X

500 bài văn mẫu lớp 9

Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng năm 2023


Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng năm 2023

Bài văn Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng gồm dàn ý chi tiết, 4 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.

Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng năm 2023 - Văn mẫu lớp 9

Đề bài: Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Duy.

Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng (mẫu 1)

Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trước cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông có giàu chất triết lý, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư. Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978, ba năm khi chiến tranh kết thúc. Thông qua cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa vầng trăng và con người, bài thơ là lời nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước, bình dị, hiền hậu, từ đó, gợi nhắc người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ. Vầng trăng trong bài thơ là một biểu tượng đa nghĩa.

Trong thi ca trung đại, trăng là biểu tượng của cái đẹp, của thiên nhiên vô tư và thuần khiết. Trong thi ca kháng chiến, trăng là ánh sáng, là người bạn, người thân cùng con người sống và chiến đấu. Trăng canh gác cùng người chiến sĩ trong bài thơ Đồng chí; trăng rọi đường hành quân trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu; trăng tâm tình, sẻ chia trong thơ Hồ Chí Minh,… Có thể nói, vầng trăng luôn kề cận con người mọi lúc, mọi nơi với tấm lòng thủy chung, son sắt bền chặt nhất.

Trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, một lần nữa, vầng trăng hiện lên với đầy đủ ý nghĩa ấy. Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn suốt thòi nhỏ tuổi, rồi thời chiến tranh ở rừng. Vầng trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, hơn thế trăng còn là vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống.

Thuở bé thơ, cuộc sống nơi đồng quê tuy vất vả gian lao nhưng gần gũi với thiên nhiên, có vầng trăng và cây cỏ. Rồi đến khi đi kháng chiến ở rừng, vầng trăng cũng theo bước hành quân:

    “Hồi nhỏ sống với đồng

    với sông rồi với biển

    hồi chiến tranh ở rừng

    vầng trăng thành tri kỷ”

Trong dòng hồi tưởng, tác giả đã khái quát vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, vô tư, hồn nhiên và khẳng định tình cảm gắn bó bền chặt của con người với vầng trăng là “tri kỷ”, “tình nghĩa”. Trăng là người ban chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương, nham nhở của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu. Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của ký ức chan hoà tình nghĩa. Hai từ “tri kỷ” là một sự khẳng định đinh ninh nghĩa tình đậm sâu và bền chặt đến nỗi, con người nghĩ rằng:

    “ngỡ không bao giờ quên

    cái vầng trăng tình nghĩa”.

Với sự gắn bó tình nghĩa ấy nhà thơ đã từng tâm niệm “không bao giờ quên”. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ “ngỡ” như báo hiệu trước sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện của nhà thơ. Sau chiến tranh, người lính từ giã núi rừng nhưng không trở về miền quê mà lại lên thành phố – nơi đô thị hiện đại – một không gian xa lạ. Khi đó mọi chuyện bắt đầu đổi khác:

    “Từ hồi về thành phố

    quen ánh điện cửa gương

    vầng trăng đi qua ngõ

    như người dưng qua đường”.

Sự thay đổi của hoàn cảnh sống – không gian khác biệt, thời gian cách biệt, điều kiện sống cách biệt đã khiến con người đổ thay chóng quánh. Từ hồi về thành phố, con người say mê trong cuộc sống tiện nghi với “ánh điện, cửa gương” rực rỡ sắc màu. Người lính bình dị năm xưa bắt đầu quen sống với những tiện nghi hiện đại như “ánh điện, cửa gương”. Cuộc sống công nghiệp hoá đã làm át đi sức sống của ánh trăng trong tâm hồn con người. Anh lính đã quên đi chính ánh trăng đã đồng cam cộng khổ cùng người lính, quên tình cảm chân thành, quá khứ cao đẹp nhưng đầy tình người.

Vầng trăng tri kỷ ngày nào bỗng dưng trở thành “người dưng”, người khách qua đường xa lạ, còn con người đâu còn son sắt thuỷ chung. Một sự thay đổi phũ phàng khiến người ta không khỏi nhói đau. Tình cảm xưa kia nay chia lìa. Hành động “vội bật tung cử sổ” và cảm giác đột ngột “nhận ra vầng trăng tròn’ cho thấy quan hệ giữa người và trăng không còn là tri kỷ, tình nghĩa như xưa, vì có người lúc này thấy trăng như một vật chiếu sáng thay thế cho điện sáng mà thôi.

Câu thơ dưng dưng, lạnh lùng, nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống, tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng?. Bởi thế mà ca dao mới lên tiếng nói: “Thuyền về có nhớ bến chăng?”. Nhà thơ Tố hữu trong bài thơ Việt Bắc cũng đã diễn tả nỗi băn khoăn của nhân dân việt Bắc khi tiễn đưa cán bộ về xuôi:

    “Mình về thành thị xa xôi

    Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

    Phố đông còn nhớ bản làng

    Sáng đêm còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”

Từ sự xa lạ giữa người với trăng ấy, nhà thơ muốn nhắc nhở: đừng để những giá trị vật chất điều khiển chúng ta. Niềm suy tư của tác giả và tấm lòng của vầng trăng được giải bày trung thực ở hai khổ thơ cuối. Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ, không hẹn trước:

    “Ngửa mặt lên nhìn mặt

    có cái gì rưng rưng

    như là đồng là bể

    như là sông là rừng”

Sự đổi thay của con người không làm vầng trăng cau mặt. Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ. “Trăng tròn” là một hình ảnh thơ khá hay, không chỉ là ánh trăng tròn mà còn là tình cảm bạn bè trong trăng vẫn trọn vẹn, vẫn chung thuỷ như năm xưa. Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn. Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỷ ngày nào. Cách viết thật lạ và sâu sắc.

Từ cái đối mặt trực diện ấy, ánh trăng đã thức dậy những kỉ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức lại tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên. Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gọi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỉ. Ngôn ngữ bây giờ là nước mắt rưng rức dưới hàng mi. Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao. “Ánh trăng” nghĩa tình hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào:

    “Trăng cứ tròn vành vạnh

    kể chi người vô tình

    ánh trăng im phăng phắc

    đủ cho ta giật mình”.

Trăng tượng trưng cho quá khứ vẹn nguyên chẳng thể phai mờ, là người bạn, là nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. Mặc cho con người vô tình, “trăng cứ tròn vành vạnh”, không thay đổi gì. Đó là vẻ đẹp tự nó và mãi mãi vĩnh hằng. Đó còn là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.

Ở đây, có sự đối lập giữa “tròn vành vạnh” và “kẻ vô tình”, giữa cái im lặng của ánh trăng với sự “giật mình” thức tỉnh của con người. Trăng tròn vành vạnh, trăng im phăng phắc không giận hờn trách móc mà chỉ nhìn thôi, một cái nhìn thật sâu như soi tận đày tìm người lính đủ để giật mình nghĩ về cuộc sống hòa bình hóm nay. Họ đã quên mất đi chính mình, quên những gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của quá khứ để chìm đắm trong một cuộc sống xô bổ, phồn hoa mà ít nhiều sẽ mất đi những gì tốt đẹp nhất của chính mình.

Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta : con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.

Phép nhân hoá trong câu thơ “Ánh trăng im phăng phắc” khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình, thủy chung nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc đang nhắc nhở con người. “Ánh trăng im phăng phắc” tuy tĩnh lặng nhưng đủ làm để làm con người “giật mình” tự thức bản thân, nhận ra sự vô tình lãng quên quá khứ tốt đẹp, tức là con người đang phản bội lại chính mình. Nó còn có ý nhắc nhở con người nên trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp và những giá tri truyền thống.

Có thể thấy, hình ảnh vầng trăng trong bài thơ trước hết là vầng trăng của tự nhiên. Nhưng vầng trăng còn là biểu tượng của quá khứ đầy tình cảm, khi con người trần trụi giữa thiên nhiên, hồn nhiên, không so đo, tính toán. Khi đó, tâm hồn con người rộng mở, khoáng đạt như sông, như đồng, như bể như rừng. Đó hoàn toàn là những hình ảnh thiên nhiên rộng dãi, hùng vĩ. Nhưng khi kháng chiến thành công thì con người nhốt mình vào cửa kính, buyn – đinh, sống riêng cho mình, cho cái cá nhân nhỏ bé. Bởi thế mà không gần gũi, khổng mặn mà với vầng trăng. Lúc này, trăng tượng trưng cho quá khứ ân tình, thủy chung; cho những tình cảm lớn lao mộc mạc nhưng bất tử, sáng trong mãi mãi.

Con người có thể quên quá khứ, nhưng quá khứ không bao giờ quên. Trăng cứ tròn vành vạnh cũng như quá khứ cứ tươi đẹp, không bao giờ mờ phai, không bao giờ khuyết thiếu. Chỉ có những ai mê mải với cái riêng tư ích kỷ mới có thể dửng dưng vô tình đến vậy. Nhưng vầng trăng ấy bao dung, không “kể chi người vô tình”. Chính thái độ lặng im cao thượng ấy càng làm những ai sớm quên quá khứ nghĩa tình phải giật mình.

Bài thơ “Ánh trăng” là tâm sự của Nguyễn Duy, là suy ngẫm của nhà thơ trước sự đổi thay của hoàn cảnh sống, khi mà con người từ chiến tranh trở về cuộc sống hòa bình. Những sông, đồng, bể, rừng là hình ảnh tượng trưng, nhưng cũng là hình ảnh thật của những người kháng chiến. Thành phố là môi trường mới, là hình ảnh thật của những người kháng chiến không đặt chân tới. Môi trường mới, hoàn cảnh mới làm cho con người sống cách biệt với thiên nhiên cũng có nghĩa là xa dần quá khứ, lạnh nhạt dần với quá khứ. Ánh trăng nghiêm nghị vằng vặc soi sáng hay cũng chính là lời cảnh báo tình trạng suy thoái về tình cảm, sẽ dẫn đến suy thoái lối sống, suy thoái đạo đức. Nó nhắc nhở con người cần thuỷ chung với quá khứ, vói những điều tốt đẹp của quá khứ.

Vầng trăng và ánh trăng mang ý nghĩa biểu trưng, trở thành hình tượng xuyên suốt bài thơ, tạo thành dòng chảy liên hồi, là sợi dây kết nối con người trong hiện tại và quá khứ đã qua. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ câu chuyện tưởng như là thường tình nhưng đã thức tỉnh con người. Con người tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian khổ mà nghĩa tình đối với thiên nhiên, đất nước bình dị. Bài thơ có ý nghĩa nhắc nhở, củng cố người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ.

Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng (mẫu 2)

Ánh trăng được viết vào năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi đất nước thống nhất được ba năm. Tác phẩm là những suy ngẫm của tác giả về thái độ, lối sống của con người trước quá khứ gian lao, tình nghĩa. Và những suy ngẫm đó được thể hiện qua hình ảnh vầng trăng giàu giá trị ý nghĩa.

Sáng tác về trăng, lấy trăng làm đề tài trung tâm là chủ đề muôn thuở của thơ ca. Ta có thể kể đến vầng trăng tri kỉ, bầu bạn với Bác: Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia , thơ hiện đại có thể kể đến vầng trăng của Chính Hữu trong bài Đồng chí: Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo,… Góp một phần nhỏ bé vào chủ đề đó, Nguyễn Duy đã đem đến cho người đọc những suy nghĩ, cảm nhận và chiêm nghiệm sâu sắc thông qua biểu tượng ánh trăng giàu ý nghĩa.

Ánh trăng trở đi trở lại trong văn bản, và ngay cả nhan đề của tác phẩm cũng được đặt tên là Ánh trăng cho thấy ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của hình tượng này. Ánh trăng biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên gần gũi, trong sáng và tươi mát. Ánh trăng còn là biểu tượng của tình cảm tri âm, tri kỉ. Và sâu sắc, ý nghĩa hơn, ánh trăng còn biểu tượng cho quá khứ thủy chung, tình nghĩa. Ánh trăng xuất hiện trải đều từ đầu đến cuối tác phẩm và ở mỗi khúc đoạn ánh trăng lại mang những ý nghĩa riêng.

Trước hết ánh trăng trong tác phẩm Nguyễn Duy là hình ảnh đẹp của thiên nhiên với tất cả những gì thi vị, đẹp đẽ, gần gũi nhất của thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy hiện lên thật rõ qua hai khổ thơ đầu của tác phẩm. Thời ấu thơ hồn nhiên tác giả sống hòa mình với thiên nhiên, đồng, sông, bể, rừng, điệp từ với được lặp lại ba lần càng đậm tô thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên. Vầng trăng trong quá khứ đẹp đẽ, bình dị : Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ. Hình ảnh so sánh càng cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp mộc mạc, rất đỗi hồn nhiên trong sáng của vầng trăng. Và vẻ đẹp ấy cũng chính là biểu tượng cho tâm hồn trong sáng, vô tư của con người. Từ tấm nhỏ cho đến khi khôn lớn trưởng thành ra chiến trận, vầng trăng luôn gắn bó thân thiết bên con người. Trăng chính là người bạn của con người, không chỉ vậy trăng là biểu tượng cho thiên nhiên dịu dàng, tươi mát, mơ mộng, lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ của con người.

Và đặc biệt trong những năm chiến tranh gian khổ ác liệt nhất vầng trăng thành tri kỉ của con người. Hai tiếng tri kỉ vang lên thật thiêng liêng, nồng ấm. Vầng trăng được nhân hóa, trở thành người bạn thân thiết, người đồng chí chia sẻ mọi buồn vui, gian khó với người lính trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Những tưởng rằng, tình bạn tri kỉ ấy sẽ bền vững mãi mãi, cũng như chính tác giả khẳng định: ngỡ không bao giờ quên/ cái vầng trăng tình nghĩa.

Không chỉ vậy, ánh trăng còn biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung. Hòa bình lập lại, hoàn cảnh sống thay đổi, con người giản dị, hồn nhiên trong quá khứ không còn, họ sống an yên trong ánh điện cửa gương mà quên đi ánh trăng thủy chung, quên đi người bạn tri âm, tri kỉ của họ. Bởi vậy, vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường. Từ một người bạn thân thiết, từ một tri kỉ trở thành một người dưng có gì đó đau đớn và chua xót biết nhường nào. Nhưng ánh trăng vẫn vẹn nguyên nghĩa tình, không một lời trách than, oán thán vẫn hàng ngày lặng lẽ quan sát người bạn năm xưa.

Ánh trăng giúp con người thức tỉnh, thoát khỏi lối sống bạc bẽo để trở về trân trọng, nâng niu lối sống thủy chung, tình nghĩa. Trong giây phút đèn điện chợt vụt tắt, như một lẽ rất tự nhiên con người vội bật tung cửa sổ để tìm một nguồn sáng khác. Và cũng trong chính khoảnh khắc ấy, vầng trăng bất ngờ hiện ra khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, nhắc gợi biết bao kỉ niệm trong quá khứ. Ánh trăng vẫn vậy, vẫn mang vẻ trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình. Ở đây ta thấy có sự đối lập giữa tròn vành vạnh và kẻ vô tình, giữa cái im lặng của ánh trăng và sự thức tỉnh của con người. Ánh trăng vẫn mang vẻ đẹp tình nghĩa vẹn nguyên, thủy chung không bao giờ thay đổi cho dù con người có thay đổi như thế nào đi chăng nữa. Trước sự bối rối của con người, ánh trăng vẫn im phăng phắc. Sự im lặng mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng chính là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.

Với biểu tượng ánh trăng, Nguyễn Duy đã gửi gắm nhiều suy tư, triết lí. Đó là lời gửi gắm với thế hệ hiện tại và cả tương lai về thái độ sống thủy chung, tình nghĩa, luôn biết ơn quá khứ nghĩa tình sâu nặng. Phải ghi nhớ lối sống tốt đẹp của cha ông ta uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Dù ra đời đã lâu nhưng hình ảnh ánh trăng nói riêng và bài thơ Ánh trăng nói chung vẫn còn giữ nguyên giá trị lâu bền của nó.

Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng (mẫu 3)

Có thể nói trăng là sự kết tinh của những gì đẹp nhất, tinh túy nhất, vẻ đẹp của nó đủ để làm mê đắm hồn thi nhân. Trăng như một người bạn hữu gắn bó bền chặt với con người, là thú vui để họ đăng lầu vọng nguyệt, đàm đạo thi ca. Ánh trăng dát vàng lung linh ánh sáng dịu nhẹ ấy tỏa lan mọi nẻo đường, nó như chạm đến cả tâm hồn thi nhân. Bởi vậy mà trăng luôn là bến đợi, bến chờ của nhiều tác giả. Họ đã đi sâu vào khám phá mọi khía cạnh trong vẻ đẹp của ánh trăng bằng sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc. Và sự khám phá ấy như được phô diễn, được thấm nhuần qua từng câu thơ, từng trang viết. Hình ảnh Ánh trăng đã đi vào thơ ca với vẻ đẹp vĩnh hằng, giờ đây nó như hiện hữu bất diệt trong các bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận; “Đồng chí” của Chính Hữu và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Đó đều là những thi phẩm tràn ngập ánh trăng.

Trong vườn thơ dân tộc, ta đã bắt gặp hình ảnh ánh trăng trong nhiều thi phẩm với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó bao trùm tạo vật, gắn bó với con người dẫu đó là lúc gian khổ của chiến tranh khi hòa bình lập lại. Phải chăng vì thế mà nó đã được các nhà thơ khám phá và thể hiện một cách vừa gần gũi lại vừa riêng biệt trên những trang viết của mình? Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, ta dễ bắt gặp hình ảnh ánh trăng đồng cam cộng khổ cùng những người lính trong thời chống Pháp. Nhà thơ đã gợi mở một không gian bao la của núi rừng Việt Bắc, một hoàn cảnh khắc nghiệt của đêm đông lạnh giá để rồi trăng xuất hiện làm tan biến hết những gian khổ thử thách ấy. Nếu qua những “Cơn ớn lạnh”, những trận “Sốt run người” và những thiếu thốn về vật chất, ta thấy những biểu hiện yêu thương đùm bọc của tình đồng chí thì khổ thơ cuối lại nêu lên những biểu hiện cao đẹp nhất, đó là chung chiến hào:

    “ Đêm nay rừng hoang sương muối

    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

    Đầu súng trăng treo”

Trong đêm đông vô cùng lạnh lẽo hoang vu giữa núi rừng chiến khu, trong gian khổ khắc nghiệt, trong căng thẳng “Chờ giặc tới” thi các chiến sĩ vẫn “đứng cạnh bên nhau”, vào sinh ra tử có nhau.Và trong hoàn cảnh đó thì trăng cũng như một người đồng chí, đồng đội luôn gắn bó và tỏa ánh sáng ấm nồng làm dịu đi cái rét buốt của thiên nhiên. Ánh trăng soi sáng tạo vật, rọi sáng mọi nẻo đường lối đi của các anh lính Cụ Hồ. Nếu người lính trên đường ra trận có ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan thì người lính đi phục kích giặc giữa một đêm đông “rừng hoang sương muối” lại có “đầu súng trăng treo”. Dưới cái nhìn của người lính thì súng và trăng không còn khoảng cách nữa mà quấn quyện với nhau làm tan biến cái hiện thực của chiến tranh gian khổ. Hình ảnh ánh trăng trong thơ Chính Hữu khiến người đọc mê đắm và hòa mình vào không gian bao lãng mạn dưới ánh sáng dát vàng lung linh. Nó như nguồn sáng vô tận rọi vào bức tranh một ánh sáng riêng, một màu sắc riêng thấm đẫm tình người. Phải chăng đó chính là sự khám phá sâu sắc, sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ?

Bài thơ “Đồng Chí” quả thực là một thi phẩm tràn ngập ánh trăng. Nó thể hiện rõ phong cách thơ Chính Hữu. Ngôn ngữ thơ hàm sức, mộc mạc, tiết kiệm trong từng hình ảnh, từng câu chữ mà gợi lên nhiều ý nghĩa. Câu thơ chắc gọn bên ngoài mà ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết bên trong. Có thể nói, nét độc đáo và đặc sắc nhất trong cách thể hiện của Chính Hữu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn. Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc “Súng” và “trăng” là gần và xa, là thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chất chiến sĩ và chất thi sĩ. Phải chăng đó là cách thể hiện rất riêng trong thơ Chính Hữu?

Cũng viết về hình ảnh ánh trăng nhưng trong thời kì đổi mới ở miền Bắc thì Huy Cận lại có sự khám phá rất khác biệt so với Chính Hữu. Đọc bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”; người đọc như được đắm mình trong những trang viết thấm nhuần ánh trăng cuộc sống lao động. Nếu trước năm 1945, thơ Huy Cận giàu chất triết lý và thấm thía bao nỗi buồn thì sau Cách mạng, thơ ông lại dạt dào niềm vui, nhất là khi ông nói về cuộc sống mới, con người mới. Phải chăng vì thế mà hình ảnh ánh trăng trong thơ của ông cũng mang đậm chất vui tươi, hứng khỏi của cuộc sống lao động vùng biển? Huy Cận đã hòa nhập vào cuộc sống lao động và khai thác ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng trong mối quan hệ với con người lao động làm chủ cuộc đời. Nhà thơ đã gợi lên bầu không khí hồ hởi, tràn ngập sức sống của cảnh đánh cá trên biển mênh mông rộng lớn. Ông đã nhập thân vào thiên nhiên, vào công việc, vào con người để rồi vẽ nên một khung cảnh lao động vừa thực vừa ảo:

    “ Thuyền ta lái gió với buồm trăng

    Lướt giữa mây cao với biển bằng

    Ra đậu dặm xa dò bụng biển

    Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Nếu trong cảnh rừng hoang sương muối, trang đồng cam cộng khổ như một người đồng chí, đồng đội thì giờ đây trong công việc đánh bắt cá của ngư dân, trăng lại là một người bạn đồng hành trên mọi chuyến ra khơi. Đoàn thuyền “lướt”nhẹ mà nhanh trên mặt biển hiền hòa phẳng lặng như một tấm gương soi cảnh trời mây. Trong cái tốc độ phi thường của con thuyền thì có gió lái thuyền đi, buồm đầy trăng sáng. Nhưng nhà thơ lại viết “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” thì hình như nó đã biến thành đoàn thuyền của toa nhận mặc khách rồi, đâu còn là đoàn thuyền của ngư dân đánh cá nữa! Ánh trăng theo con người đi khắp biển khơi, tỏa ánh sáng lung linh dát vàng trong đèn tối soi tỏ mọi hoạt động của ngư dân. Biển nước chan hòa ánh trăng làm lộ ra những con cá rực rỡ sắc màu. Ánh trăng quyện với hơi thở của nước Hạ Long tạo nên một không khí vừa hứng khởi lại vừa nên thơ, khiến người đọc như đi vào cõi mộng. Phải chăng đó chính là sự khám phá của Huy Cận về hình ảnh ánh trăng tròn và sự gắn bó với con người lao động làm chủ đất nước?

Nhà thơ đã vẽ nên một khung cảnh lao động tràn ngập ánh trăng với đôi mắt quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, với trái tim nhạy cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện. Huy Cận đã sáng tạo hình ảnh đẹp, độc đáo qua cách sử dụng màu sắc, sử dụng các thủ thuật nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa và thậm xưng. Từng câu thơ đều thấm đượm bao sức sống mãnh liệt của người dân vùng biển cũng thấm đượm ánh trăng. Đó chính là cách thể hiện rất riêng trong thơ Huy Cận.

Thơ Nguyễn Duy cũng đi sâu vào khám phá vẻ đẹp của hình ảnh ánh trăng trong sự gắn bó với con người nhưng còn pha màu triết lí thâm trầm và đầy ấn tượng. Ánh trăng ấy tỏa sáng bất diệt, vĩnh hằng trong bài thơ “Ánh trăng” một bài thơ được cô đúc nên từ tâm sự.

Có lẽ nhìn trăng tác giả như nhìn thấy phần khuất tối của mình, thấy được sự vô tâm, quên lãng đáng trách. Xưa, Nguyễn Tuân đã từng coi trăng là “cố nhân”, Xuân Diệu trong bài “Nguyệt Cầm” cũng đã tha thiết gọi: “Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần”. Trở lại với bài thơ “Ánh trăng”, bao nhiêu cảm xúc dường như nén lại nhưng nó cứ thổn thức trong lòng. Trong cái khoảnh khắc bất ngờ ấy khiến cho lòng người trở nên “rưng rưng” – cái “rưng rưng” làm cho con người thanh thản lại, vững tâm lại, cái tốt như hé lộ. Cái nút tâm lí giờ đây đã được nới rộng và niềm tâm sự cũng đang dần được tháo gỡ. Cuộc gặp gỡ giữa trăng với người không hề “tay bắt mặt mừng” mà lắng xuống ở độ sâu cảm nghĩ. Xưa Lí Bạch có viết:

    “Cử đầu vọng minh nguyệt

    Đê đầu tư cố hương”

Nếu ở đây, hai câu thơ trên khơi nguồn cảm xúc cho thơ hướng về quê hương thì trong thơ Nguyễn Duy, trăng lại đưa người đọc tìm về những miền kí ức xa xăm trong quá khứ. Nhìn trăng, nhà thơ nhìn thấy bao kỉ niệm đẹp chợt ùa về – những kỉ niệm đầm ấm nghĩa tình. “Đồng, sông, bể, rừng” tất cả những thứ ấy, thứ quen thuộc với quá khứ lại hiện hữu trong tâm trí con người. Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băm khoăn, rối bời của tâm trạng. Trước cái nhìn sám hối của nhà thơ, vầng trăng như gợi lên báo cái “còn” mà con người tưởng chừng như đã mất. Hai gương mặt đối diện với nhau ở đây lấp lánh những điều không nói. Phải chăng nó khiến ta nhớ đến khi tình yêu mới bén giữa Kim Trọng và Thúy Kiều? Cũng chính trong giây phút ấy, vầng trăng đã trả cho nhà thơ sự vô tư và tình người dạt dào. Đoạn thơ như đã khắc sâu điều mà nhà thơ muốn tâm sự. Phải chăng những kỉ niệm này cũng khơi dậy cái ân tình sâu nặng của một thế thời chinh chiến?

Nguyễn Duy đã đem phần đẹp nhất, nhân hậu nhất, trong sáng nhất của trăng để soi vào phần đen tối nhất của con người. Trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho sự bất biến, cho vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc đời. Thời gian, kỉ niệm cứ như dòng chảy không ngừng những nó đâu cuốn đi được lòng thủy chung son sắt của trăng? Cái tròn đầy đó đối lập với cái hụt với của kẻ vô tình. Trăng bao dung độ lượng biết bao! . “Ánh trăng im phăng phắc” gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc khiến nhà thơ giật mình thức tỉnh mặc dù trăng không một lời oán trách. Nhìn trăng – tác giả như nhìn thấy sự vô tâm quên lãng của mình đối với người bạn tri kỉ trong một thời gian quá khứ. Cái “Giật mình” ấy thật đáng trân trọng – một sự thức tỉnh của lương tâm. Phải chăng qua đó tác giả muốn rung lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người? Thế mới biết, những bài học sâu sắc về đạo lí làm người đâu cứ phải tìm trong sách ở hay từ những khái niệm trừu ượng xa xôi!

Trong bài thơ, ánh trăng tỏa sáng không gian, rọi sáng tâm hồn, làm sống dậy trong tâm trí con người bao kỉ niệm gian lao mà đầm ấm nghĩa tình. Những tâm sự sâu kín của người thi sĩ giờ đây là tình cảm chung của cả một thế hệ nặng sâu ân tình. Ta dễ thấy, suốt cả bài thơ chỉ có một chủ thể nhưng cái chủ thể ấy lại dấu mình vô danh. Phải chăng qua đó, Nguyễn Duy muốn nói lên tâm sự chung của mọi người thuộc cùng thế hệ? Cả bài thơ là dòng hoài niệm của nhà thơ về quá khứ nghĩa tình về tuổi thơ hạnh phúc. Đó không còn là một câu chuyện riêng, một tâm sự riêng mà là tiếng lòng sâu sắc của bao người khác. Cái “tôi” chủ quan giờ đã biến thành cái “ta” mang ý nghĩa khái quát hơn, rộng lớn hơn. Cái chung và cái riêng – cái kỉ niệm và cái ân tình cứ hòa quyện với nhau tạo nên một hồn thơ dạt dào cảm xúc.

Vậy với tư cách là một độc giả đi dạo trên chuyến đò thời gian men theo dòng hoài niệm của Nguyễn Duy, ta có thể khẳng định rằng bài thơ “Ánh trăng” là một bài thơ hay mang đầy giá trị. Cái giá trị ấy là sự kết tinh của dòng cảm xúc sâu lắng và chất triết lí thâm trầm. Bài thơ là sự giao nhau của tâm hồn thi sĩ với tâm sự nghĩa tình của cả một thế hệ. Chúng hòa quyện với nhau tạo nên một tư tưởng triết lí sâu xa.

Qua ba tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, “Đồng chí”, “Ánh trăng” chúng ta thấy rõ sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng của ba nhà thơ. Ánh trăng không chỉ là ngọn đèn soi sáng giữa đêm tối mập mờ, mà nó còn là người bạn chi kỉ trên suốt chặng đường ta đi. Dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy ánh trăng vẫn là người bạn luôn sánh bước bên ta. Ánh trăng thủy chung, trọn vẹn, nghĩa tình sắt son. Đó là đạo lí đắt giá không chỉ cho thế hệ những người đã qua một thời trận mạc mà còn cho cả một lớp người mai sau.

Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng (mẫu 4)

   Từ lâu, ánh trăng thơ mộng đã đi vào thi ca nhạc họa, nuôi một nguồn cảm hứng dồi dào bất tận. Nếu như trong ca dao xưa, trăng là nơi hò hẹn, trao gửi tâm tư thầm kín của đôi lứa yêu nhau; trong "Tĩnh dạ tứ" của Lí Bạch đời Đường, nhà thơ nhìn trăng soi mà thổn thức nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương thì đến với "Ánh trăng" của Nguyễn Duy, người đọc lại bắt gặp hình ảnh ánh trăng chất chứa một ý nghĩa triết lí sâu sắc, một đạo lí tốt đẹp ở đời, đó là đạo lí "uống nước nhớ nguồn", ân nghĩa thủy chung trong quá khứ. Bài thơ ra đời năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau ba năm đất nước được hòa bình, thống nhất.

   Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ – chiến sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đây là thế hệ từng trải qua bao thử thách, gian khổ, từng chứng kiến bao hi sinh lớn lao của nhân dân, đồng đội trong chiến tranh, từng sống gắn bó cùng thiên nhiên tình nghĩa. Nhưng khi đã qua thời máu lửa, nước nhà thống nhất, được sống trong hòa bình, giữa những tiện nghi hiện đại, người ta dễ lãng quên những gian lao, nghĩa tình của một thời đã qua. "Ánh trăng" được viết trong bối cảnh cảm xúc đó, như một lần "giật mình" của Nguyễn Duy trước sự vô tình, lãng quên dễ có ấy. Trong bài thơ, nhà thơ đã sáng tạo nên hình ảnh ánh trăng, hình ảnh này có tính chất ẩn dụ, biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên; cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của cuộc sống trong quá khứ, chẳng thể phai mờ; và là biểu tượng của phẩm chất cao đẹp, trong sáng, thủy chung, tình nghĩa, bao dung và vô tư không đòi hỏi sự đáp đền. Vì thế, chúng ta có thể co gọn hình ảnh vầng trăng trong ba tầng nghĩa: vầng trăng tri kỉ; vầng trăng nghĩa tình và vầng trăng thức tỉnh.

   Trước hết, vầng trăng được nhân hóa trở thành người bạn tri kỉ, nghĩa tình của con người trong thuở quá khứ xa xăm. Khi đó trăng và người như hòa với nhau làm một, với tình cảm mặn nồng, gắn bó thiết tha:

   Hồi nhỏ sống với đồng

   với sông rồi với bể

   hồi chiến tranh ở rừng

   vầng trăng thành tri kỉ

   trần trụi với thiên nhiên

   hồn nhiên như cây cỏ

   ngỡ không bao giờ quên

   cái vầng trăng tình nghĩa

   Tất cả những hoài niệm xa xăm ấy đều thấm đẫm ánh trăng, từ thuở ấu thơ cho tới lúc trưởng thành, nhất là trong những năm tháng chiến tranh. “Hồi nhỏ” gắn mình với thiên nhiên như với đồng ruộng, với sông bể của quê hương. Lớn lên trở thành người lính xông pha trận mạc gắn mình với rừng núi bao la, bát ngát. Trong cuộc ấy, con người sống chan hòa với thiên nhiên, bình dị, ấm áp, hiền hòa.Và vầng trăng “tri kỉ”, “tình nghĩa” đã minh chứng cho sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Ở đây, Trăng được nhân hóa như con người và trở thành người bạn tuyệt vời cùng với con người: Trăng chia sẻ mọi vui buồn, gian khó, đồng cam cộng khổ xoa dịu những vết thương của chiến tranh bằng thứ ánh sáng dịu hiền nên trở thành người bạn “tri kỉ”, tri âm. Con người sống “trần trụi với thiên nhiên”, “hồn nhiên như cây cỏ”, một cuộc sống thanh thản, giản dị và thỏa lòng. Và trăng với người sống chan hòa, gắn bó đằm thắm “tình nghĩa” với nhau. Vì vậy, lòng đã tự hẹn với lòng bằng một tấm lòng thủy chung, tình nghĩa, son sắt: “bao giờ quên”. Nhưng từ “ngỡ” như vừa thể hiện niềm xót xa, tiếc nuối, ân hận; lại vừa báo hiệu trước sự đổi thay một tình nghĩa đáng lẽ cần phải trân trọng.

   Thế nhưng, từ sau tuổi thơ và chiến tranh, hòa bình của đất nước được lập lại, người lính đã giã từ nơi rừng núi trở về thành phố, nơi đô thị phồn hoa thì cái vầng trăng tình nghĩa tri kỉ năm nào đã bị con người lãng quên, coi "như người dưng qua đường":

   Từ hồi về thành phố

   quen ánh điện cửa gương

   vầng trăng đi qua ngõ

   như người dưng qua đường

   Thành phố là một môi trường sống mới, một địa điểm khác hoàn toàn mới mẻ, hiện đại, đối lập với không gian sống hồi nhỏ và khi còn là người lính trên chiến trường ác liệt. Nơi ấy, có cuộc sống đủ đầy, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại nơi phồn hoa đô thị "ánh điện cửa gương", rời xa với thiên nhiên "đồng, sông, rừng, bể". Vì thế, tình cảm của con người dần phai nhạt và “Vầng trăng tri kỉ, tình nghĩa” kia đã trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng đi qua ngõ nhưng con người hờ hững, thờ ơ, không còn nhận ra trăng từng là người bạn tri kỉ, tình nghĩa của một thời đó nữa. Câu thơ dưng dưng - lạnh lùng - nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng?. Và từ đó, trong lòng người đọc lại dộn lên lời thơ khắc khoải của Tố Hữu trong bài thơ "Việt Bắc". Trong giờ phút chia tay giữa người lính và đồng bào nhân dân miền Tây, người dân Việt Bắc cũng băn khoăn, canh cánh một tâm trạng xót xa:

   Mình về thành thị xa xôi

   Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

   Phố đông còn nhớ bản làng

   Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

   Từ sự xa lạ giữa người với trăng, giữa hiện tại và quá khứ, Nguyễn Duy muốn nhắc nhở chúng ta: đừng để những giá trị vật chất, guồng quay bận bịu, lo toan của cuộc sống cuốn chúng ta đi mất để rồi lãng quên giá trị bình dị mà vững bền sâu xa, những kỉ niệm, ngọt ngào, đong đầy tình cảm, những điều đáng để chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, ân tình trọn vẹn. Câu chuyện tâm tình được kể ngắn gọn, súc tích, mộc mạc, giản dị mà chân thành; những câu chữ đầu dòng thơ không viết hoa đã diễn tả dòng suy tư miên man không dứt của nhà thơ trước sự chảy trôi của thời gian, năm tháng và sự thay đổi của lòng người trước cuộc sống tiện nghi.

   Và rồi tưởng chừng như Trăng cứ thế mà chìm khuất đi mãi mãi, người với Trăng sẽ chẳng còn cơ hội mà gặp gỡ nhau. Bởi trước phồn hoa đô hội, dưới ánh sáng cửa gương, đèn điện, dưới sự bận bịu, lo toan cho cuộc sống của con người thì Trăng sẽ trở nên nhạt nhòa, chìm khuất nhưng nó đã có dịp bừng sáng lên khi một tình huống bất ngờ xảy đến, để rồi đánh thức biết bao nhiêu là suy ngẫm, kỉ niệm dội về trong lòng người đổi thay:

   Thình lình đèn điện tắt

   phòng buyn-đinh tối om

   vội bật tung cửa sổ

   đột ngột vầng trăng tròn

   Nếu ở các khổ thơ trước, giọng thơ đều đều, chậm dãi, miên man trong những kỉ niệm tươi đẹp của quá khứ thì đến khổ bốn, giọng thơ đã đột ngột cất cao, thể hiện sự choáng ngợp, bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của vâng trăng trước khung của sổ. Mất điện, theo một lẽ tự nhiên khi con người chỉ tìm tới nơi có ánh sáng, hạnh động phản xạ như một thói quen “vội bật tung cửa sổ” và con người đã vô tình bắt gặp “vầng trăng tròn” tình nghĩa năm nào. Nghệ thuật đảo ngữ đã đẩy từ “đột ngột” lên đầu câu thơ, nhấn mạnh đến sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bàng hoàng của con người khi bắt gặp vầng trăng. Vầng trăng tròn vành vạnh, chan chứa tình nghĩa vẫn luôn dõi theo, đồng hành cùng con người, vẫn luôn lặng lẽ tỏa sáng không hề hao khuyết. Còn con người thì lãng quên vầng trăng nên khi bắt gặp vầng trăng mới cảm thấy bất ngờ, đột ngột đến như vậy.

   Mọi khoảng lặng xung quanh rất cần cho lúc này, mọi thứ như ngừng trôi đi, nhường chỗ cho hai tâm hồn gặp gỡ:

   Ngửa mặt lên nhìn mặt

   có cái gì dưng dưng

   như là đồng là bể

   như là sông là rừng

   Con người lặng lẽ đối diện với trăng “Ngửa mặt lên nhìn mặt” và ngậm ngùi “rưng rưng” như trực trào nước mặt sắp khóc, vừa vui mừng, vừa ngẹn ngào không nói được thành lời. Từ “mặt” ở cuối câu thơ đầu là từ nhiều nghĩa, tạo nên sự đa nghĩa của ý thơ: Nhà thơ đối diện với vầng trăng, người bạn tri kỉ mà mình đã lãng quên. Người đối diện với trăng, trăng đối diện với người hay chính là quá khứ đối diện với hiện tại, thủy chung tình nghĩa đối diện với sự bạc bẽo, vô tình. Đối diện với trăng, nhà thơ như soi thấy cả mình trong đó, như được sống lại với những năm tháng gắn bó với thiên nhiên “đồng, sông, rừng, bể”. Vì thế, đã làm cho con người nhà thơ “rưng rưng” xúc động. Sự xúc động ấy vừa là niềm vui khi được sống lại với quá khứ; lại vừa là giọt nước mắt của sự ăn năn, cảm thấy hổ thẹn, ân hận về sự đổi thay của chính mình. Giọng thơ chuyển từ sự bất ngờ, đột ngột chuyển sang xúc động “rưng rưng”. Điệp ngữ “như là”, kết hợp với biện pháp liệt kê hình ảnh “đồng – sông – rừng – bể” đã khiến nhịp thơ trở nên trầm lắng, chậm rãi và những lớp sóng của hoài niệm xa xăm cứ tự đâu ùa về thật xúc động thiêng liêng.

   Từ hồi tưởng đến hiện tại, từ hiện tại tới xúc động rưng rưng và cuối cùng lắng dần vào trong những suy ngẫm, chiêm nghiệm. Đó là những phút giây bừng ngộ của tâm hồn nhà thơ mà cũng chính là lời nhắn nhủ thiết tha mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm trong cuộc đời. Vì thế, khổ cuối chính là nỗi niềm suy tư và sự trăn trở, suy ngẫm mang tính tổng kết triết lí của nhà thơ trước vầng trăng tình nghĩa:

   Trăng cứ tròn vành vạnh

   kế chi người vô tình

   ánh trăng im phăng phắc

   đủ cho ta giật mình.

   Suốt chiền dài bài thơ, Trăng được miêu tả với rất nhiều những định ngữ khác nhau như: trăng tri kỉ, trăng tình nghĩa, vầng trăng tròn và cuối cùng kết tinh thành "Trăng cứ tròn vành vạnh". Điều đó đã cho thấy, trăng trở thành biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng, không thay đổi; biểu tượng cho sự tròn đầy, thủy chung, trọn vẹn của thiên nhiên tươi đẹp trong quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai, cho dù lòng người đổi thay, khiếm khuyết “vô tình”. Hình ảnh ánh trăng được nhân hóa với thái độ “im phăng phắc” gợi cho chúng ta liên tưởng tới cái nhìn nghiêm khắc như trách móc, nhắc nhở con người về thái độ “vô tình” bạc bẽo, lãng quên của chính mình. Nhưng đồng thời thái độ "im phăng phắc" đó của trăng cũng chất chứa cả sự bao dung, nhân từ, độ lượng của người bạn thủy chung, tình nghĩa. Bởi dù lòng người thay đổi nhưng trăng vẫn dõi theo người, vẫn lặng lẽ tỏa sáng, vẫn cứ “tròn vành vạnh”. Dòng thơ cuối dòn nén biết bao nhiêu là cảm xúc trong cái “giật mình” của con người. Chính sự im lặng của trăng đã làm cho con người phải “giật mình” thức tình, hay đó chính là cái "giật mình" của nhân cách, của lương tâm, là lời sám hối chân thành để rửa sạch tội lỗi, để tâm hồn trở nên trong sạch và sống tốt đẹp hơn.

   Lời thơ chuyển từ “vầng trăng tròn vành vạnh” sang hình ảnh “ánh trăng” chất chứa nhiều ý nghĩa khái quát: nếu như vầng trăng tròn là để nói về quá khứ thủy chung, tình nghĩa vẹn nguyên thì “ánh trăng” lại để nói đến vầng hào quang của quá khứ, ánh sáng của lương tâm, của đạo đức soi rọi xua tan đi những bóng tối của sự lãng quên, bội bạc và làm con người thức tỉnh, tâm hồn trở nên trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn. Vì thế, ánh trăng của Nguyễn Duy là một thứ vầng trăng mang đầy tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Nó trở thành một bài học không chỉ dành riêng cho những người lính mà còn có ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi thời đại để rồi từ đó, tự mỗi người trong mỗi chúng ta sẽ tự đối diện với chính mình, với quá khứ xem mình đã sống ra sao, như thế nào...

   Tóm lại, qua hình ảnh ánh trăng trong bài thơ, chúng ta thấy được những lớp nghĩa ẩn dụ sâu xa mà nhà thơ gửi gắm. Đó là một bài học mang ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc ở đời, chứa đựng đạo lí truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang ý nghĩa nhắc nhở về lòng biết ơn, sự thủy chung son sắt và tấm lòng biết trân trọng đối với những giá trị thiết thân, bình dị mà bền vững mà ta đã từng gắn bó, từng trải qua, nay đã thuộc về quá khứ. Và ánh trăng thực sự là tấm gương soi sáng, giúp mọi người nhìn lại chính mình mà "đối diện đàm tâm", để tìm lại cho mình những điều mà ta chợt quên lãng...

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 chọn lọc, hay khác: