta vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, được học tập và vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Người ta nói: “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, bởi đẹp nhất là tuổi học trò nhưng nghịch nhất cũng là học trò. Không khó bắt gặp những cô cậu học trò xúm nhau nói chuyện trong giờ, thì thầm to nhỏ rồi cười khúc khích trong khi thầy cô giáo đang giảng bài. Nói chuyện riêng trong giờ đôi khi không chỉ là nói bằng miệng, nhiều khi là những dòng viết tay trên trang giấy xé vội mà các học sinh lén truyền cho nhau. Có khi là ám hiệu bằng tay mà họ đã thống nhất từ trước để giao tiếp. Nói chuyện riêng thì lớp học nào cũng có, điều này gây nhiều rắc rối cho chính các bạn học sinh cũng như giáo viên.

Nguyên nhân của hiện tượng này không thể không nhắc đến do bản thân người học sinh đó không thích học hoặc cảm thấy những câu chuyện riêng cùng bạn bè thích hơn là nghe giảng bài. Có nhiều trường hợp là học sinh không muốn nghe giảng vì không nhận thấy được mục đích của việc học những kiến thức thầy cô đang giảng dạy. Bên cạnh đó, thời gian học quá nhiều dẫn đến học sinh mệt mỏi, khó tiếp thu thêm kiến thức trên nhà trường nên nói chuyện riêng trong giờ như một “phương pháp” để giải tỏa. Một nguyên nhân nữa là do bài giảng quá khô khan, không gây được sự chú ý, tò mò, muốn lắng nghe từ học sinh.

Việc nói chuyện riêng trong giờ học gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực: đối với học sinh, các bạn sẽ không tiếp thu được bài giảng; làm ảnh hưởng đến những bạn khác học tập; gián đoạn bài giảng của thầy cô. Còn thầy cô sẽ cảm giác khó chịu vì cảm thấy thầy cô giảng dạy nhưng không được học sinh lắng nghe; mất cảm hứng dạy học, đứt “mạch” bài giảng.

Để khắc phục tình trạng này, học sinh chúng ta cần biết tôn trọng thầy cô hơn, hạn chế tối đa việc nói chuyện riêng trong giờ; chăm chú nghe giảng để tiếp nhận thêm kiến thức. Về phía giáo viên, nhà trường: Cần thay đổi cách truyền đạt để hấp dẫn học sinh học tập hơn; cho học sinh cảm thấy sự quan trọng của việc học đối với cuộc sống sau này của các em. Các bậc phụ huynh cần động viên con em học tập; không chỉ trích mà cần lắng nghe con mình.

Mỗi người chung tay một chút, cố gắng một chút sẽ tạo ra một thế hệ học sinh tốt đẹp hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho tương lai và đặc biệt là hạn chế, khắc phục được tình trạng nói chuyện riêng.

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 2

   Xã hội ngày càng phát triển thì giáo dục lại càng được coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục hiện nay, bên cạnh những hiện tượng tiêu cực xảy ra như nói tục chửi bậy, quay cóp bài, bạo lực học đường...thì hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh đã và đang trở thành mối quan tâm "đau đầu, nhức óc" hằng ngày của những nhà giáo dục tâm huyết.

   Nói chuyện riêng trong giờ học là việc trao đổi, bàn tán những câu chuyện ngoài lề trong cuộc sống, ngoài nội dung bài giảng mà học sinh đem lại bằng rất nhiều những hình thức khác nhau như truyền thư tay, trực tiếp nói bằng miệng hoặc thậm chí là tự độc thoại một mình... Đây là một hành vi xấu, tiêu cực xuất hiện trong môi trường học tập vì nó có tác hại rất lớn tới bản thân học sinh và người dạy, mở rộng ra là thành tích thi đua của tập thể nhà trường, tương lai của đất nước. Cho nên, các nhà giáo tâm huyết luôn tích cực tìm ra đủ mọi cách để có thể loại bỏ hiện tượng này nhưng đến bây giờ nó vẫn trở thành một hiện tượng rất đáng quan ngại vì chưa có giải pháp hiệu quả.

   Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đó trước hết là do ý thức học tập của học sinh còn kém, chưa đề cao việc học nên chưa chú trọng vào việc nghe giảng, thu nạp kiến thức. Tâm lí của các em ở mỗi lứa tuổi khác nhau và càng lên lớp cao hơn thì cái tôi của các em càng lớn. Các em có đủ mọi chuyện bên ngoài xã hội tác động vào nên không làm chủ được suy nghĩ, hành động của bản thân và tìm mọi cách để có thể giải tỏa ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giờ học. Thậm chí còn do tính tò mò, tắt mắt, muốn hiểu chuyện người khác nên các em cảm thấy nội dung kiến thức bài học mới trên lớp không đủ hấp dẫn. Vì thế, một đòi hỏi tất yếu đặt ra là năng lực bản thân người dạy có đủ để lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích sự tìm hiểu bài học của học sinh hay không?. Đồng thời, việc nói chuyện riêng của học sinh còn do chương trình học tập của các cấp học còn quá nặng về kiến thức hàn lâm, ít có sự tương tác với ứng dụng thực tiễn bên ngoài nên vô hình chung dẫn tới tình trạng chán học, không có hứng thú học là điều dễ hiểu.

   Hậu quả của việc nói chuyện riêng trong giờ học là người học không theo kịp được kiến thức mà thầy cô giáo giảng, dẫn tới tình trạng không hiểu bài và không làm bài tập được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả thi cử, học tập của các em. Nếu để tình trạng đó tiếp diễn thì việc chán học, bỏ học rồi sa vào các tệ nạn như nghiện game, cờ bạc, rượu chè... là không thể tránh khỏi. Và tất nhiên, đất nước không những không thể phát triển mà bản thân họ còn trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Bản thân những cá nhân nói chuyện riêng ấy còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn trong lớp và bài giảng của thầy cô giáo. Các bạn xung quanh thì không tập trung học được, các thầy cô giáo thì không thể hoàn thành tốt bài giảng tâm huyết muốn gửi tới học trò của mình. Vì thế, nói chuyện riêng là một hành vi ích kỉ, bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người...

   Vậy, để có thể loại bỏ hiện tượng nói chuyện riêng này ra khỏi môi trường giáo dục, bản thân học sinh cần tự ý thức trong hoạt động giao tiếp của mình. Cần chia sẻ đúng lúc, đúng chỗ mà không ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Hơn nữa, người học cũng cần xác định cho mình phương pháp học tập hiệu quả, tập trung nghe giảng trên lớp, không làm việc và nói chuyện riêng trong giờ học. Đồng thời bản thân các thầy cô giáo cần nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học tích cực, kết hợp với nhà trường đề ra các qui định để xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm. Các em học sinh cần tích cực phê phán những hành vi, thói quen tiêu cực trong môi trường giáo dục, trong đó có hành vi nói chuyện riêng.

   Tóm lại, hành vi nói chuyện riêng trong giờ học là một việc làm xấu, không những không đem lại lợi ích cho bản thân mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng không tốt tới mọi người xung quanh. Vì thế, các em học sinh hãy góp sức loại bỏ một trong những thói xấu này để môi trường giáo dục trở nên tốt đẹp hơn.

Dàn ý Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học

1. Mở bài

- Nhận định việc nói chuyện riêng trong giờ học là vấn đề còn tồn tại ở môi trường sư phạm Việt Nam hiện nay.

- Nói chuyện riêng trong giờ là thói quen không tốt cần bỏ.

2. Thân bài

a. Biểu hiện, Thực trạng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh hiện nay

- Tuổi học sinh là tuổi đẹp nhất bởi lúc này, chúng ta vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, được học tập và vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Người ta nói: “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, bởi đẹp nhất là tuổi học trò nhưng nghịch nhất cũng là học trò. Không khó bắt gặp những cô cậu học trò xúm nhau nói chuyện trong giờ, thì thầm to nhỏ rồi cười khúc khích trong khi thầy cô giáo đang giảng bài.

- Nói chuyện riêng trong giờ đôi khi không chỉ là nói bằng miệng, nhiều khi là những dòng viết tay trên trang giấy xé vội mà các học sinh lén truyền cho nhau. Có khi là ám hiệu bằng tay mà họ đã thống nhất từ trước để giao tiếp.

- Nói chuyện riêng thì lớp học nào cũng có, điều này gây nhiều rắc rối cho chính học sinh cũng như giáo viên.

b. Nguyên nhân dẫn đến việc nói chuyện riêng trong giờ của học sinh

- Do bản thân học sinh không thích học hoặc cảm thấy những câu chuyện riêng cùng bạn bè thích hơn là nghe giảng bài. Có nhiều trường hợp là học sinh không muốn nghe giảng vì không nhận thấy được mục đích của việc học những kiến thức thầy cô đang giảng dạy.

- Do thời gian học quá nhiều dẫn đến học sinh mệt mỏi, khó tiếp thu thêm kiến thức trên nhà trường nên nói chuyện riêng trong giờ như một “phương pháp” để giải tỏa.

- Do bài giảng quá khô khan, không gây được sự chú ý, tò mò, muốn lắng nghe từ học sinh.

c. Tác hại của việc nói chuyện riêng trong giờ

- Với học sinh: không tiếp thu được bài giảng; làm ảnh hưởng đến những bạn khác học tập; gián đoạn bài giảng của thầy cô.

- Với thầy cô: Gây cảm giác khó chịu vì cảm thấy thầy cô giảng dạy nhưng không được học sinh lắng nghe; mất cảm hứng dạy học, đứt “mạch” bài giảng.

d. Bài học nhận thức và hành động

- Đối với học sinh: cần biết tôn trọng thầy cô hơn, hạn chế tối đa việc nói chuyện riêng trong giờ; chăm chú nghe giảng để tiếp nhận thêm kiến thức.

- Đối với giáo viên, nhà trường: Cần thay đổi cách truyền đạt để hấp dẫn học sinh học tập hơn; cho học sinh cảm thấy sự quan trọng của việc học đối với cuộc sống sau này của các em.

- Đối với gia đình: Phụ huynh cần động viên con em học tập; không chỉ trích mà cần lắng nghe con mình.

3. Kết bài:

- Nói chuyện riêng trong giờ học là hành động xấu cần phải loại bỏ, mỗi chúng ta hãy chung tay góp sức vì môi trường học đường văn minh, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 3

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh chúng ta cũng cần phải biết tuân thủ những quy định của trường của lớp. Khi vào trong lớp học thì cần phải biết lắng nghe thầy cô giáo giảng bài. Nhưng một trong số đó vẫn còn hiện trạng nói chuyện riêng hay làm việc riêng trong giờ học gây ảnh hưởng đến việc học của chính mình và của mọi người xung quanh.

Chính việc nói chuyện riêng trong giờ học là rì rầm, hay là những lời bàn tán, những câu chuyện to chuyện nhỏ không thuộc phạm vi bài giảng mà thầy cô dạy trên lớp. Đó chính là tình trạng mà các thầy cô giảng bài trong khi đó các bạn dường như cũng lại không chú ý mà lại đi nói chuyện riêng. Và đây cũng chính là một hiện tượng xấu thể hiện thái độ của học sinh trong học tập. Ta nhận ra được rằng một bài giảng hay mà thầy cô tâm huyết truyền đạt cho học sinh lẽ ra các bạn phải chăm chú nghe giảng thế nhưng một bộ phận các bạn khác lại làm việc riêng. Hiện tượng học sinh ngày nay không nghe giảng, làm việc riêng trong khi thầy cô giáo giảng bài không còn là một việc xa lạ. Nhưng việc này lại càng diễn ra phổ biến và đang ngày càng được gia tăng.

Trước tiên ta phải hiểu như thế nào là hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học. Nói chuyện riêng trong giờ chính là một hiện tượng khá phổ biến trong nhà trường. Ta dường như cũng thấy được cũng chính từ những em học sinh cấp một đến các anh chị cấp 3 dường như cũng lại đều có thói quen nói chuyện riêng trong giờ học. Các bạn học sinh trao đổi, hay cũng có thể bàn tán về một vấn đề nào đó mà họ quan tâm. Ta dường như cũng thấy được rằng, cho dù chuyện đó là chuyện nhỏ hay chuyện lớn thì các bạn như đều đem ra bàn luận rất hào hứng bằng nhiều hình thức khác nhau như viết giấy hay lại có những hành động hoặc cử chỉ để có thể trao đổi với nhau. Ta nhận thấy được tất cả những hành động đó ngay lập tức đã làm gián đoạn bài giảng của thầy cô đang truyền đạt kiến thức cho cả lớp. Không những vậy các bạn cũng sẽ nhận thấy được chính hành động không tốt như nói chuyện riêng trong giờ này làm cho lượng kiến thức mà họ thu được sẽ ít hơn các bạn chăm chú nghe giảng đi rất nhiều nữa.

Thầy cô giáo bước vào lớp hiện nay sẽ luôn luôn phải nhắc các bạn trật tự thì mới có thể giảng bài được. Thế nhưng, thực tế cho thấy thì lại có một số học sinh do có ý thức kém, chưa chú ý đến học tập. Các bạn dường như chưa coi việc học tập là hàng đầu chính vì vậy đã xảy ra hiện tượng nói chuyện riêng. Đồng thời ta như thấy được nếu như mà các bạn đi học mà không để ý đến việc học các bạn đang lãng phí thời gian của mình, đồng thời lại gây ra sự hao tốn tiền của bố mẹ và sự ảnh hưởng của các bạn tới các bạn học sinh khác nữa.

Có thể nhận thấy được cũng thêm một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học là do học kém. Hay đó cũng chính là do bị bạn bè rủ rê lôi kéo nói chuyện. Đặc biệt là khi các bạn có khả năng tiếp thu kém thì bạn sẽ cảm thấy chán nản với bài giảng của thầy cô. Lúc đó bạn đi lôi kéo thêm một số bạn bè xung quanh đó để nói chuyện với chính mình. Và như vậy bạn đã không tôn trọng người truyền dạy kiến thức cho mình và cũng không coi trọng những người xung quanh mà làm phiền họ.

Thực tế, ta cũng có thể nhận thấy được rằng lại cũng có một số thầy cô giáo chưa nghiêm khắc với học sinh. Đặc biệt hơn đó chính là việc khi mà lại bắt gặp học sinh nói chuyện riêng trong giờ học chỉ nhắc nhở. Thực sự thầy cô chưa bao giờ quát mắng, phạt nặng đối với các học sinh nói chuyện riêng trong giờ học. Có lẽ chính vì nhân nhượng cho học sinh nhiều quá mà ngay cả chính các em cũng không hề sợ hay nhận ra được đó chính là việc làm không cần thiết. Ta như thấy được trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói chuyện riêng trong giờ học, trong các bài giảng. Và cho dù là bất kể nguyên nhân gì chăng nữa thì việc nói chuyện riêng trong giờ học lại là một trong những chuyện không nên làm và nó ảnh hưởng đến trực tiếp và bài giảng cũng như khả năng có thể thu nhận thông tin của chính mình và những người xung quanh.

Ta có thể thấy được chính hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến bài giảng đó mà nó dường như cũng lại còn ảnh hưởng tới những bài học tiếp theo do bài trước không chú ý nên không hiểu bài sau. Tất cả những điều này như thành một dây chuyền khiến cho lượng kiến thức của chúng ta bị hao hụt đáng kể.

Thực sự việc nói chuyện chuyện riêng trong giờ học là một thói quen và hành động xấu. Chính vì thế mà chúng ta cần loại bỏ và khắc phục ngay tình trạng này tránh để nó thành một thói quen ăn sâu vào mỗi học sinh chúng ta. Việc để kiến thức bị trôi tuột khỏi tầm tay thực sự là một điều đáng tiếc trong khi chúng ta có thể thu nhận được nó. Hãy loại bỏ thói quen không tốt là nói chuyện và làm việc riêng trong lớp bạn nhé!

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 4

Tương lai của mỗi quốc gia phụ thuộc vào thế hệ thanh thiếu niên, những mầm non ấy phát triển ra sao sẽ quyết định đến tương lai của chính đất nước đó. Giáo dục nước nhà ngày càng nhận được sự đầu tư, có những bước phát triển vượt bậc. Nhưng bên cạnh những thành tích đã đạt được lại còn có rất nhiều vấn đề hạn chế đáng lưu tâm. Và một trong những vấn đề đó chính là hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học.

Nói chuyện riêng trong giờ học là hành vi nói chuyện, bàn bạc những vấn đề không liên quan đến nội dung bài giảng của giáo viên. Hành động này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như trao đổi trực tiếp bằng lời hay trao đổi thư từ qua lại cho nhau. Nhưng dù bất cứ hình thức nào thì hành vi nói chuyện riêng trong giờ cũng là hành vi xấu, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với giáo viên và những bạn đang tập trung học, đồng thời cũng là không tôn trọng chính bản thân mình.

Nói chuyện riêng trong giờ học để lại những hậu quả khôn lường, mà bản thân mỗi học sinh không thể lường hết. Trước hết nói chuyện riêng trong giờ gây ảnh hưởng đến quá trình nhận thức và kết quả học tập của chính bản thân học sinh đó. Các bạn không chú ý đến việc học, lơ đãng, dẫn đến không hiểu bài, hiểu sai kiến thức. Gây lãng phí thời gian, tiền bạc học tập. Không chỉ vậy nói chuyện riêng còn gây ảnh hưởng đến không khí học tập của những bạn khác. Người ta vẫn thường nói “im lặng là vàng” và trong những giây phút cô giáo giảng bài thì sự im lặng là vô cùng quý báu. Những tiếng xì xầm, nhỏ to sẽ khiến những bạn xung quanh không thể tập trung vào bài giảng của giáo viên. Như vậy, chỉ vì một hành động thiếu ý thức của bản thân lại gây ảnh hưởng tới rất nhiều người xung quanh.

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể kể đến như ý thức học sinh kém, chưa chú ý đến học tập, các em không xác định được học tập là vấn đề quan trọng hàng đầu với lứa tuổi của mình, bởi vậy luôn luôn xao lãng. Cũng có thể do các bạn học kém, khả năng tiếp thu không tốt, khiến chán nản, không muốn học hành, nói chuyện để giết thời gian. Ngoài ra còn do môi trường, nơi các em ngồi học. Nếu ngồi cạnh những bạn hay nói chuyện, mất trung trong giờ, ắt người còn lại dần dần sẽ bị lây nhiễm thói xấu mà sinh ra tật nói chuyện riêng. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, có nhiều sở thích và những điều mới mẻ cần quan tâm, hơn nữa bản tính tò mò chưa biết tiết chế khiến các em muốn tìm hiểu những gì các bạn đang nói chuyện. Điều đó khiến các em không lưu tâm đến chuyện học, mà xoay sang khám phá những chuyện quanh mình. Ngoài ra cũng còn phải nói đến thái độ, cách ứng xử của mỗi giáo viên đối với hành vi nói chuyện riêng trong giờ của học sinh. Nhiều thầy cô giáo chưa có những mức xử phạt thích đáng, mới chỉ là nhắc nhở, răn đe,.. khiến học sinh không sợ, tiếp tục tái phạm hành vi sai trái của mình.

Để loại bỏ thói quen xấu này trong học sinh không phải không thể nhưng cần sự hợp tác từ nhiều phía. Sự hợp tác trước hết là từ các bạn học sinh, chỉ khi các bạn có ý thức học tập, có lòng tự trọng để không làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh thì khi ấy mới có thể chấm dứt hiện tượng nói chuyện riêng. Thầy cô giáo cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn khi có học sinh nói chuyện riêng, đồng thời đưa ra các phương pháp giảng dạy tích cực, đòi hỏi sự tham gia, đóng góp của người học, tạo nên những giờ học lí thú thu hút các em tham gia học tập. Chỉ khi có sự kết hợp hài hòa của các yếu tố trên thì vấn nạn nói chuyện riêng trong giờ mới được đẩy lùi.

Nói chuyện riêng trong giờ là một việc làm xấu, đáng lên án và loại bỏ. Tập trung, chú ý, không nói chuyện riêng sẽ đem lại cho chúng ta biết bao lợi ích: sự tập trung, kiến thức tiếp thu dễ dàng, kết quả học tập nâng cao; ngoài ra còn thể hiện mình là người có văn hóa. Bởi vậy, tôi cùng các bạn cần tích cực chung tay đẩy lùi vấn nạn nói chuyện riêng trong giờ.

Nghị luận về nói chuyện riêng trong giờ học - mẫu 5

Đất nước ta đang trên đường phát triển, phát triển về kinh tế – xã hội và song song với đó là phát triển về nền văn hóa, nền văn minh nước nhà. Lối sống văn hóa, văn minh đã phát triển và lan tỏa rộng khắp xã hội ta. Thế nhưng đâu đó, vẫn còn những hành vi không phù hợp với nền văn hóa tiên tiến nước ta tồn tại. Đặc biệt, trong một môi trường đầy tri thức như trường học thì những hành vị đó lại tồn tại một cách khá phổ biến, đó là quay cóp, chửi tục,…nhưng hành động thường gặp nhất vẫn là nói chuyện riêng trong giờ học.

Nói chuyện riêng trong giờ học, tức là họ – những người học sinh – nói, bàn bạc và thảo luận về những vấn đề rất “trọng đại, lớn lao” không hề liên quan đến những gì mà người giáo viên đang giảng dạy trên lớp, chẳng hạn như “bộ phim hôm qua như thế nào”, “kiểu tóc mới của mình ra sao”, …

Và cái việc bàn luận những sự việc như thế trong giờ học dường như đã trở thành “chuyện thường ngày” ở hầu hết các trường học, lớp học ở nước ta.

Để rồi những người học sinh đấy sẽ phải bỏ lỡ một phần hoặc tất cả những kiến thức, thông tin về bài học mà người giáo viên đang giảng dạy. Và mọi thứ nào chỉ có “họ làm họ chịu” mà ngay cả những người bạn ngồi xung quanh họ cũng phải bị ảnh hưởng một phần từ những tiếng ồn do họ gây ra.

Trên tất cả, hành vi nói chuyện riêng trong giờ học có thể nói là một hành vi vô cùng vô văn hóa, thật khó có thể chấp nhận được khi nó được thực hiện bởi những người đã và đang học văn hóa trong trường lớp. Hành vi này vô văn hóa ở chỗ những người thực hiện nó, tức là đã không dành sự tôn trọng cho người đang truyền giảng kiến thức cho mình, cho những người xung quanh mình và cho cả chính bản thân mình.

Hành vi này là kết quả của sự kết hợp giữa những người học sinh đã đánh mất đi lòng tự trọng, đã đánh mất đi tinh thần hiếu học với những người cầm phấn có một phương pháp giảng dạy rất ư là “hấp dẫn”, “hấp dẫn” đến nỗi khiến người học khó có thể mà tập trung vào bài học được. Một tiết học mà người dạy vô cùng nhàm chán, khô khan thì làm sao có thể khiến học sinh chú ý và một học sinh lười biếng, không có lòng tự trọng thì dù tiết học có hay, sinh động đến thế nào đi chăng nữa thì cũng ko thể khiến người học sinh đó chú ý được.

Để hành vi vô văn hóa này được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi môi trường tri thức trường lớp thì trước hết, mỗi người học sinh cần phải biết đến lòng tự trọng và phải xác định được mục đích học tập là gì để từ đó xác định được học tập như thế nào ở trong lớp học. Ngoài ra, những người đứng lớp cũng phải tự xem xét lại phương pháp giảng dạy của mình tại sao lại không thể thu hút được sự chú ý của học sinh để từ đó sửa chữa, rút kinh nghiệm. Và cuối cùng thì sự phản đối, thái độ đấu tranh của các bạn khi gặp những hành vi này cũng khiến nó trở nên dần dần biến mất.

Nói chuyện riêng trong giờ học sẽ chẳng mang lại gì cho các bạn và những người xung quanh ngoài những điều bất lợi. Thế nên hãy từ bỏ và đấu tranh với nó để loại bỏ hoàn toàn hành vi này khỏi trường học, lớp học của chính mình nhé.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 chọn lọc, hay khác: